Trang chủ » Tin văn và...

'Bộ phận không nhỏ' đã được xử lý đến đâu?

Theo VNN.VN
Thứ sáu ngày 23 tháng 1 năm 2015 8:41 AM


-"Vừa qua, ta đã xử lý kỷ luật các hình thức khác nhau từ khai trừ cho đến cảnh cáo, khiển trách… tổng cộng hơn 50 nghìn đảng viên, nằm rải rác các cấp. Đó là một con số lớn, đáng buồn và nếu không có hơn 5 vạn/ hơn 4 triệu đảng viên như thế thì Đảng đã mạnh hơn nhiều" - PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc.

LTS: Hướng tới kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015), Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, xung quanh vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của Đảng hiện nay.


Nguyễn Trọng Phúc, thành lập Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bỏ phiếu tín nhiệm, Đảng viên, vào Đảng, Bộ phận không nhỏ, tham nhũng
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Ảnh: Mỹ Hòa


Con số lớn, đáng buồn

Củng cố sức mạnh, xây dựng Đảng vững mạnh là công việc đã thực hiện suốt 85 năm qua. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 4 đặt xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt, cấp bách. Sau 3 năm thực hiện, có những ý kiến cho rằng chúng ta đã thu được thành tựu, song chưa được như kỳ vọng. Quan điểm của ông?

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một vấn đề lớn, hết sức được coi trọng trong toàn bộ tiến trình lãnh đạo của Đảng, ở mọi thời kỳ cách mạng, suốt 85 năm qua.

Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra 3 vấn đề cần làm ngay, trong đó vấn đề đầu tiên là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là việc rất thiết yếu, bức bách, vì tồn tại thực trạng là trong Đảng có sự tha hóa, biến chất của một bộ phận.

Đã có những chuyển biến bước đầu rất quan trọng dù vẫn chưa được như mong muốn, là tạo ra bước chuyển căn bản như mục tiêu đề ra.

Nhiệm vụ này rất phức tạp trong điều kiện một đảng cầm quyền, rồi những tác động của kinh tế, xã hội trong ngoài nước. Bên cạnh đó, như Nghị quyết chỉ ra, những khuyết điểm, yếu kém, tồn tại, hư hỏng này đã tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước đó chứ không chỉ bây giờ.

Khắc phục nó là một quá trình, phải làm thường xuyên, tìm ra giải pháp hiệu quả hơn, không chỉ làm ồ ạt theo đợt.

Ông có thể nói cụ thể những biến chuyển trong “bộ phận không nhỏ” mà Nghị quyết chỉ ra sau 3 năm là như thế nào?

Tôi biết có người vẫn phân vân không rõ “bộ phận không nhỏ” đó là ai, định tính, định lượng thế nào. Thế thì đối tượng ở đây trong Nghị quyết Trung ương 4 có đề cập là kể cả hư hỏng trong cả những cán bộ cao cấp, chứ không chỉ đảng viên bình thường.

Vừa qua, ta đã xử lý kỷ luật các hình thức khác nhau từ khai trừ cho đến cảnh cáo, khiển trách… tổng cộng hơn 50 nghìn đảng viên, nằm rải rác các cấp. Đó là một con số lớn, đáng buồn và nếu không có hơn 5 vạn/ hơn 4 triệu đảng viên như thế thì Đảng đã mạnh hơn nhiều. Do đó, phải tìm ra cách hiệu quả để phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng, tìm ra cơ chế nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, kiểm tra. Cần huy động rất nhiều chứ không phải chỉ có Đảng giám sát nhau trong nội bộ Đảng.

Vừa rồi, Ủy ban Kiểm tra có một động thái tốt là công khai các phiên họp xử lý kỷ luật, nhất là cán bộ diện TƯ quản lý. Đó cũng là cách hiệu quả để kiểm tra, giám sát, răn đe để cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh nhằm tránh phạm phải sai lầm đến mức Đảng phải kỷ luật. Những vụ tham nhũng lớn thì TƯ, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo rất tích cực để xử lý công khai đúng pháp luật. Những vụ xử ở các tập đoàn kinh tế, DN, cũng có liên quan đến một số quan chức bên tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, các tỉnh, cả những người đã về hưu.

Đó chính là tinh thần “không có vùng cấm”, không có chuyện “hạ cánh an toàn”, vun vén xong đến lúc nghỉ hưu coi như không còn chuyện gì.

Ông nhấn mạnh việc thường xuyên phải thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng chứ không phải là các phong trào. Nhưng theo ông nhìn nhận quyết tâm chính trị chúng ta có đủ để đi một chặng đường dài, bền bỉ như vậy không?

Lãnh đạo rất quyết tâm. Nhưng sang nhiệm kỳ 12 sắp tới cũng phải tiếp tục như thế chứ không phải coi Nghị quyết Trung ương 4 là nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa 11 là xong.

Đây cũng là bài học của lịch sử, khi mà nhiệm vụ của khóa này đề ra phải được làm liên tục ở các khóa sau.

Ta có Nghị Quyết TƯ 6 lần 2 của Khóa 8 năm 1999, thì sang khóa 9 có Ban chỉ đạo 62 nhưng làm không thật triệt để.

Cứ vậy, yếu kém, khuyết điểm tồn đọng lại, hết nhiệm kỳ này tồn sang nhiệm kỳ khác. Thậm chí có những cán bộ đã sai ở nhiệm kỳ trước nhưng không được chỉ ra, không được phê phán, sửa chữa thì lại nối sang nhiệm kỳ sau. Tiếp tục sai.

Kinh nghiệm cho thấy khi nào chúng ta buông lỏng xây dựng Đảng, thậm chí tự thỏa mãn thì sẽ “sinh chuyện”. Bởi đây là vấn đề con người, Đảng cũng là con người, đâu phải thần thánh. Ai cũng muốn được sung sướng, chứ ai muốn gian khổ, hi sinh.

Quyết liệt nhưng phải thấu tình

Về mặt con số thì có hơn 50 nghìn trường hợp bị xử lý, rồi vừa qua có những đại án tham nhũng được công khai, song xét về mặt chất lượng và độ quyết liệt thì không phải không có những hoài nghi của người dân là vẫn chưa đủ?

Quyết tâm chính trị là phải làm quyết liệt, liên tục. Nhưng cách làm thì phải chú ý sao cho thấu lý đạt tình.

Xử lý quyết liệt không phải là mang ra đấu tố, hay làm căng thẳng mà miễn là xử lý có hiệu quả, khiến cho người bị xử lý thấy được khuyết điểm, cái sai, hối lỗi, tìm cách sửa, vậy là quý.

Chúng ta kiên quyết về mặt kỷ luật, pháp luật nhưng cũng đối xử với con người cho đúng truyền thống dân tộc nhân ái, nghĩa tình, như Bác Hồ dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, chứ không làm như những nước khác. Tất nhiên nếu “dĩ hòa vi quý” thì lại không được.

Nguyễn Trọng Phúc, thành lập Đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bỏ phiếu tín nhiệm, Đảng viên, vào Đảng, Bộ phận không nhỏ, tham nhũng

Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: Hiền Hòa/ Dangcongsan.vn

Ông vừa nhắc đến tăng cường giám sát của nhân dân đối với Đảng. Ngay trong đợt sửa Hiến pháp 2013 cũng đã có những ý kiến của đại biểu QH là cần phải có cơ chế cho nhân dân giám sát Đảng và cần có tổ chức thay mặt nhân dân để vận hành cơ chế giám sát này. Thực tiễn 85 năm đã làm những gì, thưa ông?

Ta đã có quy định tổ chức thay mặt dân giám sát là mặt trận và các đoàn thể, ngoài chức năng giám sát còn có chức năng phản biện.

Thứ 2 là người dân có thể trực tiếp giám sát (dân chủ trực tiếp). Giám sát là quyền lực của dân chứ không phải là quyền “được cho”.

Vừa rồi ở TP HCM thực hiện việc một số quận làm phiếu lấy ý kiến dân. Rồi tỉnh Quảng Trị cũng lấy phiếu ý kiến dân về mức độ hài lòng với cán bộ, công chức. Cách làm như vậy phải được quy định thành chế độ, cách thức, chẳng hạn mấy tháng lấy ý kiến một lần, chứ không phải theo kiểu tự phát.

Khiếu kiện cũng là một hình thức của giám sát nhưng phải khiếu kiện đúng.

Những ví dụ ông kể về Tp HCM, Quảng Trị rất hay, nhưng dường như các trường hợp này mới dừng ở mức là cấp địa phương và ở những cán bộ trực tiếp tiếp xúc, làm việc với dân. Thế còn ở những cấp cao hơn?

Tôi ví dụ, giám sát đại diện thì vừa rồi chúng ta đã có hoạt động bỏ phiếu ở QH.

Và dân cũng có quyền trình bày trực tiếp ý kiến của mình thông qua các cơ quan tiếp dân của Đảng, Chính phủ đều có cả. Dân có thể đến đó để bày tỏ quan điểm, có chính kiến, lập luận, chứng cứ, thậm chí có thể tố cáo những người có biểu hiện tiêu cực. Đấy là quyền rất chính đáng của dân mà Nhà nước tôn trọng.

Nhưng như ông đánh giá, những cơ chế như phòng tiếp dân hiện thời thì có đủ hiệu quả để tiếng nói của người dân đến được các cấp lãnh đạo cấp cao không?

Lãnh đạo cũng nắm được cả, chứ không đến nỗi “mù tịt thông tin” đâu. Bây giờ thời buổi thông tin nhanh nhạy, chẳng có gì không “đến tai” cả. Vấn đề là lắng nghe rồi xử lý thông tin, chỉ đạo công việc xử lý sao cho hiệu quả, có lợi cho dân thì sẽ suôn sẻ.

Không nên cực đoan về “công khai hóa”

Năm nay có một hoạt động nhận được sự quan tâm của dân là việc TƯ bỏ phiếu tín nhiệm với Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Theo ông, vai trò và sức lan tỏa của hoạt động này thế nào? Và đây là lần đầu thì có thể rút ra điều gì?

Đây cũng là lộ trình của thực hiện dân chủ hóa trong Đảng. Thông qua bỏ phiếu, ai cũng ý thức được mức độ tín nhiệm mình đạt được, để từ đó sửa chữa.

Theo tôi đây là hoạt động tốt. Chỉ có điều bây giờ chưa thể công khai cho toàn dân biết, vì đó cũng là điều cân nhắc trong Đảng. Ta không nên cực đoan nghĩa công khai hóa, bởi vì trong hoạt động của một quốc gia, đảng phái chính trị có cái cần thiết phải công khai, có cái không.

Tất nhiên tín nhiệm đó cũng chỉ là một kênh, còn có nhiều kênh khác để đánh giá. Chỉ cần công bố hoạt động bỏ phiếu như vậy đã là tốt rồi, cả ở trong Đảng và ở ngoài xã hội. Quần chúng nhìn vào sẽ thấy Đảng đã rất nghiêm túc, dũng cảm đánh giá mình.

Đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền lệ nên phải tính toán cho có lợi nhất về mặt chính trị và nhất là phải chú ý để không bị thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc. Như bây giờ trên mạng bao nhiêu thông tin nhiễu loạn, nói xấu đồng chí này, đồng chí khác. Không nên để thế lực thù địch lợi dụng điều đó.

Đến các đảng tư sản họp hành thế nào cũng có ai công khai đâu, ngay như Đảng dân chủ, Cộng Hòa ở Mỹ, Đảng Dân chủ Tự do ở Nhật… Nhưng có điều ở ta dân gắn với Đảng 85 năm nay rồi, và dân cũng muốn biết, muốn các hoạt động được công khai. Và theo tôi đó cũng là nhu cầu chính đáng và thành tâm. Mà như thế là dân còn quan tâm đến Đảng, là đáng quý.

Cùng với việc bỏ phiếu tín nhiệm thì chúng ta đã tổ chức được chất vấn trong Bộ Chính trị chưa, thưa ông?

Có, trong Hội nghị TƯ 10 vừa rồi có một buổi chất vấn Đảng một buổi, các đồng chí TƯ chất vấn Bộ Chính trị.

Tất cả các hoạt động này theo tôi phải quy định thành quy chế làm việc, phải quy định trong thời gian bao lâu tiến hành một lần, như Quốc hội hiện đang quy định đến năm thứ 3 nhiệm kỳ sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo tôi kết hợp hai hoạt động này sẽ tốt hơn, sẽ đưa đến chuyển biến mạnh mẽ. Nó sẽ dần trở thành cơ chế làm việc trong nội bộ TƯ, nội bộ Đảng, rồi cả các cấp ủy dưới cũng phải thế, thì nó sẽ tạo ra sự hiểu nhau hơn trong ban lãnh đạo, trong các tổ chức Đảng. Phải đưa các hoạt động này thành quy định. Dần dần mọi việc sẽ đi vào hoàn thiện, sáng tỏ, đầu tiên là trong Đảng, Nhà nước, hệ thống chính quyền rồi sau đó là đến cộng đồng ngoài xã hội, đến nhân dân, chứ không thể hoàn thiện ngay từ đầu. Tôi tin vào xu hướng phát triển như vậy.

2015 sẽ là năm các cấp cơ sở ráo riết chuẩn bị cho Đại hội cũng như tìm nhân sự có đủ tài đức bầu vào bộ máy lãnh đạo. Trong phần tiếp theo, PGS Nguyễn Trọng Phúc sẽ nói về việc chọn người tài trong Đảng.

(Còn tiếp)