Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thông điệp từ giót sương

Nguyễn Hưng Hải
Thứ năm ngày 28 tháng 8 năm 2014 4:36 PM


 

Đọc “Nghe trong giọt sương” của Lê Mạnh Tuấn

(NXB Hội Nhà văn, XB 2007)

 

 

Nhìn giọt nước thấy đại dương là cảm giác mà tôi có được khi đọc tập thơ “Nghe trong giọt sương”  của Nhà thơ Lê Mạnh Tuấn - Một giọng thơ thăm thẳm nỗi người, nỗi đời, với rất nhiều can dự, cảnh tỉnh và thức tỉnh. Hơn cả thế, tôi còn nghe được từ “trong giọt sương” tiếng suối, tiếng sông, tiếng biển khi trầm lắng, lúc sôi trào như núi lửa. Thành công này, thêm một lần nữa khẳng định, Lê Mạnh Tuấn là một trong những nhà thơ phong phú về giọng điệu, rất dồn nén trong cảm xúc và chồng lợp nhiều vỉa tầng ý tưởng trong những câu thơ thế sự. Tôi rất thích những câu thơ hay không giải thích được của ông. Chính sở trường, thế mạnh này đã tạo nên phong cách, giọng điệu riêng, thô ráp và biến ảo, giản dị mà sâu sắc, trầm lắng mà đa nghĩa, đa thanh khiến cho ai đó, dù có vội vã đến đâu, cũng phải đọc chậm lại, trăn trở cùng Lê Mạnh Tuấn trong những nghĩ suy nhiều day dứt về kiếp người, về những va đập của thời thế và nhân thế. Thơ ông không dễ đọc bởi mỗi câu chữ hàm chứa trong đó rất nhiều thông điệp. Bao trùm lên tất cả là một thái độ đầy dấn thân, không bị tiếng bão, tiếng mưa vọng từ đâu lại, át đi những âm thanh trong trẻo nhưng dứt khoát cùng với nỗi ấm lạnh nghe được từ phía quả tim luôn thổn thức. Quả tim ấy chất chứa yêu thương, thấm đẫm nỗi đau, niềm nhân ái-Và luôn mang đến cho mọi người sự ấm áp, sẻ chia.

Lê Mạnh Tuấn không tuyên ngôn, nhưng tôi như nghe được từ trong những câu thơ đẫm đầy nước mắt tiếng của ngàn đời, tiếng của một thời, tiếng của “những khoảnh khắc say giữa dòng đời luôn phải tỉnh” . Trong những câu thơ như cứa vào lòng người, thông điệp trước hết mà ông mang lại cho tôi là khát vọng khôn cùng của vẻ đẹp nhân cách. Ngay trong bài thơ mở đầu của tập thơ “Nghe trong giọt sương” đã đầy hẫng hụt: “Tìm trong khói bụi/tia nắng nhòe soi cửa phòng ai/vướng nhành bụt mọc”. Cái đẹp ở ngay đó, nhưng không phải lúc nào cũng “với tới” được, bởi xung quanh ta còn rất nhiều hệ lụy, nhiều khi đau đến tức tưởi, quặn thắt. Trong khao khát như bông mai bị nghẽn lại, không nở được ở trên tường, Lê Mạnh Tuấn đã lặng lẽ chịu gió sương. Ông đã nhận ra trong thơm tho giả tạo, mùi khê và khét của tình người, của những sự băng hoại, và dũng cảm lột tẩy: “Đêm chảy qua thơ ngây mắt trẻ/Ngự trị ngay trong những đố kỵ và ganh ghét/của biết bao từng trải và nhân danh từng trải/Họ đã lừa lọc trong đêm và lừa lọc chính đêm/mà cứ chảy”…

Cái sự “chảy” ấy sẽ đưa họ đến đâu và khi nào dừng lại? Có lẽ điều này, Lê Mạnh Tuấn không thể biết và nếu có biết thì cũng chẳng dễ gì mà có thể nói ra. Chỉ biết là, trong ớn lạnh gần như bất lực ấy, ông đã biết tránh xa: “Nhơ nhởn sống những mặt hề quan trọng/phả xám khói xe vào sự thật”… Có thể bị lục vấn, bị thiệt thòi vì những câu thơ như thế này nhưng Lê Mạnh Tuấn là như vậy. Ông vốn là người rất thận trọng khi phát ngôn, nên đọc những câu thơ ấy, tôi như thấy cả nỗi bức xúc và sự công phá của lòng trung thực vào cái xấu, cái ác. Dù có hơi trực diện nhưng đó là sự dũng cảm dấn thân, đầy thức ngộ: “Những con kiến đưa tang con kiến/lặng lẽ/trang nghiêm/Ở đấy không có những vẻ mặt giả buồn rầu giả thương tiếc/không những lời tán dương muộn dành cho kẻ đã chết/không những cái bắt tay giao tiếp mánh mung/không những cuộc mượn nỗi người giao ước việc mình/không những cuộc bán mua danh vọng/không những hứa hẹn gửi trao quyền lực/những quan trọng lên màu ban phát tạ ơn”. Ở những phát hiện này, Lê Mạnh Tuấn giống như Hữu Thỉnh với rất nhiều trải nghiệm, lật soi các giá trị và đau đớn, vì : “Ở đây/chỉ lặng thầm đưa tiễn/đủ làm đau/lúc nào đó/con người”. Thế giới các loài vật, tưởng chỉ là tranh giành, “cá lớn nuốt cá bé”, nào ngờ thế giới ấy lại là nơi mơ ước của con người. Cỏ biết đan vào nhau. Nước biết làm đầy nhau. Đất biết tôn nhau lên. Còn con người thì sao nhỉ ? Cảnh tỉnh và thức tỉnh này của Nhà thơ Hữu Thỉnh khiến tôi luôn day dứt và càng day dứt hơn khi gặp lại ở Lê Mạnh Tuấn. Hình như, đâu đó ở cõi người này hôm nay giả dối đã lên ngôi, lờ mờ những bóng đêm, những nhân danh ánh sáng để đè bẹp, để phủ bóng đêm lên những yếm thế, những bình minh vừa ló rạng. Rất nhiều những sủng ái, những vung tay đã mất hết nhân tính. Sự suy đồi về đạo đức lối sống đã được gióng hồi chuông báo động từ lâu, đến lượt mình Lê Mạnh Tuấn thêm một cảnh tỉnh: “Dưới ba tấc đất kia là những lâu đài/trên mặt đất này/chất chồng dấu xe dấu người/nát nhàu dấu hỏi”. Đây là “Di sản” bị chôn vùi hay là “Thứ bỏ đi”, khi mà cuộc sống quanh ta có bao kẻ đang lấy cả của chùa, của Phật làm của riêng, biến cả “Di sản” thành của nhà mình, mà vẫn leo lẻo về liêm chính cứ như ai đó chứ không phải mình là kẻ bịp bợm, gian tham, nhẫn tâm trà đạp xéo giày lên cả cha ông, lịch sử. Tay họ vẫn thắp hương nơi mộ Tổ nhưng hình như lòng họ đã quay đi hướng khác. Đã có rất nhiều không còn nhân cách nhưng ngày ngày vẫn lên lớp dạy chúng ta về đạo đức lối sống, đêm đêm vẫn xuất hiện trên ti vi dạy chúng ta cách làm người. Đau, rất đau. Nhưng đó là sự thật được Lê Mạnh Tuấn dồn nén trong những câu thơ như ngàn cân thuốc nổ. Và ông đã khắc khoải đi tìm trong lục vấn: “Sông vẫn đỏ mặt trời vẫn đỏ/những giông gió tìm gì trong thác lũ/đêm tìm gì trong lạnh ánh sao kia/ Giọt mồ hôi chén trà/giọt nước mắt bông hoa/mong ngày khó mau qua/ta tìm gì để lại gì trong đó…”. Tâm thế này đã xác lập giá trị mới và nâng tầm tư tưởng cho thơ Lê Mạnh Tuấn, đây cũng là cốt lõi của mọi cuộc canh tân.

Trong lục vấn, soi tìm, lật soi các giá trị, có lúc có cảm giác Lê Mạnh Tuấn long lanh như giọt sương trong nắng mai nhưng cũng thật mong manh, dễ vỡ. Không phải không có lúc đã như là bất lực:“Sống giữa bạn bè lớn giữa bạn bè nay bè bạn ta đâu/Ngửa mặt trời sao bao nhiêu đứa không về/Những ý nguyện tím bầm mặt đất”.

Ai chẳng mong cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên, người sống với người – người hơn. Nhưng phải soi vào đám tang con kiến để nhìn nhận lại mình, âu cũng đã đến lúc, gần như không còn gì để nói nữa. Thông điệp này của Lê Mạnh Tuấn trong những va đập khôn lường của thể chế và cơ chế mang đến cho chúng ta nhiều day dứt với rất nhiều câu hỏi không dễ trả lời: “Liệu một lời xám hối/ dám không?”. Ai dám, ai không, hình như cũng vẫn đang là một thách thức. Trong cật vấn lòng mình, Lê Mạnh Tuấn đã chỉ ra: “Không đủ mạnh/hay sự đời ràng buộc/lật cánh bèo buông xuôi/Hèn nhát biến nhau thành giả dối/hay giả dối đánh bẫy đớn hèn/tù và rúc vô hồi bổn phận”. Chỉ ra, nhưng còn biết làm gì, khi mà: “Gọi bổn phận sông/dòng tung thác trắng/gọi bổn phận người/mái chiều đã bạc”. Không bó tay, nhưng có cái gì đó như không thể nào khác được, như là phải chấp nhận thế thôi, bởi vì ta cũng như con ngựa già lặng lẽ “Không thể chất vấn đêm/không thể chất vấn cây/không thể chất vấn nguồn/”, đành “phi nước kiệu bằng lòng tự vấn”.

Còn có cách nào chữa chạy, khi u bướu đã di căn ?! Nghe sao buồn và thảm. Buồn và thảm nhưng vẫn lung linh như giọt sương, ấy là Lê Mạnh Tuấn trong khát vọng mang nắng ấm đến cho mọi người. Thông điệp này của ông mang nhiều ý nghĩa nhân văn. như lửa sáng soi vào mỗi chân đèn. Những câu thơ tải đạo, kiểu như “Như sáng rõ như mơ hồ/trên đầu ta nhịp tim rất trẻ/ con đường thức dậy của trăng/reo sôi ánh mặt trời cửa bể” khiến chúng ta có thêm nhiều liên tưởng về những thế phận người, về những giá trị đã thuộc về muôn thuở. Có lúc, tôi như cũng bị lây nỗi buồn “Đi mặt trời mọc/ về mặt trời đi/phía nào cũng bão” nhưng trên hết vẫn là một bản lĩnh, một thái độ dứt khoát của những lục vấn, những soi tìm: “ Thế kỷ mới cho ta phút lang thang thành quách các vương triều/ tìm điều có thể tìm gặp người không thể gặp/nâng mảnh gốm trên tay thấy thời gian trong suốt/ta soi đời ta vào mỗi phong rêu”. Ngỡ “tĩnh” mà lại rất “động”. Tưởng đã cùn mòn mà sắc lẻm: “Mài lưỡi câu bằng nắng/giũa lưỡi câu bằng mưa/phơi tấm lưới mẹ ru lên bờ giậu/đằng đẵng tuổi thơ xách giỏ tìm mồi/Mài lưỡi câu bằng gió/giũa lưỡi câu bằng sương/căng dây cước cánh phao bình thản quá/cần trúc mông lung nhấc bổng ê chề/Móc mồi chữ thêm một lần kiên nhẫn…”

Là người chịu nhiều thiệt thòi nhưng cũng được nhận lắm những yêu thương, đùm bọc, sẻ chia nên Lê Mạnh Tuấn luôn ở trong trạng thái “lưỡng cư”  giữa yêu thương và giận dữ, giữa ngờ vực và tin yêu, giữa tôn thờ và chối bỏ. Dùng dắng nhưng không phải không dứt khoát, vì ông cũng đang phải dựa vào chính ông để lặng lẽ bước qua đường, để làm chỗ dựa cho người khác: “Trong chiều xì xụp mưa/ vô định bước một thời buồn nhạt/Mong được tựa vào câu thơ anh/câu thơ đã đỡ em lên ngày mưa ấy/giờ tự mình đứng dậy/giấu lòng tay vẫn nhòe nhoẹt câu thơ…”.Nghiêng về phía bên nào cũng nặng, giữa được và mất, ông luôn biết cân bằng, cân bằng trong trạng thái có lúc như phải gồng lên: “Trong vũ vần bệnh tật triền miên/Anh phải sống vì em mà anh sống/Như huệ trắng vì em mà huệ trắng/Thơ ươm mùa xao xác mỗi ban mai…” Xao xác nhưng phải sống, phải ươm mùa, phải tinh khiết như giọt sương, phải đẹp.Khát vọng này cũng là tư tưởng chủ đạo của toàn bộ tập thơ “Nghe trong giọt sương” mà Nhà thơ Lê Mạnh Tuấn gửi đến chúng ta. Hơn cả những thông điệp về vẻ đẹp nhân cách là một nhân cách luôn thăm thẳm những nỗi niềm tâm sự, những day trở thế phận thâm trầm và dữ dội…

                                                                             Việt Trì, đêm 22/8/2014

                                                                                        N.H.H