( Tại Văn phòng B – Thiên đình )
Đâu rồi sứ giả Việt Nam
Táo quân Đại diện sẵn sàng hay chưa”?
Dạ...dạ - Táo quân xin thưa
(Ngọc Hoàng mắt kém nên đưa tay vời)
A.. ha nhà Táo đây rồi
Xem ra béo tốt gấp mười năm qua!
Sớ đâu Táo hãy trình ra
Hay là chưa được “thông qua” hội đoàn?!
Táo Việt liến thoắng một tràng
Rằng Táo “Đại diện Việt Nam Anh hùng”
Sớ này Táo đã...khổ công
Thông qua đủ thứ chứ không dám liều!
Tâu rằng theo ý Thượng Triều
Phong trào “Dự án” như diều đang lên!
Nào là Bốc xít Tây Nguyên
Nào là “Cao tốc” vượt biên sắp vào...
Đất rừng cũng chẳng kém nào
Cho người quen-lạ ào ào đến “thuê”!
Vinashin đã bị “phê”
Nay “Tái cơ cấu” sẽ về đích thôi!?
Nợ công vẫn nhoẻn miệng cười
Như bát cháo nóng ta thời húp quanh...*
Chơi bài “ Công nợ trả dần”
Quốc khố chưa có thì dân trả bù!
Mười ngày Đại lễ tít mù
Chín ngày Đại hội vui như hội làng
Năm Mèo rồi sẽ sang trang
Cơ hội đổi mới lại càng vi vu..
Ngọc Hoàng ra vẻ gật gù
Nghe ra Táo Việt cái gì cũng...hay!
Khán trường lẹt đẹt vỗ tay
Ngọc Hoàng bỗng thấy mặt mày nóng ran!
Rằng : “Ta hỏi Táo quân Việt Nam
Cải cách dân chủ đã làm hay chưa”?...
Táo Việt ấp úng xin thưa
Vì còn phải đợi...nên chưa dám làm!
Ngọc Hoàng cả giận đập bàn
Cải cách Thể chế có làm hay không?
Táo Việt “Kiên quyết oai hùng”
(Việc này “Bố bảo cũng không dám làm)!
Ngọc Hoàng tức quá hỏi dồn:
Thế thì Biển - Đảo hiện còn bao nhiêu?...
Táo quân phách lạc hồn xiêu
Thưa rằng “Hoàng Cát” đi tiêu mất rồi! **
Trường Sa lo đứng lo ngồi
Lưỡi bò nó “liếm” đến nơi chưa chừng!?
Ngọc Hoàng nổi giận đùng đùng
Đập bàn quát tháo lung tung một hồi
Quát rằng: “ Táo Lạ đâu rồi
Vào ngay Trẫm hỏi đầu đuôi thế nào”!?
Táo Lạ vờ vịt cúi chào
Liếc sang Táo Việt tái mào lui ra!...
Táo Lạ thoả sức ba hoa
Nào là “ Hữu nghị” nào là “Anh em”!...
Ngọc Hoàng tím mặt hét lên:
- “Táo Lạ khốn kiếp mày hèn vậy sao”?!...
...........................
( Mất điện, micro câm tịt)
.
23 tháng Chạp Canh Dần
( 28-01-2011 )
DL lược ghi
-----------------------------------------------
* “Cháo nóng húp quanh – Công nợ trả dần” (phương ngôn VN).
** Hoàng Sa, còn gọi là đảo “Cát vàng”.