Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÁN ĐẢO CRƯM & TRUYỆN SEVAXTOPOL XƯA - NAY

PGSTS.Nguyễn Trường Lịch
Thứ tư ngày 21 tháng 5 năm 2014 4:40 AM

                 Đất nước Ukraina và bán đảo Crưm đang trở thành biến cố thời sự thế giới hết sức nóng bỏng không dễ gì giải quyết trong một thời gian ngắn.“Liên bang Nga chào đón Crưm”,và hầu hết nhân dân Nga trên bán đảo này đều coi viêc sáp nhập “vào nước Nga là về nhà mình”, kể cả Tổng thư ký Liên HợpQuốc Ban Ki Moon cho biết “không xem cuộc trưng cầu ý dân ở Crưm là trái luật pháp quốc tế hay đi ngược lại hiến pháp Ucraina như cáo buộc của Mỹ và các nước phương Tây” (báo Tuổi trẻ 9-3-2014)

      Từ góc độ văn nghệ, tôi muốn cùng bạn đọc “ôn cố nhi tri tân” qua ba truyện ký Sevaxtopol của Lev Tônxtôi (1828-1910)-văn hào Nga- để hiểu rõ thêm về lịch sử Crưm xưa và nay. Đã từ lâu,bán đảo Crưm (tiếng Anh-Crimea; tiếng Pháp:-Crimée) vốn thuộc lãnh thổ nước Nga.Nhưng vào năm 1853-1856, phe đế quốc Anh, Pháp đang hùng mạnh muốn mở rộng khu vực địa-chính trị nên cùng với Thổ Nhị Kỳ đánh chiếm quân cảng Sevaxtopol và chiếm bán đảo Crưm, nhằm mục đích phát triển thế lực quân sự kinh tế ra vùng biển Hắc hải, mở rộng tới Địa Trung hải, vừa nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga hoàng trên biển. Thời kỳ đó, hải quân Anh được trang bị tàu chiến vũ khí hiện đại, còn nước Nga trình độ kinh tế thấp kém hơn, các tàu gỗ lạc hậu, súng ống cổ lỗ nên đành chịu thất bại, sau 3 năm chiến đấu dai dẳng, Nga hoàng bị buộc phải ký Hiệp ước Paris (1857).

    Giai đoạn lịch sử ấy, Các Mác coi thất bại đó là “sự thử thách giữa hai chế độ”(tư bản và phong kiến). Cùng một điểm nhìn, Lênin cũng đánh giá:“Cuộc chiến tranh Crưm thất bại chứng tỏ cảnh bất lực và thối nát của chế độ Nga hoàng”.

    Sau cách mạng tháng Mười Nga, đến năm 1921, bán đảo Crưm đã trở về với nước Nga; đặc biệt trong chiến tranh chống phatxit Hitler, Hồng quân và nhân dân Nga đã chiến đấu vô cùng anh dũng để bảo vệ mảnh đất tiền tiêu quan trọng này; mãi đến 1954, N. Khrutsov (gốc Ukraina-cựu Tổng bí thư Liên Xô) mới chuyển tặng bán đảo Crưm cho nước cộng hòa Ukraina thời Liên bang xôviết. Nào ai ngờ, Liên Xô tan rã, lịch sử trở nên rắc rối khôn lường!

       Dưới thời Nga hoàng, vào năm 1852, L.Tônxtôi, - theo lời khuyên của người anh đang là sĩ quan quân đội-, đã tình nguyện nhập ngũ vào pháo binh ở tuổi 24, (thanh niên quý tộc vào quân đội được phong sĩ quan, tự mang theo cần vụ và ngựa nhà). Ít lâu sau, được điều tới Crưm, Tônxtôi đóng ở vị trí tiền tiêu trên quân cảng Sevaxtopol. Với chức vụ Trung đội trưởng, đóng chốt ở pháo đài số Bốn, Tônxtôi có lần suýt chết vì bị đạn pháo địch vùi dập. Tuy vậy, trong chiến hào, đêm đêm bên ngọn đèn dầu tù mù, tỳ tay trên hòm đạn viên sĩ quan trẻ vẫn say mê viết văn. Truyện ký đầu tiên Sevaxtopol tháng chạp-(12-1854) có đoạn ghi rõ: “ Chính cái pháo đài đáng sợ hóa ra lại bình thường chẳng đáng sợ tí nào. Người ta chiến đấu, đút tẩu thuốc vào túi, nhai một miếng bánh khô trước khi bước đến bên khẩu pháo, đứng vào vị trí có người hy sinh hoặc bị thương ở đây vừa được đưa đi…”                                       

       Tác phẩm được gửi về tạp chí Người cùng thời. Sau khi đọc xong, nhà thơ Nhekraxov- chủ bút- đã đăng bài viết và trong thư phúc đáp có lời ngợi ca: “Tôi tin ở khiếu thẩm mĩ và tài năng của anh hơn là của tôi.”

       Vui mừng với thành công bước đầu, nhà văn lại viết tiếp Sevaxtopol-tháng Năm 1855,còn truyện thứ ba Sevaxtopol tháng Tám 1855- được viết sau khi cuộc chiến đã thất bại.“Sevaxtopol thất thủ, tôi đã ở đó đúng vào lúc tôi bắt đầu sáng tác” Mỗi một truyện ký được kết cấu hoàn chỉnh, tuy mang sắc thái riêng, song cả ba đều có chung một chủ đề:- Nước Nga và Sevaxtopol  cùng chung hệ thống hình tượng là “ Những người bảo vệ Sevaxtopol ”.

      Nổi bật nhất là hình ảnh những chiến sĩ trẻ được khắc họa chi tiết với niềm mến yêu trân trọng tràn đầy. Họ là những người dân bình thường giản dị, mà bạn thường gặp, nhưng trước làn đạn của kẻ thù họ vẫn bình tĩnh xông lên để bảo vệ pháo đài. Do đó âm điệu chủ đạo được toát lên trong truyện ký Sevaxtopol tháng chạp: “Mãi mãi nước Nga sẽ giữ những dấu vết tuyệt vời của bản anh hùng ca Sevaxtopol, mà trong đó nhân dân Nga là vị anh hùng”.

      Hình ảnh những người nông dân mặc áo lính quyện chặt với ý thức nghĩa vụ thiêng liêng được bộc lộ phong phú và hết sức đậm nét. Kết thúc truyện ký đầu, tác giả còn ghi rõ tiếng hô xung phong vang dội giữa chiến trường:

                                  - Anh em ơi, chúng ta thà chết, quyết không để mất Sevaxtopol !    Mặt khác, nét bút tác giả còn biểu hiện được tính cách bình dị, vô tư của người lính trẻ hậu cần, mà thời đó dường như chưa hề có ai viết kiểu mới mẻ như sau :- “ Bạn hãy nhìn anh lính vận tải nhỏ bé này mà xem, anh ta đang cho con ngựa uống nước, miệng khe khẽ hát một khúc ca nào đó với vẻ bình tĩnh đến nỗi dường như không phải anh ta đang lạc vào đám người đủ màu sắc này,..”    

     Tuy vậy, mặt khác, nhà văn ý thức sâu đậm về tội ác của chiến tranh – một cuộc chiến xâm lược tàn bạo của kẻ thù. Xuất phát từ cái Thiện, âm điệu phê phán vang lên nhằm khắc sâu vào lòng người đọc:

       - “ Đây không phải là chiến tranh trong cảnh đội ngũ sắp hàng đều đặn, chói lọi và đường hoàng, với âm nhạc và trống trận, với cờ bay phấp phới cùng những đại tướng trên mình ngựa, mà là chiến tranh với màu sắc chân thật của nó trong máu me, trong đau khổ, trong chết chóc…” 

     Những cảnh đồng đội bị thương, cảnh đầu rơi máu chảy hy sinh vì Tổ quốc,những sự thật đắng cay ấy đập vào mắt, dồn nén vào tận đáy lòng mình, Tônxtôi càng ý thức đầy đủ về vai trò của người cầm bút và chức năng của nghệ thuật. Ở phần kết thúc truyện Sevaxtopol tháng Năm-1855, nhà văn dõng dạc nêu lên một nguyên lý mới mẻ: -“Nhân vật chính trong truyện của tôi, mà tôi mến yêu với tất cả sức mạnh của tâm hồn ,mà tôi đã cố gắng tái hiện với tất cả vẻ đẹp của nó và nó luôn luôn đã, đang và mãi mãi sẽ là đẹp, đó là Sự thật”(pravđa-NTL nhấn mạnh)

     Nói một cách khác là Tônxtôi đã phản đối chiến tranh phi nghĩa bắt nguồn từ tình cảm nhân đạo cao đẹp của bản thân mình, đồng thời phê phán gay gắt phủ nhận cả chế độ vua quan thống trị bất lực đương thời. Có thể khẳng định về sau, đây chính là nguyên lý cơ bản của phương pháp nghệ thuật mới vừa ra đời trong văn học nghệ thuật Nga, mà suốt đời cầm bút, đại văn hào L.Tônxtôi từng theo đuổi và đạt tới thành công mỹ mãn, được khởi đầu từ những ngày tham gia chiến đấu bảo vệ pháo đài Sevaxtopol. Cũng từ đây, giới nghiên cứu bình luận rằng, bộ ba truyện ký Sevaxtopol là “khúc nhạc dạo đầu” của bản đại hợp xuớng vĩ đại bậc nhất của nền văn học Nga và thế giới: - bộ tiểu thuyết anh hùng ca Chiến tranh và hòa bình(1864-1869)

     Song song với phương pháp nghệ thuật hiện thực mới mẻ, về mặt thể loại, ba truyện ký được viết theo cách khác lạ, tựa như một cuốn phim tư liệu vừa chân thật, vừa hư cấu đan xen giữa ký và truyện, mở ra một chặng đường dài rộng thênh thang cho dòng truyện ký trên văn đàn Nga và châu Âu. Ngay thời đó, tập truyện đã được dịch một phần ra tiếng Pháp đăng trên báo ở Brucxen- thủ đô nước Bỉ - và được đông đảo bạn đọc tiếp nhận, bởi lẽ đó là Sự thật, chứ không phải là truyền thuyết…Ngày nay, nếu đọc lại, (ba truyện ký đã được dịch ra tiếng Việt) những người cầm bút trẻ

chưa hẳn đã mạnh dạn phản ánh được những sự việc đích thực khách quan như Tônxtôi?

    Ngòi bút nhà văn đặc tả một cảnh ngưng chiến:- “ Trên pháo đài chúng ta và trong đường hào của bọn Pháp đều giương cờ trắng và ở giữa hai bên trong thung lũng nở hoa những thây người què cụt đã biến dạng nằm chất thành đống, chân trần không có ủng, mặc những bộ quần áo xám và xanh lam. Công nhân đưa những xác ấy lên những xe tải. Không khí sặc sụa mùi xú uế nặng nề, khủng khiếp từ những xác chết bốc ra. Từ phía Sevaxtopol và từ phía quân Pháp đóng, nhân dân chạy ra xem cảnh tượng này và chạy sang nhau với một thái độ tò mò thèm khát và đầy thiện ý…”  

     Trong phạm trù lý luận văn nghệ, giới nghiên cứu thường mệnh danh đó là chủ nghĩa hiện thực phê phán, mà hệ thống tác phẩm đồ sộ của đại văn hào Nga L.Tônxtôi đạt tới đỉnh cao vời vợi.

     Trên chiến trường Sevaxtopol, Tônxtôi được thăng chức từ thiếu úy lên trung úy. Nhưng chính nhà văn đã ghi vào Nhật ký “ Đường công danh trong binh nghiệp không phải của tôi, và tôi sớm thoát ra được chừng nào để hoàn toàn dành sức cho văn học càng tốt chừng nấy…” (6/1855)

     Vào cuối tháng 11/1856,Tônxtôi ra quân, về thủ đô Peterbua và cộng tác với tạp chí Người cùng thời, nơi đó nhà văn Turghenev phụ trách ban Văn đang sẵn sàng đón tiếp.

      Vậy là 60 năm trôi qua (1954-2014), sự kiện Crưm giờ đây giống như một bước ngoặt tái hồi tất yếu của lịch sử và câu chuyện về những gì diễn ra xung quanh nó thuộc lĩnh vực chính trị- xã hội và dân tộc…ở tầm thế giới là việc mà dư luận quốc tế cũng như các nhà chính trị sẽ tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, có điều không thể phủ nhận rằng, chính mảnh đất này cùng với những sự kiện lịch sử trọng đại từng diễn ra trước đây thật sự đã trở thành chất liệu qúy giá cho những tác phẩm văn học lớn và là không gian hiện thực sinh động cho một tài năng vĩ đại không chỉ của nước Nga mà của toàn thế giới./.                                                                                                              

                                                                     ***        Báo Văn Nghệ-HN-số15/12/4-2014  

-