Trang chủ » Tin văn và...

GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH: GỠ VẪN RỐI

Kim Thoa-Trần Ngọc Kha
Chủ nhật ngày 11 tháng 9 năm 2011 5:13 AM

Báo Người cao tuổi số 957
 

 

Chưa bao giờ việc trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học- nghệ thuật lại có nhiều ý kiến trái chiều đến thế.

 

Bắt đầu là đơn kiến nghị của năm nhạc sĩ về “cung cách” làm việc của Hội đồng thẩm định cấp cơ sở, rồi hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú “không nhất trí” khi đạo diễn Nguyễn Thước “lẳng lặng” mang tác phẩm tập thể xin xét duyệt giải thưởng. Gia đình nhà văn Sơn Tùng làm đơn để nhà văn rút khỏi danh sách ứng viên của Giải thưởng Nhà nước với lí do: nguyện vọng ban đầu của gia đình là đăng kí xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà văn chứ không phải Giải thưởng Nhà nước... Nhưng điều làm dư luận bức xúc nhất là việc nhạc sĩ Phạm Tuyên “bị tuột” khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ vì thủ tục hành chính…

Là người Việt Nam ai cũng biết bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đó là một trong những bài hát cộng đồng được nhiều người hát nhất tại Việt Nam. Không những thế, ông còn là tác giả của hàng chục ca khúc ca ngợi Đảng và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như: “Đảng đã cho ta mùa xuân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”,... cùng nhiều bài hát thiếu nhi đã trở thành ca khúc truyền thống như: “Tiến lên đoàn viên”, “Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, “Đêm pháo hoa”, “Cô và mẹ”,... Về nguyên nhân, ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ VH,TT&DL lí giải: Bộ có nhận được công văn của Hội nhạc sĩ Hà Nội đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Công văn này không được coi là hồ sơ xin xét giải thưởng và không đúng thủ tục. Còn Nhạc sĩ Phạm Tuyên thì cho rằng: “Những thủ tục hành chính rắc rối của việc xét tặng giải thưởng không còn hợp thời nữa. Đã đến lúc hội đồng xét duyệt các cấp nên chú ý tìm hiểu tình hình thực tế để từ đó ghi nhận sự đóng góp của các tác phẩm nghệ thuật. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ làm đơn để xin giải thưởng. Những tác phẩm nghệ thuật đã có công chúng và thời gian làm công tác thẩm định. Sức sống của nó trong đời sống chính là thước đo để tặng giải thưởng, chứ không phải là lá đơn xin”.

Dưới sức ép của dư luận, chiều 23-8, Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi công văn lên Bộ VH,TT&DL đề nghị Hội đồng cấp Bộ và cấp Nhà nước xét công lao nhạc sĩ Phạm Tuyên để có phần thưởng xứng đáng với những cống hiến của ông cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Chiều 26-8, Bộ VH,TT&DL tổ chức cuộc họp liên ngành do Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì và đi đến kết luận: Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học- nghệ thuật, đồng ý đưa danh sách tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên vào diện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay. Bộ cũng yêu cầu Hội Nhạc sĩ triển khai các thủ tục, hướng dẫn nhạc sĩ Phạm Tuyên lập hồ sơ đăng kí tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; tổ chức họp Hội đồng cấp cơ sở để xét hồ sơ của nhạc sĩ theo đúng quy định và báo cáo kết quả lên Bộ trước ngày 15-9. Trao đổi về trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng, song khúc mắc trong việc làm hồ sơ khiến mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của Hội. Một số báo nói chúng tôi đứng ngoài, chúng tôi sai và bây giờ tìm cách sửa sai là không đúng. Điều đó, khiến những người làm công tác văn học nghệ thuật như chúng tôi rất buồn.

Không “ồn ào” như Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh… trong đợt xét trao Giải thưởng Nhà nước, Giải

    

Nhà văn Nguyên Ngọc: “Trao giải thưởng phải là ngưỡng mộ lên mà trao…”
Tính đến nay có đến bốn người tuyên bố từ chối cơ hội Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Phóng viên Báo Người cao tuổi phỏng vấn nhanh Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong bốn người nói trên, về vấn đề này...
PV: - Xin Nhà văn cho biết vì sao ông lại từ chối cơ hội Giải thưởng Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý nhất dành cho các cá nhân, tập thể có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật mà Nhà nước dự kiến sẽ trao cho ông trong đợt tới?
Nhà văn Nguyên Ngọc: - Làm văn học, tôi vốn không quan tâm nhiều đến các giải thưởng. Ưu tư chủ yếu của người viết thường ở chỗ khác và nên ở chỗ khác. Còn cách làm giải thưởng như Nhà nước ta đang làm thì từ đầu tôi đã  không đồng tình. Bắt người ta phải đi xin thì mới cho. Đấy là lối ban xuống, ban cho người xin. Tôi nghĩ người có lòng tự trọng không bao giờ chịu làm điều đó. Từ nay nên tuyệt đối chấm dứt. Trao giải thưởng phải là ngưỡng mộ lên mà trao, người trao đứng thấp hơn người được trao. Ở giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, chúng tôi luôn nói: Chính người nhận giải làm vinh dự cho giải, chứ không phải ngược lại. Một giải thưởng trao theo lối xin cho, ban xuống, tự nó từ đầu đã hạ thấp giải.
Chính cách làm như vừa qua đã khiến cho các giải trở nên nhếch nhác và đó là thêm một lí do để tôi không muốn nhận.
PV: - Nhưng đây là giải vô cùng cao quý tôn kính của chúng ta?
Nhà văn Nguyên Ngọc: - Trước hết xin đừng đồng nhất giải thưởng mang tên Hồ Chí Minh với những giá trị của Người. Cách nghĩ đó rất dễ dẫn đến cái ta gọi là “Chụp mũ về tư tưởng”, vốn không nên chút nào.
PV: - Nhân đây xin được hỏi vì sao ông lại tham gia mở trường Đại học Phan Châu Trinh?
Nhà văn Nguyên Ngọc: - Tôi tham gia làm trường Đại học Phan Châu Trinh vì lí do đơn giản. Theo tôi hiện nay, không gì quan trọng hơn giáo dục. Nghĩ kĩ mà xem, mọi vấn đề của xã hội ta hiện nay, rốt cuộc, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, đều phải giải quyết bằng giáo dục. Không có cách nào khác nữa để phục hưng dân tộc.
PV: - Cảm ơn Nhà văn!
                      Trần Ngọc Kha (Thực hiện)

thưởng Hồ Chí Minh lần này, Hội Nhà văn cũng có những vấn đề khiến mọi người phải suy nghĩ. Các nhà văn Nguyễn Khoa Điềm,

Nguyên Ngọc, Sơn Tùng và Sơn Nam xin rút khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cho dù vì những lí do khác nhau, nhưng việc từ chối cơ hội nhận giải thưởng cũng là một cách để thể hiện chính kiến. Còn trong số 56 ứng viên của Giải thưởng Nhà nước, có những nhà văn, thực sự xứng đáng, thậm chí xứng đáng được tôn vinh sớm hơn như Sơn Nam, Sơn Tùng, Hữu Loan. Nhưng cũng có những cái tên khá lạ, cả với những người trong giới. Về điều này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn cho rằng: “Đó có thể là những người được đưa lên từ Hội đồng nghệ thuật cấp cơ sở và qua được sự xét duyệt của Hội đồng cấp tỉnh. Việc họ và sáng tác của họ dù không mấy quen thuộc với độc giả cả nước vẫn lọt vào danh sách đề cử là điều dễ hiểu”.

Sự tồn tại của những hội đồng cơ sở thiếu thống nhất về quy mô và chất lượng ứng viên như thế liệu có bảo đảm được sự công bằng giữa các nhà văn? Trong khi đó, danh sách ứng viên ở cả Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước lại thiếu vắng những tên tuổi góp phần làm nên “sắc màu” nền văn học Việt Nam đương đại, thiếu những tác phẩm có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân... cùng những đứa con tinh thần của họ. Nguyên nhân đầu tiên là họ không vượt qua được cửa ải tiên quyết: làm hồ sơ đăng kí đề nghị tặng giải thưởng cho tác phẩm của chính mình. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi đó là cái luật rất dở, với giới văn chương lại càng dở. Còn nhà văn Dạ Ngân nhận xét, đây là cách làm phi văn hóa của một giải thưởng tôn vinh các giá trị văn hóa.

Thừa nhận đây là một điều bất cập của giải thưởng, một thành viên Hội đồng cấp Bộ đưa ra cách lí giải riêng rằng, có thể những người đề ra quy định như vậy là họ muốn tránh tình trạng người được trao giải, vì lí do nào đó, lại từ chối giải thưởng. Mặt khác, đối tượng xét duyệt của Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đều là tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình chứ không phải là các tác giả. Trong khi đó, Thông tư quy định chi tiết về tiêu chuẩn xét tặng lại ghi rõ: Tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình đã được tặng giải thưởng Nhà nước thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình khác để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Điều này tiếp tục làm nảy sinh nghịch lí: chất lượng của các tác phẩm, công trình đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh thường không bằng các tác phẩm đề cử Giải thưởng Nhà nước, dù Giải thưởng Hồ Chí Minh ở tầm cao hơn Giải thưởng Nhà nước. Bởi thông thường, khi đã có lưng vốn kha khá, các văn nghệ sĩ sẽ nhắm đến giải Nhà nước trước, sẽ gom hết những tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao để bảo đảm trúng giải, chứ không ai tính toán đến việc để dành cho Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là chưa kể, luật còn quy định, tác phẩm, công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh phải công bố ít nhất 5 năm trước thời điểm nộp hồ sơ… Nhìn vào đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, có thể nhận ra những tác giả xứng đáng như Nguyên Ngọc, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật nhưng những tác phẩm đưa ra không phải xuất sắc nhất trong sự nghiệp của họ cũng như so với các tác phẩm họ đã được nhận Giải thưởng Nhà nước.

Như vậy, một trong những nguyên nhân gây nên sự “phản ứng” của một số văn nghệ sĩ trong việc xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự bất cập trong quy chế xét giải thưởng. Cần có sự thay đổi từ “gốc”, nếu không càng gỡ sẽ càng rối.

Kim Thoa