Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẮC NGHẼN Ở CÁC THÀNH PHỐ LỚN – S.O.S TẦM QUỐC GIA

Nguyễn Khắc Phê
Thứ bẩy ngày 7 tháng 1 năm 2017 8:09 AM



Kết quả hình ảnh cho Tắc đường


 

Huế 5/1/2017. Xin được lưu ý: Bài này NKP đã viết và đăng báo “Văn nghệ” từ… 6 năm trước (tháng 4/2010), nay thấy báo chí khắp trong Nam ngoài Bắc nêu lên – không như một “phát kiến” thì cũng là sự chỉ đạo sáng suốt! Nghĩ mà… buồn! Ừ, tiếng nói một lão nhà văn trên 70 tuổi, ở cái thành phố nhỏ như “ếch ngồi đáy giếng”thì ai thèm nghe, sao có sức làm lung lay những “nhà quy hoạch” có các đại gia chống lưng với những tệp đô-la dầy cộp! Đưa lại bài, để thấy là dân Việt mình không… ngu!

***

Tiếng báo động (S.O.S) này đã vang lên ở nhiều diễn đàn, nhưng cần phải nhắc lại vì trong khi chúng ta chưa có quyết sách đúng tầm, lại tiếp tục có những động thái khiến tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng. Gần nhất, là chủ trương xây Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê cạnh hồ Hoàn Kiếm. Xin không bàn đến lý do hiển nhiên mà đã là dân Việt phải tôn trọng: đó là không được phép quây kín vùng đất thiêng này của Tổ quốc, biến hồ Hoàn Kiếm thành một cái “ao tù”. Năm ngoái việc xây một trung tâm khách sạn thương mại tương tự tại vườn hoa Thống Nhất (Công viên Lê Nin) đã bị huỷ bỏ chỉ vì hậu quả tiêu cực về lưu thông và môi trường mà nó sẽ gây ra thì dự tính xây Trung tâm cao tầng cạnh hồ Hoàn Kiếm càng phải kiên quyết ngăn chặn.

Tuy vậy, đây chỉ là một công trình cụ thể ở một vị trí đặc biệt và chúng ta tin rằng, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Chính phủ biết lắng nghe công luận sẽ sớm có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, chứ không chiều theo lợi ích của một đơn vị kinh doanh. Vấn đề tắc nghẽn ở các thành phố lớn - trước mắt chủ yếu là ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có tầm quan trọng, gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt ở tầm quốc gia, có thể nói là đã đến mức không chịu nổi. Đầu năm nay, kỹ sư L.H.C, nguyên là Tổng Thư ký Hội Người yêu Huế tại Pháp, sau khi về lại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã hai lần gọi điện cho tôi với nỗi bức xúc lo lắng tột độ. Ông nói đại ý: Tình hình lưu thông đi lại thế này thì nguy rồi! Không còn làm gì được nữa, không ai dám đến nữa. (Tuy đây chỉ là một cách nói, nhưng xin thử liên hệ: nếu trên lối đi vào nhà mình, luôn có vài chiếc xe chặn kín đường, liệu có ai muốn đến nữa không?) Và ông lưu ý Huế phải bằng mọi cách tránh diễn ra tình trạng của Hà Nội và TPHCM…

Thời gian này, tôi đương ở Hà Nội. Quả thật, sự tắc nghẽn nhiều khi đã đến mức không thể chịu nổi nữa. Trên đường từ khu Cầu Giấy về hồ Hoàn Kiếm, tôi đã tránh đi vào giờ cao điểm mà vẫn tắc. Ở TP. Hồ Chí Minh thì tình trạng tắc nghẽn còn nghiêm trọng hơn. Thực ra thì do công việc bắt buộc, do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, người ta vẫn phải đi làm và vẫn có người “đến” các thành phố lớn, nhưng thiệt hại do sự tắc nghẽn gây ra là vô cùng to lớn, khó tính được bằng tiền. Trong thời đại hiện nay, các công việc và thao tác phải tính tiết kiệm tới từng phút, từng giây thì hàng ngày, hàng triệu người phải lãng phí nhiều giờ, tiêu tốn thêm xăng dầu và ngạt thở vì không khí ô nhiễm. Phải nói thẳng là tình trạng luôn phải chen chúc trên những con đường nghẹt thở với những lo sợ trễ giờ, lỡ việc không khác chi sự đày đoạ con người. Chỉ riêng về mặt sức khoẻ cộng đồng và tính nhân đạo đã thấy việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông là hết sức cấp bách.

Đây là hậu quả sai lầm của quản lý và quy hoạch đô thị qua nhiều năm, cũng là quy luật tự nhiên “nước tụ về chỗ trũng”, không dễ giải quyết nhưng thiết nghĩ nếu không đặt vấn đề đúng tầm nghiêm trọng của nó để tập trung trí tuệ và nguồn lực từng bước khắc phục thì hậu quả tai hại sẽ không lường hết được; ở hai thành phố là đầu não chính trị và đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM thì hậu quả đương nhiên ở tầm quốc gia. Nhưng vấn đề cũng phải đặt ra cấp thiết ở các thành phố khác. Một việc có thể thực hiện ngay là các cấp chính quyền tuyệt đối cấm xây các nhà cao tầng ở trung tâm đô thị lớn, chứ không chỉ riêng với Trung tâm thương mại bên hồ Hoàn Kiếm. (Vì một lý lẽ hết sức đơn giản: Không kể các đô thị mới khi quy hoạch giao thông đã tính tới mật độ phát triển trong tương lai với rất nhiều nhà cao tầng, còn ở các “đô thị cũ” con đường thường chỉ bảo đảm lưu thông với số dân cư của các dãy phố 2-3 tầng, nay “chồng” lên 9-10 tầng thì tắc nghẽn là điều tất yếu.) Mặt khác, để tránh “nước tụ về chỗ trũng” thì phải tạo những “chỗ trũng” khác (trong đó có các đô thị “vệ tinh”) với các chính sách ưu đãi, khuyến khích về đầu tư và đời sống để thu hút dân cư từ các trung tâm ra bên ngoài. Việc nhiều công nhân ở các tỉnh miền Trung không trở lại làm việc tại TPHCM sau dịp Tết vừa qua, về một mặt nào đó, là dấu hiệu đáng mừng. Các giải pháp khác như xây đường tàu điện ngầm, đường vượt trên cao, phân luồng giao thông … phải được xem xét, tính toán một cách thật khoa học và phải được tập trung, ưu tiên thực hiện như với một chiến dịch lớn có tầm ảnh hưởng quyết định đến chiến cuộc như trong thời kỳ chiến tranh.

Tôi tin rằng, nếu cấp chiến lược đặt vấn đề ở tầm mức quan trọng như thế thì tình trạng tắc nghẽn ở các thành phố lớn sẽ dần được giải quyết.