Trang chủ » Tin văn và...

Tuôit thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc

Lương Đình Khoa
Thứ hai ngày 3 tháng 11 năm 2014 8:05 PM


Tập tản văn – truyện ngắn Lương Đình Khoa


Hình như rất nhiều người trong số chúng ta đều ấn tượng, thậm chí có những người ám ảnh bởi sân ga, hay phi trường, vì đó có thể là nơi khởi đầu hoặc kết thúc, nơi trở về hoặc rời xa, nắm và buông…

Có lẽ vì vậy mà với tác giả trẻ Lương Đình Khoa, anh tự ví tuổi trẻ của mình nói riêng, của tất cả những người trẻ (và đã đi qua tuổi trẻ) nói chung giống như một chuyến tàu, đi từ ngày thơ bé hồn nhiên đến tuổi xế chiều mong manh. Hành trình nào rồi cũng phải ngang qua khoảng trời của tuổi thanh xuân tươi đẹp, rạo rực nhiệt huyết, tình yêu và đam mê trước ngưỡng cửa vào đời.

“Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” là một hành trình của chuyến tàu tuổi trẻ như thế, và hầu như ai cũng có thể bắt gặp, thấy được hình ảnh, cảm xúc của chính mình trên chuyến tàu tuổi trẻ này của Lương Đình Khoa, qua 7 chủ đề - 7 sân ga: Ga của phố, Ga tình yêu, Ga hoài niệm, Ga bình yên, Ga kể chuyện, Ga tình ca.

“Lạc” ở đây có nghĩa là lạc mất, để mất, nhưng cũng có nghĩa là lạc đến, đi đến. Vì vậy, đôi khi trong đau khổ tuyệt vọng vì một cánh cửa khép lại, bạn hãy gượng dậy mà ngước nhìn, bởi sẽ le lói đâu đó, vào thời điểm nào đó những tia sáng từ một cánh cửa khác mở ra cho một hành trình mới trong cuộc đời. Như bình minh mỗi ngày vẫn đến và nắng vẫn tràn vào phòng sớm mai. Rồi nắng sẽ làm khô nước mắt, gió tràn qua ô cửa xoa dần vết thương cũ không đáng có, và cần phải lành. Vì cuộc sống vẫn tiếp diễn, không ai dừng ở một chỗ, đằm lại và chết chìm trong nỗi đau.

Tập sách này là món quà nhỏ của một người trẻ, dành tặng cho những người trẻ, cũng như cho những ai đã đi qua tuổi trẻ của mình mà còn mang trái tim nặng tình đi giữa nhân gian. Xuyên suốt cả chuyến tàu này là nỗi niềm về Phận và Duyên đau đáu giữa cuộc đời của tác giả, để gửi đến bạn đọc thông điệp: Cuộc sống hiện đại khiến con người ta để mất đi và làm tổn thương nhau nhiều quá, cần biết nâng niu, xoa dịu, nâng đỡ và bao dung với nhau nhiều hơn. Đồng thời hãy luôn tâm niệm một điều giản đơn rằng: Chỉ những ai có duyên phận mới được làm người thân, người yêu, và bạn bè của nhau, để cùng đồng hành với nhau trên một đoạn đường nào đó với Vui – Buồn – Được – Mất của cuộc đời trong cả hành trình dài của mỗi cuộc đời.

Mặc nắng tắt chiều rơi, đêm tràn hờn tủi, ngày buồn hư hao. Đôi khi, hãy cứ để chuyến tàu tuổi thanh xuân của bạn tự do rong ruổi theo hành trình của trái tim với một niềm tin: Những con dế cô đơn và loay hoay giữa lòng phố, giữa cuộc đời, rồi sẽ tự tìm đến với nhau, sưởi ấm cho nhau. Và khi ấy, cây cô đơn sẽ sum vầy quả ngọt.

***

Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” là đứa con tinh thần thứ 2 của Lương Đình Khoa dành cho độc giả trẻ cùng được trình làng trong năm nay – sau tập thơ “Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người” ra mắt dịp Valentine 2014 (và là tập sách thứ 4 trong gia tài sáng tác của anh).

Lương Đình Khoa là một cây bút trẻ thuộc thế hệ 8X. Anh trưởng thành từ báo Thiếu Niên Tiền Phong, chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài TNVN, với những trang viết đầu tiên năm học lớp 8, cho đến hết cả thời học sinh, là Bút trưởng của Bút nhóm Hương Nhãn – một Bút nhóm sáng tác văn học của tỉnh Hưng Yên được đông đảo bạn đọc trẻ cùng thời mến mộ.


Năm 2004, tập thơ đầu tay mang tên ‘Khuôn mặt tình yêu’ của Khoa ra mắt – khi anh đang là SV năm nhất HV Báo chí – Tuyên truyền Hà Nội, đồng thời các truyện ngắn, tản văn, thơ của anh xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí, được chọn in trong nhiều tuyển tập, và trở thành học viên trẻ tuổi nhất tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du - khóa 1 – do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức năm 2007. Hai năm sau, tập truyện ngắn đầu tay mang tên ‘Gió mùa thổi mãi’ của Lương Đình Khoa ra mắt độc giả. Truyện ngắn chủ đề ‘Gió mùa thổi mãi’ được đài Truyền hình TP.HCM chọn chuyển thể thành kịch bản phim cho loạt phim phát sóng về những tâm hồn cao đep. Rằm tháng Giêng 2011, là đại diện trình diễn thơ tại sân Thơ trẻ ngày Thơ VN ở Văn Miếu.

Cư dân mạng biết nhiều đến Lương Đình Khoa với vai trò là một blogger khi các Mạng xã hội bùng nổ; cùng những bài thơ được chuyển sang dạng video, lồng ảnh và nhạc hài hòa với lời thơ, tình thơ, dễ đồng cảm, chia sẻ trên Youtobe - cùng các bolog radio anh tự thu về những chủ đề gần gũi xoay quanh đời sống tình cảm giới trẻ.

Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” – do Người Trẻ Việt phối hợp với NXB Văn học thực hiện, ấn hành tháng 10.2014. Đồng hành cùng Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” để nhận ra một điều thật giản dị rằng: Cuộc đời dù thế nào đi chăng nữa vẫn luôn nồng nàn hương sắc, đáng để ta sống, trải nghiệm và học cách yêu.

Người Trẻ Việt

CẢM NHẬN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH TÚ VÀ NHÀ NC-PB VĂN HỌC NGÔ VĂN GIÁ VỀ “TUỔI THANH XUÂN ĐÔI CHUYẾN TÀU ĐI LẠC”

Chọn hình ảnh Ga để cấu tứ cho một tập sách với những chủ đề như “Ga của phố”, “Ga tình yêu”, “Ga hoài niệm”, “Ga bình yên”, “Ga kể chuyện”, “Ga tình ca”… là một ý đồ thông minh và đầy sức quyến rũ của cây bút trẻ Lương Đình Khoa. Mỗi người đọc sẽ tự mình đi lạc vào những chuyến tàu của tản văn hay truyện ngắn Lương Đình Khoa để rồi dừng lại ở một sân ga nào đó, hoặc là ngậm ngùi không muốn đi tiếp, hoặc là lại cất bước đến những sân ga khác, đầy ân tình, nhung nhớ, yêu thương, bùi ngùi, xa xót…

Chưa bao giờ thể loại tản văn lại lên lên ngôi như lúc này, chưa bao giờ người đọc trẻ lại tìm đến với những dòng văn ngắn gọn, lên men và thoảng hương tình đời như lúc này, và Lương Đình Khoa đang đi vào những góc khuất nhỏ lẻ và đơn chiếc nhất của nội tâm con người trong thời đại công nghệ số để buông neo câu chữ nơi hồn người với những giãi bày, ẩn dụ, sẻ chia ngọt ngào thảng hoặc hay muộn phiền phơ phất.

“Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” chính là sự lạc bước của tâm hồn lãng mạn, nỗi bâng khuâng được mất trước ngưỡng cửa cuộc đời, niềm bồng bột dấn thân tuổi trẻ hay đơn giản chỉ là sự phiêu du của lứa tuổi hoa niên trên những thanh ray tàu trôi về trăm ngả số phận được Lương Đình Khoa phóng chiếu qua hình ảnh “nhà ga trung tâm” vốn là nỗi lòng tác giả - một người trẻ đang bâng khuâng trước muôn nẻo đường đời.

(Nhà văn Nguyễn Đình Tú – Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

***

Lương Đình Khoa là một trường hợp tiêu biểu cùa lớp người trí thức trẻ đang vật vã sống, quyết liệt sống với tất cả sức vóc, tâm huyết, tri thức và cả những…bạt mạng.

Khoa không ngần ngại phơi lên mặt giấy toàn bộ đời sống của mình. Khoa tự bạch, tự tình. Khoa đối thoại: Tôi đang sống cùng thế hệ của tôi, và là như thế đấy!

Nỗi khốn khổ mưu sinh không quật ngã được họ. Những đổ vỡ của đời sống này không bào mòn được họ. Ngay cả những thất bại thuộc đời sống riêng tư cũng không làm họ chùn bước. Họ sống tích cực. Họ hướng về ánh sáng, tiếng hát, tình yêu, tuổi trẻ. Và mang theo cả nỗi hoang mang.

Trong rất nhiều lựa chọn của lớp người này, Lương Đình Khoa chọn con đường chữ. Chữ nghĩa đối với anh như một niềm hoan lạc, nhiều khi như một cứu cánh. Qua con chữ để bấu vào đời sống, để được sống, được quyền hy vọng…

Tập sách về cơ bản có hai phần: Tản văn và truyện ngắn. Phần trước chiếm số lượng áp đảo. Phần sau chưa đầy đặn lắm. Mỗi phần có vẻ đẹp riêng.

Tản văn là sự lên tiếng trực tiếp của cái cảm, cái nghĩ. Trong số này, có những tản văn khá tinh tế và sâu sắc. Lương Đình Khoa lắm khi rất trẻ thơ, nhiều lúc lại suy tư như một người có tuổi. Nhiều trạng thái, cung bậc, nhiều cái nhìn băn khoăn về nỗi mình, về lẽ người lẽ đời cứ thế chảy tràn lên mặt giấy. Khoa có nhu cầu được giãi bầy và được sẻ chia.

Truyện ngắn tuy ít thôi, nhưng cũng đã có những truyện khá chững chạc. Cách dựng truyện, dựng nhân vật, cách dụng công các chi tiết và ngôn ngữ được Khoa tiến hành rất chủ động, chuyên nghiệp. Tôi yêu những truyện ngắn của Khoa. Truyện nào cũng ấm áp, ân tình. Nếu như trong Tản văn, Khoa không ngại trực tiếp bộc lộ mình, thì trong truyện ngắn, Khoa đã kết tinh được những gì sâu lắng nhất, nhân ái nhất của tâm hồn. Đọc truyện ngắn của Khoa thấy hao hao một hồn văn cổ tích, tràn đầy thánh thiện, yêu thương. Trong một đời sống hỗn độn như thế này mà vẫn bảo toàn được một hồn văn như vậy, thật quý giá.

Văn của Khoa đang nghiêng về phía ngọt ngào. Đẹp. Hiền lành. Nhiều thương cảm. Tôi muốn văn của Khoa sắc cạnh hơn nữa, đáo để hơn nữa. Nghĩa là cá tính hơn ./.

Nhà NCPB văn học Văn Giá

(Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội)

***

LỜI NGỎ TRONG TẬP SÁCH CỦA TÁC GIẢ

1.Tôi là kẻ sống nặng tình. Nên lúc nào cũng khao khát thật nhiều yêu thương - không chỉ cho mình, mà cho cả những người mình yêu quý, những người xa lạ xung quanh mang tâm hồn của sự chia sẻ, biết sống với những điều nhân nghĩa, sống tốt với bản thân và cộng đồng.

Hẳn vì thế nên tôi cô đơn, giữa thành phố này và trên mỗi nhịp ngày. Nhưng tôi biết không chỉ riêng mình, mà còn có vô vàn những người khác như tôi (cả những em trẻ ở các thế hệ về sau này, đang lớn lên nữa), sẽ rất nhiều người cảm thấy cô đơn. Cô đơn vì khát thèm và đang đi kiếm tìm, gom nhặt những yêu thương loài người vô tình đánh rơi. Nhất là trong khoảng trời tuổi thanh xuân tươi đẹp, đầy đam mê của mỗi cuộc đời.

Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” gom nhặt thương yêu còn đang ngơ ngác, chênh vênh trên rất nhiều sân ga của những khúc tình như thế, theo bước chân của một gã trai tự nhận mình là “Màu của lãng quên”, như mây phiêu du qua tháng ngày dài khi vừa chạm ngõ mùa 30.

2. Tuổi trẻ của bạn và tôi cũng là một chuyến tàu…

Ngay từ lúc được sinh ra, cuộc đời và mẹ cha đã ban cho, và đặt mỗi chúng ta trên một hành trình, đi từ ngày thơ bé hồn nhiên đến tuổi xế chiều mong manh. Hành trình nào rồi cũng phải ngang qua khoảng trời của tuổi thanh xuân tươi đẹp, rạo rực nhiệt huyết, tình yêu và đam mê trước ngưỡng cửa vào đời.

Và vì tràn nhựa sống, vì ứ đầy men say, nên đôi khi có những chuyến tàu theo mây đi lạc, qua rất nhiều sân ga:

Thành phố muôn đời vẫn luôn là một danh từ đầy háo hức trong tâm hồn mỗi đứa trẻ thôn quê. Là một chiếc áo choàng lấp lánh cho nhiều khoảng sáng tối trộn hòa bên trong. Biết bao người trẻ đã đến, đã yêu và say phố nồng nàn. Nhưng rồi chính phố cũng dạy cho ta bài học về chênh vênh, hụt hẫng. Để đôi khi ta thấy mình như kẻ đi lạc - lạc giữa Ga Của Phố với một khúc tình loay hoay, như con dế nhỏ cô đơn trong lòng phố xá thênh thang tìm cách trở về với đồng xanh yên bình và tươi mát gió và trăng.

Ga Tình Yêu cũng sẽ bắt nguồn từ nơi phố nhỏ chật hẹp, quanh co. Trong cuộc đời, ai rồi cũng sẽ một lần để hồn lạc theo một bóng hình, theo tháng năm dài rộng nào đó đã từng sống và yêu thương, từng gọi tên bằng hai từ Hạnh Phúc. Để rồi dù không về đúng sân ga mong đợi, thì tình yêu từng có vẫn dành cho nhau, lạc theo ký ức đời nhau.

Rồi từ không gian chật hẹp của Phố, của Tình yêu, chuyến tàu ấy muốn bứt mình đi xa, lạc tới rất nhiều sân ga khác rộng hơn, hòa vào với cuộc đời thực thụ cùng Ga Trăn Trở, Ga Hoài Niệm, Ga Bình Yên. Ấy là lúc tâm hồn con người ta đã trưởng thành hơn, tự khám phá ra chính bản thân mình, từ đó vẽ nên bức chân dung về đời sống vui buồn của những người trẻ trong xã hội ngày nay.

Khúc cuối của hành trình thanh xuân, sau những gió giông nơi cánh cửa đầu đời, con người ta sẽ nắm tay nhau ngồi lại nơi Ga Kể Chuyện, chia sẻ về cuộc đời bằng những truyện kể ngân ngấn thương yêu. Đó có thể là có thực, có thể là một chút hư cấu, ẩn dụ thoáng qua mà gửi gắm ước mong về tình người. Để người với người đừng là những mảnh ghép cô đơn.

Ga Tình Ca khép lại hành trình này, là khúc ru ngọt lành bằng âm nhạc cho hồn người nương náu. Trôi qua cái trăn trở của đời Trịnh, những khoảng trời chơi vơi của Ngô Thụy Miên, khắc khoải cùng Anh Bằng và Du Tử Lê, cùng rất nhiều bài ca khác. Để có những tình khúc thấu tận tim gan, ngỡ như được viết tặng riêng mình. Để hiểu từ ngàn đời nay, âm nhạc vẫn luôn là loại hình kết nối duy nhất trên thế giới không có khoảng cách, tuổi tác, kéo người với người gần lại nhau hơn bằng những thông điệp của Chân – Thiện – Mỹ.

3. Tập sách này là món quà nhỏ của một người trẻ, dành tặng cho những người trẻ, cũng như cho những ai đã đi qua tuổi trẻ của mình mà còn mang trái tim nặng tình đi giữa nhân gian.

“Lạc” ở đây có nghĩa là lạc mất, để mất, nhưng cũng có nghĩa là lạc đến, đi đến. Vì vậy, đôi khi trong đau khổ tuyệt vọng vì một cánh cửa khép lại, bạn hãy gượng dậy mà ngước nhìn, bởi sẽ le lói đâu đó, vào thời điểm nào đó những tia sáng từ một cánh cửa khác mở ra cho một hành trình mới trong cuộc đời. Như bình minh mỗi ngày vẫn đến và nắng vẫn tràn vào phòng sớm mai. Rồi nắng sẽ làm khô nước mắt, gió tràn qua ô cửa xoa dần vết thương cũ không đáng có, và cần phải lành. Vì cuộc sống vẫn tiếp diễn, không ai dừng ở một chỗ, đằm lại và chết chìm trong nỗi đau.

Mặc nắng tắt chiều rơi, đêm tràn hờn tủi, ngày buồn hư hao. Đôi khi, hãy cứ để chuyến tàu tuổi thanh xuân của bạn tự do rong ruổi theo hành trình của trái tim với một niềm tin: Những con dế cô đơn và loay hoay giữa lòng phố, giữa cuộc đời, rồi sẽ tự tìm đến với nhau, sưởi ấm cho nhau. Và khi ấy, cây cô đơn sẽ sum vầy quả ngọt.

Đồng hành cùng Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” để nhận ra một điều thật giản dị rằng: Cuộc đời dù thế nào đi chăng nữa vẫn luôn nồng nàn hương sắc, đáng để ta sống, trải nghiệm và học cách yêu.

Tháng 9/2014

LƯƠNG ĐÌNH KHOA

***

15 trích dẫn hay từ TUỔI THANH XUÂN ĐÔI CHUYẾN TÀU ĐI LẠC – Tập tản văn – truyện ngắn Lương Đình Khoa

1. Sau mỗi cơn mưa gặp ánh mặt trời bừng chiếu, sẽ tan đi, rất nhẹ, rất êm như chưa từng rơi xuống đất trời, sũng ướt đời nhau…

Người ta cứ thích theo cơn mưa đi mãi về những miền hy vọng thấy cầu vồng đời mình hắt ngang…

2.Con người sinh ra vốn đã cô đơn rồi, nên buông bỏ những điều mình cho là yêu thương, là hạnh phúc đời mình đâu dễ, cứ muốn cất, giữ, níu kéo nó ở mãi bên mình – dù đôi khi yêu thương cũng như một chiếc vé có hạn sử dụng, tùy người, tùy cảnh, tùy duyên…

3. Những con dế cô đơn nhốt trong chiếc hộp rồi sẽ tự tìm đến với nhau, sưởi ấm cho nhau, san sẻ với nhau nỗi cô đơn, để giữa thành phố triệu dân này người với người đôi khi không phải là những mảnh rời cô độc.

4.Mặt trời thì mỗi ngày vẫn đến, nhịp ngày thì vẫn tuần hoàn, dòng đời vẫn chảy trôi. Chỉ con người loay hoay trên dòng sông thời gian ấy, lựa chọn cách mình chống con sào như thế nào để giữ mình trong sóng gió, đẩy con thuyền trôi vào bờ cỏ hay vực sâu, ánh sáng hay bóng tối…

5. Cứ làm con chim đi ngược gió đi, bay trong chênh vênh đi để chỗ đậu bình yên cho những con chim khác. Làm loài chim báo bão đi. Bay trong chênh vênh để được bay cao, bay xa, bay mãi. Cống hiến cho đời. Hưởng không khí của tự do, làm những gì mình thích. Đến khi không bay được nữa rơi xuống đâu, đó là chỗ bình yên nhất của mình…

6. Biển TÌNH đã gắn, đã mang. Chỉ là người ta muốn giữ chúng trong bao lâu, có vén vun, chở che chúng qua mưa qua nắng chẳng sờn mòn, bạc phai hay vô tình để rơi, rồi tan vỡ, rồi biến mất, nhẹ tênh như hơi thở tan giữa biển đời mênh mông…

7. Cuộc đời tôi và bạn cũng là một chuyến bay – bay từ khi cất tiếng khóc chào mặt đất bầu trời đến khi chạm miền cát bụi. Có những chuyến bay đã rơi, đã gãy cánh giữa chừng ngay khi cất cánh, có những chuyến bay rơi ở vùng trời tuổi thanh xuân đang độ tươi đẹp, ngạt ngào hương hoa. Cũng lại có những chuyến bay rơi khi con người ta chưa đi qua hết một nửa cuộc đời...

Khi thấy một người ra đi, một chuyến bay của cuộc đời họ rơi xuống, đừng dửng dưng vô cảm, và hãy cám ơn cuộc đời vì chuyến bay của bạn vẫn được bình an, mà trân trọng hơn nữa, làm những điều ý nghĩa hơn nữa cho mình và những người mình yêu thương qua mỗi ngày bay.

8. Tôi nhìn theo màu áo xanh của chị khuất dần sau hành lang dài, rồi tiến lại gần tập thư. Giọt nước mắt rơi và nhòe trên một câu hỏi của Trịnh dành cho Dao Ánh: “Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn?”.

9.Có ai đó đã nói: tuổi trẻ ở thành phố này rất buồn. Rất nhiều người dành cả tuổi trẻ chỉ để yêu một người, cũng có rất nhiều người bỏ hoang tuổi trẻ của mình chỉ để đợi chờ một người mà thôi…

Tuổi thanh xuân là chuyến tàu đẹp nhất của mỗi đời người. Nhưng có lẽ vì vậy mà con người ta đặt thật nhiều ước mơ bồng bềnh trên đó. Và những kẻ càng nặng tình, trọng tình càng dễ thấy lòng hụt hẫng, chơi vơi. Vì có những sân ga không như lòng đã nghĩ. Vì có những gió giông cản lối, hao hụt niềm tin. Vì trót mang cả trái tim đến, khao khát hòa cùng nhịp đập của Người, đến khi lỡ nhịp, ngậm ngùi xót xa… Thành phố thì rộng lớn, phồn hoa – nhưng con người ta vẫn luôn cảm thấy cô đơn là vì thế.

Đi mỏi gối chồn chân, chẳng biết sân ga nào thực sự là của riêng mình.

10. Vẫn luôn có những ngôi nhà mới, ô cửa mới mở ra, như bình minh mỗi ngày vẫn đến, như nắng vẫn tràn vào phòng sớm mai….Nắng sẽ làm khô nước mắt. Gió tràn qua ô cửa ấy xoa dần vết thương cũ không đáng có, và cần phải lành. Vì cuộc sống vẫn tiếp diễn, không ai dừng lại một chỗ, đằm lại và chết chìm trong nỗi đau.

11.Phận và Duyên như trò cút bắt giăng trên những nhánh của cây đại thụ thời gian. Có những người chẳng cần tốn công mệt sức, vẫn tìm ra được, có những người toan tính, sắp đặt mà vẫn lệch nhịp nhau. Và còn có những tấm chân tình đầy nồng nàn, khát khao mà trớ trêu gãy cành, dập lá…

Vậy nên ai đó may mắn có được những tháng ngày còn được ở bên nhau, còn nồng nàn đắp bồi cho nhau thì hãy biết cám ơn Duyên – Phận. Mà nâng niu. Mà giữ gìn. Bởi chẳng ai biết chuyến tàu thanh xuân đồng hành trong tình yêu của mình với một người dặm dài bao nhiêu, sẽ bất chợt dừng lại ở một khoảng nào chơi vơi phía trước cuộc đời.

12.Tình yêu ở tuổi ngoài 70 giống như thân cây cằn. Cây có cằn mới thấy lộc càng đẹp và đáng quý biết nhường nào.

13. Xe buýt là cái thùng rộng mà cuối cùng lại chật như nêm khi người ta tận dụng nhồi nhét. Mấy chục con người va vào nhau, ở rất gần nhau trong cả một hành trình như thế mà chẳng thể hòa nhịp, sẽ trở thành những kẻ lạ xa khi xuống bến, cả đời có khi chẳng gặp lại thêm một lần.

Tình yêu trong lòng phố cũng đầy ích kỷ của tính toan như một hành trình trên xe buýt như thế. Khi yêu, họ bắt một chú chim phải sống theo cách của một con mèo, hoa quỳnh phải nở lúc hoàng hôn rực rỡ, xe buýt có khoảng hai chục ghế ngồi nhưng nhấp nhổm, nhồi nhét được đến cả 40 – 50 hành khách. Giản đơn vì một ý nghĩ yêu nhau là được quyền sở hữu đời nhau và đối phương phải sống theo cách sống, nhìn theo đôi mắt của mình.

Người ta đang nhồi nhét nhiều người trong một chuyến xe buýt. Khoang tàu tình yêu trở nên bức bối, nặng nề. Hành khách muốn thoát mình ra khỏi khoang tàu ngột ngạt ấy. Họ thèm một khoảng trời tự do, nhẹ tênh bay với đôi cánh của chính mình, hát bài hát của chính mình. Họ dừng lại, xuống tàu.

Có những người lặng lẽ chào nhau, lặng lẽ quay đi. Có những người hằn học nhìn nhau như kẻ thù. Và tất cả chỉ như những người đi chung một chuyến xe buýt, va đập vào nhau, ở thật gần nhau mà không thể hòa nhịp, xuống bến rồi hun hút những hướng đi, trở thành kẻ lạ xa, không mong ngày gặp lại.

14. Con người ta ai cũng sợ những cái quay lưng, mỗi lần quay lưng thì phải. Vì quay lưng sẽ là một khoảng cách vời vợi giăng ngang .Quay lưng thì chẳng thể nhìn thấy nhau, cảm được người phía sau ta đang nghĩ gì, ánh mắt trong veo của niềm tin hay đang đẫm lệ.

Và quan trọng hơn, quay lưng là sẽ lạc mất thương yêu, lạc mất nhau trong tích tắc giữa biển người mênh mông…

15. Những bão giông, khó khăn ấy cũng là duyên phận, và thực ra là một phép thử của cuộc sống, để những người yêu thương nhau phải đối diện, xích lại gần nhau hơn, lắng nghe và đồng lòng, cùng gắng vượt qua. Và nếu làm được như thế – thì khi vượt qua rồi, sẽ thấy gắn bó với nhau hơn, thương nhau nhiều hơn rất nhiều.

Cuộc sống ý nghĩa là khi con người ta có nhau, được ở cùng nhau. Còn những lúc khó khăn, giông gió mà buông tay vội vàng, hoặc bỏ mặc, đẩy nhau ra xa, thì thật dễ, và ai cũng có thể làm được...