Trang chủ » Tin văn và...

HỘI NGHỊ BCH HỘI NHÀ VĂN VN KHÓA 8 LẦN THỨ II

Tonvinhvanhoadoc.vn
Thứ tư ngày 13 tháng 10 năm 2010 6:46 AM
TNc: Chưa có thông tin chính thức từ BCH nhưng thông tin dưới đây của trang Tonvinhvanhoadoc.vn  tôi cho là đúng nên cho lên trang nhà. Xin chia vui với các đồng nghiệp được cất nhắc vào các hội đồng các ban và chia sẻ với các đồng nghiệp thôi giữ chức.

Từ ngày 6-9/10/2010, Ban chấp hành khóa VIII Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành phiên họp thứ hai, sau thời gian 2 tháng đợi chờ khá nóng ruột của hội viên.
 
BCH Hội Nhà văn đã dành một ngày để bàn về Quy chế của BCH và những nhiệm vụ của BCH trong cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên do quy chế trước đây có những điểm không còn phù hợp với tình hình mới, vì vậy việc sửa đổi một số điều mục và hành văn luật đã mất khá nhiều thời gian và công sức của 15 thành viên BCH. Sau 4 ngày hội nghị, việc thông qua Quy chế vẫn chưa được hoàn tất, và phải chờ đến tháng 12.2010, ở phiên họp thứ 3, quy chế sẽ được thông qua hàng loạt gồm:
 
- Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam (sửa đổi)
- Quy chế làm việc của BCH khóa 8
- Quy chế đầu tư sáng tác
- Quy chế xét kết nạp và đình chỉ sinh hoạt hội viên Hội NVVN
- Quy chế giải thưởng (sẽ thay đổi năm nào xét giải năm đó)
- Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm tra
- Quy chế quản lý Tài chính
 
Ngay trong buổi họp đầu tiên, BCH khóa 8 đã thống nhất được Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2010-2015, gồm:
 
1. Nâng cao chất lượng sáng tác để có những tác phẩm tiêu biểu
2. Củng cố kiện toàn công tác xây dựng Hội về tổ chức, về bộ máy, về hội viên với yêu cầu mang tính chuyên nghiệp cao. Xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam: Đoàn kết, nhất trí, năng động, hiệu quả.
Trong nhiệm vụ này nhấn mạnh công tác củng cố kiện toàn khối báo chí xuất bản của Hội
3. Công tác Lý luận phê bình
4. Công tác giao lưu quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.
 
Sang ngày thứ hai, BCH Hội Nhà văn VN khóa 8 đã nghe các cơ quan cấp 2 báo cáo về tình hình cơ quan, kiến nghị và gải đáp những vấn đề mà BCH chất vấn.
 
Ngày làm việc thứ ba, BCH tiếp tục thảo luận các quy chế, đồng thời gặp gỡ tất cả các thành viên các Hội đồng và các Ban của nhiệm kỳ 7. Có thể nói hơn 100 nhà văn thuộc các Hội đồng và các Ban đã về Hà Nội để gặp gỡ BCH khóa 8 trong không khí mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã tạo nên bức tranh thân thiện ấm áp trong ngôi nhà chung.
 
Ngày làm việc thứ tư, việc phân công công tác cho các thành viên BCH đã được quyết định.
BCH Hội Nhà văn VN khóa 8 đã quyết định giải tán các Ban đề tài: Ban Văn học Thiếu Nhi, Ban Văn học Dân tộc và Miền núi, Ban Văn học An ninh Quốc phòng. Các ban giải tán sẽ hoạt động dưới hình thức mới là Ban Văn học Đề tài.
 
Ban Nhà văn Trẻ (không còn gọi bằng cái tên lê thê là Ban Công tác Nhà văn Trẻ như khóa trước nữa) được đặc biệt quan tâm về công tác, hoạt động và nhấn mạnh tính chất quan trọng. Chính vì vậy việc tìm nhân sự để bầu phiếu kín cho ban Nhà văn Trẻ khá căng.
 
4 Hội đồng chuyên môn được nhấn mạnh vai trò chuyên môn, không phụ thuộc vùng miền. Việc tìm ra 4 danh sách các nhân sự để giới thiệu vào 4 Hội đồng đã được chọn lọc cân nhắc rất kỹ càng trước khi BCH bỏ phiếu kín. Nhân sự Hội đồng Văn xuôi và Hội đồng thơ chiếm nhiều thời gian nhất, ngay cả lúc giải lao của các ngày trước đó, các thành viên BCH cũng luôn bàn bạc để đi đến quyết định xác tín nhất.
 
Kết quả:
 
1. Hội đồng Văn xuôi: nv Nguyễn Khắc Trường (Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi), nv Thái Bá Lợi, nv Tô Hải Vân, nv Sương Nguyệt Minh, nv Bảo Ninh, nv Y Ban, nv Lê Minh Khuê, nv Bão Vũ, nv Trần Văn Tuấn
 
2. Hội đồng Thơ: nt Bằng Việt (Chủ tịch Hội đồng Thơ), nt Thi Hoàng, nt Trương Nam Hương, nt Dương Kiều Minh, nt Trần Quang Quý, nt Ngô Thế Oanh, nt Đặng Huy Giang, nt Tuyết Nga, nt Inrasara
 
3. Hội đồng Lý luận Phê bình:  nhà LLPH Lê Thành Nghị (Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình), nhà LLPB Chu Văn Sơn, nhà LLPB Trần Đình Sử, nhà LLPB Hồ Thế Hà, nhà LLPB Nguyễn Đăng Điệp, nhà LLPB Dương Trọng Dật, nhà LLPB  Lưu Khánh Thơ, nhà LLPB Mai Quốc Liên, nhà LLPB Trịnh Bá Đĩnh.
 
4. Hội đồng dịch: dịch giả Nguyễn Văn Dân (Chủ tịch Hội đồng Dịch thuật). dg Quang Chiến, dg Trần Đình Hiến, dg Nguyễn Hữu Dũng, dg Lê Xuân Quỳnh, dg Trương Đăng Dung, dg Lê Đăng Hoan, dg Lê Bá Thự, dg Phạm Văn Ba
Hai Ban chức năng trực thuộc Hội:
 
1. Văn học Đề tài: nhà văn Đào Thắng (Trưởng Ban), nhà LLPB Chu Thị Thơm, nv Lê Phương Liên, nt Trần Quang Đạo, nv Cao Duy Sơn, nv Phùng Thiên Tân, nv Ngô Vĩnh Bình, nv Nguyễn Tùng Linh, nv Mai Phương
 
2. Ban Nhà văn Trẻ: nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Trưởng Ban), nv Phong Điệp, nv Nguyễn Ngọc Tư, nv Nguyễn Danh Lam, nhà LLPB Trần Huyền Sâm, nv Đỗ Bích Thúy, nv Nguyễn Đình Tú, nt Phan Huyền Thư, nt Hữu Việt
Ban Kiểm tra: nhà văn Khuất Quang Thụy (Trưởng ban), nv Bùi Thanh Minh, nv Đức Ban, nt Nguyễn Bính Hồng Cầu, nt Lò Cao Nhum, nv Huỳnh Thạch Thảo, nt Hải Đường, nt Đàm Chu Văn, nv Trịnh Thanh Phong
 
Các thành viên BCH khác đều được phân công giữ những trọng trách cụ thể:

Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội NVVN, phụ trách chung và trực tiếp theo dõi báo chí xuất bản.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, phó chủ tịch thường trực, tiếp tục làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, phụ trách tài chính, công sản của Hội.

Nhà LLPB Lê Quang Trang, phó chủ tịch, phụ trách hội viên khu vực phía Nam và Trung tâm Quốc học.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, ủy viên thường vụ, được phân công phụ trách khối các cơ quan: Hãng phim, TRung tâm Bản quyền và Truyền hình văn học; sẽ lên đề án về Trung tâm truyền thông và xã hội hóa.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tich hội NVVN được phân công về năm vị trí Trưởng Ban Sáng tác và làm công tác đối ngoại.

Nhà thơ Nguyễn Hoa làm Trưởng Ban Ban Tổ chức Hội viên

Nhà văn Trung Trung Đỉnh tiếp tục giữ vị trí Giám đốc zNXB Hội Nhà văn

Nhà LLPB Phan Trọng Thưởng phụ trách chi hội nhà văn khối cơ quan Trung ương và Lý luận phê bình.

Nhà văn Đình Kính phụ trách hội viên khu vực miền Bắc.

Nhà thơ Văn Công Hùng phụ trách khối Nam miền Trung và Tây Nguyên.

Nhà văn Trần Đức Tiến phụ trách khối đồng bằng Đông Nam bộ.

Nhà văn Vũ Hồng phụ trách khối đồng bằng Sông Cửu Long và trang web đồng bằng sông Cửu Long.
Cuộc họp Ban chấp hành lần này chưa bàn đến việc đề cử ai thay Tổng biên tập báo Văn Nghệ Nguyễn Trí Huân để ông về làm thường trực tại Hội, ai về tạp chí Nhà văn (thay ông Nguyễn Trác đã đến tuổi hưu), ai về tạp chí Thơ (tất cả các nhân sự hiện nay đều đã nghỉ hưu được ký hợp đồng làm tờ Thơ này), tạp chí Văn học nước ngoài (ông Nguyễn Trọng Tân cũng đến tuổi hưu), trang web (nhân sự cũng do nhà văn Văn Chinh và các nhà văn đã hưu hoặc sắp hưu đang đảm nhiệm).
 
Ban Thường vụ sẽ lên Dự án Quy hoạch khối báo chí xuất bản trình Đảng Đoàn. Và Ban chấp hành sẽ quyết định bản Quy hoạch này vào tháng 12.2010. Sau đó sẽ quyết định đề án thành lập Trung tâm dịch thuật.
 
Công việc đang chuẩn bị gấp rút, đó là xét giải và xét kết nạp hội viên năm 2010; chuẩn bị xét giải thưởng Hồ Chí Minh; chuẩn bị Ngày Hội thơ VN năm 2011; chuẩn bị Hội nghị viết văn Trẻ lần thứ 8, khánh thành Bảo tàng văn học Việt Nam, chuẩn bị tổ chức Liên hoan Thơ Châu Á lần thứ nhất…
 
Nguồn: Tonvinhvanhoadoc.vn