Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cũng cho rằng luật trên đặt ra nhiều nguy cơ cho các nước khác.
“Thời gian qua, Bắc Kinh không ngừng củng cố quyền kiểm soát ở các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, đồng thời điều động tàu hải cảnh đến các vùng biển này. Khi tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện càng nhiều thì các nước trong khu vực cũng phải điều động tàu tuần duyên ứng phó. Trong bối cảnh như vậy, rủi ro đụng độ càng trở nên cao hơn”, ông Nagao lo ngại và cho rằng: “Khi luật trên có hiệu lực, thì nguy cơ đụng độ bằng vũ khí lại càng dễ xảy ra”.
Bên cạnh đó, theo ông Nagao, việc đưa ra dự thảo trên làm mất đi “vùng đệm” là các lực lượng chấp pháp dân sự trong việc ngăn ngừa căng thẳng leo thang. Bắc Kinh đã liên tục loại bỏ bớt “vùng đệm” như vậy.
Qua đó, ông đặt vấn đề có khả năng là Trung Quốc muốn leo thang căng thẳng ở các vùng biển trong khu vực. Nước này tăng cường hiện đại hóa quân sự và muốn thể hiện chiếm ưu thế về quân sự.
“Để tăng thêm áp lực nhằm vào các nước khác, Trung Quốc đang loại bỏ dần các vùng đệm vốn để phòng ngừa rủi ro xung đột ở các vùng biển tranh chấp”, TS Nagao nhận định và phân tích thêm: “Năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã đưa hải cảnh là một bộ phận của cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng đã đưa ra dự thảo sửa đổi luật để đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương (CMC). Như thế, hải cảnh Trung Quốc trở thành một bộ phận chiến đấu cùng quân đội nước này. Chính vì vậy, nếu tàu tuần duyên các nước khác nổ súng tự vệ vì bị tàu hải cảnh Trung Quốc nổ súng tấn công, thì việc giao tranh không đơn thuần là giữa các lực lượng chấp pháp dân sự, mà đã là liên quan lực lượng quân sự của Trung Quốc. Khi đó, vì hải cảnh trực thuộc cảnh sát vũ trang, mà cảnh sát vũ trang do CMC chỉ huy, thì Bắc Kinh có thể lấy cớ điều động hải quân dẫn đến xung đột gia tăng”.