Trang chủ » Tin văn và...

TỪ "NGƯỜI HÙNG" THÀNH "TỘI PHẠM", CÁI GIÁ CHO SỰ CẢ TIN

Hoàng Linh - Lê Tự
Thứ năm ngày 2 tháng 2 năm 2012 9:17 AM
(Thứ Năm, 02/02/2012-8:53 AM)
Vụ án cống Rộc, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng: Từ “người hùng” thành “tội phạm” cái giá cho sự cả tin
Kì I: Hành trình khốn khó, chế ngự biển cả của ông Đoàn Văn Vươn

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (2012), tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng xảy ra vụ việc rất nghiêm trọng: UBND huyện cưỡng chế trái pháp luật mấy chục ha đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, dẫn đến việc anh em ông Vươn manh động nổ mìn tự tạo, bắn súng hoa cải, làm 6 chiến sĩ công an và bộ đội bị thương... Anh em ông Vươn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đó. Song, vụ việc để lại bài học cay đắng về cách hành xử của chính quyền địa phương, trực tiếp là anh em ông Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền...

Một ngày cận Tết, chúng tôi “hành quân” đến cống Rộc. Gia đình ông Vươn giờ trắng tay, nhà cửa bán hết để đổ vào khu đầm, hiện vẫn còn nợ ngân hàng cả mấy tỉ đồng mà đầm thì bị thu hồi hết. Nhiều ánh mắt người dân nhìn chúng tôi nghi ngại. Khi biết chúng tôi là nhà báo và luật sư đi tìm hiểu sự thật, thì một người đàn ông mới mạnh dạn bộc bạch: “Chúng tôi sợ lắm!, “Họ” sẵn sàng trả thù bất cứ ai dám nói lên sự thật”. Bà cụ Chanh ngoài 80 tuổi uất ức, nghẹn ngào: “Các nhà báo, luật sư giúp dân chúng tôi với! Người có công lớn với chúng tôi như ông Vươn mà còn bị họ đối xử như vậy thì thật là... Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh này, thật ác, ai lại đi phá, san bằng cả nhà ở của người ta như thế...”.

src=http://nguoicaotuoi.org.vn/Uploaded/baonguoicaotuoi/Nam%202012/PL/pl1019.jpg
 Vợ ông Vươn và vợ ông Quý chỉ cho chúng tôi vị trí đầm
bị cưỡng chế thu hồi.
a số người dân thôn Chùa Trên mà chúng tôi gặp đều ca ngợi ông Đoàn Văn Vươn. Họ nói, từ khi ông Vươn làm đầm nuôi trồng thủy sản, cuộc sống và bộ mặt thôn xóm thay đổi hẳn, không còn cảnh phải lo chạy mỗi khi biển nổi sóng. Theo tài liệu còn lưu giữ tại UBND huyện Tiên Lãng, hơn 100 ha đất bồi thuộc khu vực cống Rộc trước đây là nơi đầu sóng ngọn gió. Nước biển mênh mông, chỉ có thủy triều lên xuống. Mỗi khi đến mùa bão lũ, vùng này trở thành nỗi kinh hoàng đe dọa cuộc sống của người dân. Mặc dù đã có con đê chắn sóng quốc gia, song mỗi khi gió Nam thổi mạnh, đê sạt lở, mùa bão lũ đến còn kinh hoàng hơn. Không ai dám nghĩ rằng, có ngày người dân khu vực này được sống yên ổn, nói gì đến việc bỏ công sức đầu tư nuôi trồng thủy sản! Rồi một ngày, ông Đoàn Văn Vươn tuyên bố nhận làm đầm ở cống Rộc, nhiều người không tin, không ít người cho là “khùng”. Đoàn Văn Vươn không khùng, ấy là ước mơ khuất phục biển cả và ông đã thành công, với những vuông đầm vươn dài ra phía biển. Câu chuyện ông Đoàn Văn Vươn lấn biển mãi mãi in sâu trong tâm trí người dân xã Vinh Quang như một huyền thoại.

Năm 1986, ông Đoàn Văn Vươn xuất ngũ, với quyết tâm chế ngự, biến nỗi kinh hoàng của biển cả thành tiềm năng phục vụ con người. Ông hoàn thành chương trình Đại học Nông nghiệp, nhưng từ chối làm cán bộ địa phương, bán hết gia sản ở thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, đem cả gia đình ra cống Rộc lập nghiệp. Ông lập luận chứng kinh tế - kĩ thuật, huy động mọi nguồn lực để cắt dòng chảy, nắn dòng sông Văn Úc, khoanh vùng đắp đập ngăn nước để khu bãi bồi ven biển xã Vinh Quang được bồi đắp phù sa, bồi cát lợ, rồi trồng mấy chục ha rừng ngập mặn chắn sóng. Từ đó những cơn bão biển bị chặn đứng, giữ bình yên cho cuộc sống của người dân.

Từ năm 1994 đến năm 1998, trên 23.000 m3 đất đá được đổ xuống biển; 750 lao động cùng 13 tàu, xe cơ giới vật lộn ngày đêm với sóng biển ở cống Rộc; hàng nghìn cây bần, sú, vẹt được trồng xuống thành 60 ha rừng; khoảng 140 tấn xi-măng để xây kè, tạo hàng rào chắn sóng. Khó có thể nói hết nỗi nhọc nhằn của gia đình ông Vươn đổ xuống mảnh đất này. Thậm chí vào năm 2001, vợ chồng ông mất cô con gái đầu lòng 8 tuổi do bị nước cuốn trôi ở cống Rộc. Ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho biết: Đất ở đây còn non lắm, đào đất quai đê 10 khối, hôm sau sóng đánh chỉ còn một khối. Có khi đắp đê xong, gặp bão xóa sổ, phải làm lại từ đầu. Bất chấp nắng mưa, không kể ngày đêm, vợ chồng ông Vươn đào đất, gánh bần đổ xuống khu đầm. Vốn thì phải vay ngân hàng, vay cả tư nhân, đến hạn phải trả, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, rất cực khổ mới gây dựng được cơ ngơi như bây giờ.

src=http://nguoicaotuoi.org.vn/Uploaded/baonguoicaotuoi/Nam%202012/PL/pl1019-1.jpg
Một góc khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị thu hồi.
Rồi máu, mồ hôi cùng nước mắt có ngày được đền đáp: Dòng chảy phía ngoài cống Rộc chuyển hướng, chân đê từ chỗ sâu 1,65 mét được nâng lên cốt dương, hàng trăm ha đất ven biển được bồi đắp. Biển bị đẩy ra xa tuyến đê hàng cây số, tạo một vùng rộng lớn có điều kiện nuôi trồng thủy sản tốt chưa từng thấy. Thành công của ông Vươn từng được các chuyên gia Nhật Bản đến tìm hiểu, học tập. Theo ông Vươn, hàng chục hộ dân cũng ra sử dụng đất bồi ven biển để làm đầm.

Năm 2003 - 2004, khi dân đang làm ăn được, thì UBND huyện Tiên Lãng rục rịch ra quyết định dừng đầu tư, thu hồi đầm. Năm 2004, huyện thu hồi một số đầm, đến năm 2007 tiếp tục thu hồi thêm một số diện tích nữa giao cho xã quản lí, mà không thanh toán bất cứ khoản tiền nào, mặc dù các hộ dân đầu tư rất tốn kém, nhiều hộ vẫn còn mắc nợ, đặc biệt như hộ ông Lương Văn Tuểnh, xã Đông Hưng hiện còn nợ ngân hàng tới hơn 10 tỉ đồng, hộ ông Vươn cũng nợ hơn 2 tỉ đồng. Buổi chiều hôm cưỡng chế, lực lượng của huyện quay lại phá sập toàn bộ căn nhà 2 tầng xây kiên cố của gia đình ông Vươn mà đâu phải là đất bị cưỡng chế. Họ đập phá hết cả ban thờ, cả sách vở của các cháu. Con trai ông Vươn vừa đi học về cũng bị bắt giữ hơn một tuần sau mới cho về.

Ông Trong bức xúc: “Vậy mà ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP và ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CA TP Hải Phòng lại phát ngôn là do nhân dân chúng tôi bất bình nên phải phá nhà ông Vươn. Các ông ấy đổ lỗi cho dân mà không biết xấu hổ. Chúng tôi còn đang chung tay cưu mang vợ con ông ấy, hằn thù gì mà phải phá nhà, phá cửa của người ta. Còn nếu nói dân phá thì ai phá? Sao không thấy công an khởi tố ai đó về tội hủy hoại tài sản của công dân? Hiện vợ con ông Vươn, vợ con ông Quý (em ông Vươn) không chốn nương thân, phải đến ở nhờ nhà ông Vũ Văn Luân ở xã Tiên Hưng”. Đây là việc làm trái pháp luật của một số cán bộ biến chất, lợi dụng danh nghĩa Nhà nước, đặc biệt phải kể đến ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và em trai ông ta là Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Cảm thông với gia cảnh ông Đoàn Văn Vươn, luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Cty TNHH Luật Hòa Lợi đã làm thủ tục nhận bào chữa miễn phí cho các “bị can”: Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ.

Đến cống Rộc ngày cận Tết, đứng nhìn khu đầm của ông Vươn, ngôi nhà hai tầng giờ chỉ còn bãi đất hoang, chúng tôi không khỏi xót xa. Dù bất cứ nguyên do gì, thì hành vi cưỡng chế đầm và phá nhà của ông Vươn là không thể không xem xét trách nhiệm hình sự của những người liên quan.

Kì II: Sự bất tuân pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng.

Hoàng Linh - Lê Tự
Nguồn: Báo Người cao tuổi số 1019 ra ngà 3-2-2012