Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẠM CÔNG TRỨ: RIÊNG CHUNG MẤY KHÚC LỜI THỀ CỎ MAY

Phùng Văn Khai
Thứ hai ngày 8 tháng 8 năm 2022 10:18 AM

Nhà thơ Phạm Công Trứ: Riêng chung mấy khúc lời thề cỏ may


Tôi thuộc thơ Phạm Công Trứ từ khi chưa gặp anh. Những ngày nhập ngũ đầu thập kỷ chín mươi đồng đội nhờ viết thư tình toàn phải lấy thơ Nguyễn Công Trứ độn vào. Kiểu như: Cỏ may giăng kín triền đê/ Một đêm trăng sáng cỏ về cùng tôi/ Ngỡ là gỡ cỏ mà chơi/ Ai ngờ duyên số thề bồi với nhau... Thuở ấy tôi mới lên mười/ Còn em lên bảy theo tôi cả ngày/ Quần em dệt kín bông may/ Áo tôi đứt cúc mực dây tím bầm/ Tuổi thơ chân đất đầu trần/ Từ trong lấm láp em thầm lớn lên/ Bây giờ xinh đẹp là em (Lời thề cỏ may)

Thế mà vô khối binh nhất binh nhì xuất thân chân quê chính hãng cưa đổ gái làng chỉ qua những lá thư cỏ may cầu âu như thế. Đương nhiên những câu hay nhất tôi dành riêng cho thư của mình. Bằng chứng gần ba mươi năm sau, cô gái cỏ may đã cùng tôi dắt cậu con rạng rỡ trong đám cưới để mình được lên ông lên bà. Đúng thật là Non xanh biển cả là nhà/ Đồng bằng là ruộng, biển là ao con/ Vần xoay thế sự vuông tròn/ Em ơi ta đã lên khôn bao giờ (thơ Nguyễn Anh Nông).

Ít ai ngờ Phạm Công Trứ từng là lính trận ở Trường Sơn từ năm 1973. Giữa nơi bom đạn mà thơ Phạm Công Trứ đã rất khác người: Tiếng chim rừng cũng ướt nhòe đứt nối/ Lâu lắm rồi suối thèm được trăng soi... Mặt em? Không, mặt mùa xuân/ Tiếng em? Không, tiếng lắng ngân lưng trời... đã dự báo một nét tài hoa độc đáo. Quả thực tiếp đó là những vần thơ sinh động: Tuổi ấu thơ trôi nhanh như bay/ Chúng tôi lớn lên lúc nào không biết/ Rãnh nước sau nhà thoắt thành nhỏ hẹp/ Thuyền lá tre không chở nổi tâm hồn... Phạm Công Trứ của những ngày lãng mạn tuy giọng thơ còn hòa với đồng ca của những người viết khác nhưng cũng đã le lói một cái gì đó khang khác: Đường làng cây sóng hàng đôi/ Tháng năm vương cỏ, tháng mười vương rơm/ Tháng hai xuân tím mặt đường/ Em đi gánh nước hoa vương tóc dài...

Nhưng đến khi Lời thề cỏ may ra đời đã là một Phạm Công Trứ rất khác và sau này càng đặc biệt với Cỏ may thi tập; Lời thề cỏ may 1 (Nxb Thanh niên, 1990); Lời thề cỏ mày 2 (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 1993); Lời thề cỏ may 3 (Nxb Văn hóa - Thông tin, 1996); Phồn thi... đã khẳng định một vị trí không thể thay thế trong thơ sau Đổi mới 1986. Em đi để lại chuỗi cười/ Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê/ Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may... (Lời thề cỏ may); Mưa xuân từ bữa ngại bay/ Hoa xoan nát dưới gót giày ngõ quê/ Em ra thành phố không về/ Mẹ treo khung cửi dứt nghề tằm dâu (Mưa xuân từ đó ngại bay); Lối xưa xe ngựa thâm u/ Lối nay xe cúp vù vù khoe sang/ Nền xưa lầu hạc gác vàng/ Nền nay siêu thị chắn ngang mây trời... đã cho thấy một phong cách rất riêng Phạm Công Trứ. Tưng tửng mà rất dằn vặt ngẫm ngợi. Câu chữ chơi chơi mà nhói buốt đánh thức tim người. Chính ông cũng đã tự họa mình theo giọng điệu ấy: Tình tôi một đống rơm chiêm/ Em đùa xòe một que diêm ném vào/ Bén rơm lửa bốc ào ào/ Chút tro còn lại rõ trao cho trời/ Giận thân những muốn chửi đời/ Đến khi ngửa mặt lên rồi lại im... thì rõ ràng là vừa hài hước vừa chua cay lắm vậy. Thơ chính vì thế mà có ích chăng? Mà có người đọc chăng? Và vì như vậy mà Phạm Công Trứ ở những năm chín mươi về sau danh nổi như cồn.

Phạm Công Trứ ngoài đời cũng luôn ngẫm ngợi như trong thơ. Anh như một triết nhân với rất nhiều đúc kết hữu ích trong cuộc đời. Thông minh cỡ Trần Đăng Khoa nhiều lúc gặp bí đều phải hỏi kế sách ông anh họ Phạm. Mặc dù Trần Đăng Khoa đã “phán” về Phạm Công Trứ rất ỡm ờ như sau: “Đọc Phạm Công Trứ vẫn nhớ đến Nguyễn Bính. Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu trải giữa làng văn rồi”.

Quả đúng là cung cách Trần Đăng Khoa.

Tuy nhiên, Trần Đăng Khoa là Trần Đăng Khoa mà Phạm Công Trứ là Phạm Công Trứ, không thể đánh đồng nước đôi được. Thơ Phạm Công Trứ vừa đa dạng vừa đa thanh với giọng giễu nhại đậm chất đồng quê nhưng cũng không ít bài ở khu vực hàn lâm truyền thống. Thơ Phạm Công Trứ có lúc phảng phất chất hiền triết dù câu từ dân dã, ví như: Hội tan thần phật về trời/ Cỏ may giập nát gượng ngồi dần lên/ Chân nhang que đứng, que xiên/ Gió lăn xác lá quét trên sân chùa... Là hoa thì nở/ Hoa nào có biết/ Đã nở là tàn - Là sông thì chảy/ Sông đâu có biết/ Đã chảy là tan - Là người thì sống/ Biết sống là già/ Biết già là chết/ Biết chết là hết... thì quả thực Phạm Công Trứ đã giản dị được sự phức tạp, đã gọn ghẽ được dằng dặc kiếp người sinh tử tồn vong một cách tài tình giản phác. Đó chính là tài thơ vậy.

Phạm Công Trứ còn có một biệt tài là viết chân dung văn học về bè bạn, nhất là lớp nhà văn đàn anh và giới cầm bút đương thời. Sự hóm hỉnh hồn nhiên và tư duy triết học của ông đã ở một độ thâm sâu nên câu chữ Phạm Công Trứ dùng rất nhàn nhã. Có những chữ khi chưa đủ công lực mà cố dùng sẽ phản lại mình ngay. Điều này Phạm Công Trứ rất biết khi anh viết câu thơ Xưa nay hai nửa mặt đời/ Vừa lao lên trước vừa lùi về sau. Và từ bình diện ấy, Phạm Công Trứ đã luôn đặt sự công bằng, sự thật, nhất là bản chất của các vấn đề lên hàng đầu. Chính bởi vậy, các chân dung ông viết về bè bạn vừa thấm đẫm nhân tình vừa khắc cốt được những điều chính yếu.

Phạm Công Trứ điêu luyện và nằm lòng bạn đọc chính là ở thể thơ lục bát. Lục bát của ông vừa nhuần nhuyễn tài tình nhưng nhiều lúc rất đột ngột tạo ra những khúc ngoặt khiến người đọc trầm trồ. Ví như: Mướp tàn sen cũng đi tu/ Lá tre đã thả một mùa heo may/ Con sông không ốm mà gầy/ Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn (Thu cạn); Sen tàn hạ xuống đáy ao/ Heo may dắt cúc ra chào mùa thu/ Mùa thu khoác áo sương mù/ Đầu đội mây trắng ngồi tu nắng vàng (Thu cúc)... mà bỗng dưng lém lỉnh đột ngột như trêu ngươi mà vẫn rất duyên tình: Trời lồng nước, núi liền mây/ Lờ mờ sương sớm, ngất ngây hương tình/ Trên đò các cụ tụng kinh/ Chúng mình trẻ quá, chúng mình tụng nhau (Đường vào Chùa Hương)... thì rõ ràng là đa thanh sắc đa tài tình lắm.

Ấy vậy mà cũng có lúc Phạm Công Trứ đặt ra những câu hỏi về mình, về thơ của chính mình: Trăng vàng con của đồng quê/ Thơ tôi con của lời thề đẻ rơi/ Phố phường ngoảnh mặt thơ tôi/ Tôi mà chết sớm ai nuôi trăng vàng... đã khiến người đọc bâng khuâng.

Nhà thơ Phạm Công Trứ sinh năm 1953, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông là Phó giáo sư, Tiến sĩ Luật học, từng làm tại báo Pháp luật và hiện nay đã nghỉ hưu. Đối với thơ, ông đã đủ mọi riêng - chung với những thành tựu được văn giới ghi nhận. Ông như một nét riêng đặc biệt trong làng thơ, nhất là thơ lục bát Việt Nam. Ông với Đồng Đức Bốn như một cặp song kiếm âm dương bát quái với kiếm khí khiến người đời lắm lúc phải lạnh mình của họ Đồng và nhất là phải suy nghĩ từ những vần thơ đậm chất uy mua nhưng vô cùng ám ảnh của họ Phạm. Đọc vào thơ càng thấy tin ở người, niềm tin nhỏ thôi nhưng bền chắc. Có lẽ nào chúng ta sống mà lại chẳng tin nhau? Thì niềm tin ấy thật hữu ích biết bao trong đời sống.

Viết đến đây, tôi bỗng chợt băn khoăn khi thấy nhà thơ họ Phạm trùng tên với Tể tướng lừng danh nhà Lê Trung Hưng cũng là một nhà thơ Phạm Công Trứ. Cuộc đời chìm nổi của Phạm Tể tướng - một trong những vị đại thần tài năng làm nên sự nghiệp Trung Hưng của nhà Lê tới tước vị Quốc lão, Thái Bảo Yên Quận công từng đương chức Trưởng Lục bộ sự (Thượng thư của sáu bộ), từng năm lần Nam chinh kiến công lập nghiệp rạng danh đất Bắc trời Nam cho tới tận hôm nay. Chẳng hiểu cơn cớ hay duyên phận gì ông lại trùng tên bậc đại lão đại thần hiển hách. Điều này chưa thấy nhà thơ hậu bối Phạm Công Trứ tỏ bày ở đâu song tôi dự cảm chính tuổi tên đó đã luôn giúp hậu bối họ Phạm phải tự giữ nghiêm mình trong đời sống và trong sáng tác. Phải thế chăng mà từ nơi bom đạn Trường Sơn trở về, rời áo lính sang Nga bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật rồi cứ thế một mạch khơi dòng thơ thuần hậu duyên quê tới hôm nay. Ẩn tàng phía sau đó hẳn phải là sự mách nước, vun đắp của tiền nhân cũng là sự tri ân của chính ông với tổ tông nguồn cội. Không phải vô tình mà Phạm Công Trứ từng viết trong tự bạch Tổng tập nhà văn quân đội rằng: “Với tôi, thơ là hạt sương đêm thở dài. Thấm nỗi buồn muôn thuở của con người của đất đai...” Đó cũng là bộc bạch chân tình đúng với phẩm chất của nhà thơ họ Phạm.

Xin được kết thúc bài viết nhỏ về ông với một bài thơ lính tráng ông làm cách đây đã mấy chục năm có tên Khoảng trời tuổi thơ: Rủ nhau chơi tập tầm vông/ “Tay nào có?”, “tay nào không?”, để rồi/ “- Chịu thôi!” Em gỡ tay tôi/ Mắt cười trong suốt khoảng trời tuổi thơ/ Khoảng trời chợt nắng, chợt mưa/ Chập chờn cánh bướm, thấp thưa cánh chuồn/ Cái năm em chớm biết buồn/ Cũng là năm phía chiến trường giục tôi... Gặp em, em gặp hôm rồi/ Tuổi ba mươi sống lại thời tầm vông/ “Tay nào có?”, “tay nào không?”/ Nựng con, em giấu vào lòng... lời ru.