Trang chủ » Tin văn và...

LỄ VIẾNG NHÀ THƠ PHAN XUÂN HẠT

Theo QTXM
Thứ sáu ngày 24 tháng 4 năm 2015 1:45 PM

Sau hơn một tháng điều trị tích cực do lâm bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, , Nhà thơ lão thành Phan Xuân Hạt đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ 58’ sáng nay 23/4/2015 - 5/3/Ất Mùi – Thọ 85 tuổi. 

Theo Ban tổ chức tang lễ: Lễ nhập quan lúc 7 giờ 15’, lễ viếng từ 9 đến 11 giờ trưa thứ 7 – ngày 25/4/2015 (7 tháng 3 năm Ất Mùi) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngay sau Lễ viếng là Lễ truy điệu và đưa tang về Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển – Hà Nội.

Trần Nhương cùng bạn đọc trannhuong.net xin chia buồn cùng gia quyến nhà thơ, cầu mong cho linh hồn nhà thơ Phan Xuân Hạt thanh thản về cõi vĩnh hằng

Trong cuốn “HỢP TUYỂN THƠ PHAN XUÂN HẠT” Do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in và phát hành năm 2012, phần “ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ VÀ BÚT TÍCH”, Nhà thơ Phan Xuân Hạt tự bạch:

“Tôi sinh ngày 5/4/1931 tại thôn Đông nay là thôn Phan Đăng Lưu, xã Tràng Thành nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tôi học tiểu học và trung học dưới thời Pháp thuộc cho đến năm 1945. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, tôi học tiếp lên trường chuyên khoa tại Hà Tĩnh cho đến năm 1950 rồi ra dạy trung học (cấp 2 kháng chiến) tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Từ năm 1953, tôi công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, rồi năm 1956 ra dự trại sáng tác văn học do Hội Văn nghệ Việt Nam và UBCCRĐ Trung ương tổ chức tại Hà Nội. Năm 1957, chuyển về làm biên tập tại Nhà xuất bản Thanh Niên thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh rồi phụ trách phòng Biên tập, Hiệu trưởng “Trung tâm bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ TNXPCMCN” - năm 1967. Sau đó làm chuyên viên cao cấp, trợ lý Giám đốc – Tổng biên tập của Nhà xuất bản Thanh Niên cho đến khi nghỉ hưu (1993).

Tôi vào Hội Nhà văn Hà Nội năm 1968, vào hội Nhà văn Việt Nam năm 1969 do hai nhà thơ Chế Lan viên và Tế Hanh giới thiệu.

Tôi đã in 10 tập thơ, trong đó có những tập đáng chú ý: “Mách với bố” (thơ cho thiếu nhi) – Nhà xuất bản Kim Đồng – 1961; “Trăng rằm” - Nhà xuất bản Thanh Niên – 1985; “Khoảng xanh êm còn lại” - Nhà xuất bản Văn Học – 1995.

Từ năm 1959, thơ được dịch in vào sách, báo các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Liên xô (cũ), Tiệp Khắc, CHLB Đức, Pháp, Cu Ba, Campuchia…

Thơ đã được chọn in vào 50 tuyển tập thơ các loại của các nhà xuất bản trung ương và các thành phố, các tỉnh…

Từ năm 1957 đến nay, tôi định cư với gia đình tại 48 phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội”.

Dưới đây là mấy dòng bút tích (bài thơ “Tứ tình”:

TỨ TÌNH

Tình đời, tình bạn, tình yêu

Tình quê lai láng những chiều nhớ mong

Đường đời rong ruổi, ruổi rong

Tứ tình bát ngát cõi lòng bao la…

5 – 4 - 2012

Phan Xuân Hạt

Chùm thơ rút từ “HỢP TUYỂN THƠ PHAN XUÂN HẠT”

ANH NHÌN EM ĐẸP(*)


Khi em mặc áo trắng tinh
Anh nhìn em đẹp, em xinh nhất đời
Khi em mặc áo hồng tươi
Anh nhìn em đẹp, là người hay hoa?
Khi em mặc áo màu đà (màu nâu)
Anh nhìn em đẹp: hiền hòa dễ thương
Ừ, sao có chuyện lạ thường
Mỗi màu em đẹp mỗi đường khác nhau
Vì đâu, em hỡi, vì đâu?
- Anh yêu em đã từ lâu mất rồi!

(*) Tập thơ "Tình yêu" - Nhà xuất bản Thanh Niên - in vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, có bài thơ "Anh nhìn em đẹp" của Thi sĩ Phan Xuân Hạt. Theo tác giả, ông đã làm bài thơ này khi ngày đầu được gặp mặt cô thôn nữ Cao Thị Bạch Hường, sau này là vợ của nhà thơ. Tập thơ "Tình yêu" ra mắt, bài thơ "Anh nhìn em đẹp" lập tức được lớp lớp thanh niên hồi đó yêu thích chép chuyền cho nhau trong sổ tay văn học trên ghế học đường và cùng bao cô gái, chàng trai ra trận.

SỨC CỎ

Cỏ sống ở công viên

Ngày ngày, người chăm chuốt…

Cỏ sống ở vệ đường

Mặc cho người giẫm đạp

Cỏ sống ở ven đê

Gồng sức lên chống lụt!

Cũng là cỏ đấy thôi

Sống mỗi nơi mỗi khác

Cỏ công viên tươi tốt

Có khi bị cắt bằng

Và nhổ đào tận gốc

Khi cỏ đã úa vàng

Trọn đời cỏ không tiếc

Sức non tơ, mỡ màu

Sống hết mình xanh biếc

Dẫu thế nào, nơi đâu…

Xuân 1984 - 1985

TÁM MƯƠI TUỔI - TÔI

Tám mươi tuổi – Tôi

Vừa mới lên chức Cụ

Cụ là “đủ”

Cụ là “sợ”

Đủ thì đủ ấy bậc trung

Sợ là sợ cái chi chi?

Họp hành vẫn đi

Ngồi xe bạn…quá ư là bảo lĩnh

Tám mươi đây vẫn chưa đeo kính

Thao thức năm canh chỉ sợ gà!

Sống bằng tháng lùi xa

Sống bằng tuần mở cổng

Nghìn tuổi Thăng Long qua

Vọng đất trời tiếng trống

Nâng bước bước chân ta:

Năm …mười năm…có đặng?

10-10-2010

BA ĐIỀU ĐỂ LẠI

Một đứa con để lại

Sau khi ta qua đời

Là niềm vui, sống mãi

Nhân đời lên sinh sôi

Một cuốn sách để lại

Sau khi ta qua đời

Là niềm vui, sáng mãi

Nhân đời lên cao vời

Một cây quả để lại

Sau khi ta qua đời

Là niềm vui lớn mãi

Nhân đời lên ngọt tươi

Ba điều xin để lại

Sau khi ta qua đời

Và niềm vui có phải

Dành riêng cho một người?...

Mùa đông, 1984

(Thông tin từ con rể nhà thơ là Nhà báo Lê Quang Vinh)
Theo quâtngxumua