Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỪ HỒ GƯƠM MƠ VỀ MỘT NGÀY YÊN Ả

Nguyễn Anh Dũng
Thứ năm ngày 3 tháng 11 năm 2016 7:38 PM




Tản văn

Hôm chủ nhật 10/7, ra Bờ Hồ để nếu có biểu tình phản đối Formosa, kẻ gây thảm hoạ cá chết, cũng muốn làm một hạt cát. Thấy Hồ Gươm, điểm nhấn của ngàn năm lịch sự nước Việt, yên bình vì không có biểu tình, bỗng dưng tràn về cảm xúc… giá như. Giá như ngày nào cũng vậy cuộc sống bên hồ đều tràn ngập không khí thanh bình, chỉ có thể cảm nhận được tiếng động của thời gian trôi mà thôi.

Từ 5 năm nay, mình bỗng dưng thành người phố cổ vì mỗi chủ nhật không ra Bờ Hồ là nhớ. Nỗi nhớ thật lạ lùng, như đánh vào niềm tin ẩn sâu, đánh thức nỗi đau thầm kín như đã bị vô cảm hoá, bị đánh cắp và cảm thấy ân hận nếu như mình không đến gặp nó, không gặp nó tức là mình đã buông rơi, cũng tức là cuộc đời mình cũng chấm hết, không còn ý nghĩa.

Quả thật, theo nếp xưa vẫn nghĩ, khu vực thiêng này của Hà Nội với mình luôn là sự sôi động. Sôi động trong yên ả thì thấy thanh bình hơn, nhộn nhịp trong cảm xúc thư thái thì thấy ấm áp hơn. Với mình, nơi đây sôi động không hẳn vì nó là nơi buôn bán hay là trung tâm của chính trị, kinh tế, văn hoá mà người đời khi nói về nó là nhắc đến những thứ đó. Mình không ưa kiểu nói vô hồn lặp đi lặp lại một điều cũ kỹ, giả tạo và muôn đời đúng đó. Mình thấy nó sôi động vì chính tại đây, nhận ra sự thiêng liêng của hồn khí núi sông, của chiều dày lịch sử, của sức mạnh tuổi trẻ, những người dám quả cảm dấn thân, tràn đầy khí phách, những người chủ thật sự của đất nước. Ở đây, mình biết ngưỡng mộ, biết cảm phục và hơn tất cả, mình hiểu rõ lòng mình, hiểu rõ suy nghĩ và con người mình hơn.

Bỗng thấy tiếc phần thời gian đã qua, vậy là quá chậm! Đi gần hết cuộc đời, cũng gọi là có chút từng trải, thế mà đến đoạn cuối này mới nhận ra, nhận ra cái điều phi lý mà mình và những người cùng thời đã từng mặc nhiên công nhận, cho dù có lúc nào đó, cũng tự hỏi, tự chất vấn: lẽ nào và vì sao?

Hoá ra, niềm tin, sự hy sinh, phấn đấu của một con người nhiều khi đặt không đúng chỗ. Thời của mình có rất nhiều người như vậy.

Những ngày xa xưa trong chiến trường, những đêm vắt vẻo trên võng dưới bàu trời vuông (Nguyễn Duy), mình đã từng mơ về một đất nước thanh bình, đã từng mong ngóng đến ngày im tiếng súng với tấm thân lành lặn về nhà gặp cha gặp mẹ. Hình như mình đã được thoả mãn.

Tại sao lại hình như? Bởi vì đã lành lặn trở về và được gặp cha, gặp mẹ. Người lính Việt những ngày chiến tranh không có mơ ước cao xa, không có mơ ước cầm cây gậy thống chế như Na-pô-lê-ông đâu, điều ước mong duy nhất là giữ được cái “gáo”, trở về với gia đình, với quê hương. Còn vì “hình như”? Đó là điều khó diễn đạt. Có thể là trong con người mình, có gì đó chưa thoả mãn.

Và nhận ra, đất nước vẫn chưa một ngày thanh bình. Tất cả những ngày thanh bình mà ta được hưởng vừa qua xen lẫn rất nhiều mất mát, đau khổ mà rất nhiều người không biết (lại phải dùng đến từ rất nhiều). Đặc biệt là những mất mát. Dân ta mất gì và được gì? Câu hỏi của người bình thường là “được gì?” trong thời gian vừa qua. Còn mình, mình nói về cái mất.

Cái mất rõ nhất trong phạm vi cả dân tộc là sự thua thiệt toàn diện so với lân bang, những kẻ từng ngả mũ mong muốn được như dân ta. Chẳng hiểu các nhà khoa học nghiên cứu tính toán ra sao và người ta nhận ra, nếu được như họ hôm nay, chúng ta cần có nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ là 50 năm. 50 năm là mấy phần đời con người.

Cái mất khác là trên chiến trường phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh biên giới dài đằng đẵng những chục năm, từ 1979-1988, chúng ta đã mất đi một thế hệ trẻ. Chẳng cuộc chiến nào mà không có sự hy sinh của lớp người này. Nhìn hàng hàng lớp lớp bia mộ nghiêm trang lặng im kia, chỉ thấy những bộ mặt măng tơ tuổi hai mươi, cái tuổi quý giá nhất của một đời người.

Nhưng đến nay, dẫu đã có sự cơi nới phần nào, những linh hồn đó vẫn chưa thật yên tĩnh. Chúng tôi, những đồng đội của những linh hồn đó vẫn hàng năm gặp nhau để ôn lại những ngày oanh liệt của một thời trẻ trai. Chúng tôi, dù người khoẻ hay kẻ yếu, người thành đạt hay kẻ vẫn sấp mặt vào miếng cơm manh áo, vẫn nhớ đến các bạn, những người bạn trẻ. Các bạn sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho đất nước này. Người đời thường nói những người chết trẻ rất thiêng. Mình tin như thế.

Vậy mà sự hy sinh của các bạn vẫn chưa được người đời đánh giá đúng mức. Thậm chí một thời gian dài bị lờ đi. Rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ hôm nay, những gười bằng tuổi thế hệ chúng ta hơn ba chục năm về trước không biết có một Vị Xuyên, không biết có một Gạc Ma. Một cái quyền làm người bị xâm phạm nhưng không mấy ai biết, đó là quyền được thông tin và được biết sự thật. Đó chính là nỗi đau mà người dân Việt Nam đã hy sinh phải chịu. Một nỗi đau phi lý hết sức!

Cũng từ những năm 1988 về sau, thông tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc dường như bị cấm. Tiếp đó là cuộc đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo cũng chẳng mấy ai hay. Những người lính hải quân cũng như những người dân chài hiền lành xa gia đình ra giữ biển có khác gì ngày xưa đội Hoàng binh Hoàng sa dưới triều Nguyễn. Sự hy sinh của họ có được coi như những người đã xả thân vì biển trời Tổ quốc như bất cứ con dân đất Việt nào ngã xuống vì đất nước?

Lan man nghĩ ngợi thấy quý giá vô cùng những ngày thanh bình không tiếng súng. Quý giá hơn nữa, nếu ở Hồ Gươm này chỉ là những du khách đi chơi, ngắm cảnh, những cặp đôi đang nói về ngày mai, trong không gian thanh bình rất nhiều màu xanh và ngập đầy dấu ấn, ký ức các thế hệ trước đã bước qua. Hãy bớt đi những bóng áo xanh, áo vàng mang hơi hướng bạo lực, hãy bớt đi những kẻ mang bộ mặt trẻ trung nhưng trái tim vô cảm, khô cứng với đồng loại. Ở một nơi linh thiêng như thế kẻ nào có hành động trái với lương tâm, bỉ báng tổ tiên sẽ bị các Ngài quật chết.

Và rồi một ý nghĩ chợt đến về cụ rùa. Những ngày này, Hồ Gươm không chỉ là nơi “lắng hồn núi sông”, Hồ Gươm không chỉ gói tròn những cái thiêng xưa cũ của cụ rùa nữa. Hồ Gươm đang là nơi tập trung để người dân biểu thị thái độ với chính quyền, để người dân biểu lộ thái độ và tình cảm trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Hồ Gươm là tiếng nói, Hồ Gươm trở thành một biểu tượng đấu tranh và ý chí của người dân Việt trước vấn đề chủ quyền, tồn vong đất nước. Hồ Gươm là trung tâm thời cuộc chính trị với giá trị, phẩm giá càng ngày càng cao cho những ai dám xả thân vì đất nước. Hồ Gươm đã đi xa hơn trong giá trị của nó.

Nhưng người dân vẫn mơ có một Hồ Gươm yên ả, thanh bình. Giăc mơ mang sự bay bổng và lãng mạn của tâm hồn con người.

Rồi sau này, trong một cuộc chuyện vui của những người hay nhớ Bờ Hồ, có những người bạn nói với nhau “chiến trường quen thuộc: Hồ Gươm”