Không biết cơ duyên nào mà tuần này Trần tôi được “leo” lên 2 tờ báo lớn. Đó là tờ Văn nghệ Công an số 54 (16-4-2007) và tờ Thời Đại số 16 (16-4 đến 22-4-2007) Tờ Văn nghệ Công an với bài Cùng nhà văn lướt web viết về mấy nhà văn chơi web riêng là Trần Nhương, Vũ Hồng và Trần Thanh Giao. Phóng viên trẻ Việt Hà biểu dương các nhà văn đang mở rộng “ văn học mạng “, một vũ khí đắc dụng trong thời kỳ kỹ thuật số. Tờ Thời Đại thì cử phóng viên Thu Hiền đến tận cơ quan phỏng vấn. Chà cô phóng viên trẻ này hỏi đủ thứ chuyện từ thơ phú đến hội hoạ, rồi nhảy sang công việc xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đùng một cái lại bẻ sang chuyện đội ngũ các nhà văn mặc áo lính và các nhà văn viết về chiến tranh…Mời các bạn tìm đọc. Nhân đây tôi xin cóp bài phỏng vấn in trên báo Thời đại để các bạn cùng xem.
Từ mạch nguồn dân tộc…
Họa và thơ, tuy hai mà một.
Nhà thơ - họa sĩ Trần Nhương, sinh năm 1942 tại Phú Thọ, hiệ ở Hà Nội. Trần Nhương đến với văn chương bằng những bài ca dao, những bài thơ ngắn từ khi đang là giáo viên của trường cấp 2 làng Vẽ, Đông Ngạc, Từ Liêm, HN. Nhập ngũ, cuộc đời ông bắt đầu gắn với nghề làm báo, làm thơ tuyên truyền cổ động trong quân đội. Những năm 60 ông đã có những bài thơ dài phát trên đài, in trên các tờ báo lớn. Năm 71 ông được đi dự Hội nghị Viết văn trẻ tòan quốc lần thứ 2, chính thức đi theo con đường văn nghiệp. 28 năm trưởng thành trong quân đội, ông đã có vốn sang tác đáng kể để tên tuổi ông được nhiều người nhắc tới trên thi đàn. Có khiếu vẽ từ nhỏ (cũng thỉnh thoảng vẽ kí họa trên đường đi chiến trường) nhưng đến những năm 90, khi phong trào hội họa bung nổ, ông mới “thỏa” niềm đam mê của mình bằng triển lãm đầu tiên “Triển lãm tranh của nhà thơ Trần Nhương” năm 98. Sau đó ông tiếp tục tham gia một số triển lãm chuyên ngành: “40 năm Trường Sơn”, rồi “Kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng cục Hậu cần”. Năm 2003 ông triển lãm cá nhân lần thứ 2 với tên gọi “Thi hứng” và mới đây nhất là triển lãm “nhà văn vẽ” năm 2005 cùng các nhà văn Đoàn Lê, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thiều tại Bảo tang Mỹ thuật Việt Nam.. Là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, là phó ban quản lý dự án bảo tàng Văn học Việt Nam, ông và đồng nghiệp của mình muốn để lại cho con cháu mai sau “một chút gì” về “tượng đài” văn học.
Ông được biết đến là một nhà thơ và họa sĩ, giữa thơ và họa, ông thích cái nào hơn?
Tôi hơi tham nên yêu cả hai. Thơ và họa bổ trợ cho nhau, “thăng hoa” nhau. Hội họa lao động bằng tay và trực giác, xem tranh, pha màu, màu ra thích hay không thích thì có thể xóa đi làm lại, bằng trực giáclà cảm ngay được, là có nhìn thấy màu sắc hình thái bố cục trọn vẹn. Còn thơ thì lại phải chiêm nghiệm, nghiền ngẫm… Mỗi cái có cái thú vị riêng, không so sánh được.
Ngày nay, các nhà văn có vẻ rất đa tài, “cầm kì thi họa” cái gì cũng biết. Nhiều người vẫn nghĩ, muốn làm được các ngành nghệ thụât chủ yếu là do năng khiếu. Theo ông, có nhiều người giỏi như vậy là do đào tạo bài bản hay năng khiếu?
Năng khiếu rất quan trọng vì nó là thiên bẩm nhưng vẫn phải có đào tạo. Nếu không có năng khiếu, cảm xúc nghệ sĩ thì chỉ là nghề, trơ cứng như anh thợ thủ công, thợ mỹ nghệ. Nhưng nếu chỉ có cảm xúc mà không được đào tạo một cách bài bản thì sẽ không bền, không đi được xa, cảm xúc cũng sẽ mòn hết. Chúng ta có nhiều thần đồng: ca nhạc, thơ ca, tính toán… nhưng nếu không được đào tạo thì cũng chỉ dừng lại ở đó thôi, ngay như thần đồng Trần Đăng Khoa cũng vậy, thần đồng cũng chỉ có lúc thôi chứ già rồi ai gọi là thần đồng nữa. Muốn trở thành người nghệ sĩ thật sự thì phải có cả hai yếu tố: đào tạo và năng khiếu. Tuy nhiên, trong thời đại mở cửa, các văn nghệ sĩ được tiếp xúc với thông tin nhiều hơn, cảm thấy yêu nhiều thứ hơn. Mà thật ra, những người đa tài “kham” cả “cầm kì thi họa” thì không phải bây giờ mới có, những người như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao… không phải là hiếm. Ở nước ngòai từ xưa đã có những người “đa nhà” như Leona divici, Picasso… Một người muốn “thử” mình trong nhiều lĩnh vực, muốn cống hiến trong nhiều lĩnh vực là chuyện bình thường. Tuy nhiên, văn học của ta đã lạc hậu so với thế giới. Ông Nhật Chiêu cho rằng nhà văn của mình chưa viết đúng cái là mình, mình ngộ nhận. Đâu phải cứ con trâu, giếng nước hay cái điều cầy, mái nhà tranh mới là dân tộc Việt Nam, bây giờ 8X, 9X cũng vẫn là Việt Nam đấy chứ. Hiện đại nhưng vẫn đầy tính dân tộc. Giới trẻ bây giờ, nhiều người biết về văn học nước ngòai nhiều hơn văn học VN. Vì vậy, phải “giúp” giới trẻ VN hiểu văn học VN hơn.
Việc xây dựng Bảo tàng văn học Việt Nam bắt đầu như thế nào, thưa ông?
Ý tưởng này là do BCH Hội nhà văn từ khóa 4, khóa 5 (nhiều nước khác như Trung Quốc, Rumani… đã có), đến khóa 6 thì đề xuất lên Chính phủ, Bộ Văn hóa… và được các ban ngành ủng hộ vì việc xây dựng bảo tàng này mang ý nghĩa rất lớn: Để bảo tồn, phục hồi và lưu giữ các giá trị văn học của VN từ ngày dựng nước, văn học truyền miệng dần dần đến văn học Hán ngữ, Quốc ngữ đến bác học sau này. Bảo tang trưng bày nêu rõ quá trình phát triển của văn học VN. Ý đồ là vậy nhưng để thực hiện được nó cũng còn nhiều gian nan lắm.
Văn chương xuất hiện từ rất sớm và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, Tại sao đến bây giờ mới có bảo tàng văn học?.
Sau chiến tranh chúng ta đang phải lo những vấn đề nổi cộm như: kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ…nên văn học không phải là “chính thất”. Cái gì cần trước thì làm trước. Mỗi bảo tàng đi sâu vào một chuyên ngành, rồi lại chẻ nhỏ ra đi sâu vào từng vấn đề cần nghiên cứu. Bây giờ ta xây dựng Bảo tàng Văn học là tốt lăm rồi.
Lực lượng các nhà văn quân đội với chủ đề chiến tranh Ông nói rằng, có một gian về các nhà văn đi chiến trường, lực lượng nhà văn quân đội có xây dựng thành “tượng đài” trong bảo tàng văn học?
Đất nước mình là đất nước của chiến tranh nên những người viết về chiến tranh là lực lượng rất lớn. Mà thật ra, tất cả các nhà văn lớp trước đều trưởng thành trong quân đội, từ quân đội mà ra. Nên những nhà văn quân đội đóng vai trò quan trọng trong nên nền văn học VN là lẽ tự nhiên. Nhưng chúng ta không tách riêng là nhà văn quân đội hay nhà văn công nhân… Văn học thời kì nào thì phân theo thời kì đó. Tất cả đều là nhà văn Việt Nam.
Đất nước mình trải qua bao nhiêu năm chiến tranh. Các nhà văn thời bình hay các nhà văn quân đội viết về chiến tranh hay hơn?
Theo tôi những người sau chiến tranh viết hay hơn. Viết về chiến tranh nếu có độ lùi sẽ khách quan hơn, chiêm nghiệm số phận kĩ hơn. Lúc đang trong trận chiến, đang là người trong cuộc nhìn gần quá có thể không thấy hết cái đẹp. Thật ra gọi là đề tài chiến tranh là lấy bối cảnh chiến trường, súng đạn thôi chứ đấy vẫn là thân phận, số phận con người thôi.
Nhưng nếu chưa trải nghiệm qua chiến tranh thì có thể “lột tả” được hết hơi thở, sự tàn khốc, không khí chiến tranh không?
Tôi nghĩ là có thể vì giới trẻ bây giờ có đầy đủ tài liệu về chiến tranh. Họ thổi tâm hồn họ vào đấy là có thể dễ dàng hình dung được cuộc chiến ấy như thế nào. Bằng tài năng, họ “dựng” lại thân phận người lính, những người xung quanh cuộc chiến tranh ấy. Thực tế là không nhất thiết cứ phải đi móc túi mới viết được móc túi, không phải cứ làm đĩ mà viết Bỉ vỏ hay. Vấn đề chỉ là tài năng thôi. Hơn nữa, lớp trẻ nhìn chiến tranh theo cách của họ, tạo ra sự phong phú mới mẻ cho văn chương.
Như ông nói, Việt Nam vào WTO, “hội nhập” với cả thế giới trong đó có cả “kẻ thù” cũ của chúng ta. Viết về đề tài chiến tranh có thể là khơi dậy lại quá khứ đau thương không? Như thế có ảnh hưởng gì tới sự hòa nhập?
Nước nào cũng có sự “nhớ dai” của họ và sự “nhớ dai” ấy chẳng ảnh hưởng gì tới hòa nhập cả. Không thể vì chúng ta là bạn với Trung Quốc mà lịch sử không dạy về chiến thắng Nguyên Mông. Đấy là thân phận của một đất nước, không thể bỏ qua. Hòa nhập, nhưng anh là anh, tôi vẫn là tôi. Gìn giữ quá khứ không phải là kích động mất đoàn kết. Thời chiến, đấy là thời để lại dấu ấn cho dân tộc thì không thể nào quên được.
Nhưng chúng ta ngày nay tiếp xúc với rất nhiều yếu tố “ngoại”, ông có sợ rằng một ngày nào đó giới trẻ sẽ quên hẳn quá khứ không?
Đến bây giờ chúng ta không quên. Còn bọn trẻ mãi mãi sau này quên hay nhớ là việc của chúng. Nhưng tôi nghĩ mạch ngầm của dân tộc mãi chảy sẽ không làm chúng quên, sẽ làm cho mỗi người VN luôn nhớ đến quá khứ hào hùng của dân tộc. Tôi không lo ngại con cháu mình sẽ quên đi quá khứ. Tôi tin và trông đợi vào thế hệ trẻ.
Ông tin thế hệ trẻ sẽ không quên quá khứ hay tin rằng họ sẽ tiếp tục phát triển văn học chiến tranh?
Tôi tin thế hệ trẻ sẽ không quên quá khứ và trông đợi họ sẽ tiếp tục phát triển nền văn học Việt Nam.
Trông đợi vào thế hệ trẻ nhưng thời gian vừa qua, không khí WTO bao trùm khắp nơi, giới trẻ phần lớn chọn những nghề hái ra tiền mà rất ít người đi theo con đường văn chương? Theo ông, văn học VN sẽ đi đến đâu?
Đấy cũng là lẽ thường, lớp trẻ bây giờ có cái nhìn thiết thực hơn. Những người theo con đường văn chương, từ ngày xưa vốn đã ít rồi vì thực ra làm nghề văn ở VN quá gian truân. Nhưng bạn đừng lo. Không cứ học văn ra mới làm văn, văn chương là “nghiệp chọn người”, các bạn cứ làm các công việc khác nhưng nếu có một tài năng thực sự thì rồi cũng sẽ “bật” ra nhà văn thôi. Giống như Vũ Quần Phương lúc đầu là bác sĩ, Vương Trọng là thầy giáo dạy toán bẻ ghi sang văn chương…. Vì vậy, văn chương VN tự nó sẽ tồn tại, tự nó sẽ xuất hiện những lớp người làm văn. Văn chương giống như nội lực của dân tộc, lớp nhà văn sau sẽ kế thừa lớp nhà văn trước, đẩy nền văn học tiếp tục phát triển. Rồi sẽ đến ngày, chúng ta sẽ có những kế hoạch, những quy hoạch cụ thể để phát triển nền văn học Việt Nam lên tới “đỉnh” chứ không phải ở dưới “thung lũng” như hiện nay.