Phùng Ký Tài
TNc: Tôi nhớ không biết có đúng không, hình như Mao Trạch Đông có nói trí thức là cục cứt. Thời nay trí thức con cháu của ông lại giáo dục cho lãnh đạo. Thế mới biết vật đổi sao dời…
Đó là một câu nói trước công chúng gần đây của nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc Phùng Ký Tài, được giới báo chí và giới văn hoá Trung Quốc đánh giá cao.
Nhà văn Phùng Ký Tài sinh tháng 2 năm 1942, Phó chủ tịch Đảng Dân tiến, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ dân gian Trung Quốc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Thiên Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn học Nghệ thuật Phùng Ký Tài thuộc Trường Đại học Thiên Tân, Giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Uỷ viên thường vụ Chính hiệp toàn quốc khoá 11, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn sử và Học tập Trung ương, được mời làm Tham sự Quốc vụ viện Trung Quốc từ tháng 10 năm 2008.
Theo quy định của Trung Quốc, Tham sự Quốc vụ viện là nhịp cầu và đầu mối liên hệ giữa chính phủ với giới trí thức và giới văn hoá.
Chiều ngày 11 tháng 11 năm 2008, trong cuộc trao đổi công tác với Chủ nhiệm Phòng Tham sự Quốc vụ viện, nhà văn Phùng Ký Tài đã phát biểu: Lần này được mời làm Tham sự Quốc vụ viện, tôi cảm thấy rất vinh hạnh, chứng tỏ Đảng và Chính phủ coi trọng sự nghiệp văn hoá và tôn trọng người trí thức. Ngoài những phẩm chất cần có kết cấu tri thức uyên thâm và tầm nhìn xa rộng, quan trọng hơn là Tham sự Quốc vụ viện cần có ý thức trách nhiệm xã hội mãnh liệt, mới có thể đề xuất những kiến nghị có tính khả thi, có tính tư tưởng và tính trúng đích để giải quyết những vấn đề thời sự nổi cộm. Sau khi đảm nhiệm chức trách Tham sự, bản thân tôi từ góc độ công tác tham sự chính phủ, sẽ xem xét thẩm tra một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá, đề xuất một cách trọng điểm những kiến nghị có tính chiến lược, có tính khả thi về phát triển sự nghiệp văn hoá một cách khoa học.
Từ khi làm Tham sự Quốc vụ viện đến nay, nhà văn Phùng Ký Tài đã nói và làm khá nhiều việc được dư luận đánh giá cao.
Ngày 25 tháng 7 năm 2010, nhà văn Phùng Ký Tài, Tham sự Quốc vụ viện. Uỷ viên thường vụ Chính hiệp toàn quốc hiện diện tại Hội chợ triển lãm Sách Hồng Công, đã nói chuyện với chủ đề “Tôi đang làm gì”, nhằm trả lời một câu hỏi của độc giả gửi đến.
Trong khi nói chuyện, ông đã ôn lại quá trình những năm làm công tác bảo hộ di sản văn hoá của mình, ông đã đặc biệt nhấn mạnh: “Là một người trí thức, trách nhiệm chủ yếu nhất của chúng tôi là giáo dục lãnh đạo. Nếu như họ đã hiểu rõ, tiếp thụ quan điểm của chúng tôi, thì sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với chúng tôi.”
Trong diễn giảng, nhà văn Phùng Ký Tài cho rằng: Trung Quốc là một quốc gia hậu hiện đại hoá, một vấn đề văn hoá nổi cộm của nội địa là: Đồng thời với việc chúng ta sáng tạo ra văn minh vĩ đại, thì trình độ phá hoại cũng vào hàng đầu thế giới. Tại Trung Quốc, việc kế thừa văn hoá hiện tại đang gặp phải chướng ngại rất lớn, “đầu tiên, trên thế giới không có một quốc gia nào có thể trong 20 năm san bằng thành thị để xây dựng lại, chỉ có chúng ta làm được.”
Nhà văn Phùng Ký Tài tự trào nói rằng: “Thành thị ở nội địa rất nhiều địa phương hiện nay nhìn thấy đều giống nhau, dấu vết của lịch sử đã bị máy kéo cào bằng. Trong các nhà văn tồn tại vấn đề sao chép kế thừa, còn trong các kiến trúc sư thì hình như không có.”
Ông nói: Trong xã hội của chúng ta công chúng cũng thiếu nhận thức đối với văn hoá của mình, “tôi đi Sơn Đông tham quan tranh tết mộc bản, khi ấy trông thấy một em gái đang học, tôi đặc biệt phấn khởi, muốn trao đổi với em một chút, nhưng em chỉ cười cười với tôi, cứ lặng thinh không nói, thì ra người ta là người Nhật Bản.”
Ngoài công chúng trong xã hội, nhà văn Phùng Ký Tài chĩa mũi dùi phê bình thẳng vào những người trí thức.
“Giới học thuật của chúng ta thường hay làm phức tạp hoá những vấn đề giản đơn nhất” – Ông chỉ ra: “Hiện thực giản đơn nhất chính là, trong khi chúng ta nói đến những điều cao siêu mênh mông, thì mỗi phút đều đang có văn hoá của chúng ta bị mất mát.”
Ông nói với các nhà báo rằng: Năm ngoái cùng với chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đi làm một hạng mục, đến Cam Túc khảo sát dân ca Hoa Nhi, thấy một cụ bà biết hát những bài ca rất hay, thế là họ đến Bắc Kinh đi xin camera để ghi hình. Do trình tự giải quyết của chính quyền rất chậm, ba tháng sau đến, thì cụ bà đã mất.
Nhà văn Phùng Ký Tài chỉ ra: “Giới văn hoá, giới trí thức nên có tính giác ngộ tiên phong với văn hoá của chúng ta, điều này có liên quan đến hiểu biết của chúng ta đối với lịch sử. Lịch sử không phải là nói chúng ta đứng ở hiện tại nhìn quá khứ, mà quan trọng hơn là đứng ở ngày mai nhìn hiện tại, từ ngày mai để nhận thức ngày nay của chúng ta, có những cái đã có thể đi vào lịch sử.”
VŨ PHONNG TẠO trích dịch và giới thiệu theo www.jb.sznws.com, 27-7-2010