Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẤM VẢI DÙ VÀ HAI LẦN BẬT KHÓC

Dương Đức Quảng
Thứ sáu ngày 19 tháng 8 năm 2011 9:15 PM

Chiều chủ nhật 7/8/2011, sau bao nhiêu năm mong đợi, tôi có mặt tại xã Duy Sơn, dưới chân núi Hòn Tàu thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam để dự một buổi lễ đặc biệt, truy điệu 5 đồng chí, đồng nghiệp của tôi hy sinh từ gần 40 năm trước, nay mới tìm được một ít hài cốt và những kỷ vật còn lại của các anh. Tôi bàng hoàng bật khóc khi thấy lại tấm vải dù của mình nằm trong số các di vật của các liệt sĩ mới tìm thấy.
Sáu năm trước, trong chương trình giao lưu “Nhà báo - Chiến sĩ” nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2005), được tổ chức tại Đài Truyền hình Việt Nam, tôi cũng đã bật khóc như thế khi kể lại cái chết đau thương của các anh, những người bạn đồng nghiệp thân yêu của tôi.
 
Nhà báo Dương Đức Quảng tại buổi giao lưu "Nhà báo - Chiến sĩ" nhân ngày 30/4/1975 - 30/4/2005
Hôm ấy là ngày 19/5/1972, trong một hang đá trên núi Hòn Tàu, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, nơi đặt điện đài đồng thời là chỗ ở của Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà chúng tôi, có một cuộc “liên hoan” nho nhỏ, chỉ là vài nắm mì chay với một chút cà phê loãng, để tiễn một người xuống đồng bằng tham gia chiến dịch và một người ra Bắc chữa bệnh.
Người xuống đồng bằng là tôi, Tổ trưởng Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà. Còn người ra Bắc chữa bệnh là anh Hoàng Quốc Thăng, điện báo viên, quê Hải Dương, vào chiến trường từ năm 1964, bị ốm đau, bệnh tật, sức khoẻ kém, đang chờ ngày lên đường trở về hậu phương.
Ngoài tôi và anh Thăng, Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà còn có anh Võ Công Thu, quê Quảng Nam, là điện báo viên. Đêm ấy, trước khi chia tay để tôi theo giao liên xuống đồng bằng, anh Thăng ôm chặt tôi dặn dò:
- Chỉ còn vài ba ngày nữa tôi sẽ được ra Bắc. Ra đến Hà Nội thế nào tôi cũng đến thăm gia đình anh, chuyển quà của anh tới ông cụ. Còn anh, xuống dưới đó nhớ cẩn thận và giữ gìn để sớm về với anh em…
Món quà mà anh Thăng nói sẽ chuyển ngay tới bố tôi khi ra Hà Nội là một tấm vải dù của Mỹ tôi được một chiến sĩ Quân giải phóng tặng sau một đợt tham gia chiến dịch, nay tôi nhờ anh Thăng mang ra Bắc tặng bố tôi, kèm theo bức thư tôi viết, báo tin tôi vẫn còn sống, khoẻ mạnh để gia đình yên tâm.
Tôi cũng hiểu ý anh Thăng dặn dò phải cẩn thận và giữ gìn, vì trong những năm trước đó, mỗi năm thường có một, hai nhà báo hy sinh trên mảnh đất này, còn từ đầu năm đến giữa tháng 5/1972 chưa có nhà báo nào hy sinh!
Tôi không ngờ, sau buổi chia tay đó, mãi mãi tôi không còn được gặp lại anh Hoàng Quốc Thăng, anh Võ Công Thu và một số đồng chí, đồng nghiệp khác.
Xuống đồng bằng được hai ngày, đêm 21/5/1972 và mấy đêm sau đó tôi nhìn lên núi Hòn Tàu thấy máy bay B.52 của Mỹ liên tục rải bom xuống khu vực chúng tôi ở. Tôi cứ thấy cồn cào ruột gan, lòng như lửa đốt. Gặp một cô giao liên từ trên núi xuống hỏi thăm, tôi đau đớn biết tin bom B.52 đã đánh trúng căn cứ tiền phương của Ban Tuyên huấn Quảng Đà, 10 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí khác bị thương.
Hết đợt công tác trở về, tôi bàng hoàng đứng trước hang đá, gồm hàng chục tảng đá, mỗi tảng nặng hàng chục tấn xếp chồng lên nhau, rất chắc, là chỗ để điện đài đồng thời là chỗ ở của mấy anh em TTXGP chúng tôi, đã bị bom đánh sập, không còn nhận ra đâu là hang đá cũ.
Đêm 21 rạng sáng ngày 22/5/1972 ấy, ở căn cứ tiền phương của Ban Tuyên huấn Quảng Đà có một cuộc hội nghị, sau đó lại có chiếu phim, nên ngoài các đồng chí ở Ban Tuyên huấn ra lại có một số đồng chí ở các đơn vị khác đến dự và xem phim.
Do tôi đi công tác vắng nên khi bị máy bay B.52 ném bom, anh Hoàng Kim Tùng, quê Quảng Trị, Uỷ viên Ban, Bí thư Chi bộ Báo chí và Tuyên truyền của Ban, anh Nguyễn Bá Tiệp, quê Yên Bái, anh Nguyễn Vinh, không rõ quê quán, là hai cán bộ Đội điện ảnh mang phim đến chiếu tại hội nghị, đã vào trú tại hang  đá cùng anh Thăng và anh Thu.
Một quả bom tấn đã rơi trúng nóc hang, cả 05 đồng chí bị tảng đá nặng hàng chục tấn vỡ ra, đổ xuống, đè lên người, hy sinh. Ngoài ra, còn 5 đồng chí trong các căn hầm khác cũng hy sinh.
 
 
Nhà báo Dương Đức Quảng (trái) xúc động khi thấy lại tấm vải dù sau gần 40 năm nằm lại hang đá Hòn Tàu cùng các liệt sĩ (bên phải là nhà báo Nguyễn Đình An)
Khi nhà báo Nguyễn Đình An, Phụ trách báo Giải phóng Quảng Đà (sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), nhà báo Hồ Duy Lệ (sau này là Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam), và những anh chị em còn sống sót nói với tôi, sau trận bom đó, đứng trước hang đá, nơi đặt điện đài của TTXGP Quảng Đà các anh, các chị còn nhìn thấy một cái chân của một đồng chí hy sinh vì bị tảng đá nặng hàng chục tấn đè xuống mà không làm sao có thể bẩy tảng đá ra để lấy xác của đồng chí, đành phải lấy thêm đất đắp vào cho ngôi mộ chung của 5 người, tôi đã bật khóc. Nước mắt tôi giàn giụa khi kể chuyện tôi nhờ anh Thăng mang tấm vải dù ra Bắc tặng bố tôi, ở 19 Trần Quốc Toản, Hà Nội, anh Thăng lo tôi hy sinh thì tôi vẫn còn. Còn anh Thăng đã mất, mãi mãi tôi không còn được gặp lại...
Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, hoà bình lập lại, mỗi người mỗi ngả, mỗi số phận khác nhau. Nhưng các đồng chí, đồng đội cũ ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà khi xưa vẫn canh cánh trong lòng vì 10 đồng chí của mình hy sinh trên núi Hòn Tàu vẫn chưa đưa về được với gia đình, quê hương, đồng chí.
Các anh, các chị, nhiều người đã cao tuổi, nhiều lần trở lại chiến trường tìm đồng đội. Tuy nhiên do thời gian lùi xa, mọi vật thay đổi, việc xác định vị trí các liệt sĩ hy sinh vẫn là một điều nan giải.
Gần 40 năm trôi qua, công tác tìm kiếm vẫn được các đồng chí trong Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà miệt mài với quyết tâm chừng nào tìm thấy các liệt sĩ mới yên lòng. Sau gần chục lần thăm dò, khảo sát, tìm kiếm, cuối cùng nơi nằm lại của các liệt sĩ đã được tìm thấy.
Hài hài cốt của 5 đồng chí: Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Toán, Lê Văn Phô, Võ Văn Ấn và Nguyễn Đức Tân được các đồng đội ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà năm xưa chôn tại một vạt núi gần căn cứ đã được gia đình đón về.
Còn 5 đồng chí hy sinh trong chiếc hang đá bị những khối đá lớn hàng chục tấn đè lên, vẫn không thể cất bốc được; đồng chí, đồng nghiệp đành dựng một tấm bia tại nơi đây để tưởng niệm các anh. Đau đớn hơn, trong 05 đồng chí hy sinh ấy, chỉ có hai đồng chí là Hoàng Kim Tùng và Võ Công Thu là có địa chỉ rõ ràng; các đồng chí ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà năm xưa báo được tin cho gia đình biết. Ba đồng chí còn lại, không ai biết địa chỉ cụ thể, bởi vì không phải là cán bộ của cơ quan mà là cán bộ nơi khác đến nên không có hồ sơ cán bộ. Anh Thăng từ cơ quan bưu điện chuyển về, anh Tiệp và anh Vinh cũng ở nơi khác chuyển đến. Trong chiến tranh các cán bộ chiến sĩ lạc đơn vị cũ rồi nhập vào dơn vị mới là chuyện thường tình, hơn nữa có người còn đổi cả họ và tên, nên đơn vị mới không biết địa chỉ cụ thể. Ở với anh Thăng một thời gian tôi chỉ biết anh quê ở Hải Dương, còn không biết hoặc không còn nhớ anh quê ở xã, huyện nào trong tỉnh. Cách đây hơn một năm, tôi nhận được một cuộc điện thoại, vô cùng cảm động và bất ngờ. Đó là điện thoại của Hoàng Quốc Nam, con trai anh Hoàng Quốc Thăng, mấy chục năm qua đi tìm tin tức cửa bố nay mới tìm được. Nam là thiếu tá quân đội, xin về hưu sớm để dành thời gian đi tìm bố. Tên thật của anh Thăng là Hoàng Văn Đáo, khi vào chiến trường, anh  mới đổi tên là Hoàng Quốc Thăng. Vì giữ bí mật chuyến đi nên anh cũng không cho vợ con biết bí danh của mình, vả lại lúc đó Hoàng Quốc Nam mới 02 tuổi, lớn lên vẫn đinh ninh tên bố mình là Hoàng Văn Đáo. Sau năm 1975, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã ghi tên anh Hoàng Quốc Thăng là liệt sĩ của cơ quan, hy sinh trên chiến trường miền Nam nhưng cũng không tìm được thân nhân của anh. Hoàng Quốc Nam khi còn trong quân đội đã nhiều lần đến TTXVN nhận bản tin và báo cho đơn vị nhưng cũng không biết bố mình là liệt sĩ của cơ quan này! Phải sau ba lần nhờ ba nhà ngoại cảm khác nhau và hai lần vào Quảng Nam, Đà Nẵng tìm kiếm tin tức của bố, Hoàng Quốc Nam mới hỏi được tin từ nhà văn Hồ Duy Lệ và từ Hồ Duy Lệ mới có số máy điện thoại của tôi, mới được biết tin cụ thể về bố mình. Mãi sau này các đồng chí ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà mới tìm được địa chỉ của chị gái liệt sĩ Nguyễn Bá Tiệp để báo tin, còn liệt sĩ  Nguyễn Vinh cho đến bây giờ vẫn không biết quê ở đâu, anh còn có tên nào khác không, để báo tin cho gia đình…
Giữa tháng 7/2011 này, sau nhiều lần họp bàn các phương án cất bốc mộ 5 liệt sĩ giữa các ban, ngành, cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, công việc cất bốc được tiến hành.
Gần 100 kilogam thuốc nổ đã được các chiến sĩ công binh sử dụng để phá vỡ và chuyển dịch các khối đá lớn trên đỉnh hang về hướng xác định, tạo điều kiện để các thợ chẻ đá thủ công ở hai xã Duy Phú, Duy Sơn, huyện Duy Xuyên thận trọng phá dỡ từng tảng đá lớn che lấp hài cốt và các di vật liệt sĩ.
Sau hơn 10 ngày làm việc liên tục, cật lực, hài cốt 5 liệt sĩ đã được cất bốc, dù không còn nguyên vẹn. Và ngày 7/8/2011, ngay dưới chân núi Hòn Tàu, nơi các anh hy sinh, Lễ truy điệu các liệt sĩ đã được tổ chức trọng thể,
Tôi cầm trên tay tấm vải dù tôi gửi anh Hoàng Quốc Thăng đem ra Bắc cho bố mà 6 năm trước tôi đã kể trong nước mắt tại buổi giao lưu “Nhà báo & Chiến sĩ”, nay mới tìm được cùng các di vật của liệt sĩ, một lần nữa lại nước mắt lưng tròng.
Sau gần 40 năm tấm vải dù nằm lại với anh Thăng trong hang đá gần như vẫn còn nguyên vẹn. Cùng với nó là các kỷ vật của các liệt sĩ mới tìm thấy: chiếc đồng hồ đeo tay, chiếc lon guy-gô mà tôi và các đồng chí còn sống biết chắc là của anh Thăng; chiếc máy điện đài phát tin 15W, chiếc máy ra-gô-nô quay tay và chiếc ma-níp điện báo không còn nguyên vẹn anh Thăng thường sử dụng.
Ngoài ra còn một số di vật khác của các liệt sĩ, như một chiếc máy ảnh bị vỡ, một hộp đựng phim để chiếu, một đôi dép nhựa và mấy đôi đôi dép cao su không còn nguyên vẹn…
Tôi ngỏ ý muốn xin lại tấm vải dù, vật kỷ niệm quý báu của đời tôi, nhưng các đồng chí có trách nhiệm ở địa phương nói rằng toàn bộ các di vật mới tìm thấy của 5 liệt sĩ sẽ được giao lại cho Bảo tảng của tỉnh bảo quản và trưng bày.
Sau lễ truy điệu, chiều 7/8/2011 tôi cùng vợ, con, cháu nội anh Hoàng Kim Tùng, cùng cháu Hoàng Quốc Nam, con trai anh Hoàng Quốc Thăng, các đồng chí, đồng nghiệp cũ và lãnh đạo địa phương, đông đảo bạn bè, chiến hữu đưa hài cốt của các liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, Hoàng Quốc Thăng, Võ Công Thu, Nguyễn Bá Tiệp, Nguyễn Vinh về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, nơi từ sau năm 1975 đã có 5 nấm mộ gió của các anh.
Bài đăng trên Vietnamnet, ngày 19/8/2011
(Bản này có sửa chữa và bổ sung)