Trang chủ » Tin văn và...

ĐƯỢC MÙA VĂN CHƯƠNG HẢI PHÒNG

Hoài Khánh
Thứ bẩy ngày 4 tháng 2 năm 2012 6:23 PM
 
Chiều ngày 5-2-2012, tại Văn Miếu  - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng Giải thưởng văn học hằng năm cho các tác giả đoạt giải. Đáng kể là Hải Phòng có 2 tác giả: nhà thơ Mai Văn Phấn nhận giải thưởng năm 2010 với tập thơ Bầu trời không mái che và nhà văn Đình Kính nhận giải thưởng năm 2011 với tập kí Huyền thoại tàu không số. Đây là một kết quả đáng mừng của hoạt động văn chương Hải Phòng mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng đạt được như vậy. Đó cũng là tín hiệu vui báo tin kết thúc tốt đẹp mùa bội thu của văn chương thành phố Cảng trong năm 2011 vừa qua.
Số đầu sách văn học của Hải Phòng xuất bản không nhiều như những năm trước đó, nhưng sự ra mắt của một số tập thơ văn cũng tạo phấn khích cho đội ngũ sáng tác. Cuốn Huyền thoại tàu không số (NXB Hội Nhà Văn - 2011) là sách thuộc thể ký của Đình Kính. Gần 400 trang sách ghi lại một cách chân thực những kỷ niệm, những câu chuyện của cán bộ chiến sĩ và nhân dân đã từng tham gia làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trong những năm chiến tranh trên những tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nó thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình, sự độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những tập truyện ngắn Kịch độc của Lương Văn Chi, Người đàn bà và chiếc chén bạc của Phạm Xuân Hiếu, tiểu thuyết Thủy sinh của Nguyễn Quốc Hùng, Thuyền nghiêng của Dương Thị Nhụn, kí Trôi dạt cõi người của Tô Ngọc Thạch, những tập thơ Nước mắt cỏ của Vũ Hiển, Miền chân sóng của Đoàn Thị Luật, Trái tim trước biển của Đinh Thường, Nắng tuổi tình chiều của Nguyễn Hồng Văn, những tập trường ca Giọng biển của Lưu Đình Hùng, Âm vang những dấu chân của Bùi Quý Thực và một số cuốn sách khác ít nhiều thu hút được sự quan tâm của đồng nghiệp và bạn đọc xa gần. Hàng chục bài thơ và truyện ngắn mới sáng tác của các tác giả Hải Phòng thường xuyên xuất hiện trên báo chí. Có thêm một số blog văn chương của Tuấn Anh, Bùi Quý Thực, Nguyễn Quốc Hùng, Bùi Thị Thu Hằng được thiết lập và hoạt động sôi nổi.
Hoạt động thơ dễ tạo ra bề nổi cho văn chương Hải Phòng. Năm 2011 như là năm cho thơ Hải Phòng thêm sôi động, với 3 chương trình công diễn thơ và 1 cuộc hội thảo thơ có quy mô lớn và thu hút hàng trăm người tham gia, tạo dư âm tốt cho phong trào sáng tác thơ trong công chúng đất Cảng. Khác với những năm trước, ngay từ đầu năm mới 2011, hoạt động văn học được khởi động, mở đầu cho chuỗi hoạt động văn học nghệ thuật thành phố Cảng, bằng một chương trình công diễn thơ mang tên  Vầng trăng quê Trạng.  Đây là một trong những hoạt động văn hóa - văn nghệ trong khuôn khổ Lễ hội kỷ niệm 425 năm ngày mất của danh nhân văn văn hóa Trạng trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX của Hải Phòng đã diễn ra tưng bừng tại đền thờ nhà thơ - tiến sĩ Lê Khắc Cẩn ở thôn Đông Hạnh, xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Nét mới của Ngày thơ là sau màn múa sư tử sôi động, đã diễn ra liên khúc thơ Mùa xuân nhớ Bác, nhằm kỉ niệm 100 năm Ngầy Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và kỉ niệm 70 năm ngày Bác Hồ kính yêu về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chương trình dành thời lượng đáng kể để giới thiệu thân thế và sự nghiệp của nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn - vị tiến sĩ duy nhất của Hải Phòng thời Nguyễn thế kỉ XIX. Suốt 2 tuần đầu xuân, trên địa bàn Hải Phòng đã diễn ra một loạt chương trình thơ tại các quận Dương Kinh, Kiến An, Đồ Sơn, các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên,... với sự tham gia của hội viên ở hàng chục câu lạc bộ thơ trong thành phố. Ngày Thơ được tổ chức quy mô, ngắn gọn, nhưng vẫn bảo đảm vui tươi, thiết thực, trên tinh thần đưa thơ đến với công chúng, nhất là bà con nông dân ở ngoại thành. Chương trình thu hút công chúng đến với thơ gần gũi và bình đẳng hơn, tạo hiệu quả tốt cho những người yêu thích sáng tác thơ ca. Trong khuôn khổ Lễ hội kỷ niệm 470 năm Ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung, một chương trình thơ mang tên Miền đất Dương Kinh đã diễn ra vui tươi và hoành tráng vào chiều 16-9-2011, tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc trên địa bàn thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy. Các nhà thơ Trung ương và thành phố cùng hội viên của gần 20 Câu lạc bộ thơ trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh xung quanh tới tham gia. Chương trình công diễn hơn 20 bài thơ thể hiện những cảm nhận về một vùng đất lịch sử nhiều ý nghĩa. Xen giữa các phần ngâm thơ, đọc thơ và nói chuyện về Vương triều nhà Mạc là một số tiết mục văn nghệ đặc sắc khai thác nội dung về quê hương Kiến Thụy và Vương triều nhà Mạc.
Ấn tượng hơn cả là Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, được tổ chức thành công trong cả ngày 15-5-2011, tạo dư luận tốt trong lòng công chúng yêu thơ cả nước. Hơn 200 đại biểu là các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học ở Trung ương và nhiều địa phương trong nước tới dự. Hội thảo cho biết, đã thu nhận được 51 tham luận, trong đó có cả những tham luận từ nước ngoài gửi về. Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn là hai tác giả sáng tác theo hai khuynh hướng, phong cách khác nhau, là hai hiện tượng thơ trên thi đàn trong vài thập niên qua". Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn là hai dòng thơ, hai lối thể hiện, hai thi pháp khác nhau, nhưng đã đóng góp đáng kể vào thành tựu thơ Việt Nam đương đại. Tổ chức Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, chúng tôi muốn, thêm một lần, bằng sự đúc rút của nhiều luận cứ mang tính học thuật khách quan, chúng ta cùng trao đổi, luận giải thấu đáo không chỉ đánh  giá về hai tác giả thơ tiêu biểu của Hải Phòng mà qua đó, mở rộng biên độ nhận thức về sáng tạo, nhận thức về sự cần thiết  đổi mới tư duy thẩm mĩ.
Năm qua, 14 tác giả văn học được xét hỗ trợ sáng tạo tác phẩm,hầu hết các hội viên tích cực tham gia hoạt động chung của Hội Nhà văn thành phố. Có một số cán bộ, hội viên tham gia các đoàn đi thực tế sáng tác tại các tỉnh miền Trung và trại sáng tác Nha Trang. Các nhà thơ Lưu Đình Hùng, Phạm Xuân Trường, Trần Nguyên Thạch, Nguyễn Thanh Tuyên dự trại sáng tác hoặc dự hội thảo tại Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình. Cây bút trẻ Phạm Thúy Nga góp mặt tích cực ở trại sáng tác Đại Lải và là đại biểu chính thức của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII. Nhiều tác giả đoạt giải thưởng trong các cuộc vận động sáng tác văn học. Nhà thơ Công Nam và nhà văn Nguyễn Quốc Hùng vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Vẫn còn những công việc chưa làm được nhiều, nhưng kết quả hoạt động văn chương Hải Phòng trong năm 2011 vừa qua là một mùa bội thu. Ngay trong những ngày đầu xuân mới Nhâm Thìn 2012, Hội Nhà văn Hải Phòng đang tích cực chuẩn bị tham gia trình diễn thơ và xây dựng gian trưng bày thơ trên Sân thơ trăm miền tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nơi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X. Còn ở Hải Phòng, Ngày Thơ diễn ra vào sáng 1-2-2012 (tức ngày 10 tháng Giêng âm lịch), tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt -Tiệp.
HOÀI KHÁNH