Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

'Xác phàm' của Nguyễn Đình Tú: Pha trộn tinh tế hai màu đen trắng

Nguyễn Thị Minh Thái
Thứ tư ngày 13 tháng 8 năm 2014 4:52 PM


TP - Đây là tiểu thuyết vừa ra mắt, trong dòng tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú đã gần chục đầu sách. Cuốn này thứ 7, mới tinh và khá lạ về thi pháp phối màu tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú.

Tôi dù muốn nhưng không thu xếp đủ thì giờ đọc một mạch “Xác phàm”, dù nó có thể/đáng đọc liền mạch.Vì nó khá xinh gọn về số trang tiểu thuyết, 275 trang, lại được viết với thi pháp tiểu thuyết khá mới lạ. Đó là sự pha trộn ngẫu hứng, tinh tế chất liệu tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, giữa hai màu đen trắng, sự đan quyện hai không gian rất cách xa nhau: chiến tranh-hòa bình, sự sống-cái chết, đời sống tâm linh bí hiểm và sự thật phũ phàng trong đời sống hằng thường của người Việt hiện đại. Và sự pha trộn gây hấp dẫn nhất của tiểu thuyết này chính là sự hòa điệu tinh tế giữa chất báo chí ngồn ngộn của sự kiện chiến tranh với những lên hương nồng nàn của tình ái lạ lùng giữa hai chàng trai con liệt sĩ, đến mức một trong hai đã quyết liệt chuyển giới và nhận lãnh cái chết vào lúc không ngờ nhất…

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Tác giả của 7 tiểu thuyết: 
Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp, Phiên bản, Kín, Hoang tâm, Xác phàm.

“Xác phàm”- NXB Trẻ. TPHCM 2014

Có lẽ Nguyễn Đình Tú thích “gài bẫy” bạn đọc chăng, khi chủ ý viết tiểu thuyết về một cuộc chiến khốc liệt, lại bắt đầu rất “vô thường” trong phòng giải phẫu chuyển giới cho nhân vật chính ở mãi tận Thái Lan, trong nhạc điệu khắc khoải du dương của “Đóa hoa vô thường”, tình khúc Trịnh Công Sơn, với tiếng hát khê khàn thật liêu trai của Khánh Ly. Và chính tiếng hát ấy, những đoạn ca từ sương khói vô thường đượm màu Phật giáo ấy, không ngẫu nhiên, đã được Nguyễn Đình Tú thả trôi bập bềnh lãng đãng trong dòng vô thức của chàng trai chuyển giới tên Nam, và được hợp âm liền điệu với vô thức của chàng trai tên Việt, người anh - người bạn thuở thiếu thời, thuở thanh xuân và người yêu Việt cho đến chết, (cũng bởi chỉ mỗi người ấy là thủy chung như nhất với tình yêu Việt, mà thôi).

Cả tiểu thuyết là câu chuyện thời chiến - thời bình, kéo dài đến hơn 30 năm, của 3 cặp nhân vật rất không bình thường, theo sắp xếp lạ biệt của Nguyễn Đình Tú: hai người cha, được gọi là Bố Anh và Bố Em, của hai con trai là Việt - Nam và hai người mẹ, sinh ra Việt - Nam. Cả 3 cặp nhân vật đều bị/được tác giả mạnh tay ném vào cơn lốc cuốn đầy gió bụi mịt mờ của chiến tranh. Hai ông bố biền biệt chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc, với những địa điểm hư cấu (mà rất xác thực): cửa khẩu Quốc Môn, thị xã Vùng Biên, Pháo Đài Cảnh Giác, Đồi Tả, Đồi Hữu…Và họ đã ngã xuống, hy sinh thân mình, chặn đứng quân Khợ, buộc chúng phải dừng chân xâm lược và phải trả giá rất đắt vì thất bại.

Với tư cách nhà viết tiểu thuyết, lại là nhà văn, nhà báo quân đội, Tú cũng phải trả giá đắt khi là người tiên phong, cất công đi tìm tư liệu cuộc chiến ấy và buộc phải tìm ra cách tốt nhất để xử lý tư liệu chiến tranh ấy trong tiểu thuyết. Tú bảo với tôi là đã “quần nát” cái thị xã Lạng Sơn - Vùng Biên xa xôi ấy, với câu chuyện chiến tranh cách nay đã hơn 3 thập niên, và ráng sức co kéo nó, vốn dĩ chỉ còn là chất liệu lịch sử - báo chí, buộc nó phải lặn sâu vào chất liệu tiểu thuyết, bằng phẩm chất hư cấu sống động trong tư duy tiểu thuyết của chính mình - một người viết trẻ. Và cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Tú viết về đề tài chưa ai từng viết tiểu thuyết ấy đã gặp vô vàn khó khăn, áp lực khi được NXB Trẻ biên tập và xuất bản. Và nó có thể không dễ tiếp nhận với số đông người đọc trẻ, luôn chỉ thấy chiến tranh qua kí ức người già… Cũng vì vậy, lại xuất hiện thêm một nét độc đáo nữa của tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, chính là sự hư cấu thông minh, biết dựa trên tâm thế của chính mình, là người viết từng trải, nhiều quan sát và linh nghiệm, học được từ nghiệm sinh của những nhà ngoại cảm chân chính, thực sự có tài năng. 

Để nhân vật Nam không thôi mơ màng, phân vân nhị nguyên trong thân phận lưỡng tính của mình, đã khiến việc Nam luôn nhìn thấy, nhớ lại, kể lại tường tận cuộc chiến khốc liệt và rọi chiếu ánh sáng kí ức vào hai nhân vật Bố Anh - Bố Em, kéo dài suốt cuốn tiểu thuyết, đã trợ giúp, đã “hợp lý hóa” việc miêu tả mười mấy ngày đêm chiến đấu quyết tử giữa quân - dân Việt với bọn Khợ xâm lược trong tiểu thuyết không bị khô cứng và lên gân kiểu “ta thắng địch thua”. Ngược lại, câu chuyện chiến tranh tàn khốc đã được miêu tả rất tiểu thuyết, trong sự thanh thoát và cảm động, trữ tình và bi tráng của giọng kể tiểu thuyết khá là đa thanh của Nguyễn Đình Tú. Dù còn vương vất mùi vị phóng sự chiến tranh, nhưng cách kể và tả chiến tranh sống động ấy của Nguyễn Đình Tú, thông qua cái màn sương hồi tưởng tâm linh đặc biệt của nhân vật Việt, đã thật là những trang viết cảm động, bi hùng, rất cuốn hút người đọc.

Và những nhân vật tiểu thuyết khó quên ấy còn được Nguyễn Đình Tú nâng cấp thẩm mỹ lên trên cả cuộc chiến dữ dội trong “Xác phàm”, khi tác giả viết những trang triết luận sâu sắc, trữ tình về câu chuyện hồn - xác của người Việt trẻ hôm nay, đang nỗ lực tìm kiếm và khẳng định bản ngã cá nhân trong cuộc sống nghiệt ngã, phức tạp của xã hội Việt Nam hiện đại, trong bối cảnh chính cái xã hội này cũng đang phải gắng gỏi băng qua bi kịch của sự phát triển để tiến lên phía trước…