(Tiếp theo số ngày 12/1/2024 và hết)
2. Nghìn đời biết ơn, nhớ ơn
Biết ơn công lao và sự hy sinh vô cùng to lớn
của những người bỏ mạng ra đi gìn giữ Hoàng Sa, cư dân trên đảo Lý Sơn đã thể hiện bằng nhiều hình thức:
a. Lập Đài tưởng niệm “Chiến sĩ trận vong”, bất kể các chiến sĩ đó thuộc bên nào; lập Âm Linh tự (Ảnh 1). Điều này thể hiện tư tưởng nhân văn rất cao của người Lý Sơn. Ngày nay, trên đảo Lý Sơn đã dựng Nhà trưng bày tư liệu về công cuộc gìn giữ Quần đảo Hoàng Sa và tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” (Ảnh 2- 3).
b. Tổ chức “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” - hình thức cao nhất, tập trung nhất để tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống trong những lần đi kiểm tra mốc giới trên đảo.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa gồm lễ của các dòng họ và lễ của làng.
Lễ được tiến hành vào một ngày của tháng Hai hoặc tháng Ba, tùy dòng họ. Trước ngày lễ, cả họ tộc phân việc cho các thành viên. Kinh phí sắm lễ vật trước đây lấy từ hoa lợi đất công của làng chia cho các dòng họ. Ngày nay, đất công không còn, các thành viên trong họ đóng góp tự nguyện hay theo phân bổ. Lễ cúng được tiến hành “dềnh dàng” trong ba ngày trước, lễ vật chỉ có hoa quả, trầu rượu; đồng thời cũng là thời gian để chuẩn bị các lễ vật, đồ vật cho ngày chính lễ.
Trước ngày chính lễ, vào giữa buổi chiều, chiêng trống gióng lên từ nhà thờ họ, cả họ tộc đến làm lễ yết. Thầy pháp làm lễ ngoài sân. Các thành viên trong dòng họ cùng nặn các hình nhân bằng bột gạo, hoặc tết bằng rơm. Đến 9 giờ tối, giết lợn, gà. Vào thời khắc chuyển sang ngày hôm sau, lễ chính thức bắt đầu.
Lễ vật hiến tế trong nhà trong nhà thờ họ (dâng lên ông bà, tổ tiên) và các thần linh độ có lợn, gà, hoa quả, trầu rượu, do trưởng tộc dâng lên. Trong khi đó, ở ngoài sân, thầy pháp làm lễ hiến tế cho những linh hồn những người đã đi công cán ở Hoàng Sa, vì phải “Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”, được chu du chín suối, cũng cúng cho các thủy thần, các âm hồn, cho tất cả những người khác đã bỏ mạng trên biển, trên sông. Lễ vật hiến tế ngoài trầu rượu, vàng mã, thịt lợn, xôi chè, bắt buộc phải có gà, cá nướng, cua, mỗi thứ một con và một gói cá nhám. Trên đàn lễ còn có nồi niêu, mắm muối, gạo, củi … là các đồ mà lính Hoàng Sa (cũng như những người đi biển) mang theo khi đi biển. Đặc biệt, các đồ hiến tế còn có ba thứ mang đặc trưng của lễ “khao lề thế lính” là linh vị, thuyền lễ và các hình nộm.
Linh vị được làm bằng giấy màu đỏ, cao chứng 20 cm, rộng chừng 7 cm, bên trên có ghi họ tên người lính. Linh vị được dán trên bìa cứng, có nẹp tre hoặc gỗ phía sau và được cắm trên khúc thân cây chuối, rồi đặt lên đàn cúng. Phía trước mỗi linh vị là một ngọn nến thắp sáng. Căn cứ vào số người của dòng họ đã hy sinh trong khi đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa mà làm số linh vị.
- Thuyền lễ có đế bằng ba cây chuối, dài từ 1,5 - 2 cm, đóng thành “bè”. Trên bè gắn các thuyền bằng tre, dán giấy ngũ sắc, có cờ, phướn, như thuyền buồm của người đi biển Hoàng Sa. Trong thuyền có các đồ gạo, muối, nếp nổ, chè xôi, gói cá nhám, cua, cá nướng cùng các bộ phận đầu, chân, tiết của con gà, vàng mã, đèn, hương; ngày nay còn bỏ thêm một vài đồng tiền đang sử dụng.
- Hình nộm: làm bằng bột gạo, hoặc bện bằng rơm, cắt bằng giấy. Số hình nộm là ba hoặc bốn, cho dù dòng họ có nhiều hay ít hơn số người đã hy sinh khi đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Nếu là ba thì đặt ở ba vị trí đầu, giữa, cuối của mạn thuyền, tượng trưng cho người tổng lái, tổng mũi và tổng khoang của một con thuyền ra khơi và cũng là theo quan niệm “tam nhân đồng hành”. Nếu là bốn hình nộm thì đặt ở bốn góc thuyền, với quan niệm làm cân và vững con thuyền.
Thầy pháp làm lễ, khẩn cầu Bà Thủy long cùng các vị thủy thần khác trả linh hồn những người chết được về với tổ tiên, rồi đem các linh vị ra đốt. Sau đó, thầy cúng làm các nghi thức bùa phép trước bàn thờ, “gửi tên tuổi và linh hồn (người sống)” vào hình nhân rồi đặt các hình nhân vào thuyền; sau đó tiến hành lễ tiễn. Đi đầu là bốn thanh niên khiêng thuyền lễ, theo sau là thầy pháp, trưởng họ (tộc trưởng), các chi phái trưởng cùng toàn thể người trong dòng tộc cả người các họ khác, khiêng chiêng trống. Ra đến bến thuyền, thầy pháp khấn vái thần linh bốn phương, thắp đèn trong thuyền lễ và thả xuống nước (nếu nước cạn phải dùng thuyền chở thuyền lễ ra ngoài xa rồi mới đẩy ra biển. Kết thúc buổi lễ, thầy pháp và các bậc cao niên trở lại nhà thờ trò chuyện và thụ lộc; thanh niên và phụ nữ dọn dẹp, sửa cơm nước, đến 6 - 7 giờ mới được ngồi vào mâm. Đến buổi trưa, diễn ra lễ tạ (lễ tất) ở trong nhà và ngoài sân, do tộc trưởng và các chi phái thực hiện.
Nhiều năm, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức theo quy mô làng, tại một cơ sở thờ cúng chung của làng, như Âm linh tự (ở làng An Vĩnh hoặc làng An Hải), đình An Vĩnh… Các tộc họ cùng góp công, của thực hiện. Lễ vật hiến tế phải có lợn sống, lợn chín, gà xôi và rất nhiều linh vị (có khi lên đến hàng trăm) cùng 5 thuyền khao lề (tượng trưng cho 5 thuyền câu chở 70 lính đi Hoàng Sa xưa kia). Thuyền có kích thước lớn hơn thuyền trong lễ khao lề của các họ tộc. Ngoài các lễ yết, lễ chánh tế, lễ ngoại đàn, lễ thế lính, lễ thả thuyền thế mạng, còn có lễ cầu siêu, lễ thả hoa đăng, lễ đua thuyền, hát bộ, múa lân, hát bả trạo.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là sự tri ân những người có công gìn giữ Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này, mà còn thể hiện tín ngưỡng của người Việt ở vùng biển đảo. Lễ không chỉ có mục đích cầu siêu cho vong linh của những người lính, người dân đã nằm lại biển cả vì nghĩa vụ bảo vệ Hoàng Sa, cho cả những người chết vì mưu sinh trên biển; mà còn để cầu an cho gia đình, dòng họ. Đây còn là niềm tự hào của người Lý Sơn nói chung và các dòng họ có người trong đội Hùng binh ra đi xem mốc giới bảo vệ Hoàng Sa nói riêng. Chính vì vậy, vào dịp tổ chức lễ khao thề thế lính Hoàng Sa, không cần phải tuyên truyền, huy động, người các dòng họ đều tham gia đông đủ, nhiệt tình, với ý thức trách nhiệm và niềm xúc động, tự hào cao nhất. Từ bao đời, cứ vào tháng Hai, tháng Ba, người các dòng họ trên đảo Lý Sơn lại hướng về ngày lễ khao thề thế lính Hoàng Sa, háo hức tham gia vào việc tổ chức lễ, trừ khi ốm đau hoặc đi vắng xa, còn ai ở nhà đều tự giác đến và làm các công việc theo phận sự với tinh thần cao nhất. Ai không đến được thì cảm thấy áy náy, như có lỗi với tiền nhân. Năm nào lễ khao thề tổ chức ở đình làng thì có sự đua nhau giữa các dòng họ; để cùng tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã ngã xuống vì vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và nguyện thề cùng quân dân cả nước, giữ vững biển đảo.
[Phần viết dựa trên tư liệu điều tra của tác giả, có sử dụng tư liệu trong cuốn “Biển đảo Quảng Ngãi, lịch sử - kinh tế - văn hóa, Nxb. Lao động, Hà Nội và tư liệu của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ].
3. Lời kết
Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hoàng Sa - Quần đảo thiêng liêng, thấm đậm bao máu xương các thế hệ cư dân các làng trên đảo Lý Sơn và vùng phụ cận đã bị rơi vào tay bọn cộng sản xâm lược Trung Quốc. Về nguyên nhân mất đảo, tôi không bàn, xin nhường lời cho các nhà sử học. Nhưng dưới góc độ Dân tộc học, xin có mấy ý kiến cá nhân.
1. Lãnh thổ và lãnh hải của đất nước Việt Nam chúng ta nên vóc nên hình là kết quả của một quá trình dài dặc hàng nghìn năm, các thế hệ người Việt Nam (người Việt và các tộc người thiểu số) đổ mồ hôi nước mắt lao động, khai phá, cải tạo, đổ máu xương chiến đấu với các thế lực xâm lược ngoại bang. Các thế hệ đi sau phải có trách nhiệm gìn giữ sự vẹn toàn, không giữ được là có tội lớn với tiền nhân; thế lực nào vì quyền lợi ích kỷ của dòng tộc, vương triều, hay đảng phải, đem dâng lãnh thổ, đất đai cho quân thù là trọng tội, sẽ nghìn đời bị nguyền rủa.
Lãnh thổ, lãnh hải ở một địa phương, trong đất liền, cũng như ngoài biên cương - hải đảo đều là một phần máu thịt của quốc gia, đều thiêng liêng, khẳng định sự tồn tại lâu bền của đất nước, nên phải giữ gìn, không thể đem làm vật hy sinh cho ý thức hệ A, chủ nghĩa B, tư tưởng C, “tình quan san” Đ (cả tư bản hay vô sản) ...; không thể là vật đặt trên bàn để cho các nước lớn ngã giá mặc cả với nhau. Sự vẹn toàn của lãnh thổ quốc gia dân tộc là thiêng liêng, phải được đặt trên quyền lợi của bất kỳ dòng tộc, vương triều, phe phái, đảng phái nào. Đem lãnh thổ - lãnh hải đất nước để đổi lấy hay giữ lấy quyền lợi vương quyền, đảng phái là sự phản bội dân tộc. Đem lãnh thổ, lãnh hải “, dù chỉ một phần nhỏ “gửi gắm” cho nước ngoài, lại là nước luôn muốn “triệt hạ” đất nước mình không chỉ là sự ngây thơ, mà còn là mù quáng.
2. Đất đai không chỉ là nơi để sinh sống, tạo của cải vật chất, nuôi sống con người, mà còn là nơi hình thành các thiết chế xã hội và quan hệ xã hội, các phong tục tập quán, các sinh hoạt văn hóa, lối sống của các cộng đồng cư dân, còn là nơi gửi gắm, tâm tư, tình cảm, sự cố kết cộng đồng. Đấy chính là nguồn cội của tinh thần yêu quê hương và từ đó nâng lên thành tinh thần yêu nước. Để mất đất đai dù dưới bất kỳ lý do, hình thức, trạng thái nào không chỉ tước mất nguồn sống của dân, mà còn làm suy giảm nguồn lực phát triển của đất nước, nguồn lực văn hóa - nhân tố phi kinh tế của sự phát triển.
Vào những ngày buộc phải nhắc đến nỗi đau mất quần đảo Hoàng Sa cách đây nửa thế kỷ, tôi (và chắc chắn có nhiều người nữa) càng đau thêm nỗi đau khi biết bao đất đai bờ xôi ruộng mật - công lao khai phá, gìn giữ bao đời của các thế hệ cha ông đang bị “xâu xé”. Đặc biệt, hơn 162.000 ha đất ở các vị trí “nhạy cảm” đang nằm trong tay "người nước ngoài", mà những người có trách nhiệm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cứ khất lần trả lời quốc dân đồng bào.