Trang chủ » Tin văn và...

HỘI ĐỒNG CƠ SỞ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM CÓ LÀM ĐÚNG THEO QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC HAY KHÔNG?

Ngạn Mai
Thứ hai ngày 1 tháng 8 năm 2011 6:24 AM
 TNc: Chuyện danh sách dự xét giải chắc đã có người không lọt vào vì nhiều lí do. Bài viết này tác giả muốn nói đến cách làm và thực hiện quy chế mà thôi, có thể có tác giả nhắc đến đã không có trong danh sách cuối cùng,,,.

Vừa qua, trên trang blog của Lê Thiếu Nhơn đăng tải danh sách tác phẩm của 67 nhà văn được đề cử vào Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2011, gồm 11 Giải thưởng Hồ Chí Minh Minh và 56 Giải thưởng Nhà nước.

Không đi sâu vào những chuyện eo sèo, tôi chỉ xin đi vào thủ tục hành chính để thấy sự quan liêu của Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ “vòng gửi xe”.

1/ Thứ nhất là Nguyễn Khoa Điềm, tác giả được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh với tập thơ Cõi lặng.
Theo Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL, ngày 27 tháng 5 năm 2010, Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà Nước về văn học, nghệ thuật (gọi tắt là Thông tư - TG) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh ký, tại Khoản 2, Điều 6, Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh quy định cụ thể như sau:

“Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh phải là tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình đã được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng”.

Cụ thể hơn, Theo điều 3, Công văn số 3423/ BVHTTDL-TĐKT, ngày 27 tháng 9 năm 2010, Về việc hướng dẫn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2011 do Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Lê Khánh Hải ký, ghi rõ:

“Để kịp công bố vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2 tháng 9 năm 2011, việc xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật phải đảm bảo thời gian như sau:
a) Thời gian nhận hồ sơ và xét duyệt tại Hội đồng cấp cơ sở: Từ 10/10 đến 15/12/2010.
b) Thời gian nhận hồ sơ và xét duyệt tại Hội đồng cấp Bộ, ngành, Tỉnh: Từ 15/12/2010 đến 15/3/2011.
c) Thời gian nhận hồ sơ và xét duyệt tại Hội đồng cấp Nhà nước:
- Hội đồng chuyên ngành: Từ 15/3 đến 15/5/2011.
- Hội đồng cấp Nhà nước: Từ 15/5 đến 15/6/2011.

Tập thơ “Cõi lặng” của Nguyễn Khoa Điềm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007. Như vậy, tính đến năm 2011 mới được 4 năm, còn nếu tính từ khi nộp hồ sơ ở  Hội đồng cơ sở  chỉ được 3 năm.
2/ Thứ hai, Trương Tửu tác giả được đề cử Giải thưởng Nhà nước với hai bộ tuyển tập: Tuyển tập nghiên cứu phê bình và Tuyển tập văn xuôi

Căn cứ theo Điều 7, Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước, mục 2 của Thông tư quy định:
“Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước phải là tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình đã được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng”.

Chiếu theo đó, tác phẩm Trương Tửu Tuyển tập văn xuôi, được Nhà xuất bản Lao Động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phát hành năm 2009! Hơn nữa, căn cứ theo Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Chương I – Quy định chung) của Thông tư quy định rất rõ:
“1. Tác giả là người Việt Nam có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Toàn bộ 12 tác phẩm trong Trương Tửu Tuyển tập văn xuôi đều được xuất bản từ trước Cách mạng tháng tám 1945: Thanh niên S.O.S (tiểu thuyết, Minh Phương xuất bản, Hà Nội, 1937), Một chiến sĩ (tiểu thuyết, Minh Phương xuất bản, Hà Nội, 1938), Khi chiếc yếm rơi xuống (tiểu thuyết, Minh Phương xuất bản, Hà Nội, 1939), Trái tim nổi loạn (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn Thanh, Hà Nội, 1940), Một cổ đôi ba tròng (truyện, Nhà xuất bản Tân Việt, Hà Nội, 1940), Tôi nguyền rủa mãi người cha ấy ((truyện, in trong tập Một cổ đôi ba tròng Nhà xuất bản Tân Việt, Hà Nội, 1940), Khi người ta đói (truyện, Phổ thông bán nguyệt san, số 59, tháng 5-1940), Đục nước béo cò (truyện, Nhà xuất bản Minh Phương, Hà Nội, 1940), Một kiếp đọa đầy (truyện, Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà Nội, 1941), Cái tôi của ai (tâm sự, in trong tập Một kiếp đọa đầy, Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà Nội, 1941), Tráng sĩ Bồ Đề (tiểu thuyết dã sử, ký tên Mai Viên, Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942), Năm chàng hiệp sĩ (tiểu thuyết dã sử, ký tên Mai Viên, Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942).
Điều đó cho thấy, phải chăng Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam chỉ đọc tác phẩm của Trương Tửu trên biên mục tác giả?

Khi làm Tuyển tập Trương Tửu, các nhà nghiên cứu chỉ có nhiệm vụ tập hợp để in lại phục vụ bạn đọc. Xét riêng các tác phẩm của Trương Tửu về Lý luận Phê bình Văn học, có thể nói với ba công trình: Văn nghệ Bình dân Việt Nam (Hợp tác xã văn hóa mới xuất bản, Thanh Hóa, 1951), Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, 1956) và Mấy vấn đề Văn học sử Việt Nam (Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, 1958) xứng đáng được giải thưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt tác phẩm Mấy vấn đề Văn học sử Việt Nam “Tính cho đến tận hôm nay, đây vẫn là công trình chuyên sâu duy nhất bàn về quan niệm và phương pháp văn học sử, những thành phần cấu tạo và việc phân kỳ các giai đoạn văn học sử Việt Nam…”.

3/ Thứ ba, Xuân Cang được đề cử Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm: Hạt máu (hồi ký); Chặng đường nóng bỏng (hồi ký); Những vẻ đẹp khác nhau (tập truyện ngắn); Nụ hoa cau (tập truyện vừa); Những ngày thường đã cháy lên (tiểu thuyết); Gió thiêng (tiểu thuyết).
Cứ theo danh sách này, người tiếp nhận sẽ hiểu Hạt máu và Chặng đường nóng bỏng là hồi ký của Xuân Cang, cũng giống như Từ bến sông Thương là hồi ký được Giải thưởng Hồ Chí Minh của Anh Thơ. Tôi đã đọc Hạt máu, đây là hồi ký của  Trần Bảo do Xuân Cang ghi. Tôi cũng đã đọc Chặng đường nóng bỏng, đây là hồi ký của Hoàng Quốc Việt do Xuân Cang ghi. Vậy ở đây là tác phẩm của Xuân Cang hay của các đồng chí Trần Bảo, Hoàng Quốc Việt? Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam chắc chắn hiểu rõ hơn ai hết./.
Hà Nội, ngày 23-7-2011