Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN CAO VÀ NỖI BUỒN… THIÊN THU

Xuân Ba
Thứ tư ngày 15 tháng 11 năm 2023 10:19 AM
BUỒN I
…Tờ “Tiền Phong chủ nhật” khổ nhỏ khi ấy, tháng 8 năm 1991 cuốn hút người đọc đến tận Tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương mua báo rần rần. Bởi báo b đăng bài của một cộng tác viên với cái tít khủng.
TIẾN QUÂN CA CÓ HAI TÁC GIẢ?
Thời điểm đó, còn vương vất khí thế của phong trào “Những việc cần làm ngay” cộng với hơi hướng chi đó sự sụp đổ của nhiều quốc gia bên Đông Âu nên báo chí hơi bị hăng tiết.
Những vụ việc mới, cũ này nọ âm thầm diễn ra trong xó tối thiếu vắng đi ánh ngày của dân chủ, đổi mới rọi tới đã lần lượt được phanh vui đem lại một luồng sinh khí mới cho sự đọc. Như sau này người ta líu lo đại khái là đời sống dân chủ cũng như đổi mới dần được cải thiện.
Nhưng cũng có những việc quá đà.
Trở lại với “Tiến quân ca có hai tác giả?
Bài viết của một ông cộng tác viên không phải đủ đầy những chứng cứ chắc khừ rành rẽ minh chứng, thể hiện phần nhạc và lời của TIẾN QUÂN CA có hai tác giả thể hiện cụ thể ở đâu? Nhưng trên mặt báo, bức ảnh hai tác giả, Văn Cao và ông Đ.H.X ( xin độc giả thứ lỗi, để vong linh người đã khuất được yên nghỉ, xin chưa nói ngay và không trưng họ tên thật của ông ngay ra đây) cùng bức ảnh chụp từ một tờ bướm in bài Tiến quân ca cả phần nhạc và lời.
Dưới ghi rất rõ nhạc Văn Cao lời Đ.H.X ( cũng cần nói thêm bản này đã được đưa vào tập nhạc “Thanh niên hát” – do Nhà xuất bản Thanh Niên in) Kèm theo là lời tường trình cụ thể của người viết phần lời là ông Đ.H.X.
Tóm lại, ba hiện vật, chứng cứ kể trên có thể nói đã có sức cuốn hút bạn đọc rất lớn.
Tôi biết Ban Biên tập khi quyết định cho đăng bài báo này, động cơ mục đích không phải bênh vực ông Đ. H. X, và khẳng định ngay rằng “Tiến quân ca” có hai tác giả ( đã cẩn trọng dùng dấu hỏi sau cái tít bài) Nhưng muốn công khai vấn đề còn đang nghi vấn này để các cơ quan có trách nhiệm đặc biệt là cơ quan Bảo hộ quyền tác giả vào cuộc.
Và thêm nữa, cũng là có cái ý đụng chạm vô cái thói tò mò hiếu kỳ của người Việt, nói như ngôn ngữ bi giờ là “ câu viu câu lai”!
Quả vậy!
Sau khi báo đăng (thời ấy chưa có Email) ba ngày sau có tới gần 800 lá thư bạn đọc tới tấp gửi đến tòa soạn bày tỏ sự ngạc nhiên rằng tại sao vụ việc này để lâu vậy nay mới phát hiện?
Rằng “Tiến quân ca” đã thuộc về lịch sử thì bây giờ phải công bằng công minh trả lại cho lịch sử.
Một số đề nghị từ nay phần lời của “Tiến quân ca” phải ghi tác giả phần lời. Vv… và vv…
Nhưng cũng có không ít thư bạn đọc rành rẽ nhưng hối hả rằng tại sao Báo TP không làm việc cụ thể là phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao trước khi đăng bài này? Nhỡ ông X, kia nhận vơ thì sao?
Tại sao báo không gửi đến cơ quan Bảo hộ quyền tác giả những chứng cứ báo có trong tay nhờ giải quyết phân xử? Hãy đăng kết quả phân xử ấy thì khách quan hơn?
Vv… và mây mây!
Mặc dù không được phân công làm vụ này ngay từ đầu, chỉ khi báo đăng tôi mới biết, giật mình trước những lời mách có lý lẫn tình ấy trong chồng thư bạn đọc. Tôi và một vài đồng nghiệp đã mạnh dạn làm việc với Ban Biên tập và thẳng thắn đề cập đến sự non tay nghiệp vụ ấy.
Không biết có lọt tai họ hay không nhưng tôi được BBT phân công đến gặp nhạc sĩ Văn Cao.
Tôi tìm đến tư gia nhạc sĩ ở phố Yết Kiêu.
Cuốc đường ngắn tản bộ từ tòa soạn bên kia Hồ Thiền Quang đến Phố Yết Kiêu, những gì tôi mường tượng về cuộc gặp gần giống!
… Mở cửa cho tôi là bà Nghiêm Thúy Băng, phu nhân nhạc sĩ. Sau khi nghe giới thiệu bà chợt như khựng lại.
Vẻ niềm nở ban đầu biến đâu mất nhường chỗ cho ánh mắt lạnh nhạt cùng chất giọng rời rạc… Nhưng bà vẫn cho tôi lên gác.
May ông chủ Văn Cao đương có nhà.
Không phải lần đầu tôi gặp NS. Nhưng được ngồi riêng với ông có lẽ lần đầu.
Có một cái buồng con hình như dùng làm chỗ tiếp khách ngó xuống đường Yết Kiêu.
Văn Cao đang yên vị cùng chăm chắm ánh nhìn…
Tôi như thấy mình có lỗi trước vóc dáng thanh mảnh gày gò của người nhạc sĩ.
Chiếc sơ mi hở cổ. Quần màu cháo lòng. Những ngón tay gầy guộc đang hướng cho lòng tay thong thả sục nhẹ vào mái tóc bạc bơ phờ.
Sau này như những gì tôi viết trong một bài trên tờ TIỀN PHONG CHỦ NHẬT về cuộc hầu chuyện Văn Cao, khi đó mình đã không giấu giếm mối thiện cảm và ngưỡng vọng đối với tác giả của những “Thiên thai, Suối mơ Đàn chim Việt. Trường ca Sông Lô…”
Văn Cao chỉ ừ hữ và cười nhẹ. Rồi lặng lẽ đẩy về phía tôi một chén rượu trắng.
“ Vân đấy…
Vân?
Thứ rượu Vân huyền thoại mà Văn Cao nghe nói thửa riêng mà bây giờ tôi được uống ké? Nhưng sau này nghe nhà thơ Thụy Kha ( từng được phong là nhà Văn Cao học) nói lại dạo ấy nhạc sĩ xo xúi túng bấn chứ dư dật gì mà có thứ rượu thửa riêng?
Nhưng khi ấy, tôi đã trịnh trọng nâng lên, nhấp khẽ. Thấy rất được.
Chén rượu trắng như nong thêm cái van ngắc ngứ khó mở lời của tôi. Có vẻ bắt đầu ổn. Thấy tôi trưng ra bản chụp tờ bướm của NXB Thanh Niên ghi như này.
“Tôi với ông X, hai người quen nhau từ trước năm 1945…” chất giọng trầm rè của nhạc sĩ đưa tôi vào một khúc nhôi của một câu chuyện dài.
Năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao ở nhờ nhà ông X, đúng trong giai đoạn sáng tác TIẾN QUÂN CA. Lúc đó, ông X có biết đến việc này. Bài Tiến Quân Ca định cho đăng trên báo “Độc Lập” số đầu tiên nhưng không có người vẽ bản nhạc.
Người ta đưa Văn Cao đến một địa điểm bí mật bên sông Hồng vào buổi tối, sau này được biết đó là một căn gác xép của một ngôi nhà ở làng Bát Tràng.
Đêm ấy, Văn Cao đã đề dưới bài Tiến quân ca: nhạc ANH THỌ, lời ANH DŨNG. Ngày ấy, lối viết chữ in hoa không đánh dấu nên đọc thành.
Nhac ANH THO và Loi ANH DUNG.
Khi “Tiến quân ca” nổi danh, lan nhanh được quần chúng biết tới, ông X đã nói với Văn Cao “cho mình nhận phần lời để khoe với người yêu – cô Dung, là đã đưa tên cô Dung vào bản nhạc.”
Ông X nói với bạn gái mình: Văn Cao có cô bạn tên là Thọ nên ký bút danh của Tiến quân ca là ANH THO cho phần nhạc, còn mình ký là ANH DUNG cho phần lời để ngầm thể hiện tình cảm với cô Dung.
Thời í, cả Văn Cao lẫn ông X đều là những người trẻ tuổi.
Văn Cao sinh năm 1923, viết ra những “Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi…” năm 17, 18 tuổi và sáng tác “Tiến Quân Ca” lúc 22 tuổi. Ông X đề nghị như vậy. Văn Cao cũng chẳng quan tâm.
Đến khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, thấy bài hát được quần chúng nhiệt liệt ủng hộ, ông X bèn xuống Hải Phòng bắt một nhà in phục vụ cách mạng bằng cách phải in 5000 tờ bướm bài “Tiến quân ca” và tự gài tên mình vào: Nhạc Văn Cao, Lời Đ.H.X.
Đó là nguồn gốc và khởi đầu cho những rắc rối sau này.
Chất giọng nhạc sĩ chùng xuống nhưng rành rẽ- “trong việc này có 3 sự thật”
Sự thật thứ nhất.
Tôi là người viết “Tiến quân ca” Điều ấy chỉ có tôi mới biết vì khi tôi sáng tác bài này trong hoàn cảnh bí mật, không ai được biết. Ai nói biết là bịa.
Sự thật thứ hai là: Tôi đã có ý để anh X. ( đến đây xin được nói rõ, anh X. là ông Đỗ Hữu Ích) Đỗ Hữu Ích đứng tên cùng là tác giả phần lời với mật danh “Anh Dũng”
Lúc ấy tôi lấy mật danh “Anh Thọ”. Bài “Tiến quân ca” đầu tiên do tôi trực tiếp ấn loát ghi tác giả: nhạc Anh Thọ, lời Anh Dũng. Tôi đã có ý để anh X trong bài Tiến quân ca có 2 lý do:
1. Lúc ấy, tôi là bạn anh X. và đang lấy tạm nhà anh Ích làm cơ sở hoạt động.
2. Để anh X. đứng tên chung có lợi ở chỗ nếu anh X, có muốn phản bội thì cũng không dám vì đã trót đứng tên chung cùng tôi.
Đây là 1 phép trong hoạt động bí mật. Buộc phải đề phòng mọi khả năng. Anh X. quen rất nhiều hiến binh.
Bài “Tiến quân ca” khi đó chỉ mới là bài ca của quân cách mạng. Người sáng tác bài ca là kề với cái chết bất kỳ lúc nào. Tôi để anh X. đứng chung bằng mật danh là để bảo vệ bài ca này.
Nhưng đó là thời kỳ bí mật.
Sau cách mạng khi anh X. lập NXB thì lúc in bài hát này, anh đã tự ý chuyển sang: nhạc Văn Cao, lời Đ. H.X, kể cả khi anh vận động nhà in ở Hải Phòng. Nó đã lột được bản chất xấu xa của anh X.
Sự thật thứ ba là: Khi bài Tiến quân ca được công nhận là Quốc ca Việt Nam, nó đã được sự góp ý về nhạc của anh Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu. Còn lời thì anh Tố Hữu đã sửa nhiều câu. Nhưng khi Cụ Hồ yêu cầu gặp tác giả Quốc ca thì chỉ một mình tôi (do anh Tố Hữu đưa đến) gặp Ông Cụ. Vì thế, năm 1946 nhà nước in bài “Tiến quân ca” và Quốc ca trong Hiến pháp công bố với toàn dân và nước ngoài ghi rõ tác giả là Văn Cao.
Ngoài kia trời đầu cữ thu cứ ngằn ngặt xanh. Nhưng chất giọng khẽ khàng của chủ nhân cứ như rôm đốt vào thứ khách không mời như tôi.
“…Các anh rất bạo dạn. Nhưng biết ít về quá khứ. Vả lại công luận không phải dùng tờ báo của nhà nước để in cái gì mình cho là “gây dư luận” mà công luận chính là dư luận công tâm…
Nếu tôi độc thân, tôi sẽ im lặng, đấy là việc của nhà nước. Nhưng tôi có vợ con, cháu và sắp có chắt nữa. Những thế hệ thành viên trong gia đình tôi sẽ nhìn vào mặt chủ gia đình Văn Cao như thế nào?
Một người 46 năm nay cướp công sáng tạo của một người bạn đầy đau khổ? Anh hãy đặt anh ở vị trí tôi thì anh sẽ thấy tôi phải làm gì?
Nhiều người nói với tôi là “báo chỉ nói nước đôi để thu hút sự chú ý của độc giả, cụ để ý làm gì!”
Nhưng tôi kể anh nghe, thằng cháu tôi 11 tuổi đọc xong nó bảo: “Họ bênh ông X. họ ghét ông rồi”. Nó là trẻ con, còn tôi thì đã 70. Có lẽ tốt nhất là tuổi tôi và tuổi nó không nên biết đến bài báo này…”
… Cái vỏ chai sáu lăm đựng thứ rượu Vân lại nghiêng tiếp. Chủ nhân chỉ nhấp nhẹ. Còn tôi thì luôn được ưu ái thu lu một chén tống hoa hồng.
Văn Cao tóc xõa, nhỏ thó, thanh mảnh buồn bã tay rượu run run... Cơ thể ông như một búi những xoắn bện chẳng dễ gì giải mã...Tôi buột hỏi chủ nhân có kỷ niệm gì dạo thi quốc ca? Văn Cao nhướng cặp mày bạc nhăn trán rồi cười nhẹ.
“ À mà có đấy.”
Rôi ông chầm chậm lui cui phía trong nhà một lúc. Trở ra ông đưa tôi một tờ báo ố vàng.
Tờ Nhân Dân ngày 19/8/1981.
Chỉ vào bài ở góc trang 2 bài viết mà ông là tác giả “Cảm xúc Quốc ca”
Rồi ông bỏ đi đâu. Ý chừng đợi tôi đọc cho xong bài báo ngắn.
Ông lại thư thả bằng chất giọng nhỏ nhẻ...
Chắp nối dại đại để như này.
Thời điểm ấy, cuộc thi sáng tác Quốc ca mới đang hồi rầm rộ cao trào. Ông Trường Chinh, như Văn Cao thuật lại trong bài báo, đã gặp ông khuyến khích “Văn Cao tham dự cuộc thi này nhé...”
Xin trích bài báo.
“ tôi bắt đầu lo lắng. Tôi hiểu đó là chỉ thị của Đảng giống như chỉ thị tôi nhận được tháng 10 năm 1944 để làm bài “Tiến quân ca”.
Nhưng bây giờ tôi đã mất đi nhiều tuổi hai mươi, càng nhớ lại cái tuổi 20 đã viết “Tiến quân ca” ấy...”
Văn Cao đã khôn khéo gài những thông điệp thoái thác việc tham gia viết và thi sáng tác Quốc ca mới bằng bài báo mà ông viết hơi bị khéo với những dòng:
“Hy vọng vào một bài Quốc ca mới mang nhiệm vụ mới! Tôi hy vọng tác giả của Quốc ca mới sẽ là đồng tác giả với nhà thơ. Có tác phẩm âm nhạc nào không cần dựa đến nhà thơ? Nhớ lại năm 1955, nhà thơ Tố Hữu góp tôi sửa lại câu kết của “Tiến quân ca” thành “nước non Việt Nam ta vững bền...”
Hơn hai tiếng đồng hồ đã vèo qua..
Sau này gẫm lại, khoảng thời gian mà tôi được hầu chuyện Văn Cao có lẽ là một thứ hên may dễ chi ai may mắn có được?
Lại nữa, mấy ai được Văn Cao đọc thơ cho nghe như buổi tao ngộ và sơ kiến ấy?
“ Trời xanh rớt xuống mấy giọt Tháp Chàm”
Nhớ láng máng một khúc thơ có câu ấy.
Mày mò hỏi thăm, rồi tôi cũng tìm được nơi ở của ông Đ.H.X nhà gần lối chợ Mơ. Hình như ông độc thân? Ông tiếp tôi trong thứ ánh sáng lờ mờ từ bên ngoài hắt vào căn buồng con. Có thể nói ông X, khá kháu lão. Tầm tuổi í thường ục ịch. Dong dỏng. Trán cao, mặt nhẹ.
Căn phòng không thấy toát lên vẻ gì chủ nhân vướng vào chuyện viết lách?
Rồi chất giọng khẽ khàng da diết khi ông thuật lại nguồn cơn cái năm tít xa 1944 ấy.
“ Rất đơn giản nhà báo ạ. Chỗ bạn bè ông Văn Cao. Ông ấy đã cho tôi phần lời thì tôi phải đòi…”
Về thuật lại cho Ban biên tập nghe nội dung cả cuộc gặp.
Cũng vừa may, thời điểm đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải làm ở Viện Khoa học Việt Nam được Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả mời tham gia điều tra xác minh sự thật về vụ tranh chấp này.
Chúng tôi thống nhất là dừng lại để đợi kết luận. Trong thời gian này, tôi có nhớ một lần được ông Giác Hải đưa xuống nhà ông X.
Để làm gì vậy? Hóa ra để chứng kiến việc ông X. như lời ông bộc bạch với ông Giác Hải là cùng Văn Cao sáng tác Tiến quân ca trên cái đàn bănggio- cây đàn mặt trống có bốn dây, cán dài hơn cây đàn mandoline.
Ông Hải đã kiếm được đàn và đưa đến.
Nhưng thật tội nghiệp, loay hoay mãi, ông X. vẫn không chơi được bản Tiến Quân ca cho lưu loát?
Ròng rã 6 tháng trời, Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả đã kết luận “Không có bằng chứng nào cho thấy ông X tham gia viết lời bài Tiến quân ca”.
Ngày 28/3/1992, Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả đã họp báo chính thức công bố kết luận của Cơ quan Bảo hộ Quyền Tác giả về phần lời của nhạc phẩm Tiến quân ca, nay là Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam.
Tờ “Tiền Phong” đã đăng bài tường thuật kỹ lưỡng của ông Nguyễn Phúc Giác Hải về vụ việc này.
BUỒN II.
Mà lạ. Bên tây hay bên ta, hễ động đến chuyện sửa sang QUỐC CA là có chuyện?
Như mọi người đều biết, Quốc ca của Liên Xô (từ năm 1944), được đích thân Đại nguyên soái Xtalin duyệt với phần lời của Sergey Mikhalkov và Gabriel El-Registan, âm nhạc của Alexander Alexandrov.
Tháng 12/1955 Liên Xô đã bí mật tổ chức cuộc thi sáng tác quốc ca mới. Nói là bí mật là bởi khi đó người ta chỉ tổ chức cuộc thi nội bộ, với sự tham gia của 67 tác giả.
Chuyện thì dài, nhưng đại để có thể tóm lược như này.
Riêng phần lời lọt vào vòng hai có 11 lời quốc ca mới. Vào chung kết có 3 phần lời của ba tác giả M.Isakovski, S.Mikhalkov và M.Rylskii. Nhưng không hiểu vì lý do gì, loay hoay mãi, ban tổ chức vẫn không tìm ra phần lời nào khả dĩ thay được những ca từ - những con chữ như có lửa của nhà thơ Liên Xô S.Mikhalkov đặt. Vậy nên quốc ca cũ vẫn tiếp tục “sống sót”.
Chuyện chưa kết thúc ở đây. Bốn năm sau, vào năm 1959, một cuộc thi quốc ca tương tự lại được tổ chức! Nhưng cũng dềnh dàng lẫn loay hoay như lần trước, cuộc thi khởi đầu cũng rầm rộ nhưng sau đó dần dần rơi vào quên lãng.
Vẫn chưa hết, chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 60 Cách mạng Tháng Mười Nga, trên các báo lớn Xô Viết trang trọng đăng thông báo quyết định của Suslov tại kỳ họp của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 5/1977, rằng, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười, sẽ tổ chức trọng thể cuộc thi Quốc ca Liên Xô mới.
Những thủ tục cần thiết đã hoàn tất... Nhưng không lâu sau cũng chính ông Suslov, trong một cuộc họp quan trọng đã đề nghị giữ nguyên Quốc ca cũ.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước Nga đã có một thời gian dài sử dụng một bài của Mikhail Glinka làm quốc ca, nhưng chỉ có nhạc mà không có lời.
Năm 2000, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống V.Putin đã cho khôi phục lại phần nhạc Quốc ca Liên Xô và yêu cầu tác giả phần lời năm xưa, nhà thơ Sergey Mikhalkov viết lại lời mới để làm Quốc ca của Liên bang Nga.
Và như thế giai điệu của bản Quốc ca ra đời từ trong máu lửa của cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm nào lại vang lên hùng tráng, như đã từng vang lên như thế, hình như cho đến bây giờ?
Dân mình hẳn nhớ, các tờ báo lớn sau thời điểm kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII ra ngày 28/4/1981 đồng loạt đăng thông báo cuộc thi sáng tác Quốc ca mới với lý do.
“ Theo quyết định của Quốc hội, nước ta cần có bản Quốc ca mới cho phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới”
Thông báo cũng đăng thể lệ cuộc thi cùng Hội đồng giám khảo (HĐGK). Theo đó Hội đồng giám khảo có nhiệm vụ giúp Quốc hội lựa chọn một số bài xuất sắc trình Quốc hội để Quốc hội quyết định lấy một bài làm Quốc ca.
Để ý trong HĐGK có các yếu nhân như nhà thơ Huy Cận, Thứ trưởng Bộ VHTT (Chủ tịch HĐGK); Phó Chủ tịch là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (khi đó là Chủ nhiệm UBVHGD của Quốc hội).
Các ủy viên như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Đình Thi...
Cuộc thi được mở rộng cho mọi công dân Việt Nam và chỉ xét những bài hát viết sau năm 1975.
Tôi còn nhớ thời điểm ấy, theo chân mấy anh bạn làm văn nghệ cũng có dịp đáo qua Ban Tổ chức cuộc thi mấy lần.
Được biết cuộc thi trọng thể ấy thế này.
Từ 19/5 đến 19/12/1981, Ban giám khảo (BGK) cuộc thi Quốc ca mới đã nhận được 1.420 tác phẩm của 1.181 tác giả. Trong số này, có 625 tác phẩm với cả nhạc và lời, còn lại là thơ.
Cũng vui nữa, khi được biết, có rất nhiều bài dự thi - có lẽ do phổ cập là mọi công dân đều có quyền tham gia (và có lẽ do hăng hái nữa ? ) đã gửi đến BTC, ngoài thơ và những bài na ná như xã luận, còn có nhiều bài với những dòng viết tháu đại loại tò te tí tò te tí te...
( Sau này, chuyện với Nhạc sĩ Phạm Tuyên được biết thời điểm ấy có nhiều người nhiệt thành, mặc dầu không quen biết gì NS Phạm Tuyên nhưng đã vác đến nhà ông nào gà, vịt, gạo nếp, đỗ xanh… khẩn khoản nhờ ông viết hộ quốc ca để dự thi!
Nhân đây cũng nói thêm, riêng NS Phạm Tuyên ngay từ đầu đã thẳng thắn từ chối tham dự cuộc thi mặc dù nhiều người, có cả quan chức nữa động viên vận động ông tham gia)
Nhiều chuyện. Nhiều việc cảm động đã xuất hiện tại cuộc thi quốc ca.
Có cụ già gửi hàng chục bài thơ để “nói hết tấm lòng với Tổ quốc”, có những cặp vợ chồng, vợ viết nhạc, chồng viết lời ca để dự thi.
Trong số các tác giả dự thi, có 173 người là nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. 74 tác phẩm được chọn qua vòng một. Sau gần 7 tháng làm việc nghiêm túc, thận trọng, bộ phận thường trực Hội đồng giám khảo đã sơ tuyển vòng I được 74 bài của 74 tác giả.
Cụ thể.
Có 58 tác giả soạn nhạc chuyên nghiệp và 16 tác giả soạn nhạc không chuyên.
Trong đó có một nữ giáo viên dạy văn cấp III và chồng là giáo viên dạy toán cùng trường, cùng làm chung nhạc và lời.
Có một sĩ quan công an, hai sĩ quan quân đội, một Vụ trưởng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Và cuối cùng là một linh mục.
Khỏi nói ở đây thái độ nghiêm túc và lao động hết sức công phu của BGK!
Tỷ như ở vòng I, các ủy viên Hội đồng giám khảo là nhạc sĩ, sau khi đọc kỹ lời ca, còn xướng âm giai điệu nhạc vài ba lượt rồi hát lời ca theo đúng giai điệu, đánh đàn để nghe riêng giai điệu.
Như vậy, trung bình mỗi bài được đọc lời ca, đàn, hát tất cả khoảng từ 8 đến 10 lượt, có trường hợp tới 15, 20 lượt. Sau đó, các ủy viên ghi nhận xét riêng, cân nhắc kỹ, rồi ghi dự kiến bỏ phiếu cho từng bài và chuyển cho Ban thư ký. Ban thư ký tập hợp các dự kiến, chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp chấm thi tập thể của toàn bộ phận thường trực Hội đồng giám khảo.
Sau vòng hai, danh sách rút lại còn 17 bài.
Tất cả được hoà âm, dàn dựng, thu âm ở ba dạng: đơn ca, tác phẩm nhạc không lời và cuối cùng là đồng ca với dàn nhạc.
Bây giờ cũng xin bật mí, nhạc sĩ tài danh tác giả của “Khúc hát sông quê” ( nhạc Nguyễn Trọng Tạo. Lời Lê Huy Mậu) trong cuộc thi đã góp một ca khúc có tên “Ngợi ca đất nước “.
Ca khúc này đã được xếp thứ 14 trong số 17 ca khúc dự thi.
Đặc biệt có 3 tác phẩm dự thi phổ thơ Xuân Thủy (khi đó cụ Xuân Thủy đương là Phó Chủ tịch Quốc hội).
Sau đó, những bài hát này đều được thể hiện trước Quốc hội và được in trên 6 tờ báo và tạp chí, và được phát trên Đài phát thanh TNVN cho công chúng nghe.
Mười bảy ( 17) nhạc phẩm “xuất sắc” đã được chọn lựa và liên tục được phát trên làn sóng điện của ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM để nhân dân cả nước thưởng thức cùng sáng suốt chọn lựa!
Một thời gian sau, 5 ca khúc được chọn để Quốc hội bầu chọn chỉ lấy một bài.
Quy mô, chu đáo, cẩn trọng là thế!
Nhưng như mọi người đều biết, tính đến thời điểm này, nhiều chục năm đã qua đi mà tịnh chưa thấy có ca khúc nào trong 5 nhạc phẩm ấy được ấn hành lại hay diễn tấu cả (!?).
Cuộc thi hoành tráng mang tên sáng tác Quốc ca mới dần lui vào dĩ vãng cùng quên lãng...
Cóp từ FB Xuân Ba