TNc: Tình cờ tôi vào website thoibaoViet.com thấy có bài giới thiệu trannhuong.com và các bạn. Xin cóp để các bạn đọc cho vui
web của nhà thơ Trần Nhương
Nhà văn chơi web
So với hồi đầu năm nay, một hai nhà văn ra web đã là sành điệu thì nay các nhà văn đua nhau lập web, một ông nhà văn lão làng ví như “nhà nhà đua nhau nuôi lợn”.
Không còn mặc cảm về chuyện nhà văn rất kém về khoản internet, điều kỳ diệu trong thế giới mạng ngày nay là không chỉ hấp dẫn những người viết trẻ mà nó có sức lôi cuốn với cả những ông nhà văn tạm gọi là già.
Mỗi người một cách, cập nhật các thông tin khác nhau và chịu khó đầu tư cho cái giao diện mang tên mình ngày một thêm phong phú.
Nhà thơ Trần Nhương hào hứng in trên card visit của mình địa chỉ web trannhuong.com để độc giả có thể cập nhật nhanh nhất những hoạ phẩm và văn phẩm của ông. Ông cũng thành thật tâm sự trên trang web của mình:
“So với các nhà khác thì nhà văn còn ngủng nghỉnh với thế giới phẳng, thế giới số. Số liệu cho thấy cư dân mạng là văn nhân thì chỉ đểm trên đầu ngón tay.
Các nhà văn chơi được cô nàng computer cũng khá đông, nhiều bạn sắm được xách tay. Nhưng, với internet, website thì “Đây không cần biết “, “ Không có nét đã làm sao đâu” !
Đến Hội Nhà văn ta cũng chưa website oét đúng gì nữa là các cơ quan cấp II của hội. Tất cả các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội nhà đều ăng-ti với cậu web ! Chả biết là buồn hay vui?
Một số ít văn nhân ngẫu hứng lập website, weblog và giao lưu với nhau vui đáo để. Chứng tỏ cư dân mạng vẫn chịu đọc nhau. Tôi vừa mới mở web mà sô người truy cập không ít, có lúc trên giao diện hiện lên gần 30 người vào thăm quán nhỏ của mình”.
Cũng trên trang web của mình, ông cập nhật tới hơn ba chục trang web của các ông bạn bầu rượu, túi thơ. Kể sơ sơ mấy bạn văn ở tuổi ngũ tuần như ông cả trong Nam ngoài Bắc cũng thấy vài chục gương mặt quen như Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Vũ Hồng, Nguyễn Đình Chính, Thái Bá Tân, v.v.... Cũng trên các vị trí trang trọng, họ đặt các banner quảng cáo các web của các nhà văn khác.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân trên trang web của mình chia rõ thành nhiều mảng nội dung khác nhau. Có phần để dành riêng cho gia đình, có phần dành cho các bài báo và có phần dành cho các tác phẩm mới nhất.
Ông còn khéo sử dụng các slideshow ghi lại những chuyến đi của Quang Thân - Dạ Ngân ngay trên trang web.
Trang web được đầu tư kỹ lưỡng của nhà văn Nguyễn Quang Thân |
Đội ngũ các nhà văn già đã thế, các cây bút trẻ cũng không phải ngoại lệ, tuy về số lượng có phần èo uột hơn. Dưới góc nhìn của những người cầm bút, họ dành thời gian để bình luận về những chuyện xung quanh mình theo một cách rất riêng.
Đa phần vừa là nhà văn nhưng cũng là nhà báo, các nhà văn trẻ thể hiện những chính kiến sắc sảo của mình trên web. Phong Điệp, Đỗ Doãn Hoàng, Phan Nhiên Hạo, v.v…
Trên Phongdiep.net, cây bút trẻ Phong Điệp có phần điểm tin văn hoá, văn nghệ khiến cho trang web cá nhân của chị phong phú như một thư viện văn chương.
Chị tâm sự trên chính trang web của mình: “Bạn sẽ hỏi: tôi được lợi ích gì? Vâng, tôi có thêm bạn bè. Tôi được sẻ chia niềm đam mê văn chương với mọi người, mọi khoảng cách về địa lý sẽ không còn cách trở nữa.
Tôi có không gian văn chương của tôi cùng các bạn bè mình, để mỗi ngày tôi tự thúc giục mình làm việc, cũng như sử dụng quỹ thời gian của mình một cách ý nghĩa hơn. Và nữa, những gì tôi viết, sẽ được san sẻ cùng nhiều độc giả hơn”.
Với động cơ ấy, những câu chuyện được chị chia sẻ trên web rất gần gũi.
Cũng vì nói vui, nhà văn Bão Vũ đùa chuyện nhà văn lập web như việc nuôi lợn thời bao cấp ngày xưa.
Thi sỹ Trần Nhương ngay lập tức có lời thưa lại: “Bão Vũ bảo nuôi web như nuôi heo là ví von hơi bị khập khiễng. Nuôi heo như tiền để dành, có được tiền mặc dù khó có lãi.
Còn nuôi web mất tiền nào là mua tên miền ( mà tên miền chấm com không có vn), nào là thuê hosting (tuy không nhiều), thuê thiết kế, đó là một địa chỉ chính danh đâu như anh blog tú hú đẻ chon.
Thế mà web của tôi hoàn toàn tự do free 100% ai cũng vào được , càng vào nhiều thì anh bưu chính viễn thông càng hưởng lợi còn ông chủ web không được một cắc. Tôi lấy cái sự phục vụ người đọc làm vui.
Nhiều bạn bè hỏi mở web thì được cái gì. Tôi bảo được cái vui, có bạn có bè, người đọc đọc mình và đồng cảm, thế là được nhiều rồi còn mong gì nữa’.
Có người mở web cũng rất ngẫu nhiên. Do anh bạn nọ, bạn kia thương quý lập hộ nhưng cũng có những người kết duyên với nó rất mặn mà và chuyên nghiệp. Tin tức trong làng văn được post lên có khi còn nhanh hơn ở các báo điện tử.
Dù mỗi người một lý lẽ, nhà văn chơi web cũng như thoả mãn một thú đam mê với con chữ. Thêm niềm vui, có bạn, có bè, có lẽ vì thế mà web của các nhà văn ngày càng thêm đông và rầm rộ.
Thu Hà