TNc: Hoá ra nhà thơ “Mùa Hoa cải” Nghiêm Thị Hằng là người cầm tinh con dê tuổi Ất Mùi Bà Cửu Thiên Huyền Nữ độ mạng. “Ất Mùi cung Khảm mạng Kim,Vàng trong cát trắng dễ gì tìm ra”. Ấy là theo tử vi tướng số, tôi không sành lắm về tử vi, nhưng xuân này cũng muốn đến gõ cửa nhà thơ “Mùa hoa cải” nghe chuyện làm báo lắm gian truân, làm thơ nhiều trắc trở của Nghiêm Thị Hằng người phụ nữ tuổi Ất Mùi. Tôi quen biết Nghiêm Thị Hằng đã lâu, từ ngày chị còn là chiến sĩ của phòng Tuyên huấn Đoàn 559 thời chiến tranh chống Mỹ, sau này làm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam và những năm gần đây tôi lại cùng công tác với chị ở Báo Người cao tuổi, nên cũng hiểu khá rõ về nhà thơ “Mùa hoa cải” này. Năm nay 2015- năm Ất Mùi báo hiệu một năm đầy hứa hẹn với các cá nhân tuổi Mùi, mong sao Nghiêm Thị Hằng cũng có một vận may như vậy. Nói là vận may bởi trên con đường thơ ca chị đã đi bằng cả tình yêu của mình gần 5 thập kỉ, nhưng vận may thì chưa tới trong danh sách Hội viên mới của Hội nhà văn năm nay chị vẫn vắng bóng. Chia sẻ nỗi niềm này với nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng tôi hỏi:
- Hình như chị vào Hội Nhà văn?- Cảm ơn anh quan tâm, tôi vào Hội Nhà Văn Hà Nội từ năm 1986, còn Hội viên Hội nhà văn Việt Nam thì vẫn là ước mơ và mục tiêu cần vươn tới.
-Thế chị đã làm đơn gửi đến Hội nhà văn chưa? - Tôi không còn nhớ rõ, nhưng chắc chắn đơn đã gửi hơn 10 năm rồi. Cách đây 3 năm trong lần bỏ phiếu của Hội đồng thơ tôi đã được 6/7 phiếu, nhà văn Trần Thị Trường có nhắc đến trường hợp của tôi và lấy làm tiếc. Từ đó đến nay tôi vẫn như “ cá chép chưa vượt được vũ môn”. Cũng đúng thôi, bởi nghiệp nhà báo của tôi còn nặng hơn nghiệp văn chương. Riêng việc trình mặt, trình làng ở Hội nhà văn, mình cũng chưa chu toàn, thế nên không nhớ mặt, không nhớ tên cũng là chuyện thường. Có Điều bạn bè văn thơ ở Trung ương cũng như ở địa phương ai gặp và trò chuyện cũng nghĩ Nghiêm Thị Hằng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam rồi. Thế cũng đáng quý và đáng ghi nhận. Một nhà thơ được bạn đọc yêu quý và công nhận cũng là phần thưởng rồi. Sang năm 2015 năm tuổi Ất Mùi của tôi, tôi nghĩ sẽ cố gắng để bạn thơ bạn đọc nhớ tới Nghiêm Thị Hằng hơn. Việc vào Hội công bằng mà nói cũng không suôn sẻ đâu, nhà nhà báo viết điều tra tôi hiểu việc này. Cố nhiên sẽ phải sửa lỗi để một năm không nhiều thì chí ít cũng đôi lần đến Hội, cũng phải gửi bài để đăng tác phẩm mới trên tờ báo Văn nghệ, để bạn thơ và anh em nhớ mặt nhớ tên, hiện nhiều bậc thơ đàn anh đàn chị cũng xếp hàng chưa được vào Hội, thế nên tôi nghĩ chuyện này của mình “ So với ông Bành vẫn thiếu nhi” gắng mà phấn đấu..
-Chị làm thơ từ ngày ở Trường Sơn phải không ? Tôi đọc thơ chị lâu lắm rồi. -Vâng hồi ở Trường Sơn tôi cũng đã có thơ đăng ở Báo Trường Sơn, nhưng phải đến năm 1978 mới có thơ đăng ở các báo Trung ương. Mình là dân nhà báo, nhưng nghiệp văn chương đã dính vào không bỏ được . Làm thơ trước hết là cho mình, không phải làm thơ để chạy đua đăng tuyển đăng tập vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Duyên nợ với thơ cũng gần 5 thập kỉ, Ngoài những tác phẩm được chọn in trong tuyển tập tôi cũng có riêng 5 Tập thơ thơ riêng : Mưa Mùa thu (1990) Hội văn học nghệ thuật Hà Nội xuất bản; Lời tỏ tình của biển (1996) Nhà xuất bản Hội Nhà văn; Lời thì thầm (1997) Nhà xuất bản Hội Nhà văn (được giải nhì của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc); Bài hát xanh (1999) Nhà xuất bản Lao động; Lâu đài trên cát (2007) Nhà xuất bản Hội Nhà văn và khá nhiều bài thơ được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc.
-Chị có bao nhiêu bài thơ phổ nhạc ? Nhờ có Trung tâm bản quyền âm nhạc của nhạc sĩ Phó đức Phương, các bài thơ của tôi được phổ nhạc được phát hành trên sóng phát thanh và truyền hình được trả nhuận bút theo chế độ hiện hành có danh mục kèm theo nên thống kê được trên 180 bài thơ được phổ thành ca khúc từ năm 1986 đến nay. Có thể kể các nhạc sĩ đã phổ thơ của tôi, như nhạc sĩ Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Huy Thục, Thanh Phúc, Cầm Phong, Thế Song, Đoàn Bổng, Lương Hải, Sao Mai, Hồ Hữu Thới, Lê Vinh, Đặng Quang Vinh, Bùi Anh Tú, Trần Đức, Lương Nguyên, Đức Liên, Dân Huyền, Vân Đông, Võ Công Anh, Trọng Bằng, Nguyễn Xuân Sinh, Hoàng Long, Hoàng Lân, Triệu Huyền Ngọc, Hà Hoàn, Lê Trung, Phạm Anh Trung... Trong số đó bài hát được nhiều yêu thích là Mùa hoa cải, do nhạc sĩ Lê Vinh phổ.
Một số ca khúc phổ thơ của tôi được giải thưởng âm nhạc: Tiếng chim cu của Bùi Anh Tú giải Nhất cuộc thi sáng tác bài hát cho thiếu nhi năm 1993; bài Câu hát mẹ ru của Phạm Tuyên, giải thưởng Đài tiếng nói Việt Nam năm 2005; bài Lời tỏ tình của biển của Lương Hải, giải nhất cuộc thi của Nhà hát Tuổi trẻ năm 2006; bài Chợ Chờ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2007; bài Có một mùa hoa của nhạc sĩ Sao Mai, giải khuyến khích năm 2011 của Hội nhạc sĩ Việt Nam; bài Mộc Châu mùa xuân của nhạc sĩ Nguyễn Kim Ánh, giải Khuyến khích cuộc thi do Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn tổ chức năm 2011…
-Bài thơ nào chị thích nhất ?Bài thơ “Mùa hoa cải” được nhạc sĩ Lê Vinh phỏng thơ phổ thành ca khúc “Mùa hoa cải” được bạn đọc và khán thính giả yêu thích nhất, còn riêng tôi thì thích nhất bài “Tan” bài này cũng được nhạc sỹ Thanh Phúc và Phạm Trung Anh phổ thành ca khúc. Nhân dịp này xin gửi tặng bạn đọc bài thơ “Tan”
Trăng vẫn chỉ là trăng
Nếu mình trăng lẻ bóng
Biển muôn ngàn con sóng
Vẫn một mình cô đơn.
Nếu tình không trao nhau
Em như trăng lẻ bóng
Anh biển ôm mối sầu
Bạc đầu muôn lớp sóng.
Trăng tan vào lòng biển
Em Tan Vào tình anh
Biển tan trong muối mặn
Trời tan trong mắt xanh.
Sóng tan trên bờ cát
Nụ hôn tan trên môi
Tình yêu tan cơn khát
Tan đắng cay cuộc đời.
Tan Nắng vào với gió
Tan gió vào với mất
Tan đất vào với nước
Tan cỏ vào với cây.
Tan thừa vào với thiếu
Cuộc đời tan trong nhau
Nên bao điều kì diệu
Tan hoà không lẻ loi. -Sắp tới chị có tác phẩm nào mới ? Tôi chưa có dự định ra mắt tập thơ mới, vì đang tập trung viết truyện kí. Và thơ thiếu nhi.Sau 10 năm điều tra giúp gia đình cụ Trần Thị Trâm ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, lật lại vụ án 147/HS2 Hoàng Kim Đồng đảo ngũ cướp của giết Bùi Thị Phương Lan 16 tuổi (ngày 13/3/1980) không chịu thi hành phần dân sự bồi thường cho gia đình nạn nhân. Tháng 8/2013 gia đình cụ Trần Thị Trâm đã nhận được 250 triệu đồng tiền mai táng phí. Tôi đã viết xong kì 1 truyện kí Kỳ án Gò Công Đông, đang hoàn thành tập 2, còn tập thơ “Cánh én Mùa xuân” thơ thiếu nhi thì cũng đã xong bản thảo hơn 60 bài đang trình nhà xuất bản.
-Chúc chị sớm trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, mùa này năm sau “ cá chép sẽ vượt được vũ môn” sẽ có “ Cánh Én mùa xuân” báo tin vui cho nhà thơ”mùa hoa cải” tuổi Mùi mà bạn đọc mến yêu.Xin cảm ơn anh.
Thực hiện : Nhà thơ Trần Nhương