Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI GIEO CHỮ

Lê Huy Hòa
Thứ bẩy ngày 19 tháng 8 năm 2023 9:30 AM




Tưởng nhớ thầy giáo Trần Duy Thanh

Khi tôi được tin thầy( tôi vẫn xưng hô như vậy khi anh còn sống) về cõi Phật đã vừa tròn 3 năm, theo phong tục ở quê là đủ thời gian sang cát (bốc mộ). Thật không thể hiểu được một cái tin “sét đánh” như thế ở vào thời công nghệ thông tin bùng nổ như bây giờ mà lại nhận được muôn màng đến vậy! Tôi cũng không dám trách cô Ngọc, phu nhân của thầy vì không đưa tin buồn lên mạng facebook hoặc zalo để anh em bạn bè,các học trò mấy thập kỉ được học thầy… xa gần biết để đến viếng,tiễn đưa thầy về cõi vĩnh hằng. Nhưng tôi hiểu và cảm thông, trước sự ra đi đột ngột, có cả sự phi lí nữa, cô đâu còn tâm trạng, sự minh mẫn để làm việc ấy? Đáng trách là chúng tôi đây vì sự thờ ơ, vô cảm đã không có được sự cập nhật tin tức của người thân, bạn bè! Càng thêm buồn với người khuất núi, khi tôi biết, trong giờ phút li biệt, hai người con của thầy (định cư bên Mỹ, sau khi học xong đại học) đã không thể về chịu tang bố vì đại dịch Covid -19! Tôi tìm hiểu riêng, biết được thầy đột ngột ra đi ở cái tuổi 67 khi đang coi trận đá bóng dưới tầng trệt lúc nửa đêm, khi chỉ có một mình! Thầy bị đột quỵ tim, khi đưa cấp cứu vào bệnh viện, quả tim của thầy đã ngừng đập vĩnh viễn! Mấy ngày liền, tôi cảm thấy choáng váng vì tin dữ, chẳng thiết làm gì, hình ảnh của thầy luôn ám ảnh tôi…

1. Tôi chỉ biết tên thầy mà chưa một lần gặp mặt khi trở về học tiếp Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I ,cả tôi và thầy đều từ bộ đội chuyển về. Tôi vào học khóa trước (Thầy về học trước tôi, ra trường trước 1 năm ). Sở dĩ tôi chỉ biết tên thầy vì lúc bấy giờ thầy nổi tiếng là một sinh viên học giỏi của khoa Văn, sau khi tốt nghiệp, thầy được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Những năm sinh viên, vì gia đình thầy ở Hà Nội, là sinh viên ngoại trú,còn tôi là dân ngoại thành, ở nội trú trong ký túc xá của trường, bởi thế, dẫu muốn làm quen cũng khó… Ra trường, qua một người bạn thân giới thiệu,tôi được nhận về công tác ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Thời gian này, tôi quen và chơi thân với thầy từ một lần đứng chung trong một ấn phẩm dịch từ nguyên tác Tiếng Nga : Biên giới bên anh, tiểu thuyết, A. Culexop, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, HN.1982. Thầy ở lại, học xong lớp sau đại học, được phân công về tổ Văn học hiện đại của khoa. Giảng dạy tại khoa Văn chừng hai năm,tôi được tin thầy đã chuyển về Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội?! Sau này khi đã quen và thân thiết,tôi có hỏi thầy lí do thầy chuyển trường, thầy chỉ nói chuyển cho gần nhà. Nhưng tôi chưa tin điều thầy nói. Khi vợ thầy từ một trường phổ thông ngoại tỉnh chuyển về dạy cùng trường với thầy, tôi hiểu, thầy có cách giải bài toán hợp lý hóa gia đình này quả là căn cơ, bài bản! Sau này, tôi còn biết thêm một lí do “nhảy việc” của thầy còn bởi một nguyên do khác, khá tế nhị nhưng hợp với cái tính không muốn lệ thuộc vào bất cứ “lệ làng” nào ngoài chuyên môn. Chẳng là thời gian mới về sinh hoạt trong khoa, các tân trợ giảng thường phải gánh vác những việc loong toong như: chuyển giấy mời họp, tài liệu, cả thư từ cá nhân gửi về địa chỉ khoa…cho các bậc huynh trưởng ,một việc “công” bất đắc dĩ tiêu tốn khá nhiều thời giờ của những người mới như thầy, chưa biết đến khi nào mới dứt! (thời bấy giờ khó khăn, chưa có điện thoại bàn cá nhân, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp). Và thầy quyết định dứt áo ra đi trong sự ngỡ ngàng của nhiều đồng nghiệp trong khoa.

2. Thầy Thanh còn là một học sinh giỏi Toán nhưng lại ham mê đọc sách, niềm đam mê ấy đi cùng thầy suốt đời. Thầy đọc đủ loại, nhưng ưu tiên vẫn là dòng sách văn học. Hầu như, thầy có một thời gian biểu cố định, đều đặn như “vắt chanh”, mỗi tuần thầy dành hai buổi sáng để đi tầm sách: 1, Đi nhà sách, vừa để tận mắt coi sách mới và quan sát sách nào người ta quan tâm nhiều nhất, hơn nữa, với một người mà thời gian quý hơn vàng như thầy, việc có thời gian hiếm hoi như vậy sẽ là dịp xả stress đúng nghĩa! 2. Thầy tới các thư viện trong thành phố để mượn sách nhưng với điều kiện, nơi nào cho người đọc mượn mang về. Bởi thế có ba thư viện thầy là khách “VIP”,đó là thư viện trường nhà, nơi thầy có thể tranh thủ vào những ngày có giờ dạy; Thư viện Hà Nội, có nhân viên thủ thư là học trò cũ của thầy; và Thư viện Quân đội, tôi là người làm thẻ đọc giúp thầy, ở đây, ngoài dòng sách “đặc sản” là các bộ hồi kí quân sự của các tướng lĩnh, lịch sử các quân, binh chủng cho tới các quân đoàn, các sư đoàn, các tiểu thuyết viết về chiến tranh… Đặc biệt là có khá đủ các bộ truyện chưởng mà thầy mê đọc từ dạo còn nhỏ mà chưa có cách nào mượn đọc vì chưa đủ tuổi làm thẻ bạn đọc… Suốt thời gian quen thầy, tôi để ý thầy là người rất ít khi mua sách mới. Nhiều người nghĩ thầy tiết kiệm, nhưng với tôi, đấy là người sống thực tế,bởi lẽ, nếu với một người thích đọc sách, mua sách cũng chỉ là một thú chơi, còn người ham đọc, thì thư viện, tủ sách của bạn bè sẽ luôn là “ nguồn cung” bất tận…Nhiều lần, tôi còn mang cả những bản thảo chưa in thành sách về cho thầy mượn đọc, những lần như thế, tôi thấy thầy rất vui… Trong nhà thầy chỉ có sách của các tác giả, bạn bè, học trò… biếu, tặng. Tôi thấy thầy là một người có trí nhớ phi phàm. Hỏi bất cứ vấn đề gì từ lịch sử, địa lí, văn học, văn hóa…đến những phong tục ,tập quán, lễ hội, các địa danh, công trình kiến trúc trong nước, trên thế giới thầy đều hiểu một cách khá tường tận, chi tiết…đến cả những nghi thức thờ cúng tổ tiên, cách xem ngày tốt, xấu trong tháng, trong năm, cách sử dụng bình cắm hoa hợp với mệnh nam, mệnh nữ của gia chủ ,chọn loại ấm, chén pha trà khi thắp nhang, xếp đặt các đồ thờ cúng trên bàn thờ sao cho đúng cách, hiểu nghĩa chữ Hán chạm trên các hoành phi, câu đối treo trong gian thờ…Với tôi, nói không quá lời, phân nửa kiến văn bản thân tôi có được là nhờ tiếp nhận được từ “bể học” của thầy vậy! Có một lần, tôi hỏi thầy sao lại chọn thi vào khoa văn,thầy nói, học văn,cũng như các môn khác của ngành khoa học xã hội, sẽ cho người ta sống gần với đời thường hơn, vả lại những gì đọc trong sách , trải nghiệm ngoài đời đều dễ vận dụng vào công việc, quan trọng là nhanh có “sản phẩm”,có xiền để trang trải cuộc sống . Văn học làm công việc của người “ chứng minh” đáp số đã có sẵn. Còn Toán học hay các môn học tự nhiên khác là công việc khám phá,sáng tạo, phải dày công, nghiên cứu, thí nghiệm…cần thời gian dài lâu mới tìm ra đáp số, chưa nói có khi thất bại! Nghe thầy luận bàn về nghề, về nghiệp, tôi cảm thấy thầy suy nghĩ thật là trên cả thực tế và cảm phục vì cái bề sâu, bề xa trong quan niệm sống của thầy! Thầy thi vào khoa văn có thể còn vì một lí do nữa, theo tôi hiểu là do ảnh hưởng từ người cha, một soạn giả đam mê nghệ thuật truyền thống, cụ là soạn giả chèo có tên tuổi của Sở Văn hóa Hà Nội những năm sau ngày giải phóng Thủ đô. Dạo Cụ còn sống, mỗi lần tôi đến chơi nhà, thấy Cụ ngồi bó gối, thu mình nơi góc nhà, bên cạnh là một bát điếu hút thuốc lào cũ kĩ, một cây đàn nhị già nua Cụ sử dụng khi sáng tác các làn điệu chèo. Nói là nhà, thực ra chỉ là một căn phòng 16m2 của căn biệt thự cũ xây từ thời Pháp đô hộ, - nằm ngay sát Chợ Đồng Xuân, Hà Nội .Chủ nhà là một nhà tư sản thời Pháp thuộc, sau ngày giải phóng thủ đô đã cho gia đình thầy vào ở theo thỏa thuận miệng, chấp hành chủ trương vận động “ tương thân, tương ái” của chính quyền thành phố mới về tiếp quản - trên tầng 2, không có ban công, lại là hướng chính Tây, suốt ngày cửa sổ phải khép lại để tránh nắng, mưa .Cả nhà sinh hoạt dưới ánh sáng của 1 bóng đèn điện 60 w, giường ngủ được thay bằng chiếu cói trải trên bề mặt sàn gỗ,trong nhà không kê một cái bàn nào, kể cả là bàn uống nước, có 1 bức bình phong thưng bằng vải nhựa màu chắn sát góc cầu thang lên xuống (chắc là chỗ riêng tư của người con gái duy nhất trong gia đình), ở một góc khác xếp mấy chiếc gối mây đan…Công trình phụ dùng chung với gia chủ ở cuối sân tầng một. Cả nhà thầy có bốn anh em, ba trai, một gái. Mẹ thầy mất từ thời kháng chiến chống Pháp khi gia đình tản cư từ xứ Thanh ra Hà Nội. Cụ ông ở vậy, sống cảnh “gà trống nuôi con” với đồng lương công chức nhà nước ít ỏi và tiền thù lao nhận được từ các sáng tác chèo cụ viết cho các đoàn nghệ thuật đặt hàng. Các con chưa ai có gia đình riêng. Ở vào hoàn cảnh ấy, chắc chẳng người con nào dám nghĩ tới chuyện lấy vợ, lấy chồng, và bản thân Cụ cũng khó khuyên các con của mình lo việc riêng tư… Có thể những năm tháng khó khăn, không dư dả của gia đình suốt thời còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông tới những năm học đại học, rồi ra trường, cả sau này lấy vợ, sinh con khi đất nước chưa tới thời đổi mới đã là nỗi ám ảnh ở mãi trong miền kí ức và chính điều ấy là động lực mãnh liệt khiến thầy phải tìm mọi cách để thoát nghèo bằng chính cái nghề mà mình đã chọn, đó là nghề “ bán phở” như cách nói của thầy, còn người đời gọi bằng cái tên nghe rờn rợn hơn – nghề bán “cháo phổi” trọn đời đến khi con tim thầy ngừng đập đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng - lúc thầy chia tay cõi tạm sau này vẫn trên cương vị làm thầy giáo luyện thi môn Văn?!

3. Từ những năm 80 của thế kỉ trước, giáo dục nước nhà bắt đầu áp dụng quy chế thi tuyển vào trường chuyên, lớp chọn với bậc học phổ thông , thi vào 10, thi Cao đẳng, thi đại học theo khối, ngành… cũng là lúc các “lò”, các trung tâm luyện thi (chủ yếu là 2 môn học cơ bản: văn và toán) mọc ra như nấm sau mưa .Các lò, các trung tâm là nơi “sát hạch’ nghiêm khắc khi chọn các thầy giỏi đứng lớp. Tên tuổi các thầy, cô nổi tiếng ở lò, trung tâm luyện thi thật sự hot quả không nhiều. Trong số này, kể tên các thầy giáo luyện thi Văn, người ta không thể không nhắc đến tên thầy Trần Duy Thanh. Nhiều trung tâm tìm cách lôi kéo thầy về đứng lớp, tên thầy như một sự bảo chứng cho sự tồn tại của lò, trung tâm luyện thi mà thầy tham gia. Mỗi năm,s au kì thi, số học sinh đạt điểm cao môn văn từ các lớp thầy trực tiếp luyện công tăng dần, sức hấp dẫn của trung tâm luyện thi cũng tăng lên theo cấp số nhân. Lớp thầy bao giờ cũng chật cứng, nhiều lớp học trò phải kê thêm ghế ra ngoài hiên ngồi, dẫu thua thiệt vì không được nhìn thầy khi giảng, nhưng giọng nói của thầy , trò vẫn tiếp nhận được. Chẳng còn cách nào hơn là buổi sau trò phải đến sớm – việc này thầy đâu giúp được! Thời gian đầu, thầy giảng bài theo cách truyền thống- nói chay-, sau đấy trung tâm luyện thi sắm mic trang bị riêng cho thầy. Là người chơi với thầy, thương thầy nhiều lắm mà không dám khuyên thầy chú ý giữ gìn sức khỏe - những khi như thế, tôi tự an ủi khi nhớ đến lời người đời thường nói, mỗi người là bác sĩ riêng của chính mình. Với thầy, cách giữ sức khỏe duy nhất, tôi quan sát được nơi thầy là người nói “không” với bia, rượu .Duy thói quen hút thuốc là thứ thầy không từ bỏ được! Có thể khi hút thuốc sẽ cho thầy cảm giác bình yên và thư thái, có thời gian ít ỏi mà ngẫm sự đời? Suốt một thời gian dài, thầy kí hợp đồng đứng lớp dài hạn tại Trung tâm luyện thi danh tiếng tại Hai Bà Trưng (trong Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội ), sau đó thầy chia tay trung tâm này và chuyển về chạy “sô” ở cả 2 trung tâm luyện thi có địa chỉ 67 Cửa Bắc,quận Ba Đình và trung tâm luyện ở đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội. Một nơi thầy dạy vào 2 buổi chiều cuối mỗi tuần vào thời gian các trường PTTH chưa nghỉ hè. Một nơi thầy dạy quanh năm ngày tháng vào các buổi chiều từ 17h00 đến 21h00 hàng ngày. Thầy như một trung phong đá hai cánh của một đội bóng vì hai trung tâm ở hai đầu Bắc và Nam thành phố nhìn trên bản đồ hành chính. Tôi còn nhớ có một lần đưa con của một người đồng nghiệp ở cùng đơn vị đến gặp thầy nhờ đăng kí với bộ phận tiếp nhận học viên của trung tâm để học lớp của thầy, vừa xong mọi thủ tục cũng đúng giờ thầy lên lớp. Tôi mạnh dạn xin phép thầy cho vào dự lớp, và thật không ngờ, thầy vui vẻ chấp thuận nguyện vọng đột xuất của tôi. Vì lớp quá đông học viên, thầy xuống văn phòng mượn một chiêc ghế gỗ có tựa mang lên lớp cho tôi “dự khán”. Để tránh phân tâm các học viên trong lớp,tôi dặn thầy không cần giới thiệu khách lạ là tôi và lặng lẽ kê ghế ngồi cạnh mép dãy bàn cuối lớp. Lần đầu tiên tận mắt chiêm ngưỡng và trực tiếp nghe thầy giảng bài mới biết, giữa một ông thầy sống động và tươi tắn trên bục giảng và một ông đồ ngồi lặng yên như pho tượng “điểm tâm” báo, tạp chí vào các buổi sáng ở nhà riêng để lượm tin tức, khác nhau đến nhường nào. Có trải nghiệm thú vị lần dự lớp lần ấy, tôi càng thêm thấm thía lời răn của người xưa khi nói về nghề của ông đồ dạy chữ nho : biết 10 dạy 1.Thời bây giờ đã khác, dạy học không chỉ là dạy chữ. Nhất là dạy môn văn. Một người có sức đọc và bộ nhớ đỉnh như thế, hơn nữa,một người được các trung tâm luyện thi “mê tín” đến vậy, tôi khẳng định, thầy thuộc người biết hàng trăm để dạy 1,chắc không quá cường điệu. Chẳng là suốt gần 4 giờ đồng hồ trên lớp bữa ấy, tôi thấy thầy như là một “nghệ sĩ” trên sân khấu, chứ không như ông thầy cứ giảng , học trò miệt mài ghi chép như hình dung của người ngoài.Trong lớp,các học trò có cảm giác nhập vai cùng thầy vậy. Bầu không khí trong lớp học thật sôi động, có cả những tiếng cười vui,cả sự huyên náo…của tuổi teen nghịch ngợm. Có thể nói, sự sảng khoái luôn thường trực trong tâm trạng của học sinh trong lớp. Thầy như người cầm trịch một trò chơi chữ nghĩa cho các em học sinh. Và thường là, ở những lớp thầy giảng bài, học sinh quên béng cả tiếng chuông báo hết giờ! Sau này khi ngồi với nhau, tôi nói, phương pháp của thầy không như chúng ta học ở trường đại học với bộ môn : Phương pháp luận dạy học. Thầy dạy học theo cách tương tác, đối thoại, hỏi – đáp, gợi mở, có cả khám phá vẻ đẹp từ ngữ tiếng Việt ở mỗi tác phẩm trong sách giáo khoa, cả những giai thoại “làng văn”, những tư liệu mới về các tác giả lần đầu công bố, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm… Bởi thế học sinh luôn tỏ ra hào hứng, chủ động khi tiếp nhận kiến thức từ người thầy, từ đó sẽ biết cảm thụ tác phẩm văn học, cái đích cuối cùng của người dạy môn văn. Điều đặc biệt nữa, sau mỗi buổi học, thầy không quên đọc cho học sinh chép một”đáp án” ngắn gọn, - nói như bây giờ là nước suối“đóng chai” - những kiến thức căn bản đã được “cô,nén” lại từ mỗi tác phẩm để có thể vận dụng đối với bất cứ dạng đề thi nào. Suốt gần 40 năm với tư cách một giáo viên văn ở Trường Cao đẳng sư phạm, và cũng ngần ấy năm đứng lớp luyện văn cho học trò ở các trung tâm luyện thi, thầy đã có một gia tài cực lớn: hàng vạn học sinh cao đẳng ra trường, có em giờ đã trở thành lãnh đạo ngành, các trường THCS,THPT trên mọi miền đất nước. Nhiều em chỉ được học với thầy ở các lớp luyện thi đỗ vào các trường đại học, ra trường về công tác trong các cơ quan đối ngoại, ngoại thương, tư pháp, báo chí, truyền thông,…và phần đông trong số các MC nhiều thế hệ của Đài Truyền hình Việt Nam cũng như các nữ tiếp viên các hãng Hàng không xinh đẹp từng là học trò của thầy. Họ chắc không thể nào quên hình ảnh một thầy giáo dạy văn vui tính, dễ gần luôn biết cách truyền cảm hứng và nguồn năng lượng mới trong mỗi tiết học ngày nào…

4. Rất nhiều lần gặp thầy, tôi luôn ám ảnh với ý nghĩ, giá như ngành giáo dục không chạy theo thành tích, dẫn đến việc chạy điểm, chạy bằng cấp; giá như mặt trái của cơ chế thị trường bớt đi cái bộ mặt gớm ghiếc của nó, nhất là sự tác quái trong môi trường giáo dục, áp lực trong thi cử; việc học hành của các sĩ tử, việc thi cử hàng năm để chuyển cấp, thi vào các trường đại học,… chắc sẽ không gây hậu quả nặng nề như mấy chục năm qua. Giá như những cải cách giáo dục nước nhà đi đúng hướng trong lần cải cách đầu tiên theo triết lý giáo dục như tâm thư của các bậc trí thức tâm huyết, thừa lòng yêu nước và can đảm như cố Giáo sư Hoàng Tụy, cố nhà giáo, nhà văn Phạm Toàn , Giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng nhiều nhà khoa học, nhà giáo khác góp ý kiến mang tính xây dựng mà được các cơ quan tham mưu, những nhà hoạch định chính sách… tiếp thu một cách trọng thị, nghiêm túc…Giá như sự “cám dỗ” ở các lò, trung tâm luyện thi bớt đi….Chúng ta, nhất là các thầy và trò, các con, cháu mình sẽ có tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên để “học mà chơi, chơi mà học” ; các thầy , cô giáo sẽ thanh thản, an nhiên sống với chính cái nghề cao quý “ gieo chữ” trong các tiết học chính khóa…Và người bạn của tôi, một thầy giáo giỏi chuyên môn, giàu năng lực nghiên cứu sẽ không cần mài sức, căng mình ra để kiếm tiền, để mưu sinh và đã có thể làm công việc khác, ngoài luyện thi là nghiên cứu và phê bình văn học.

Thầy Thanh là một trong số ít các cây bút viết phê bình văn học thời bấy giờ được Hội Nhà văn phát hiện và mời tham gia một khóa tập huấn chuyên ngành lý luận phê bình dành cho các cây bút trẻ . Ở thầy, tôi biết thầy có tư duy nghiên cứu văn học bẩm sinh trong cách phát hiện vấn đề, nhận diện sắc sảo các hiện tượng , các tác phẩm văn học ngay từ những bài giới thiệu ở đầu mỗi cuốn sách mà thầy là tác giả, người dịch. Sinh thời, thầy là người thường được các nhà văn tặng sách,và thầy thường “đáp lễ” bằng những bài viết phê bình công phu, khách quan. Tôi nhớ có lần, nhà văn Nam Hà, tạp chí Văn nghệ Quân đội tặng thầy trọn bộ tiểu thuyết “Đất miền Đông”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản. Nhìn bộ sách (3 tập) viết trực diện về chiến tranh có độ dày mấy ngàn trang, ngay cả chính nhà văn, tác giả bộ sách khi tặng,chắc cũng có phần ái ngại khi nghĩ mình sẽ làm khó cho người bạn trẻ say mê theo đuổi, nghiên cứu đề tài này. Nhưng ngược lại, thầy Thanh đã bỏ ra cả một thời gian gần chục ngày quý giá, miệt mài đọc và viết một bài phê bình nghiêm túc, đánh giá một cách khách quan thành công của bộ tiểu thuyết dài hơi của nhà văn – chiến sĩ mà thầy được tặng. Cuối năm ấy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã trao Tặng thưởng năm cho nhà phê bình văn học Trần Duy Thanh trong hạng mục “ Nghiên cứu- Phê bình “ của tạp chí. Nhớ lại những năm trước và sau đổi mới, nền văn học nước nhà xuất hiện một loạt truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp in trên tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Hiện tượng văn học này ngay khi xuất hiện đã tạo ra những đánh giá trái chiều cả trong giới cầm bút cũng như nơi bạn đọc. Thầy Thanh là người viết bài sớm về hiện tượng văn học này, bài viết của thầy có những nhận xét khá sắc sảo,phân tích công phu, công tâm về đóng góp độc đáo của “ cây bút vàng” Nguyễn Huy Thiệp. Thầy nói, nhà văn này có thể coi như một hiện tượng, “người đại diện” tiêu biểu của cả một nền văn học đổi mới của nước nhà mà không hề quá lời! Sau ngần ấy năm,nếu nhìn nhận lại hiện tượng văn học “có một mà chưa thấy hai”này, tôi vẫn thích và thực sự thấy “ám ảnh” chính bởi 2 từ mà khi còn sống,thầy Thanh hay dùng là “bắt vít” trong bài viết ( một cách diễn đạt nghĩa từ -tóm,bỏ túi,bắt quyết...), cả khi đưa ra những nhận định có tính định vị trước mỗi vấn đề, đối tượng nghiên cứu mà thầy quan tâm và đam mê theo đuổi. Tôi đã nhiều lần gợi ý để thầy tập hợp bản thảo gồm các bài viết phê bình, đọc sách… đăng rải rác ở các báo, tạp chí in một tập sách, nhưng như mọi lần, thầy đều khéo léo từ chối, nói việc ấy để sau rồi tính. Trong suy nghĩ của thầy, tôi hiểu chắc thầy sẽ làm tiếp cái công việc yêu thích, mà cũng đúng với sở trường của thầy là khi nghỉ đứng lớp luyện thi…Nhưng ngày ấy đã không chờ thầy được nữa…Bây giờ nhớ lại về chuyện này, tôi thấy như còn một lí do khác ngoài chuyện viết lách mà thầy từng kể với tôi. Đó là lần thầy giẫm phải cái “gai nhỏ” khi viết một bài phê bình cuốn tiểu thuyết của một nhà văn mặc áo lính, là sếp của một anh bạn cũng là dân phê bình văn học. Cuốn sách viết về quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất bạn Campuchia. Nhiều bài viết ngợi ca về cuốn sách này, nhưng bài của thầy lại khác, thầy đưa ra những phân tích về cái “chưa được, chưa tới” trong sáng tác của nhà văn với phương pháp nhận diện, đánh giá tác phẩm khá thẳng thắn và rõ ràng. Thầy còn “gieo quẻ” đường văn của tác giả (dù thầy đã gài trong bài khá kín), nếu nhà văn không sớm bước qua được lối viết bản năng,sẽ khó có thể “ đi xa hơn nữa” ( tên một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải). Điều tiên tri của thầy từ bài viết ấy đã vận vào nhà văn này, kể từ sau ngày chuyển ra ngoài làm người lãnh đạo văn nghệ, hầu như không thấy nhà văn này ra thêm tác phẩm nào nữa!….Bài viết ban đầu được nhà phê bình Từ Ngọc Bình, ở Ban Văn nghệ Đài phát thanh Thủ đô mang về phát trên sóng (dạo đó còn chưa có kênh truyền hình). Không rõ nhà văn,tác giả cuốn sách được giới thiệu có là bạn nghe đài không, mà cũng có khi ông được người trong cơ quan nghe đài và kể lại, mà kể lại qua nghe đài, nếu có thiện chí sẽ không sao, nhưng thấy chê thì dễ trở nên có vấn đề! Khi ấy, tác giả muốn biết ngay, nhà phê bình tác phẩm của ông là ai, sao không gặp tác giả trao đổi trước? Khi biết tôi là người quen của tác giả bài viết, ông ta chắc nghĩ tôi là người đứng sau”ném đá giấu tay” mà từ đấy mỗi lần gặp, tôi luôn thấy ông bớt hẳn đi sự vồ vập như thường có ,chỉ có nụ cười hiền vẫn sẵn, tôi hiểu rõ, nụ cười kiểu ngoại giao đoàn chẳng ra thân, ra sơ vẫn thường thấy ở các lãnh đạo văn nghệ xứ mình! Còn thầy và nhà văn của nhà đài từ dạo ấy không còn là cộng tác viên của tạp chí nữa! Khi gặp lại thầy sau “sự cố “ kể trên ,tôi nhắc lại câu chuyện về mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình, theo lời cố nhà văn họ Nguyễn, thuộc hàng trưởng lão của giới nhà văn căn dặn con chàu mình, khi Cụ qua đời nhớ đừng chôn Cụ bên cạnh mộ nhà phê bình (câu chuyện trong giai thọai “Làng văn” ,không rõ thật hay đùa), khi ấy tôi chỉ thấy thầy Thanh cười mà không nói gì. Nếu chuyên tâm viết phê bình,chắc thầy nghĩ sẽ phải tranh luận, phản biện để bảo vệ chủ kiến, quan điểm của mình, nghĩa là phải có thời gian, mà lúc này, thầy vẫn còn bận đứng lớp…luyện thi!

5. Nói thầy là thuộc type người sống khép mình chỉ là vì thầy ít có thời gian giao du với bạn bè,với đồng nghiệp…rõ ra là chưa hiểu thầy. Ở trong con người này còn có một cuộc sống nội tâm không đơn giản. Thầy có những học trò cưng, trong số này ,tôi nhớ tới cô giáo hiệu trưởng một trường THCS trên Sơn Tây,ngoại thành Hà Nội mà tôi có gặp vài lần ở nhà thầy. Tôi nảy ra một ý định và nói với thầy: tôi muốn tặng trường cô giáo một tủ sách. Thầy rất cảm kích và ngay ngày hôm sau, thầy trực tiếp lên danh mục sách ,theo tôi tới tận nhà xuất bản, vào kho sách lựa chọn và phân loại từng đầu sách, buộc dây, đóng thùng và xếp sẵn ở góc kho. Ngày chuyển sách lên trường,thầy báo nghỉ dậy ở trung tâm, còn gọi thêm mấy học trò đang dạy ở mấy trường trong thành phố tháp tùng. Tôi có mời nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đức Quang,người cùng học khoa Ngữ văn với chúng tôi nhưng ở khóa sau ,đang là Phó Tổng Biên tập báo Thiếu niên tiền phong cùng đi với đoàn. Buổi lễ tặng sách cho nhà trường của người học trò là hiệu trưởng diễn ra như một ngày hội. Do có chuẩn bị trước, toàn bộ học sinh xếp hàng chờ đón đoàn. Sau ít phút làm thủ tục ngoại giao trong phòng hội đồng nhà trường, tất cả có mặt ngoài sân trường. Một bầu không khí hân hoan kì lạ. Những ánh mắt, những nụ cười của cả thầy và trò hòa trộn trong không khí sân trường rộn ràng trên nền nhạc phát ra từ các loa phóng thanh treo hai bên sân khấu…Làm xong nghi lễ tiếp nhận sách là các tiết mục đố chữ, kể chuyện, đọc thơ…Thầy Thanh và nhà thơ khách mời đồng đóng vai người dẫn dắt các trò chơi hết sức linh hoạt, nhiều bất ngờ. Lúc ấy, tôi thấy thầy là một người hoàn toàn khác. Mãi những năm sau nay, mỗi lần kể về các học trò, thầy vẫn nhắc nhớ về lần tặng sách năm ấy! Nhưng với riêng tôi, kỉ niệm về chuyến đi xuyên Việt cùng thầy trước ngày tôi ra Bắc nhận nhiệm vụ mới đã “ bắt vít” và nằm yên trong miền kí ức của hai đứa chúng tôi…Mùa hè năm ấy, đúng vào dịp học trò chuẩn bị cho kì thi đại học, sau nhiều lần thuyết phục, nhờ cả sự”chống lưng” của vợ thầy, tôi rủ thầy cùng đi công cán với tôi.Khi thầy đồng ý, tôi lập tức đặt vé, chuẩn bị những gì cần thiết cho chuyến đi.(về chuyện này , vợ thầy không ít lần nói với tôi, chắc trên đời này chỉ có bác mới rủ được nhà em đi xa dài ngày như vậy mà thôi!). Tôi chỉ nói sẽ là chuyến đi “xuyên Việt”,chứ không lên lịch cụ thể. Hành trình bắt đầu từ Hà Nội, chúng tôi bay thẳng vào Đà Nẵng. Ngày đầu tiên, tôi muốn thầy nghỉ ngơi.Trong khi tôi làm việc ở văn phòng chi nhánh nhà xuất bản, thầy nói với tôi thầy đi ra ngoài dạo phố. Nhưng khi tôi xong việc, về phòng khách sạn, vẫn chưa thấy thầy về? Tôi cầm máy gọi, tiếng chuông điện thoại kêu…từ chiếc máy cục gạch (loại máy dòng cũ) của thầy để quên trong nhà tắm. Tôi rất sốt ruột nhưng chỉ còn biết đợi thầy về. Mãi cuối ngày, tôi mới thấy thầy về. Nhìn thần thái thầy toát ra sự sảng khoái, tôi chỉ còn biết hòa theo niềm vui của thầy. Nghe thầy kể lại, cả ngày thầy thuê 1 cuốc xe ôm qua bên bán đảo Sơn Trà, lần theo lối đường mòn dẫn lên tận đỉnh núi, tới tận vị trí của tổ trinh sát của đơn vị cũ đóng quân khi vào giải phóng Đà Nẵng trong đội hình Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,Mùa Xuân 1975. Ở Đà Nẵng, tôi đưa thầy đi thăm khu di tích Mỹ Sơn, ghé Hội An, ở lại thăm quan phố cổ ban đêm. Trở về Đà Nẵng, buổi chiều chúng tôi ra bãi biển Mỹ Khê tắm và ngắm biển, vào làng chài ăn hải sản… Rời Đà Nẵng, chúng tôi lên máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Chính trên chuyến bay chưa đầy 1 giờ đồng hồ này, tôi chứng kiến 2 lần, 2 nữ tiếp viên vận trang phục áo dài màu da trời của Hãng, mang 2 khay kẹo, loại kẹo hảo hạng tiến về phía ghế ngồi của chúng tôi với một sự cung kính khác thường (cả hai 2 tay dâng khay đựng kẹo, làm động tác quỳ mời khách,nét mặt sáng rỡ, miệng nở nụ cười tươi tắn) trước sự ngạc nhiên của hành khách ngồi cạnh chúng tôi.Thầy ghé sát tai tôi giới thiệu, 2 cô gái này là học trò cũ trong lớp luyện thi của thầy. Ngay lúc ấy không hiểu sao mà tôi vẫn còn kịp “chọc ngoe” thầy: cô Ngọc (tên vợ thầy) chẳng cần gắn chíp trên người thầy, cô có camera – mắt thần theo dõi thầy khắp nơi nơi đấy! Thầy Thanh không nói gì, chỉ thấy ánh mắt như cười. Vào tới Sài Gòn ,theo nguyện vọng của thầy, ngay ngày đầu tiên , tôi đưa thầy vào tham quan Dinh Thống Nhất, nơi này vào trưa ngày 30 Tháng Tư năm 1975, thầy đã từng có mặt trong đội hình của Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng thành phố ,nhưng thời khắc ấy thầy chưa có cơ hội vào bên trong Dinh vì phải thi hành nhiệm vụ ở địa bàn khác trong thành phố… Lúc vào tham quan, vì đi lẻ, không có nhân viên hướng dẫn, nhưng tôi thấy thầy kể tên, lai lịch chi tiết từng hiện vật trưng bày trong mỗi gian phòng của Dinh ,tôi càng thêm cảm phục về sự đọc và trí nhớ của thầy… Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm địa đạo Củ Chi, buổi tối lên du thuyền ngắm sông Sài Gòn về đêm và ăn tối trên tàu. Những ngày sau,tôi hỏi thầy muốn đi thăm nơi nào, nếu đi một mình sẽ có người đưa đi.Thầy nói muốn gặp lại những bạn cũ thời sinh viên đang công tác ở trong này…đã lâu không gặp. Khóa học của thầy năm xưa, nhiều người bạn đã là cán bộ giảng dạy đại học, có người đang giữ chức hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố.Ước muốn ấy của thầy Thanh đã được thực hiện,tôi nhận thấy thầy rất mãn nguyện ! Thời gian ở Sài Gòn, tôi đặt phòng cho thầy ở riêng bên khách sạn đối diện với Nhà khách Công đoàn nơi tôi ở có trụ sở Chi nhánh nhà xuất bản, tiện cho cả 2, những muốn có không gian riêng để thầy tiếp khách… Ở Sài Gòn chừng một tuần, chúng tôi lên kế hoạch đi Miền Tây, nơi thầy chưa một lần đến trong đời. Thật may mắn, đúng khi ấy, người bạn của tôi là nhà thơ, công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng vừa vào, tôi rủ về ở với tôi ở Nhà khách. Người bạn này có kế hoạch đi chơi miền Tây theo lời mời của một nhà thơ vừa trở thành hội viên Hội nhà văn, người mà anh trực tiếp biên tập và chọn thơ cho tác giả in liền 2 tập, đủ cơ số tác phẩm xét kết nạp hội viên mới. Đoàn công tác miền Tây lần ấy có bốn người ngang dọc trên chiếc xe con dòng xe thể thao mới, có thể nói là trên cả tuyệt vời. Chúng tôi, ngày đi, đêm nghỉ. Ghé thăm Tây đô Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, xuôi Bạc Liêu, về Đất Mũi Cà Mau. Ban ngày du ngoạn những địa danh, khu du lịch nổi tiếng ở mỗi vùng, buổi tối gặp gỡ,giao lưu các bạn văn ở các địa phương nơi chúng tôi đến, đi xuồng gắn máy ra tận mảnh đất tận cùng của dải đất hình chữ S, chụp ảnh lưu niệm…Sau đó đoàn đi ngược lên Kiên Giang,ghé thăm cửa khẩu với nước bạn Campuchia, qua vãn cảnh Đền Bà (Châu Đốc), đi xuồng ngắm sen Tháp Mười, thăm di tích khảo cổ Óc eo, viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, về Tiền Giang ăn cua ,ếch, chuột đồng nướng rơm… Nghĩ lại giờ đây, hẳn không riêng tôi đang trên cõi tạm này, mà chắc rằng, ở miền xa vắng nơi cõi cực lạc linh thiêng ấy, thầy hẳn còn nhớ về một chuyến đi không thể nào quên, một kì nghỉ hè đáng nhớ, mà với thầy sẽ chẳng bao giờ có được lần sau nữa…

6. Gần 40 năm gắn bó với môi trường giáo dục,ngoài những giờ có tiết dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội( năm thầy nghỉ hưu, trường được đôn lên thành Trường Đại học Hà Nội), cả một thời gian dài thầy có mặt ở các trung tâm luyện thi, hầu như thầy chưa một lần ra khỏi không gian thành phố này. Trong số các bạn quen biết, tôi là người gần gụi với thầy nhiều nhất. Có thể nói, thầy sống trong cô đơn kéo dài, bởi thế hầu như thầy thèm gặp bạn để giao lưu, trò chuyện. Mỗi lần gặp mặt, tôi thấy thầy như có sự chuẩn bị như chuẩn bị “giáo án” trước giờ lên lớp vậy. Nhưng giáo án thầy chuẩn bị trước, lại chỉ là những câu hỏi muốn được hỏi, những tin tức thời sự muốn được giãi bầy, khao khát tìm hiểu cuộc sống sôi động bên ngoài, tin tức bạn bè xa gần…Những lần như thế, có việc, có người hôm trước thầy đã hỏi, bữa sau nhiều khi thầy lại hỏi lại, như chưa từng vậy…Người không ở gần thầy, thật khó mà hiểu cho thầy. Ngay cả vợ thầy, người “nâng khăn,sửa túi” mà đâu hiểu được cái “khổ tâm” của thầy? Dẫu biết cô là một phụ nữ tháo vát, đảm đang, biết “thu va…hà vén”, biết quay vòng vốn để sinh lời, tích lũy tiền bạc, dạy giỗ con cái khôn lớn trưởng thành, nhiều lúc tôi thấy, cô là người làm thay cả phần việc của người đàn ông trong nhà để thầy chuyên tâm vào việc đứng lớp luyện thi…Phải chăng, đấy cũng là những biểu hiện về phẩm cách trong quan niệm về “tứ đức” của người phụ nữ thời hiện đại?! Tôi từng có ý nghĩ, giá như cô bớt đi 1 chữ trong 4 chữ trên, bằng cách nào đấy ép hoặc gây áp lực buộc thầy giảm bớt tiết dạy, không nhận thêm học trò bay đơn ( dạy một thầy ,một trò)…Chắc thầy sẽ có một khoảng trời tự do để thực hiện mong ước thầm kín của thầy: được trở lại các chiến trường xưa mà một thời tuổi trẻ thầy cùng đồng đội chung chiến hào đánh giặc, được châm nén nhang tưởng niệm những người bạn cùng lớp xếp bút nghiên ra trận đã mãi mãi không bao giờ trở về; được trở lại những vùng đất mà thầy cùng đồng đội đã đi qua còn cất giữ nhiều kỷ niệm của tình quân dân cá nước thời trận mạc…

Từ ngày biết tôi từ Sài Gòn chuyển ra Hà Nội, hầu như sáng nào thầy cũng nhắn tin rủ tôi ghé qua nhà trước khi đến cơ quan. Những khi nhận được tin nhắn của thầy, trừ ngày có lịch họp hoặc gặp đối tác hẹn trước, tôi hầu như đều có mặt ở nhà thầy. Trên bàn trà, bao giờ thầy cũng chuẩn bị trước bao thuốc lá, café túi pha sẵn, loại tôi ưa dùng, có thêm cả bánh kẹo. Chuyện như vậy, riết cũng thành quen, nhiều lúc không có tin nhắn, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần, tôi vẫn ghé thăm và hầu chuyện thầy. Gặp nhau, tôi thấy tâm trạng thầy rất vui, đôi khi tỏ ra vồ vập hơn cả mức bình thường nữa! Nhiều lần, thầy tặng tôi những thứ đồ dùng thiết yếu như : khăn choàng, tất tay, tất chân, áo mưa… toàn đồ hàng hiệu. Tôi nghĩ, thầy như thèm cả sự chăm sóc người thân ruột thịt vậy, cũng bởi gần chục năm thầy chưa một lần được gặp các con của thầy đi du học xa, tốt nghiệp lại định cư ở nước sở tại…Những lần đến chơi ,điều tôi ngại nhất là lúc tôi ra khỏi nhà thầy,lần nào thầy cũng tiễn tôi ra tận đầu ngõ,bịn rịn như “không muốn có sự chia tay” vậy.Những lần như thế,tôi thường chầm chậm dắt xe đi một đoạn khuất tầm mắt của thầy và không quay đầu lại…Từ dạo quen và chơi thân, tôi hiểu ở thầy có hai sở thích nổi trội, đó là thói quen điểm báo mỗi buổi sáng và bàn chuyện bóng đá. Những tờ báo thầy đặt dài hạn là: Thể thao & Văn hóa, An ninh Thủ đô, Văn nghệ Công an, Văn nghệ. Tờ Văn nghệ Công an thầy đọc nhiều hơn vì ở tờ báo này thường có đăng những bài, tin về đời sống riêng cùng mối quan tâm của các văn nghệ sĩ trước thời cuộc, với thầy sẽ có ích khi dạy học sinh, nói như thầy, đấy là những món gia vị cần có khi giảng bài, dễ gây cho học sinh sự chú ý trước khi tiếp nhận tác phẩm. Thầy sưu tầm cả một xấp báo được cắt rời về giai thoại làng văn trong nước và thế giới. Còn sở thích thứ hai, thầy mê coi bóng đá. Nói chuyện về môn túc cầu này, có thể coi thầy như một chuyên gia, một bình luận viên thực thụ. Thầy hầu như thuộc tên hầu hết các cầu thủ ở mỗi đội bóng mà thầy quan tâm; chuyện chuyển nhượng cầu thủ, vị trí sở trường trên sân, lối đá mỗi đội trong từng trận đấu.Thầy dự đoán kết quả trận đấu khá chính xác. Cả chuyện huấn luyên viên sẽ thay cầu thủ nào vào sân…Những trận bóng diễn ra lúc giữa đêm,chúng tôi không ngồi coi cùng nhau,chốc chốc thầy lại gọi điện thoại nói về những pha bóng đẹp,cả sự tiếc nuối vì cầu thủ không ghi bàn trong những pha bóng đầy kịch tính…Thầy coi đá bóng mà tâm trạng, cảm xúc phấn khích, đong đầy… Và sau này, biết thầy lúc giã từ cuộc đời khi đang coi một trận bóng đá vào lúc nửa đêm, tôi ngỡ ngàng, xót xa nhưng không cảm thấy bất ngờ…

7. Gần thầy, nhiều khi tôi được thầy gợi ý những đề tài độc đáo cho người làm những bản thảo có tính thị trường, nghĩa là những vấn đề người đọc quan tâm tìm hiểu, và đương nhiên, sách in ra sẽ phát hành tốt. Những khi gặp sự cố trong nghề xuất bản, sách in ra phải ngừng phát hành vì vấn đề “ nhạy cảm”…cơ quan quản lý yêu cầu nhà xuất bản viết báo cáo giải trình gửi cơ quan quản lý, tôi thường mời thầy làm người “phản biện” (thông thường, trong báo cáo giải trình mà nhà xuất bản gửi cơ quan hậu kiểm, thường gửi kèm ý kiến của một, hai nhà chuyên môn). Những khi ấy, với tư duy của một nhà phê bình văn học sắc sảo, thầy vào vai một tư vấn pháp lý luôn đề xuất

cách bảo vệ quan điểm của mình (phía nhà xuất bản) bằng những lập luận khoa học hết sức khách quan, giàu tính thuyết phục, và như thế, ý kiến phía cơ quan quản lý yêu cầu nhà xuất bản đã không thể “áp đặt” một cách máy móc, xơ cứng...

Tôi còn nhớ, có lẽ là kỉ niệm sau cuối giữa hai chúng tôi - trước ngày tôi nghỉ hưu - thầy nhờ tôi làm giúp – chế bản vi tính, xin giấy phép xuất bản và tổ chức in tập sách : Giảng văn Văn học Việt Nam chọn lọc – dùng cho học sinh thi tốt nghiệp phổ thông và đại học (2 tập). Thầy đứng tên chủ biên và trực tiếp biên soạn, giới thiệu. Các công đoạn tiếp sau ,thầy nhận phần sửa bông bản in thử tới 3 lần,một chuyện hiếm thấy với người làm xuất bản như tôi. Ngay cả bản thảo in ra giấy can trước khi chuyển cho nhà in,thầy tiếp tục nhận phần việc này. Trước khi sách đưa in, tôi đã thấy thầy lên Danh sách các tác giả có mặt trong tập sách,thầy xếp loại từng bài viết để xem xét mức nhuận bút cho các tác giả khi sách in xong. Là dân làm sách, trước việc làm này của thầy, tôi thực sự ấn tượng! Trước đấy, khi chọn đặt tên cho tập sách trước khi gửi bản thảo cho nhà xuất bản duyệt và cấp phép, tôi đề xuất một tên khác để tránh trùng với tên các tập sách về dạng đề tài này đã in ở Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm…Sau một thoáng suy nghĩ, thầy nhất trí với cái tên mới : Cảm thụ tác phẩm…. Cuốn sách này in ở Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Thầy bỏ tiền in và với ước muốn giản dị - làm quà tặng các học sinh của thầy, như một kỉ niệm mang nhiều ý nghĩa. Tôi còn nhớ có tới ba lần thầy đưa tôi tiền để ứng trả tiền công làm chế bản và ứng trước một phần trả tiền giấy và công in cho nhà in. Tôi nói, có quen nhà in nên việc này thầy chưa cần lo sớm,nhưng thầy nghĩ khác…Tôi hỏi đùa thầy,thầy cũng giữ quỹ đen?Tôi hỏi vậy vì suốt quãng thời gian chơi với thầy, biết rõ thầy chưa từng mua sắm thứ gì cho riêng mình.Mọi việc thầy đều “ ủy quyền “ cho cô hết… Thầy không nói gì,chỉ mỉm cười đầy ý nhị… Tôi có nhã ý giúp thầy bán một số lượng nhất định ngoài số sách thầy giữ làm quà tặng, qua các đại lý phát hành sách tham khảo giáo dục trong Nam,ngoài Bắc mà tôi quen biết, cũng mong thu được một khoản tiền để bù vốn đầu tư, nhưng vì nhiều lí do, trong những lí do đó có thể cả cái tên sách có hơi hướng “trừu tượng”, và bìa sách,cả tôi và thầy thực sự thấy chưa hài lòng; và hơn nữa, số đầu sách “ đụng hàng” cùng loại mà các nhà sách đang bày bán còn nhiều, cũng làm cho ước muốn ấy của tôi không được như kì vọng. Sau gần một năm, số sách đưa kí gửi ở các cửa hàng sách,đại lý phát hành, trong thời gian ở xa, tôi phải nhờ một người bạn tin cậy giúp tôi thu tiền số sách bán được (cũng hay là vừa đủ số tiền thầy ứng trả công cho nhà in in sách) và đồng thời chuyển luôn cả số sách chưa bán hết về giao thầy sử dụng vào mục đich riêng. Dầu sao, nghĩ lại việc này, tôi có chút áy náy vì ước muốn trên của mình đã không được trọn vẹn, mặc dù biết, khi nhận tiền và sách mà anh bạn của tôi gửi, thầy vẫn vui vẻ và cảm ơn nhiệt tình của chúng tôi. Việc thầy bỏ tiền riêng để in sách lần này, có thể coi đó là món quà cuối cùng mà thầy tặng các trò trước ngày thầy đi “gieo chữ” ở một thế giới khác…

Vài lời viết riêng cho hai cháu Duy Dương và Ngọc Thư,

Hai cháu thương yêu,bác muốn phân ưu sâu sắc tới hai cháu, càng xót xa và cảm thương cùng hai cháu ngày bố cháu ra đi, vì Đại dịch Covid – 19 cả hai cháu không kịp về chịu tang bố. Bác chỉ muốn nói với hai cháu, tình cảm bố Thanh dành cho hai cháu là vô cùng lớn, bác không quên câu chuyện bố cháu thường hay kể với bác, khi nhắc nhớ về những tháng năm khi Dương còn bé, thời cả nước mình còn nghèo khó, cả tuần bố mẹ cháu chỉ lo được hai bữa ăn mỗi ngày mà trên mâm cơm chỉ có đĩa rau luộc và 1 quả trứng bữa luộc, bữa chiên chay (không mỡ) dành riêng cho cháu, khi ấy ông nội cháu còn sống, rồi sau này khi có điều kiện, bố cháu đã quyết cho cả hai cháu đi du học, những mong các cháu trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho đời. Bố cháu luôn tự hào về các cháu! Riêng với cháu Dương, có một chuyện bây giờ bác mới kể cho cháu, đấy là câu chuyện nghe bố cháu tâm sự cùng bác, bác vẫn cất giấu, muốn khi gặp trực tiếp, bác sẽ kể, nhưng ngày ấy chưa biết đến khi nào…Dạo ấy, bố cháu đã mất ăn, mất ngủ cả tuần liền sau buổi gặp mặt vợ chồng người bạn suýt là”thông gia” của mình vì chuyện riêng tư của cháu - chuyện “yêu mà chưa muốn cưới” giữa cháu với người bạn gái của cháu, lại chính là con gái “rượu” của người bạn bố cháu thời hai ông còn là lính. Sau đấy, người bạn gái của cháu phải về nước, như cháu biết vì nguyên nhân nào?! Bố cháu nói, vì con mà mất bạn là vậy! Cả bác, và chắc cũng là mong muốn của bố cháu ở trên cao xanh hy vọng chuyện như thế sẽ không xảy ra một lần nào nữa! Và cũng mong cháu đừng nghĩ bác là người già còn “lắm chuyện” khi nói với cháu chuyện xưa như trái đất ấy! Các cháu có quyền tự hào về bố cháu,về cái nghề mà khi còn sống,bố cháu vẫn hay thích “đùa”gọi là nghề “bán Phở”.Một nghề mà cả đời bố cháu dâng hiến, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh ưu tú, biết yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt. Bác cũng mong các cháu tiếp nối cái zen cội rễ từ bố cháu những năm xa xứ… Trước khi khép lại ít dòng gửi cho các cháu này, bác lại nhớ đến lời của một thầy dậy toán ở một trường đại học từng nói thế này: Người ta nghiệm ra rằng, ở đời không ai dễ có được 3 điều sau đây : 1.Trung thực .2. Giỏi chuyên môn . 3) Quan chức). Bố cháu có đủ 2 điều đầu tiên! Nếu còn dịp, bác sẽ kể tiếp về bố cháu những ngày bác sống gần bố cháu mà các cháu lại sống xa bố cháu mà từ nay đã là… mãi mãi…

Lời kết

Thầy Thanh ơi, thầy ra đi đột ngột quá. Chắc chắn thầy vẫn còn nhiều dự định muốn làm, muốn mang nhiều điều có ý nghĩa vào công việc mà thầy còn ấp ủ cho nghề gieo chữ, cho công việc của người nghiên cứu phê bình văn học…Nhưng thầy đã không thể…Vì sự vô cảm, cả vì khoảng cách địa lí, ngày thầy ra đi gần trọn 3 năm tôi mới hay tin ,tôi viết những dòng này trong sự tiếc thuơng vô hạn, như lời cầu chúc cho linh hồn siêu thoát của người bạn, người gieo chữ tài danh, một cây bút phê bình văn học nhiều triển vọng ,Trần Duy Thanh, đúng vào năm sang cát cho thầy…Với riêng tôi,rất mong thầy lượng thứ vì những gì tôi và bè bạn của thầy vẫn chưa hiểu hết những gì thầy để lại và cả những gì thầy mang theo sang thế giới của Người Hiền…Nhớ về thầy,những gì còn lại giữa thầy và chúng tôi sẽ là kí ức – một phần năng lượng sống trong mỗi người chúng tôi…