Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN THỊ THẮNG – NGƯỜI “HOẠ SĨ” NGÔN TỪ

Võ Thị Kim Liên.
Thứ hai ngày 4 tháng 4 năm 2011 8:54 PM
(Nhân đọc CON CHỮ SOI BÓNG ĐỜI – bút ký chân dung văn học
                  của nhà thơ Trần Thị Thắng – nxb Hội nhà văn - 2010)
 
Trước đây tôi chỉ biết một Trần Thị Thắng nhà thơ, “tinh hoa phát tiết” từ sau chiến tranh. Với tập thơ đầu tay “Thơ tình mang theo” xuất bản năm 1989. Trong đó có bài “Em nhắc tên anh”, một bài thơ tình duyên dáng, đằm thắm làm rung động trái tim bao người đang yêu nhưng tôi không nhớ của ai, hoá ra là thơ chị.
 
Sau đó tôi lại được biết một Trần Thị Thắng vừa làm thơ vừa viết truyện ngắn và tiểu thuyết, viết cả truyện thiếu nhi nữa. Đến nay chị đã có 5 tập thơ và trường ca, 9 tập truyện ngắn hai tiểu thuyết, hai truyện dài. Đó là một sức lao động sáng tạo không nhỏ.
 
Thật bất ngờ khi tôi nhận được hai tập bút ký chân dung văn học “CON CHỮ SOI BÓNG ĐỜI” của chị gửi tặng. Tôi bất ngờ không phải vì được chị tặng sách với dòng chữ: “Thân tặng Võ Thị Kim Liên hai tập sách mà mình ưng ý nhất”, mà bất ngờ khi được biết thêm một Trần Thị Thắng “hoạ sĩ” ngôn từ. Không những bất ngờ, tôi còn rất nể phục trước vốn sống, sự hiểu biết và ngòi bút đa thể loại của chị.
 
Nếu người hoạ sĩ “xem mặt mà bắt hình dong”, thì người viết chân dung văn học phải đi ngược lại. Người xưa nói: “Văn là người”. Vì vậy lấy văn để hiểu người, lấy từng “con chữ” để “soi bóng đời”, đó là một việc làm không dễ. Bởi văn chương là vô cùng, là “ngôn tại ý ngoại”. Vì vậy đọc văn chương phải đọc bằng cả trí tuệ và tâm hồn.
 
Lev Tonxtoi cho rằng: Con người có hai trí tuệ. Trí tuệ duy lý và trí tuệ cảm xúc. Trong đó ông khẳng định: “Trí tuệ duy lý luẩn quẩn, trí tuệ cảm xúc sáng suốt”. Phải chăng nhà thơ Trần Thị Thắng đã thẩm thấu văn chương bằng tất cả nội lực của “trí tuệ cảm xúc sáng suốt” để khắc hoạ nên những bức chân dung khá chuẩn xác về các nhà văn, nhà thơ mình “yêu vì hạnh, trọng vì tài”?
 
Đáng nói thêm là với “trí tuệ cảm xúc sáng suốt” ấy, trong 33 năm công tác ở báo Văn nghệ giải phóng và báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam chị còn tạo được cho mình mối quan hệ rộng rãi, thân tình với nhiều nhà văn, nhà thơ, cả những người là “cây đa”, “cây đề” trong làng văn Việt Nam từ Bắc chí Nam. Nên chị rất hiểu họ. Có thể nói chị không chỉ lấy “con chữ soi bóng đời” mà còn lấy CUỘC ĐỜI SOI CON CHỮ để hiểu thấu đáo hơn những vỉa tầng trầm tích của văn chương. Đó là một thuận lợi lớn của chị mà không phải người viết chân dung văn học nào cũng có được.
 
Tôi nhớ ai đó đã nói rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Thì chính những chi tiết nhỏ trong cuộc sống đời thường, thậm chí cả chuyện “bếp núc” của các nhà văn, nhà thơ mà chị may mắn có được đã giúp chị khắc hoạ nên những bức chân dung văn học sống động, chân thật, hấp dẫn, lột tả đúng thần thái, cốt cách, tài năng và cả những cá tính rất đáng yêu của từng người.
 
Dưới ngòi bút của chị, Tố Hữu một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng sừng sững, “một hồn thơ dân tộc”, song hành cùng nhân dân, cùng đất nước. “Sống là cho. Chết cũng là cho” (thơ Tố Hữu). Nhưng cũng là một người rất bình dị trong cuộc sống đời thường: “Một lần lên thăm ông cùng gia đình, tôi có đề nghị ông nên để thời gian nhớ lại những kỷ niệm nói vào máy ghi âm. Bỗng ông chùng xuống nói: “Cứ vậy cả năm trăm nghìn tiền băng”. Thế mới biết năm trăm ngàn đối nhà thơ, phó Thủ tướng Chính phủ những năm 1990 – 1995 là lớn lắm, không thể tiêu hoang được.
 
Hay Nguyễn Đình Thi, “ con người của công việc, của sáng tạo và lòng dũng cảm”, một “nhà văn đa tài vào bậc nhất”. Ông thành công ở nhiều thể loại: Văn xuôi, thơ, kịch, phê bình và cả âm nhạc nữa. Nhưng hiểu hết những sáng tác của ông không dễ. Bởi văn chương ông “cô động”, “nội hàm lớn”, “gợi mở nhiều tầng lớp”, “cảm giác như một chiếc giếng sâu dò mãi chưa tới”. Cả thế giới đọc ông. Vậy mà đài truyền hình xin làm phim chân dung ông, ông vẫn một mực từ chối: “Còn bao anh em khác ít được lên hình nên để cho họ, còn mình xin hẹn dịp khác”. Và cái “dịp khác” ấy chẳng bao giờ đến nữa.
 
Hoặc Xuân Quỳnh, “một đoá quỳnh trong vườn thơ”. Đoá quỳnh “biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (thơ Xuân Quỳnh). Nhưng cũng là người trực tính, hay đùa: “Anh Q ở báo Văn nghệ, chị trêu ngoại hình “trông giống con chó nướng”, anh P chị nói: “Như trâu luộc cả con”…Và “Nhiều lúc anh em cũng đùa lại gọi là “anh Xuân Quỳnh” bởi “Xuân Quỳnh sắc sảo, ác khẩu. Nhưng khi chúng ta đọc thơ chị, chúng ta thấy một nhà thơ hoàn toàn nữ tính, mềm mại”…
 
Với thành phố Hồ Chí Minh, chị khắc họa chân dung Vũ Hạnh, Anh Đức,Trang Thế Hy, Giang Nam, Hoài Vũ, Lê Văn Thảo, Nguyễn Chí Hiếu, Dương Trọng Dật,Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, Tôn Nữ Thu Thủy, Kim Quyên, Đặng Nguyệt Anh, Lê Tú Lệ…mỗi người một vẻ đẹp do văn chương của chính họ tạo nên, vẻ đẹp của cuộc sống sáng tạo đơn độc bên con chữ mà soi được bóng đời có cả bóng tác giả.Ngoài ra tác giả còn viết về nhà phê bình Mai Quốc Liên với những trang phê bình sắc sảo, bản lĩnh
Với bút pháp ấy, dù là ai, ở cương vị nào, tài năng và đóng góp cho văn học đến đâu thì 73 bức chân dung trong “CON CHỮ SOI BÓNG ĐỜI” đều được chị nâng niu, trân trọng, chăm chút như nhau. Đó là cốt cách, là tấm lòng, là trách nhiệm cầm bút của chị đối với văn chương, với cuộc đời và bạn bè đồng môn, đồng nghiệp.
     
Vì vậy đọc “CON CHỮ SOI BÓNG ĐỜI” ta biết thêm một chân dung nữa, khá sắc nét và ấn tượng, đó chính là tác giả. Dù chị chẳng tự “vẽ” riêng cho mình một bức chân dung nào. Nhưng chị là con người của công việc, của bạn bè nên chân dung chị lấp lánh trong chân dung của mọi người. Trên tất cả, chị là một nhà thơ, nhà văn, nhà “hoạ sĩ” ngôn từ tận tâm và tài năng, khiêm nhường và dễ mến.
 
Thành phố Hồ Chí Minh, xuân 2011
 
                                                                                Võ Thị Kim Liên.