Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÒ CHUYỆN VỀ NHỮNG CÁI CÂY ĐÃ CHẾT

Nguyễn Quang Thiều
Thứ sáu ngày 24 tháng 4 năm 2015 6:08 AM


Ảnh từ Iahealth.net

Năm 2001, trên đường trở về từ biên giới Pakistan-Afganistans sau một tháng chứng kiến một phần cuộc tấn công của Quân đội Mỹ vào thủ đô Kabul, tôi dừng lại thành phố Karachi của Pakistan để bay về Việt Nam. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một thành phố tưởng chừng nơi đây chưa bao giờ mọc lên một cái cây nào. Karachi có hơn 12 triệu người và một số lượng quạ khổng lồ. Trong hoàng hôn của thành phố, tôi nhìn thấy chúng đậu kín những mái nhà và tôi cảm tưởng như những mái nhà được lợp bằng quạ. Thật vô cùng khó khăn cho chúng có thể kiếm được một vòm cây để đậu xuống. Đây là thành phố ít cây nhất trong hàng chục thành phố trên thế giới mà tôi đã đi qua. Một công dân của thành phố này nói họ có thể đổi một mạng người để lấy một cái cây cho thành phố này. Câu nói ấy làm cho tôi rùng mình. Có gì đó như vô cảm, như độc ác nhưng lại là một sự thật. Một sự thật của khát vọng như mê dại.

Chúng ta cần những cái cây như cần một con người có tâm hồn đẹp trên thế gian này. Một ai đó đã từng nói: con người trước kia vốn là những cái cây. Tôi đã tin điều ấy. Những cái cây đã hiện lên quanh tôi thuở ấu thơ mãi mãi vẫn còn trong trí nhớ tôi như những người thân đã sống cùng tôi trong những năm tháng ấy. Và không phải mộng mị, cũng không phải do bệnh hoang tưởng, mà là sự thật khi tôi đã thấy những cái cây thuở ấu thơ mọc trên những con đường chốn thôn quê hiện về trong một đêm thành phố oi bức và ngạt thở. Những cái cây hiện về giống linh hồn của những người thân đã khuất. Hiện về xanh biếc và lấp lánh ánh sáng của những phiến lá và rực rỡ của những chùm quả. Chúng đứng cạnh chúng ta và tỏa xuống chúng ta tinh thần của những vẻ đẹp mà chúng ta không hề biết.

Trong một trận bão mấy năm trước, người ta thông báo có quá nhiều cây cổ thụ ở Vũng Tàu bị đổ. Những nhân viên của một cơ quan ăn lương Nhà nước làm nhiệm vụ trông coi môi trường của thành phố đã mang những chiếc cưa máy đến và vô cảm cắt xẻ những cái cây cổ thụ. Hành động này làm tôi chợt nhớ đến những câu thơ tôi viết về những gã thợ xẻ đeo mặt nạ, một cái mặt vô cảm, trong những giấc mộng đầy nỗi sợ hãi và sự đe dọa nào đấy. Những kẻ đeo mặt lạ đến bật dây mực dọc thân thể chúng ta và xẻ ra từng mảnh.

Và tôi luôn luôn mang nỗi ám ảnh sợ hãi như vậy khi thấy những nhân viên mang cưa máy cắt và xẻ những cái cây đẹp trong thành phố mà tôi từng nhìn thấy. Tôi không hiểu vì sao Chính quyền thành phố lại không chỉ đạo chống bão cho những cái cây cổ thụ. Quá nhiều người chúng ta không bao giờ nghĩ đến điều ấy. Và tôi tin sẽ không ít người cho tôi là kẻ tâm thần khi nói đến những cái cây như nói đến những con người. Việc chống bão cho những cái cây cổ thụ không phải điều mới lạ. Rất nhiều thành phố trên thế giới đã làm việc này từ lâu. Những cái cây cổ thụ đối với họ là một di sản thiên nhiên. Còn đối với chúng ta chỉ là một đống củi. Sự khác biệt của đẳng cấp văn hoá là ở chỗ này. Sự khác biệt ấy cho thấy khả năng hưởng thụ văn hoá của con người. Ai có khả năng hưởng thụ văn hoá sâu sắc hơn thì người đó tìm thấy ý nghĩa của đời sống tinh thần hơn. Và những người như thế được sống nhiều hơn những kẻ khác trong một cuộc sống mà thời gian sống và điều kiện sống bằng nhau.

Những người cưa cổ thụ. Ảnh từ Internet

Khi một cái cây biến mất thì nó để lại nơi đó một lỗ thủng. Nó để lại một sự trống rỗng không bù đắp được. Một ngôi nhà bị đổ có thể xây lại trong hai, ba năm. Nhưng một cái cây 100 năm tuổi biến mất chúng ta phải đợi 100 năm nữa mới được nhìn thấy. Nhiều năm trước kia, người ta đã cho lấp những hồ nước ở Hà Nội để xây nhà. Khi biết chuyện này, tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi kể chuyện đó với một người bạn nước ngoài và không chỉ ngạc nhiên, ông kinh hoàng. Ông không tin điều đó. Rồi ông nổi giận. Ông thấy chính ông bị xúc phạm. Ông không phải là người Hà Nội và có một ngôi nhà ven hồ nước bị lấp đó. Nghĩa là quyền lợi của cá nhân ông không bị ảnh hưởng. Nhưng hành động lấp hồ nước, đối với ông, là một hành động điên rồ không thể tha thứ được.

Tôi đã dừng lại rất lâu ở một góc phố nơi nhiều năm trước có một cái cây đẹp như cái cây trên Thiên đường. Nhưng một ngày, những gã thợ xẻ ăn lương không đeo mặt nạ như những gã thợ xẻ tôi gặp trong một cơn ác mộng nhưng lại mang những gương mặt vô cảm hơn những chiếc mặt nạ đến và hạ đổ cái cây. Tôi thường dừng lại nơi cái cây bị đốn gục. Có một khoảng trống rỗng không đáy ở nơi đó thật. Những điều tôi đang viết đây không phải là văn chương. Đó là sự thật. Nhưng quá nhiều người đã không biết đến sự thật này. Tôi đã dừng lại và nuối tiếc khôn nguôi. Nơi cái cây bị hạ gục bây giờ mọc lên một tòa nhà nặng nề và quái gở như một căn bệnh.

Vào một đêm khuya khoắt, tôi đi bộ trong thành phố vắng người. Lúc này, những cái cây hiện ra như những công dân chính thức của thành phố và sống một cuộc sống đích thực của họ. Tôi dùng từ họ để gọi những cái cây. Bởi họ luôn luôn mang một tâm hồn lộng lẫy. Họ luôn dịu dàng, nhân ái và che chở chúng ta. Họ đã thực sự cứu rỗi chúng ta trong nhiều cách mà chúng ta không nhận ra. Họ chỉ mang một ngôn ngữ khác ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Nếu chúng ta hiểu được ngôn ngữ ấy, chúng ta sẽ thấy họ luôn luôn dạy bảo chúng ta nhiều điều: sự kiên nhẫn, lòng nhân ái, sự dâng hiến và những vẻ đẹp của tâm hồn giản dị với sự nồng ấm từ thân mộc và tiếng xào xạc của những vòm lá.

Ảnh của Roxy_Lady

Mỗi cái cây trong thành phố bị hạ gục bởi cưa máy sẽ mãi mãi ra đi như những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãy tưởng tượng một ngày tỉnh giấc, chúng ta không còn nhìn thấy một cái cây nào nữa ở trong vườn, trước cửa nhà hay dọc con phố của mình. Có thể chúng ta không nhận thấy sự cần thiết vô cùng của họ trong một thời gian dài. Nhưng tâm hồn chúng ta sẽ giống như người ủ bệnh nhiều năm. Chúng sẽ ta đau ốm, mệt mỏi và thấy trống vắng. Và đến lúc này, trong tôi lại hiện lên những gã thợ xẻ đeo mặt nạ đến và bật những dây mực dọc thân thể chúng ta. Tôi đã nhìn thấy cảnh tượng đó. Và có bao nhiêu người cũng nhìn thấy như tôi.