(Tamnhin.net)- Dư luận nhân dân xã Duy Minh (Duy Tiên-Hà Nam) ồn lên về vụ Nhà báo Viễn Lan phanh phui sự thật về việc khuất tất trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có liên quan tới nhiều cán bộ Đảng viên có chức có quyền, đặc biệt là bà chủ tịch xã Dương Thị Hoài và chính quyền xã Duy Minh cộng tác với ban giải phóng mặt bằng huyện Duy Tiên và công ty TNHH Nam Sơn gây bức xúc trong nhân dân, người ta gọi đấy là những chiêu ăn chia “trận đồ bát quái” của một dây những người thi hành dự án.
|
Ông Đương Văn Sự Phó Chủ tịch xã Duy Minh đang trình bày trước dân thôn Chuông. |
Được tin báo, Ngay từ sáng 21/2/2012 tôi đã có mặt tại thôn Chuông để điền dã một số địa điểm và hỏi han một số người dân, nắm tình hình dư luận. Người đầu tiên tôi tìm là Trưởng thôn Chuông, anh Lê Như Tam nhưng không gặp được. Căn nhà cửa đóng im ỉm, một người chỉ người đang bế con trên đường là Lê Như Cảnh, con trai anh. Khi được hỏi cậu ta trả lời: 4 giờ sáng bố cháu ra khỏi nhà và bảo chúng cháu đem lá đơn gửi ông bí thư Chi bộ thôn, cáo ốm đi chữa bệnh đến nay nửa tháng rồi vẫn chưa về, thỉnh thoảng gọi điện về nhưng không nói ở đâu, chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe công ăn việc trong nhà rồi cúp máy.
Một Trưởng thôn nắm đất đai, cơm áo gạo tiền, gần dân nhất lại vắng mặt trong buổi họp dân chiều 21/2 này, mọi người hiểu lý do tế nhị của sự văng mặt ấy là : Anh Tam không chịu kí vào biên bản chia đất và nhận tiền đền bù đất của gia đình mình và của các hộ dân vì thủ tục sai nguyên tắc pháp luật. Nếu nhắm mắt ký liều cho yên thân thì phản bội lại quyền lợi hợp pháp của bà con trong làng xóm. Bị hù dọa, ép buộc của chính quyền dưới nhiều hình thức, thậm chí có nguy cơ bất an tính mạng, anh chọn giải pháp tiêu cực nhất là …bỏ trốn. Buổi họp về công tác chính quyền, bí thư chi bộ phải nói thay, làm thay là điều cực chẳng đã của một thôn làng hiện nay.
Người dân nói gì trong buổi họp?
Chiếc loa nén công xuất khá lớn đặt tại đầu thôn liên tục kêu gọi nhân dân đến họp theo giấy mời là 13h30 nhưng mãi đến 14h cuộc họp mới có thể bắt đầu tại phía bên phải đình làng có hội trường rộng chừng 30m2. Khi nhóm PV chúng tôi có mặt thì hội trường đã kín chỗ. Chúng tôi trình giấy giới thiệu và thẻ PV thì được ông Đông , trưởng công an xã với vẻ mặt thiếu hợp tác, xét giấy tờ và cầm điện thoại lánh ra xa gọi cho ai đó, thái độ căng thẳng và bí hiểm. Mặc dù đầy đủ và hợp pháp về giấy tờ hành nghề báo chí nhưng vẫn bị ông “trưởng” này thân ái đến mức cương quyết mời về UBND xã làm việc. Mục đích của chúng tôi là tiếp cận dân để nghe ý kiến mà lại bị điệu về công đường xã thì quả là …thày bói xem voi. Biết vậy nhưng chúng tôi trụ bám một quán nước sát hội trường để chứng kiến cuộc họp bằng chiếc loa nén, máy ảnh chế độ “Rum” và máy ghi âm nghiệp vụ…Trước khi ra khỏi khu hội trường, tôi là người duy nhất chup được gần như toàn cảnh hội trường với hình ảnh ông Đương Văn Sự Phó Chủ tịch xã, thay mặt chính quyền xã Duy Minh đang diễn thuyết.
Buổi họp bắt đầu bằng việc sản xuất chiêm Xuân năm nay với những biện pháp dài dòng văn tự nhưng thật trớ trêu, ruộng đất cả thôn đang bị “băm” ra, hỗn mang sau khi xã và ban giải phóng mặt bẵng “ dũ dối chia đều”….Việc làm nực cười này vô hình đẩy dân phân thái cực: Người được hưởng lợi bỗng dưng, người mất quyền lợi hợp pháp ngay trên thửa ruộng đã sinh sống mấy đời, được pháp luật chứng nhận. Người được lợi thì “ngậm miệng ăn tiền” người bị mất quyền lợi thì lồng lên mà kêu trời, chính vì vậy , cuộc họp cũng diễn biến theo 2 trạng thái tâm lý: Người hăng hái đi họp, người lảng tránh đối diện với cuộc họp.
Qua loa phóng thanh, cách chúng tôi khoảng 150 m, tốp PV được nghe trọn vẹn những ý kiến của dân, nhiều ý kiến rất khúc triết và thuyết phục, không thấy ý kiến trái chiều trong dân. Toàn bộ ý kiến có thể thâu tóm bằng mấy nhận định:
- Nhân dân hoan nghênh dự án THỊ TRẤN ĐỒNG VĂN XANH nhưng phản đối kịch liệt cách tiến hành của những người có trách nhiệm trong chính quyền huyên, xã. Nặng lời chỉ trích những Đảng viên cán bộ thừa hành, núp bóng dưới những mỹ từ mà làm liều, làm thiên lệch chính sách nhà nước, coi thường dân, trấn áp dân để ăn chặn quyền lợi hợp pháp của những chủ hộ đất nông nghiệp và hưởng lợi khi thi hành nhiệm vụ được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Nam giao phó.
- Dân làng ca ngợi đường lối đối mới của Đảng nhưng nghi ngờ phẩm chất cán bộ, Đảng viên địa phương lời nói không đi đôi với việc làm, trắng trợn thách thức dư luận, tự coi mình là “những ông trời con”.
- Hoan nghênh những PV và những nhà báo đã dũng cảm vào cuộc để cảnh tỉnh và phanh phui trước dư luận, họ coi đây là vụ Tiên Lãng Hải Phòng tại Hà Nam và ví sinh mệnh Trưởng thôn Lê Như Tam của họ như Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang - Tiên Lãng.
- Đòi chính quyền nhanh chóng nhận ra khuyết điểm và đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Nam “đèn Giời soi xét”.
Trưởng thôn ở vùng quê không yên tĩnh.
Thôn Chuông nằm trong địa giới phía Nam xã Duy Minh. Là một làng thuần nông, bình yên nét văn hóa làng với “cây đa, bến nước, sân đình”, bình yên với củ khoai hạt lúa nhiều đời nay. Bước vào đầu làng ta thấy bóng cây đề cổ thụ cao rợp tỏa bóng. Tổng diện tích đất 2 lúa sau những dự án trước đây, cả thôn còn lại trên 70 ha với 729 xuất ruộng canh tác để nuôi sống hơn 300 hộ với trên 1000 nhân khẩu trong đó có 205 hộ nhận giao đất canh tác. Số hộ phi nông nghiệp chủ yếu là cán bộ công nhân nghỉ hưu hay các hộ tham gia dịch vụ sau khi giao trên 70% đất cho 2 dự án trước đây phải chuyển đổi ngành nghề. Bộ máy chính quyền thôn khá nề nếp dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền xã Duy Minh, chậm phát triển nhưng bình ổn về chính trị, văn hóa.
Anh Lê Như Tam nhận chức vụ trưởng thôn Chuông ngày 3/10/ 2011 khi đó dự án thị trấn Đồng Văn xanh đang triển khai và trên 50% các hộ dân đã ký nhận số đất của mình hiến cho dự án để được đền bù.
Lê Như Tam là con thứ 4 của nhà giáo Lê Như Tuyên trong một gia đình có 9 anh chị em. Gia đình cụ Tuyên là gia đình Liệt sỹ và con cái đều tham gia quân đội và làm nghề nhà giáo. Hiện tại con cháu cụ lớp sau cũng kế nghiệp nghề cao quý ấy và họ là những trí thức tiến bộ. Một gia đình nền nếp, gia giáo.
Anh Lê Như Tam năm nay 59 tuổi đã kinh qua TNXP và sau đó chuyển ngành về sở GTVT Vũng Tàu với vợ con. Khi các Doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, anh Tam về quê đinh cư trên đất hương hỏa cha mẹ để lại, vừa chạy xe ôm, vừa làm hộ SX nông nghiệp.
Với bản tính hiền lành, trung thực, tuy chỉ là quần chúng ngoài Đảng nhưng bà con vẫn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn để gánh vác việc thôn làng. Chân ướt, chân ráo khi nhậm chức giữa lúc thôn Chuông được quy hoạch dự án, người trưởng thôn này bị đặt trong nhiều tình thế khó khăn về chuyển đổi ruộng đất khi thành lập dự án. Nửa năm làm trưởng thôn, đất đai luôn bị biến động phải điều chỉnh cho các hộ để ổn định SX và cho đến những ngày giáp tết Nhâm Thìn, chính quyền xã tự ý cắt đất cho dân theo kiểu “ăn đồng chia đều” và kêu gọi, thậm chí cưỡng bức dân nhận tiền đền bù với thủ tục “liệm xấp chôn nghiêng” bằng hai chữ kí vào 2 văn bản nhận tiền và thực tế họ chỉ nhận được 50% giá cao nhất đã kí. Lê Như Tam phản đối và không nhận tiền cũng như không công nhận tính hợp pháp của văn bản. Người trưởng thôn trung thực này bị o ép, hăm dọa từ nhiều phía, bằng nhiều cách. Thời điểm giáp tết, ai cũng cần tiền nên nhiều hộ dân cứ kí để lấy tiền sử dụng mà không hiểu những uẩn khúc trong thủ tục hành chính rất vô nguyên tắc theo kiểu phép nước thua lệ làng, vì thế nước cùng anh đã trốn nhà lánh nạn trước sức ép của xã và một số lãnh đạo thôn, những người anh vẫn gọi là đồng chí trong bộ máy làng xã.
Chị Lê Thị Loan, một người dân trong làng kể với tôi: Lúc nhận tiền, làng xóm cứ sôi lên xùng sục, họ ép dân phải nhận và đe: Nếu không nhận thì con em đang học ở các trường chuyên nghiệp bị gọi về, không giải quyết các thủ tục hành chính cho hộ nào không nhận tiền, bắt Đảng viên phải “gương mẫu” nhận trước…ngay như các công chức trong biên chế của xã như cô giáo trường Mầm non Phạm Thị Hằng, lúc nhận tiền cũng bị công an xã gọi hàng chục cú điện thoại đe dọa phải về than khóc, van xin bố mẹ chồng đi nhận, sợ con bị sa thải nên bố mẹ chồng phải ký nhận. Nhiều cuộc cãi lộn chia lìa tình làng nghĩa xóm, nhiều gia đình vợ chồng lục đục cãi cọ nhau, nhiều vụ tranh chấp hỗn độn bằng vũ lực xảy ran gay trên cánh đồng… Đó chỉ là ví dụ trong nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra những ngày giáp tết, cho đến hôm nay lại càng nóng lên.
Trưởng thôn Lê Như Tam hiện đang ở đâu, đấy là câu hỏi còn đang treo lơ lửng khi tình hình thôn Chuông chưa ổn định. Sự ổn định lòng dân còn chờ các cơ quan công quyền tỉnh Hà Nam vào cuộc để vấn đề nhạy cảm không xảy ra. Bài học ở Tiên Lãng là cái gương tày liếp mong nó sẽ không xảy ra ở xã Duy Minh, huyện Duy tiên.
Còn tiếp
Lan Công
Nguồn: Tamnhin.net