Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀ TỔ NGHỀ GỐM CHU ĐẬU LÀ MỘT NHÂN VẬT NGỤY TẠO (5)

Đặng Văn Sinh
Thứ hai ngày 11 tháng 3 năm 2019 3:45 PM







Bài 5 - Thử tìm hiểu lai lai lịch chiếc la bàn đi biển và con rồng gốm




Theo như mô tả của hàng loạt bài báo thì các "nhà khảo cổ" Hải Dương dưới sự chỉ đạo của ông Tăng Bá Hoành đã tiến hành khai quật được khá nhiều hiện vật từ ngôi mộ "Bà tổ nghề gốm" Bùi Thị Hý tại thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang vào thế kỷ XV là quê hương bà Bùi Thị Hý, đồng thời cũng là một trong những trung tâm sản xuất gốm hoa lam bán ra khắp thế giới. Những cổ vật tìm được trong ngôi mộ toàn "của độc", nào là "Cổ tượng hình tổ cô", "Châm bàn chu hải khứ", "Vọng Nguyệt bảo kiếm", con rồng gốm, bình đựng di cốt có cả hai phiến gạch âm dương khắc chữ làm mộ chí... Nói tóm lại là đầy đủ chứng lý để khẳng định "Bà tổ Bùi Thị Hý" là có thật. Nói như giáo sư Lê Văn Lan, nó mang sức thuyết phục cao, đánh tan những nghi ngờ của các ý kiến phản biện thuộc trường phái "người thợ gốm họ Bùi viết chơi" hay như học giả An Chi dịch là “nghịch bút”…

Vâng. Có quá nhiều hiện vật vượt xa cả điều kiện CẦN và ĐỦ để những kẻ "rách việc" phải tâm phục khẩu phục. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, một "kỳ nữ xứ đông" sổng cách ngày nay gần 600 năm, từng là bà chủ nghề gốm của hơn chục thôn trang, từng giả trai đi thi Hội đỗ Tam trường và nhiều lần cưỡi thương thuyền vượt biển lớn mang hàng hoá bán cho các nước Tây Dương mà sử sách không hề có một dòng ghi chép! Trong khi ấy bà Bổi Lạng (Nguyễn Thị Thuyết), ít nổi tiếng hơn nhiều ở thế kỷ XVII, lại được thám hoa Nguyễn Quý Đức soạn văn bia, hiện vẫn còn nguyên vẹn ở khu lăng mộ.

Liệu chúng ta có thể tin được những hiện vật quá đầy đủ ấy khi mà quy trình khai quật rất đáng ngờ. Việc quan trọng như vậy, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam có được chứng kiến và giám định? Hơn nữa, chẳng hiểu vì sao dấu vết hiện trường ngay sau đấy đã bị xoá chỉ còn lại những tấm ảnh chụp mà độ tin cậy rất thấp, còn các "hiện vật" đã được lau chùi nhẵn bóng trưng bày tại bảo tàng (!?).


Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi tiến hành thẩm định một số hiện vật được cho là tìm thấy trong ngôi mộ cổ, mà một trong số đó là chiếc la bàn đi biển.


1 - Chiếc la bàn đi biển đáng ngờ



Châm bàn chu hải khứ



Báo chí đã nói khá nhiều về chiếc la bàn đi biển được cho là của bà Bùi Thị Hý. Đó là một phiến đá xanh kích thước 17 x 17 x 7cm, đã bị vỡ một phần, có một lỗ nhỏ để cắm kim. Mặt trên la bàn khắc 2 dòng chữ Hán song song. Dòng bên phải ghi 鍼盤舟海去 (Châm bàn chu hải khứ). Dòng bên trái ghi 裴氏戲 (Bùi Thị Hý). Về phương hướng, phiến đá chỉ còn 2 chữ (bắc) và (đông), hai chữ "tây" và "nam" rơi vào phần bị vỡ.

Theo các bài báo đã đăng, mấy chữ 鍼盤舟海去裴氏戲 được ông Tăng Bá Hoành dịch là "La bàn đi biển của Bùi Thị Hý". Tuy nhiên đây lại là một câu văn viết sai cả ngữ pháp lẫn cách sử dụng từ. Như các bài trước chúng tôi đã nói, chữ Hán trung đại có một nguyên tắc tránh viết thẳng tên huý vào văn bản. Với phụ nữ lại càng cấm kỵ. Ngày trước, trong khoa cử, khảo sinh mà phạm những điều cấm kỵ như vậy, nhẹ thì bị đánh trượt, còn nặng sẽ bị tống giam chờ Bộ Hình xét xử.

Trật tự các chữ bị sắp xếp gần giống với cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt khiến người ta đặt dấu hỏi nghi ngờ. Câu văn trên có hai vế "châm bàn chu hải khứ" và "Bùi Thị Hý". "Bùi Thị Hý" là chủ sở hữu của "châm bàn chu hải khứ" thì phải đặt lên trên "裴氏戲/鍼盤舟海去(Bùi Thị Hý châm bàn chu hải khứ). Đó là chưa nói, muốn thật chuẩn còn phải thêm sở hữu từ 之(chi) giữa hai thành phần trên 裴氏戲之鍼盤舟海去(Bùi Thị Hý chi châm bàn chu hải khứ). Nhưng ngay cả đã chỉnh sửa, câu văn này vẫn sai nghiêm trọng ở mấy chữ 鍼盤舟海去 (châm bàn chu hải khứ), bởi nó hoàn toàn vô nghĩa. Văn ngôn không bao giờ viết như vậy. Các bậc đại nho nhìn vào mấy chữ này cũng phải botay.com! Cách viết đúng phải là 鄧夫人裴氏之海指南針(Đặng phu nhân Bùi Thị chi hải chỉ nam châm): "La bàn đi biển của Đặng phu nhân họ Bùi", hoặc鄧夫人裴氏之舟指南針(Đặng phu nhân Bùi Thị chi chu chỉ nam châm): "La bàn trên thuyền của Đặng phu nhân họ Bùi".

Nhưng đấy chưa phải "gót chân Achilles" trong quá trình "sáng tác" "châm bàn chu hải khứ". Chữ (đông) được khắc trên phiến đá mới là bằng chứng sống chỉ rõ sự gian lận của ông cựu trưởng ban thông sử tỉnh Hải Hưng. Các bạn hãy nhìn, đó là chữ "đông" giản thể. Chữ này ở thời trung cổ thuộc loại "tục thể", không bao giờ hiện diện trong các văn bản hành chính của nhà nước phong kiến. Nó chỉ chỉ được sử dụng phổ biến vào thời điểm sau năm 1956 khi mà "Pháp lệnh cải cách chữ viết" của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có hiệu lực. Theo đó, hơn một ngàn chữ phồn thể được các chuyên gia của Uỷ ban Cải cách chuyển thành giản thể. Chúng tôi đoan chắc, trước năm 1956, ở Trung Quốc, không có bất cứ bộ từ điển nào có chữ 东(đông) giản thể mà chỉ có chữ 東(đông) phồn thể. Trong khi ấy, theo ông Tăng Bá Hoành, bà Hý là một tài nữ, văn võ song toàn, từng thi Hội đậu Tam trường, vậy tại sao lại viết văn bất thành cú, hơn nữa, còn sử dụng chữ giản thể vào công cụ đi biển trước khi Mao Trạch Đông ký lệnh cải cách văn tự gần sáu trăm năm?

Từ đó có thể suy ra, cái gọi là "châm bàn" ấy, trăm phần trăm là sản phẩm của mỏ đá Kinh Môn với niên đại... đầu thế kỷ XXI.


2 - Con rồng đá tự tố cáo sự gian lận

Con rồng gốm

Con rồng gốm này được cho là một trong những cổ vật tuỳ táng trong mộ bà Bùi Thị Hý. Chữ viết tuy cũng nguệch ngoạc nhưng khá rõ. Nguyên văn như sau: 光順一年光映庄裴氏戲造(Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo), nghĩa là: "Bùi Thị Hý làm con rồng (gốm) tại trang Quang Ánh vào năm Quang Thuận thứ nhất". Cứ theo dòng lạc khoản mà xét, đây đúng là thủ bút của "kỳ nữ xứ Đông". Bằng chứng thuyết phục quá chứ còn gì nữa! Với những cổ vật có niên đại 5, 6 thế kỷ đầy "tính nghệ thuật" như thế này mà đem đấu xảo, cầm chắc giá khởi điểm không dưới nửa triệu USD.

Thế nhưng, thực ra nó lại là... đồ rởm. Bởi lẽ, một người hay chữ như Bùi Thị Hý không bao giờ sơ ý đến mức viết 光順一年(Quang Thuận nhất niên). Phép ghi trong các văn bản chữ Hán vào năm thứ nhất của một niên hiệu bao giờ cũng bắt đầu bằng từ (nguyên) hay (sơ). Ví dụ 光中元年 (Quang Trung nguyên niên): Quang Trung năm thứ nhất (1789), hay 嘉隆初年 (Gia Long sơ niên ): Gia Long năm thứ nhất (1802). Đến năm kế tiếp mới tính theo số thứ tự. chẳng hạn 永盛萬萬年之四 (Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi tứ): Vĩnh Thịnh năm thứ tư (1709); 嗣德二十五年(Tự Đức nhị thập ngũ niên): Tự Đức năm thứ 25 (1872).

Đây là những kiến thức rất sơ đẳng của văn ngôn trong các văn bản hành chính thời phong kiến. Do không hiểu được nguyên tắc nên ông Tăng Bá Hoành mắc lỗi. Chuyện này sẽ ít nghiêm trọng hơn nếu ông chỉ giúp các dòng họ viết chúc văn tế tổ, xong rồi đốt thành tro, gió bay lên trời. Nhưng khi đụng chạm đến lịch sử bằng giấy trắng mực đen thì phải thật cẩn trọng, nếu không sẽ "tiếng dữ đồn xa"...


Chí Linh, 19 tháng 6 năm 2018


Đ.V.S.