Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kính tặng lão Nhà thơ Anh Vũ

Nguyễn Quang
Thứ hai ngày 11 tháng 8 năm 2014 5:16 AM

           

Lạ…

            Thật lạ!

            Trông lão chẳng giống ai. Cái mặt lão trông giống quả hồng quá lứa, trải nắng mưa sương giá quắt lại. Rồi tóc lão cũng chẳng giống ai, cái mái tóc nửa vời, không hẳn là nam, cũng không hẳn là nữ, nó dài đến ngang vai. Mà cái màu tóc lại cũng chẳng giống ai, nó không ra trắng, cũng chẳng ra đen, nó mái mái mà cũng không phải mai mái, nó giống cái màu nước dưa khú, có chút váng trắng nhờ nhờ.

Lão cười, cái cười đến sảng khoái, cái cười đến như cù vào lách người ngồi nghe lão cười, để rồi cũng phải cười, cười rơi lảng tảng xuống nền gạch men lanh canh rồi vỡ ra ròn tan, rồi lại như cụm lại, dẻo quẹo như kẹo kéo bán rong. Nghe lão cười, tất cả đều phải cười, cười như lắc lẻ, cười muốn vỡ cổ họng, muốn rơi răng ra khỏi mồm, chỉ còn độc lợi mà vẫn phải cười, cười như kiểu xe xuống dốc không phanh, để cánh cảnh sát giao thông đua nhau chạy, chạy để "ăn may" có thể phanh được tiếng cười của lão, phanh được tiếng cười của người trót nghe lão cười mà cười…

            Chuyện của lão, thơ của lão cứ như bịa mà thật, thật một trăm phần trăm. Thơ của lão cứ như người ta vịn vào mây, vào gió, người ta bay lơ lửng trong cái riêng tư, rồi bất ngờ lộn nhào, rơi "tòm" một cái cũng thật bất ngờ vào cái chung, ấy mà lại hay, rất hay. Lão ngất ngưởng trong cái hơi men nhưng không say, để lão xúc dần trí tuệ, cấu dần óc não mà hà hơi vào giấy, mớm vào ngòi bút cho ra thơ, cho ra nhưng gì chắt lọc ở đời, ở người, ở chính mình rồi ở ngay trong tiếng cười của lão.

Nhìn xa xa, thấy cái mái tóc của lão đổ xuống giấy, xuống bàn, đổ ập xuống cái ánh sáng chẳng tối, chẳng sáng, nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia mà thấy lão giống Văn Cao đáo để. Tay bút lão như hóa thân vào giấy, vào thời gian, không gian, vào con mắt khát thèm của bao kẻ nhìn thấy lão, mong muốn được như lão. Cũng bởi thế, cả "trại", hai chục con người đều gọi lão là Văn Cao, mà cái dáng Văn Cao của lão thì một nốt nhạc bẻ đôi lão cũng không biết. Còn gọi "trại" thì nó là trại sáng tác văn học, chứ không phải trại tù, trại cải tạo đâu mà đã vội cười, mà nhe cái lợi. Trại "tạo bút văn chương, thơ phú, tạo cảm hứng thi ca", để lão trở thành hồn cốt của cái trại này, một cái trại vớt vát nhật cuối, nguyệt cùng, niên "nhị- thiên- vô- thập- tam" như mấy anh em tán bút.

Nói ra mới nhớ, nhớ ra mới thấy kỳ lạ, chẳng biết từ ngày xửa, ngày xưa, cái ngày mở trại viết văn đầu tiên ai đặt tên cho bây giờ thành "trại". Mà đã là trại thì nó cứ vui như cắm trại mà hình thành mỗi bài thơ, bài văn hoang dã như "bầu rượu túi thơ" của cổ nhân, để rồi "trêu hoa, ghẹo nguyệt". Lão làm tôi giật mình để nghiêng ngả mà cười với cái tuổi "thất thập" nhưng không hề "cổ lai hi". Thơ lão rát ràn rạt, như bóp ra từ máu, làm bong da, chóc thịt. Trong cái bài "Tình ca Na Hang" lão viết: "Yêu thì yêu thật là em, qua thì qua cả cõi thèm trong mơ. Đã đau đã đắng đã ngờ, em thì tảng sáng tôi vờ vào đêm…". Cũng chẳng biết lão vờ vào đêm được cái gì, thấy cái gì? mà lão cười, cười rung giường, cười đến hỉ hả làm cho chúng tôi cũng ngất ngứ cười, ngả nghiêng cười theo lão. Rồi lão tả nhà văn Nguyễn Tuân cứ tung lên như dòng sông Đà, như bút ký Sông Đà của ông: "Tóc sư tử, trán dô, gió sông Lô gọi bạn. Gọi từng đứa con hoang, vỗ sóng nguồn xanh, rừng nguyên sinh, nguyên chất tiền sử…".

Ấy vậy mà chẳng có chi tiết phố đêm nào lão bỏ qua: "Tuyên Quang, im lìm rêu phong thành cổ. Mùi ngô nướng thơm đêm, lá rơi khuya khoắt. Em là em thật em…".

Đúng là lạ…

Thật lạ…

Cứ tưởng lão bỏ qua tuổi tác để đuổi bướm, trêu ong. Nhưng không, lão vẫn nhớ, nhớ hết. Trong bài thơ "Một ngày bạn" lão bảo: "Sau bao sợi tóc bạc, còn một ngày hôm nay". Thế nhưng lão cũng vẫn không thoát ra khỏi vòng tay, một vòng tay em mà luyến tiếc: "…Mắt em nhìn phía khác, còn một ngày hôm nay…", rồi chính lão cũng giật mình trong cái rọ thời gian, cái rọ nhân thế: "… Vui buồn ta có được, còn một ngày hôm nay…".

Lão nâng ly rượu lên, mới đặt vào môi thôi mà tôi đã cảm thấy đắng ở môi mình. Lạ chửa, như lão kêu lên, đã từng kêu lên: "… Lan Khai… Lan Khai… người là ai? Lầm than hương khói mỏ than dài. Bến cũ chiều mang mang khói sóng, chất lụa vào tranh rửa chẳng phải…". Nhưng cái men đời, men rừng, men đất làm lão say, say hơn mọi loại men trên đời, tôi dám chắc một trăm phần trăm như vậy. Lão viết trong bài "Câu thơ bạn nhắc": "Trần Nhật Duật, người kinh đô, đúng một chất men rừng, men lá đượm sương mây lãng đang". Nhưng khi lão đặt tay lên ngực, lão nhận ra: "… ai đâu xa, con tim đập ngực mình…".

Lão với cái chén chống không sang bên kia mâm: "Em quên rót rượu cho anh hả?". Lão cũng biết thừa, ai rót rượu trong mâm cơm thì cũng rót cho lão đầu tiên mà. Cũng bởi cái "tôn ti", cái "trật tự" của người Việt, lão lớn tuổi nhất mà. Thế nhưng cái mùi cay cay của rượu làm cho lão không nhịn được, khi người rót chưa rót hết vòng, lão đã uống hết cái "nguồn vào" để cho ra những bài thơ, những câu thơ mà tôi cho là "sạn thơ", chứ không phải "sân thơ" trong nắng. Cái sạn thơ của lão cứ bay lên, bay lên mà ngấm vào máu, vào xương, vào yêu, vào ghét…

Lão liếc nhìn tôi, lão nghiêng cái chén trong tay: Em ơi, ông cha ta có câu: "Nhà dột từ nóc", còn chén của anh nó dột từ đáy em ơi…".

Cả mâm lại nghiêng ngả cười, cười mà ngấm, ngấm thật sâu cái hồn cốt của thơ lão vào người. Lão vẫn thế, chẳng say rượu, chỉ say thơ, say cái lão đã có và cái lão chưa có trong thế gian hay trần gian đang bỏng cháy, có lẽ chín nhừ hơn than của nụ cười Anh Vũ.

                                                            N.Q