Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ BÀI THƠ CHỮ HÁN “TẦM HỮU VỊ NGỘ” CỦA BÁC HỒ

Nguyễn Huy Thông
Thứ sáu ngày 4 tháng 4 năm 2014 4:47 PM


Nguyễn Huy Thông
(Nhà phê bình văn học)
Theo Giáo sư Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán – Nôm thì toàn văn bài thơ tứ tuyệt Tầm hữu vị ngộ này như sau:
Bách lý tầm quân vị ngộ quân
Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân
Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ
Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân
Không biết nhà nghiên cứu Lương Duy Thứ căn cứ vào tài liệu nào mà mới đây trên Tạp chí Thơ  số 1&2-2014, trong bài “Thơ Hồ Chí Minh và thơ Đường”,  ông đã dẫn bài thơ trên, với tên là Phỏng hữu bất ngộ (Thăm bạn không gặp) và sửa chữ thứ năm “nhất” thành chữ “mỗi” trong câu thơ cuối cùng (Mỗi đóa hoàng hoa mỗi điểm xuân).
Trên Báo Người cao tuổi số 205, 3-2014, tác giả Phan Chúc khẳng định bài thơ đó của Bác Hồ để tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả cho biết Bác cảm tác làm bài thơ khi Người qua Bộ Tổng tư lệnh thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì Đại tướng đã lên đường ra trận ngày 5-1-1954.
Tác giả Lương Duy Thứ cho rằng bài thơ ấy Bác làm năm 1953 trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ thăm một vị tướng quân. Tuy ông không nói rõ tên vị tướng nhưng bạn đọc vẫn đoán được đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì hồi đó trong các sỹ quan chỉ huy cao cấp ra mặt trận Điện Biên Phủ chỉ có một vị được phong quân hàm tướng (Võ Nguyên Giáp).
Vậy bài thơ trên được Bác sáng tác chính xác vào thời điểm nào và có phải để tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không?
Giáo sư Phan Văn Các là người đã bỏ nhiều tâm sức để sưu tầm, phiên dịch, chú thích và công bố lần đầu tiên bài thơ Tầm hữu vị ngộ trong cuốn Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1990, trang 43-44. Một số tác giả đã cố gắng dịch bài thơ này ra tiếng Việt, nhưng theo chúng tôi thì bản dịch sau đây của Phan Văn Các là chính xác và hay nhất:
TÌM BẠN KHÔNG GẶP
Trăm dặm tìm không gặp cố nhân
Mây đèo dẫm vỡ, ngựa chồn chân
Đường về chợt gặp cây mai núi
Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân
Như nhiều người đã biết và chính Phan Chúc đã nêu chi tiết trước khi lên đường ra trận, làm nhiệm vụ tổng chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Khuổi Tát trên đỉnh núi Hồng thuộc ATK Định Hóa (Thái Nguyên) để chào và xin ý kiến chỉ thị của Bác. Người đã ân cần dặn dò chu đáo Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền…Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (1) Bác đã biết rõ thời gian cụ thể và những trọng trách mà Đại tướng đảm đương gánh vác. Hơn nữa, Người luôn bận rộn muôn vàn công việc hệ trọng của Đảng và Nhà nước. Vì vậy  mà theo chúng tôi thì Bác không thể qua Bộ Tổng tư lệnh để thăm Đại tướng được. Lập luận của Phan Chúc cho rằng do Bác đến thăm mà không gặp Đại tướng nên Người mới cảm tác làm bài thơ tặng ông là không hợp lý, không lô-gic. Có lẽ do tác giả sơ xuất nên đã viết nhầm ngày Bác sáng tác bài thơ là mùng 1 tháng Chạp Giáp Ngọ. Nếu như vậy thì Bác làm bài thơ vào cuối năm Giáp Ngọ (âm lịch), bước sang đầu năm 1955 (Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7-5-1954) à? Thật là vô lý.
Còn ý kiến của Lương Duy Thứ cho rằng Bác làm bài thơ năm 1953 trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ cũng không đúng thực tế. Bác Hồ và Bộ Chính trị đã giao toàn quyền quyết định ở chiến dịch Điện Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xét về phương diện địa lý, từ ATK Định Hóa lên Điện Biên Phủ, đường sá, núi rừng, đi lại rất nguy hiểm, xa xôi hàng mấy trăm km làm sao Bác lại có thể dùng ngựa ra mặt trận được. Chúng ta cần lưu ý một chi tiết: ở dòng cuối cùng của bài thơ, Bác chú thích: “Bách lý thực ra là 60 km”.
Nghiên cứu kỹ về nội dung, ý nghĩa và khẩu khí trong bài thơ Tầm hữu vị ngộ, chúng tôi đoán có lẽ Bác làm để tặng một đồng chí Trung Quốc thì phù hợp. Sinh thời, Người chỉ tặng thơ chữ Hán cho một số bậc túc nho, nhân sĩ yêu nước đã một lòng đi theo Hồ Chủ tịch, theo cách mạng như các cụ Bùi Bằng Đoàn, Võ Liêm Sơn…hoặc tặng các đồng chí Trung Quốc – những người bạn thân thiết của Bác như Chủ tịch nước Mao Trạch Đông, Phó Chủ tịch nước Đổng Tất Vũ, cố vấn quân sự Trần Canh…
Trong cuốn Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, bài thơ trên được chú thích ngắn, gọn là: “Tác giả viết bài thơ này đầu năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang được gấp rút chuẩn bị”. Tôi có hỏi Giáo sư Phan Văn Các – một người rất am hiểu thơ chữ Hán của Bác về xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Giáo sư cho biết: Bác làm bài thơ đó để tặng đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại mặt trận Điện Biên Phủ, vào thời gian trước khi đồng chí cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi chiến dịch lịch sử “chấn động địa cầu” này.
Tôi tin vào ý kiến hợp lý hợp tình của Giáo sư Phan Văn Các.
Xuân Giáp Ngọ, 2014
NHT


(1) Xem “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hữu Mai thể hiện, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2001, trang 63