Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGỌN GIÓ CUỒNG PHONG ĐÃ TẮT

Vũ Từ Trang
Thứ sáu ngày 26 tháng 4 năm 2019 9:18 AM






Vẫn biết cái chết được báo trước, vậy mà chiều nay, được tin nhà thơ Nguyễn Phan Hách trút hơi thở cuối cùng, chúng tôi buồn biết bao nhiêu.
Buổi sáng, lên thăm anh. Anh vẫn hôn mê sâu. Nhìn anh như sắp buông tất cả. Tôi không dám gọi anh, đánh thức anh. Mấy tuần liền, hai anh em cùng điều trị hóa trị tại cùng một bệnh viện. Khác phòng, người tầng trên, người tầng dưới, nên chả mấy ngày chúng tôi không gặp nhau. Khi khỏe, chúng tôi vẫn tếu táo nói vui về bạn bè văn chương từng dính bệnh K. Cũng ở bệnh viện này, tháng trước, nhà thơ Lê Đình Cánh đã ra đi, câu nói vui của ông còn để lại cho anh em đồng bệnh truyền miệng nhau. Ấy là “Dính bệnh K, là trường kỳ kháng chiến. Nhưng nhất định... thất bại !”. Nhà thơ Lê Đình Cánh với những vần thơ lục bát rất hóm hỉnh, ông có nhiều bài thơ thuộc lòng trong bạn đọc, cũng đã chấp nhận thất bại. Đến chiều nay, nhà thơ Nguyễn Phan Hách cũng đã chấp nhận thất bại. Lại nhớ nhà văn Tô Hải Vân, một nhà văn có tài, khi về hưu, sang Nhà xuất bản Dân Trí, cùng Nguyễn Phan Hách gây dựng cơ đồ cho nhà xuất bản. Ông Tô Hải Vân nói một câu rất chí lý và khôi hài, là “Những người dính K, không khác gì chúng ta đang đi trên đường, chả may bị con chim trên trời ỉa một bãi vào đầu. Không may ai, thì người ấy chịu !”. Nhà văn tài hoa Tô Hải Vân biết thời gian hạn hẹp của mình, ba năm cuối đời, ông gấp gáp làm việc, cho ra mắt bạn đọc ba tiểu thuyết Người thứ hai, 6 ngày, Khởi đầu là mèo, và hai tập truyện ngắn. Tập sách nào của ông ra đời, cũng được dư luận bạn đọc đánh giá cao. Nhà văn Tô Hải Vân kiên cường chống đối với bệnh K được sáu năm. Ông phải ra đi vào ngày cuối cùng của năm, chiều ba mươi tết Kỷ Hợi.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách và tôi cùng quê Kinh Bắc. Mão Điền quê anh là đất hiếu học. Cùng cảnh lầm lũi bùi ríu vợ con từ làng quê ra thành phố, chúng tôi cùng qua bao đoạn trường vất vả. Lại chơi với nhau từ ngày đầu say mê văn chương. Cùng cảnh ngộ, chúng tôi càng thân nhau hơn.
Niềm say mê văn chương của Nguyễn Phan Hách khởi đầu từ ngày còn nhỏ tuổi. Sự nghiệp văn chương, đã đem lại nhiều vinh quang cho anh. Cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, năm 1969, một cuộc thi thơ đình đám nhất từ trước tới nay, Nguyễn Phan Hách có bài thơ “Người quen của em” được giải. Từ một anh giáo, dạy cấp hai ở một huyện miền núi, Nguyễn Phan Hách được chuyển về làm biên tập, nghiên cứu văn hóa dân gian ở Ty văn hóa Hà Bắc. Sau một loạt truyện ngắn viết về đề tài nông nghiệp gây ấn tượng trên các báo, năm 1973, Nguyễn Phan Hách được chuyển về báo Văn Nghệ, làm công tác biên tập. Năm 1977, anh lại được chuyển sang Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là nhà xuất bản Hội Nhà Văn). Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, anh được bổ nhiệm làm Tổng biên tập, Giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn, cho đến năm 2007 thì về hưu. Không chịu nghỉ ngơi, anh cùng mấy người bạn giàu kinh nghiệm xuất bản, mở Nhà xuất bản Dân Trí. Một thời gian dài, Nguyễn Phan Hách làm tổng biên tập Nhà xuất bản Dân Trí. Cho mãi năm 2018, khi phát hiện mình mang trọng bệnh, ông mới thôi làm công việc quản lý.
Trong cuộc đời sáng tạo không mệt mỏi, Nguyễn Phan Hách đã xuất bản trên hai chục đầu sách. Về thơ, có các tập: Người quen của em, Hoa sữa, Vô tình, Những ngôi sao tuổi thơ, Hạt bụi. Về tiểu thuyết, có: Tan mây, Mê cung, Người đàn bà buồn, Cuồng phong (được tái bản nhiều lần). Về truyện ngắn, truyện vừa, có các tập: Vườn hoa cửa ô, Tổ chim sẻ, Cây vĩ cầm cảm lạnh, Sau những cách xa, Quà tặng của thiên nhiên, Khốp ngựa ô, Tình đùa, Phong thánh, Khăn quàng tơ sen...Cuối đời, ông say mê sáng tác nhạc. Ông từng có hai bài thơ, được phổ nhạc rất nổi tiếng. Đó là bài Hoa sữa, do Phạm Việt Long phổ nhạc, thành ca khúc “Hoa sữa tình đầu”, bài Làng quan họ quê tôi, do Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc. Ca khúc Hoa sữa tình đầu, được lớp trẻ thanh niên truyền tụng rất rộng. Ca khúc Làng quan họ quê tôi được phổ cập rất rộng lớn trong mọi thế hệ, được chọn là một “Ca khúc đi cùng năm tháng”. Đặc biệt, với người dân Bắc Ninh, rất tự hào với ca khúc này. Ca khúc càng được lan tỏa, bởi được chọn làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh.
Trong sinh hoạt, Nguyễn Phan Hách là người nhút nhát. Thời còn cùng ở báo Văn Nghệ, nhà thơ Xuân Quỳnh kể rất hay về tính nhút nhát của anh. Chả là, ngày ấy, anh mới mua được chiếc xe gắn máy cũ, xe ở miền Nam đem ra. Tối tối, khi đã khuya, đường phố vắng, Nguyễn Phan Hách mới dám đem chiếc xe gắn máy ra đường tập đi. “Đời thưở nào, trước khi đi tập, ông Hách lại đạp xe đạp một vòng xem phố xá vắng chưa, rồi về mới dám dắt xe máy ra tập. Khi dắt xe máy ra tập, đường phố lại đông, thế là lại đành dắt xe máy về. Tập thế, có mùa quýt chả biết đi xe”. Con người nhút nhát thế, nên mãi mới biết đi xe máy. Sau này, cũng đi học và thi lấy bằng lái xe ô tô. Ấy mà, vì nhát, chỉ dám đi xe ô tô quanh quanh khu đô thị vắng vẻ phía ngoài thành phố. Sinh hoạt thì nhút nhát, nhưng trước công việc, Nguyễn Phan Hách lại là người rất cả quyết. Những năm đang làm việc tại Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, anh là người cả quyết, phối hợp cùng cơ quan, để ba cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng được ra mắt bạn đọc. Đó là thời điểm xuất bản rất nhạy cảm. Nếu chỉ vì sự nhút nhát trong công việc, hẳn ba cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của thời kỳ đổi mới, không có cơ hội ra mắt kịp thời. Nguyễn Phan Hách là một người dám đứng ra chịu trách nhiệm, thuyết phục cấp trên, để ba cuốn tiểu thuyết đó ra đời được suôn sẻ. Nếu nói trước đó, phải kể cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu, Nguyễn Phan Hách cũng có tinh thần cả quyết trong việc biên tập. Đến nay, bốn tiểu thuyết trên, vẫn là những cuốn sách tiêu biểu của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, kể từ thời kỳ đổi mới.
Anh là người rất yêu cái làng quê Mão Điền của anh. Chúng tôi đã từng được anh đưa về thăm ngôi nhà cố hương của anh. Đấy là nếp nhà ngói cổ, nhỏ bé, trong không gian làng cổ giàu có, trù phú. Mà cũng lạ, cái làng buôn bán cá con nổi tiếng một thưở, lại sinh ra dăm bảy nhà thơ. Ấy là Duy Phi, Nguyễn Văn Chương, Duy Khoát, Nguyễn Duy Hợp, Huy Phách, Trịnh Văn... Nay thì người còn người mất. Những năm trước, mỗi khi Nguyễn Phan Hách về quê, anh em làm thơ làm văn của làng lại tập hợp đông đủ, đàm đạo, trao đổi những tác phẩm mới cho nhau nghe. Ấy là mấy chục năm trước, chứ hiện thời, không khí văn chương ấy chỉ còn là hoài niệm. Nguyễn Phan Hách bảo rằng, làng quê anh, cũng như nhiều làng quê khác, tập tục, đời sống hủ lậu còn đè nặng trên nếp sống của người dân. Vì thế, anh như thưa thoáng về quê hơn. Ngôi nhà cha ông để lại, nay đã xuống cấp, anh cũng chả có ý định tu tạo lại. May mà đầu năm, các con anh lại xúm tay về tu tạo lại ngôi nhà cố hương cho khang trang. Nếp nhà cổ, vẫn giữ nét chính, được chỉnh trang cho chắc chắn. Lại còn xây cả nhà thủy đình, trên ao hoa sen, để cho anh và bạn bè văn chương lại về đàm đạo thơ phú. Công trình đang thi công gần xong, tiếc là nhà thơ Nguyễn Phan Hách không còn kịp chờ ngày khánh thành. Nhớ dịp cùng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Vũ Quần Phương về ngồi dưới bóng mát mảnh vườn nhà Nguyễn Phan Hách. Anh pha nước chè sen và khoe với chúng tôi, anh đã trồng mười cây gỗ sưa quanh vườn. Mai kia, mùa xuân, hoa sưa sẽ nở trắng mảnh vườn nhà. Cây sưa, tạo gỗ quý, là quà anh để lại cho con cháu. Mảnh vườn với những cây nhãn lâu năm, rồi những cây sưa mới trồng vẫn còn đó, mà người chủ nhân của nó, nay đã đi xa. Nghĩ tới điều này, tôi chợt xa xót chừng nào.
Nhớ năm trước, anh đến tặng tôi tập thơ “Hạt bụi” mới xuất bản. Anh có tâm sự, chúng ta, chỉ là những hạt bụi trong cõi nhân sinh mà thôi. Với giọng thơ giản dị, viết về những cảnh, những người và những nỗi niềm bình dị của kiếp người. Đâu nghĩ, anh sớm trở về làm hạt bụi của cõi nhân gian vô cùng mênh mang này. Tôi giở tập thơ, bất chợt đọc lại bài thơ “Quê xưa” của anh. Thêm nhớ thương anh bao nhiêu.
Làng quê bánh đúc bánh đa
Liêu xiêu quán chợ đường xa mẹ về
Vườn quê ngọt tấm mía de
Chát chua chùm khế đầu hè nhà em
Làng quê hoa súng hoa sen
Cầu ao bèo tấm lấm lem chân bùn
Mưa dầm gió bấc rét run
Khói cay mắt thổi bếp mùn rạ rơm
Nhà quê cơm mới ngọt thơm
Bụi ngồng cải đắng hoa đơm thắm vàng
Nhà quê thúng mủng giần sàng
Nong nia phơi thóc chang chang nắng hè
Mấy cô giã gạo đêm khuya
Vai trần yếm trắng trăng về trăng soi...
Nhà quê có chiếc bình vôi
Có câu cổ tích tự hồi xa xưa
Mà hay đến tận bây giờ
Trăm năm lòng vẫn ngẩn ngơ rợi buồn...
Mẹ ơi con đã đã lớn khôn
Vôi xưa quyệt vẫn nồng nàn trầu cau
Con tìm chả thấy mẹ đâu
Tìm trong mây nắng sắc màu quê hương.
(Quê xưa)
Bài thơ Nguyễn Phan Hách viết với cảm xúc đằm thắm và mộc mạc. Thế là anh không còn được trở về với làng quê của anh nữa. Một chút bùi ngùi. Lại nhớ cái ngày cùng anh trở về Bắc Ninh. Buổi trưa nắng, bên cột đồng hồ cổng ô thành phố, đúng lúc chiếc loa công cộng phát lên bản nhạc “Làng quan họ quê tôi”, nhạc hiệu của Đài phát thanh- Truyền hình Bắc Ninh. Khi ấy, trên khuôn mặt nhà thơ Nguyễn Phan Hách ánh lên niềm vui sướng. Niềm vui hạnh phúc của một người con đã trả được chút tình nghĩa với quê hương của mình.
Đời người cầm bút, có được tác phẩm để đời như anh, là hạnh phúc biết nhường nào. Vậy thì cái chết, có phải là kết thúc đâu, phải không anh?!

Hà Nội, 21-4-2019

Trong hình ảnh có thể có: 1 người