Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chân dung một nữ sĩ Hà Thành U80

Hoàng Xuân Họa
Thứ tư ngày 2 tháng 4 năm 2014 4:33 PM


 
Chị là Vũ Thúy Lan, cách đây 62 năm từng là nữ sinh tuổi trăng tròn trường tư thục Tân Trí, con chủ xưởng mạ Kền - Crôm ở phố Harmand(1) (phố Trần Xuân Soạn bây giờ). Ngày hai buổi trong bộ áo dài trắng cắp cặp sách nhẹ gót từ nhà sang phố Armand Rousseau(2) (nay là phố Lò Đúc) đi học làm các chàng trai hai dãy phố tròn mắt dõi theo mơ ước. Hồi ấy, dáng người thanh mảnh là dáng lý tưởng để chọn người yêu, chọn bạn đời của các chàng trai Hà Thành. Đó là một tiêu chuẩn: mỏng mày hay hạt thuộc của hiếm, được các bà mẹ chồng thời ấy kiếm tìm nàng dâu. Năm 1956, vừa bước vào tuổi 18 thân phụ chị, ông chủ doanh nghiệp Đức Vinh vội gả chị cho người mà chị không hề yêu, một chàng trai đi kháng chiến về. Thực tình chị chưa biết thế nào là tình yêu. Tưởng gả con cho người có thành tích kháng chiến sẽ giảm nhẹ được thành phần tư sản của mình. Sự thật anh ta đã dinh tê (đảo ngũ) về nội thành từ trước khi giải phóng Điện Biên Phủ vài tháng. Cha đã chọn nhầm người, đem vàng gửi vào nơi không nên gửi, không đáng gửi. Người ấy đến ở rể với hy vọng lên thay làm chủ khối tài sản của bố vợ. Được giao cho làm đốc công. Thực chất người này không phải con người của công việc làm kinh tế,  làm giàu, một kẻ tinh tướng, hống hách chưa gì đã cậy rằng ta, mới tập làm ăn đã vênh vang bộ tịch hơi tí là mắng mỏ, quát nạt lăng mạ thợ thuyền, xấc xược quá đáng. Những người thợ ấy từng làm việc cho cơ sở Đức Vinh nhiều năm, họ là những người thợ giỏi tay nghề, tận tuỵ với công việc, sản phẩm họ làm ra có uy tín trên thị trường nên chủ thợ rất quý trọng nhau. Vậy mà anh ta cậy thế con rể ông chủ ốp thúc người thợ gắt gao làm cho nhiều người tự ái định chuyển đi việc làm nơi khác. Thấy tình hình công nhân nhiều bức xúc, ông gọi con rể ra mắng. Nghĩ rể cũng là con hắn sai thì dạy bảo. Chàng rể này thuộc lớp người  “dân chủ” đời mới... “vùng lên” đòi đánh đổ gia phong nhà vợ! Anh ta gân cổ mắng luôn bố vợ:  “ông là đồ bóc lột thối tha, đồ tư sản ăn bám...”(!). Sống với người chồng đầu đời ấy chưa đầy một năm, chưa bén mùi hạnh phúc. Sau vụ cãi láo, mắng lại bố vợ, cha chị nổi giận tống khứ chàng rể thẳng cổ. Lúc người ấy khoác ba lô ra đi, chị còn chưa biết bụng mình đã mang thai. Người con gái đầu chị sinh ra thiếu cha là vì vậy. Năm năm sau cũng chính người cha lại “kiếm” về “đền” cho chị người chồng thứ hai hơn chị 13 tuổi? Người chồng thứ hai của chị cũng hoàn cảnh “lỡ đò” một chuyến... Ý cha là ý trời, một lần nữa chị phải tuân theo phép nhà. Nghĩ mình đã gái một con, đành cam phận cho xong cuộc đời. Mình cam phận vậy nhưng số phận nào có “cam” cho; đời người cứ dài dằng dặc với những nỗi trân chuyên hệ luỵ đeo bám theo sau.  Vũ Thúy Lan là chắt ngoại quận công Phạm Trung Hậu(3), người Lại Yên, Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Trước khi lấy chồng chị cũng có một bạn trai cùng phố đầy thơ mộng:
Nhớ khi còn trẻ vụng về
Anh mang kẹo để ngoài hè tặng em
        Kẹo vùi bên gốc cây lim
        Gói vào tờ giấy, kẹo im không lời
Vào ra mấy bận lại thôi/
Rồi sau anh cũng: em ơi kẹo này
Nhìn tay anh chỉ vào cây
        Làm em ngơ ngác chẳng hay chuyện gì
     (Hoài niệm)
 Năm 1954, tiếp quản Thủ đô xong, các anh bộ đội đến từng khu phố vận động, thành lập các đoàn thể. Vũ Thuý Lan có mặt ngay từ buổi đầu, tối tối đi sinh hoạt thanh niên, Phụ nữ, tham gia lao động xã hội chủ nghĩa làm sạch đẹp Thủ đô, đi học hát, học múa sạp, đi dự các cuộc mít tinh, biểu tình quần chúng chống Mỹ Diệm chiếm đóng miền Nam, xem chiếu phim ngoai trời, xem biểu diễn văn công văn nghệ… cùng vài người bạn gái, thân với một anh bộ đội, cả bọn kéo nhau lên bờ hồ Kiếm chơi cùng anh. Anh bộ đội ấy đã có tình ý:
Buổi đầu đi bên nhau
 Ra bờ Hồ trò chuyện
 Đứng bên cạnh gốc liễu
 Đầy trời mây lang thang
 Anh nói lời mênh mang
 Em nói lời vô lý
 Anh hỏi hoa nào quý
 Em bảo bông hoa tươi
 Anh thì thầm em ơi
Chính là hoa lan đấy (Tại trăng liềm hôm đó).  Giá như ngày ấy người cha nắm bắt đầy đủ được chính sách của chính quyền mới, biết mình thuộc thành phần nào của cuộc cải cách tư sản và tuân theo thì có lẽ chị không bị ép lấy chồng sớm, không phải mang nỗi ấm ức, không phải “Hoài niệm” mênh mang đến suốt cuộc đời. Thời đẹp nhất của đời người con gái trôi đi trong sự ngỡ ngàng không may mắn, ám ảnh chị từ thời xanh trẻ đến tận bây giờ. Đôi mắt ấy thời thiếu nữ từng chứa cả trời xanh, khao khát cả bầu trời xanh.Cuộc cải cách tư thương năm 1957 – 1959 tuy gia đình chị quy thành phần tư sản nhưng cũng không bị tịch thu hay trưng thu tài sản, được giữ nguyên cho đến khi vào công tư hợp doanh. Không làm việc cho xí nghiệp của gia đình, mà chị đi học ngành y để vào làm ở xí nghiệp ôtô Ngô Gia Tự. Chị có duyên với nghề này, một cô y tá mát tay; cán bộ công nhân viên bị đau nhẹ điều trị tại y tế nhà máy ai cũng muốn được cô y tá Thuý Lan chăm sóc. Chị tiêm, dù tiêm bắp hay tiêm ven không ai sợ, kêu đau bao giờ. Nhiều người đi khám bệnh, bệnh viện cho thuốc về nhà điều trị, đến cơ quan tiêm, gặp hôm không đúng phiên trực của chị nhiều người bệnh nhất quyết không để y tá khác tiêm cho mình, mà mang thuốc đến tận nhà nhờ cô y tá Thuý Lan tiêm giúp.  Chị lần lượt sinh thêm ba người con, hai gái, một trai. Người con gái với người chồng trước một lần lên sân thượng phơi quần áo bị cơn gió ác xô ngã gây chấn thương sọ não, vài giờ sau thì qua đời gieo vào lòng chị nỗi mất mát to lớn. Do đó mà lúc nào chị cũng hoài hoài thương cháu, nhớ con:
 Xuân lại về,
 con đang ở nơi đâu
 Cho mẹ nắm tay, cho mẹ vuốt tóc
 Cho mẹ hôn lên bầu má lúm
 Mẹ ôm con, ghì mãi không rời”.  Nghỉ hưu, chơi không, buồn chân buồn tay, nhà ở lại chật chội, có ít tiền dành dụm chị bàn với chồng xuống làng Láng mua đất làm nhà ở cho rộng rãi, thoải mái. Không được chồng ủng hộ, chị vẫn quyết tâm làm. Từ việc chạy giấy tờ mua đất, xin giấy phép xây dựng, nhờ vẽ thiết kế, thuê thợ, trông coi thợ đến việc giao dịch mua nguyên vật liệu mình chị đảm đương. Ngôi nhà ba tầng thuộc dạng sang đầu những năm 90 thế kỷ trước một tay chị tạo dựng thành công. Chuyển về nhà mới ở được vài năm, lần thì mất trộn, lần bị cướp. Lần thứ nhất kẻ gian vào cậy tủ lấy đi toàn bộ vàng và tiền vợ chồng tích cóp được trong mấy chục năm chung sống. Các nhà chức trách điều tra, bắt được bọn trộm đó, nhưng của cải không thu lại được gì, chúng đã chia nhau sạch. Lần thứ hai chồng chị ở nhà một mình, hai kẻ lạ mặt tự xưng là bạn cùng công tác với con trai bên nước bạn Lào về nước đến thăm gia đình “bạn”! Chồng chị tưởng thật mời chúng vào nhà mời thuốc, nước lịch sự. Đang chờ  ấm chè ngấm nước thì hai vị “khách quý” đã đè sấn bố “bạn” ra nền nhà, đứa chẹn cổ nhét giẻ chặt mồn, đứa trói giật cánh khuyủ quăng bố “bạn” vào một góc để lục lọi tìm tiền, tìm của. Không thấy, chúng quay ra doạ dẫm để khảo của. Cũng may, lúc ấy có tiếng người í ới gọi nhau ngoài đường, bọn cướp tưởng bị lộ hành tung, mỗi đứa vơ vội vài thứ hiện vật rồi kéo nhau bỏ đi. Chồng chị ú ớ kêu cứu, một người qua cửa nghe tiếng bèn hô hoán, hàng xóm chạy sang mở trói cho người bị nạn...     Sau đận bị cướp ấy, phần bị sốc, phần tiếc của nên chồng chị lâm bệnh nặng và qua đời để lại cho chị một gánh nặng gia đình, cả nỗi trống vắng mênh mang kèm theo. Cậu con trai quý yêu trên ba mươi tuổi chưa vợ đang theo một lịch trình công tác dài hạn bên nước bạn Lào. Ở một mình, nỗi thương chồng, nỗi nhớ con càng dày hơn, lớn hơn, day dứt ngày đêm, và chị làm thơ. “Khúc lặng thầm” sinh ra từ đó.
 Lặng thầm chỉ một mình thôi
Mãi tuôn dòng lệ rơi rơi lặng thầm...         Thường thì tạo hoá chẳng lấy đi của ai tất cả. Không may mắn ở việc này, lại may mắn ở việc khác. Gần mười năm nay chị tựa vào thơ để đứng dậy, chị đã đứng vững bên con thảo cháu ngoan, dâu hiền rể quý. Là thành viên của tám CLB thơ trên khắp các địa bàn Hà Nội và một CLB dương sinh để giữ gìn sức khoẻ. Hàng ngày chị làm thơ để khoả lấp sự trống vắng, khoả lấp những mất mát trong đời mình. Thơ chị nhiều trăn trở, ưu tư những nỗi niềm:
Ai đem thả sóng vào sông
 Thả mây mặt nước để không rõ trời
Ai đem thả nhớ sang tôi
Để tôi vớt bóng cái thời đã xa.Từ 2008 đến  2013 chị đã xuất bản ba tập thơ: Khúc Lặng Thầm- NXB Hội Nhà văn; Lặng Thầm Ngõ Nhỏ - NXB Hội nhà văn; Trăng Lạnh, thơ và truyện thơ - NXB Hội nhà văn. Hiện chị còn hàng nghìn bài thơ trong sổ tay chưa xuất bản. Chị tâm sự: “Tới đây, dần dần tôi cho in tiếp bằng hết những bài thơ còn lại và sẽ sáng tác thêm cho đến khi thấy mình hết vốn, hết cảm hứng làm thơ”!                                                                                                
                                             Hoàng Xuân Họa
                                                                                 ----------------------(1). Phố Trần Xuân Soạn xưa mang tên nhà chính trị gia người Pháp thế kỷ 17.(2). Phố Lò đúc xưa mang tên Bác sĩ, nhà dân tộc học kiêm nhà ngoại giao Pháp thế kỷ 18.(3). Lăng Quận công Phạm Trung Hậu đã được sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Tây  xếp  hạng danh nhân văn hoá.     Chùm thơ của Vũ Thúy Lan  LÁ VÀNG CÒN Ở TRÊN CÂY Mùa xuân về mẹ lại nhớ thươngChiều xa ấy cơn gió lành lạnh thổiĐã bảy năm con mẹ khuất xa rồiTrời xanh hỡi! Cái ngã sao ác nghiệt Xuân ngoài kia, mưa giăng da diếtƯớt đẫm bầu trời vì mẹ thiếu conTrăng tròn vậy, mà trăng mùa khuyếtLời thơ buồn mẹ viết giữa chiều đau Xuân lại về, con đang ở nơi đâuCho mẹ nắm tay, cho mẹ vuốt tóc
Cho mẹ hôn lên bầu má lúm
Mẹ ôm con, ghì mãi chẳng rời
 
Nhớ lời con trước khi hấp hối
“Mẹ như lá vàng cỗi phải chăm nom”
Còn vẳng đâu đây, cấu đau lòng mẹ
Lá vàng còn ở trên cây...
                            (Khúc Lặng thầm)
                                Vũ Thúy Lan
 
 
                                                                                                                                           
LỜI TỪ CHỐI
 
Tôi thèm
     một miếng gan trời
              Tôi thèm mắt bão
                    ngoài khơi buông rèm
Tôi thèm
      mưa cháy ngọn đèn
             Tôi thèm ăn miếng
                         dế mèn ran kêu
Tôi thèm
      ánh sáng tịch tiêu
            Tôi thèm, tôi khát
                    những điều hư không
 
Tôi thèm
     thôi rét mùa Đông
            Tôi thèm nhìn thấy
                   tấm lòng người xưa
Tôi thèm
     tắt nắng hè trưa
              Thèm trời xanh
                      đổ trận mưa tơi bời
Đố ai
     làm được cho tôi
            Tôi xin cất bước,
                      cùng người... nếu không./.
 
                      (Trăng Lạnh)
                          
                  Vũ Thúy Lan