Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Phiêu du Yên tử” Phút thăng hoa của Trịnh Hoài Phương

Trần Ngọc Ước
Thứ hai ngày 7 tháng 5 năm 2012 9:19 PM

  PHIÊU DU YÊN TỬ
BuồnTreo lên vách đá
Tiền bạc gửi lùm cây
Tay bám theo nhịp mõ
Hồn lang thang trong mây
ngược bên dòng thác bạc
Tiếng ai đang cầu may
thương kiếp người nhỏ bé
Chuệnh choạng đôi vai gầy.
Hương đỏ miền tâm tĩnh
Chuông vọng lời người xưa
Ta nhặt bông thanh thản
Thả xuống bàng* trúc thưa
Rượu uống cùng hương cỏ
Mây trằng rơi đầy tay
Chông chênh bên bờ đạo
Thuyền ai đi vẫn đầy.

Trịnh Hoài Phương  đã mở đầu cho một cuộc “Phiêu du Yên tử” không theo quy luật thực tế thường gặp trong tâm của phần đa người lên chùa cầu tài, cầu lộc, cầu may, cầu danh, cầu lợi, …Anh bỏ lại đời thực, đi vào cõi tâm linh  tự nhiên và thanh thản. Thanh thản đến mức “ Buồn treo lên vách đá/ Tiền bạc gửi lùm cây”. Vách đá làm gì có móc mà treo?  Lùm cây làm gì có két  bạc mà gửi tiền? Sự vô tâm nghe đến mức vô lý ấy lại biến ý thơ thật đằm với thực tâm của người đi chùa lễ phật. Chỉ với hai câu thơ vẻn vẹn mười chữ, tác giả đã trút hết mọi ưu phiền để bước vào cõi Phật, rất kiệm lời mà ý lại thoát ra ngoài trang viết.
Thật vậy! Chỉ khi nào trong tâm có Phật mới bỏ qua được những khát vọng đời thường, mặc dù chỉ trong khoảnh khắc. Cũng chỉ khi nào con người có tấm lòng thánh thiện thực sự, khi bước chân vào đất Phật mới cảm nhận được  từng  nhịp mõ như những điểm tựa cho ta bám vịn vào, lần từng bước mà thoát tục, mà hướng thiện. Và Trịnh Hoài Phường đã bồng bềnh giữa sắc sắc không không bằng năm chữ thơ thật bay, thật đúng nghĩa phiêu du: “Hồn lang thang trong mây”.
Nói là hồn lang thang, thực ra là  những nhìn nhặn, suy tự rất Người, rất Phật của tác giả. Tôi rất mê hai chữ  “ĐỎ” và “TĨNH” trong câu thơ: “ Hương đỏ miền tâm tĩnh” nó như hai vế đối  đưa người đọc đến với những trăn trở, chiêm nghiệm về những thăng trầm của kiếp người,  qua những đúc kết thành pho kinh phật mà người xưa gửi lại như “ Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình” hoặc như:  “ Hèn hạ nhất đời người là sự ghen tuông, đố kỵ” v.v… để rồi mỗi chúng ta có dịp quỳ xuống, hướng lên ánh sáng đỏ linh diệu của nén hương trầm, tĩnh tâm soi lại mình trong tiếng “ Chuông vọng lời người xưa”.
Thường thì sau những chiêm nghiệm, đúc kết, người ta hay đưa ra những triết lý sống để chứng tỏ, để giữ lại cho chính mình và cho người đọc, Trịnh Hoài Phương  lại không thể hiện theo lối mòn này. Cái thanh thản trong từng bước phiêu du ấy, anh nhặt và “Thả xuống bàng trúc thưa”. Tại sao không thả xuống rừng trúc mởn xanh? Đây là câu hỏi lớn đặt vào nhân gian. Phải chăng, bông thanh thản là một chất xúc tác giúp cho bàng trúc sẽ ngày một sinh sôi, mang lại mầu xanh cho cõi dương gian này! Có lẽ, “ Tâm thiện thì lòng thanh thản và sẽ thật có ích cho đời” là triết lý mà anh muốn gửi vào câu chữ của mình chăng? bởi vì tác giả đã khéo léo đưa chữ “bàng” vào câu thơ “ Thả xuống bàng trúc thưa” để người đọc có cảm giác như một tiếng vang nhẹ, vừa đủ để bông thanh thản vỡ òa trang khắp rừng trúc thưa kia.
Ai cũng vậy, mỗi khi làm xong một việc gì đó, lại thấy thật hạnh phúc và mãn nguyện. Mỗi người lại có nhưng giây phút thoải mái, cách nhâm nhi  hưởng thụ thành quả cũng rất khác nhau. Trịnh Hoài Phương chọn cho mình cách uống rượu cùng hương cỏ, rồi xòe bàn tay cộm vằn trai sạn để “mây trắng rơi đầy”. Vâng! Mây trắng hay những tinh khiết , trắng trong cõi Phật ban cho, mà phật ban cho hay cõi lòng trong thời khắc thoát khỏi bụi trần của tác giả. Hai câu thơ này tôi cho là rất đạt, thật ngẫu hứng tức cảnh sinh tình; nó đan xen, quấn quyện nhau để hình thành một tình yêu vô bờ bến.
Vẫn biết rồi đây, khi rời cõi phật “Vận mệnh một đời người/ phúc họa ai biết trước”, vẫn biết những ồn ào, đỏ đen thật giả đã từng đan xen vào quá khứ và cũng khó tránh khỏi trong tương lai. Nhưng! Giữa đời và đạo chông chênh, Trịnh Hoài Phương vẫn  nhìn thấy một con thuyền đầy đặn những điều tốt đẹp đang hướng về tương lai: “Chông chênh bên bờ đạo/ Thuyền ai đi vẫn đầy”.
Là bạn thơ với nhau, có nhiều khi tôi và Phương tranh cãi nảy lửa về những câu chữ; được cái Anh cũng khá điềm đạm, khiêm tốn và cầu thị. Thật tình mà nói, thơ Trịnh Hoài Phương về bố cục đôi khi chưa được chặt chẽ, có những câu thơ chưa sáng ý hoặc còn gượng ép. Xong! Tôi lại thầm phục khả năng xuất thần  với những câu thơ đúng với nghĩa thi sĩ của anh. Có lẽ đây là năng khiếu bẩm sinh để định hình một giọng thơ riêng. Nói như nhà thơ Trần Nhuận Minh:
“ Tấm áo choàng lấm đất
Bốn phương trời tha hương
Chắc gì mà kiếm được
Chút bụi vàng văn chương” ( Bạn cũ)
quả thật là thấm thía. Lắm khi tôi cũng tự cười khi đọc lại bài thơ của mình, rồi vo lại, vứt vào xọt rác và buông một câu “Đúng là thơ con cóc”. Bây giờ các tác giả không chuyên hay có nhiều bài thơ “con cóc”. Tuy nhiên, với phút thăng hoa trong “PHIÊU DU YÊN TỬ” mà theo tôi, Trịnh Hoài Phương có một “Con cóc vàng” trong dòng chảy thơ của mình.

Trần Ngọc Ước 
*Ghi chú:" Bàng trúc" là từ địa phương chỉ một cánh rừng, một bạt lau, bạt sậy v.v.