Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỨC MẠNH KỲ DIỆU TRONG MỘT CÂY BÚT

Trần Đăng Thao
Thứ năm ngày 13 tháng 10 năm 2016 5:18 AM





(Cảm nhận khi đọc cuốn sách LÀM BÁO – MỰC MÀI NƯỚC MẮT của Lê Khắc Hoan – NXB Tổng Hợp TPHCM 2016)

 


Tính đến nay, bản thân tôi và nhà văn, nhà báo, nhà giáo lão thành Lê Khắc Hoan đã có 30 năm gắn bó thân thiết trên tình anh em, nghĩa đồng nghiệp. Tôi nhận thấy ở con người này có nhiều chuyện lạ kỳ. Những điều kỳ lạ đó, theo thời gian dồn nén, trầm tích lại làm nên vẻ đẹp lung linh, kỳ diệu và sự sung mãn trong bút lực của ông.

Cách đây 2 năm, Lê Khắc Hoan trình cuốn sách Trăm năm ly hợp tại cuộc Hội thảo ở Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Lần đầu tiên, một cuốn gia phả đã vượt ra khỏi khuôn khổ ghi chép về một gia tộc, mang đậm nét tác phẩm ký văn học với dấu ấn thời đại sâu sắc.

Hôm nay ở tuổi 80, vị lão tướng ấy lại tiếp tục tung tẩy với trên 400 trang viết của một cuốn sách không kém phần kỳ lạ nữa: Làm báo – Mực mài nước mắt. Đây cũng là cuốn sách quý hiếm ở Việt Nam viết về chuyện bếp núc báo chí thuần túy, chắt ra từ cuộc đời làm báo đầy ắp những thăng trầm, tại một tờ báo chủ lực (Báo Giáo dục và Thời đại) của bản thân ông (cùng với cuốn: 40 năm nói láo của nhà văn Vũ Bằng viết về diện mạo báo chí Việt thế kỷ XX).

50 năm trước, nhà văn Dương Đình Hy đã từng dự báo: “Trong số những cây bút văn chương tòng nhiệm ngành giáo dục nước nhà, hiện tại nổi bật có Ma Văn Kháng và Lê Khắc Hoan”. Đến hôm nay nhìn lại, chúng ta thấy nhận xét của ông là hoàn toàn chuẩn xác, với Ma Văn Kháng. Còn với Lê Khắc Hoan, cũng đang được khẳng định một cách lạ kỳ.

Sống và làm việc với Lê Khắc Hoan, tôi phát hiện ra ông có một trí nhớ đến lạ lùng, cho đến hôm nay năng lượng trí tuệ ấy vẫn không hề giảm sút. Ở ông có sự bù trừ rất rõ ràng. Lê Khắc Hoan bị nặng tai tới 40 năm, phải dùng máy trợ thính từ những năm 80 của thế kỷ trước. Song bù lại ông có sức làm việc rất khỏe, cần mẫn, khoa học. Những cuốn sổ tay công tác được ông ghi chép rất tỉ mỉ, kỹ càng, chỉ cần nhìn vào đó đã thấy sự ngăn nắp với những con chữ đầy ắp. Ông giữ gìn chúng cẩn thận. Vì thế chúng là kho tư liệu quí, bổ ích, mỗi khi ông cần viện dẫn, trích dẫn, ngày nào, tháng nào, sự kiện gì đểu chuẩn mực. Là típ người của thời bao cấp, ông có dáng vẻ khắc khổ và rất nghiêm khắc khi vào công việc. Còn nhớ năm 1989, ba phóng viên chúng tôi trong đoàn công tác do ông phụ trách đi Vĩnh Phúc – Phú Thọ - Lạng Sơn. Vừa mới tới Hợp Thịnh, cậu H – Phóng viên trẻ không biết xí xớn thế nào mà về muộn để cả đoàn phải chờ, thế mà bị trưởng đoàn đuổi thẳng cánh, đành lủi thủi khoác ba lô ra đường bắt xe về Hà Nội. Trong công việc thì “hắc” như thế, song trong cuộc sống thường nhật lại rất dịu dàng, đặc biệt rất biết quý trọng những tài năng. Âu cũng là một cái sự lạ nữa ở Lê Khắc Hoan vậy.

Hiện nay, ở tuổi 80, sức khỏe có giảm nhưng sức viết không hề giảm. Cả nghìn trang của hai cuốn sách để đời trên đây là minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Đọc Làm báo – Mực mài nước mắt là đọc cuốn sử biên niên báo chí suốt 50 năm của ngành giáo dục. Ở đó ta có thể bắt gặp một kho tư liệu chân thực đầy ắp những sự kiện, người và việc, xuyên suốt những năm tháng làm báo cam go, gian khổ của 30 năm thời bao cấp, thời chống Mỹ cứu nước. Lê Khắc Hoan đã khắc họa khá đậm nét chân dung của các vị Tổng biên tập tiền nhiệm của tờ báo từ thời Người giáo viên nhân dân đến thời Giáo dục và Thời đại hôm nay. Vị Tổng biên tập đầu tiên Tô Văn Của vốn là chủ tịch tỉnh Biên Hòa. “Cao lớn dềnh dàng, mắt hơi xanh, mũi hơi lõ, rất giống tây lai”, là một nhà lãnh đạo cực kỳ khó tính, duyệt bài của phóng viên tới 4-5 lần mới cho đăng. Ông Của rất coi trọng sứ mệnh chính trị và vai trò tuyên truyền cổ động của Báo. Và lạ nhất, có lẽ lạ tới chưa từng có ở đất nước này là chuyện ông đã ký duyệt cho đăng bài viết 8/8 trang báo để tuyên truyền cho gương sáng Cẩm Bình. Chính ông đã cùng phóng viên lăn lộn bám sát cơ sở, viết bài và theo đuổi đến tận khi điển hình Cẩm Bình trở thành ngọn cờ anh hùng. Tổng biên tập Hoàng Trọng Hanh vui vẻ dễ dãi. Tổng biên tập Trường Giang có công lớn trong việc đổi mới tờ báo, song lại “giữa đường đứt gánh” phải hạ cánh đột ngột giữa lúc tờ Giáo dục đang đổi mới có kết quả, rất cần người chèo lái như ông. Tổng biên tập Trần Đăng Thao là tấm gương học tập và hết lòng chăm lo đời sống học tập cho mọi cán bộ, phóng viên, tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới đi đến thắng lợi.

Xuyên suốt 400 trang sách, tác giả Làm báo – Mực mài nước mắt đưa ta đi khắp các nẻo đường Tổ quốc, theo bàn chân của đội ngũ nhà báo giáo dục ưu tú, để viết về những điển hình cá nhân, tập thể anh hùng, để đấu tranh không khoan nhượng với những việc làm sai trái, trái với luật pháp và trái với đạo làm thầy. Từ những bài báo nóng hổi hơi thờ của cuộc sống ấy toát ra tâm thế và khí phách cao đẹp của nghề, của người.. Hình ảnh nhà báo Lê Khắc Hoan trường kỳ mai phục 10 ngày đêm lấy được một tấm vé ô tô lên Tuần Giáo, từ đó lặn lội tìm đến Ty giáo dục, rồi lại cuốc bộ 7 ngày xuống cơ sở ở xã Mù Cả, bám trường, bám bản cùng ăn cùng ở với thầy cô giáo, với cha mẹ và các em học sinh một tháng để hoàn thành một xê-ri báo cả chục bài thật cảm động. Nhà báo ấy lúc trở về bằng xe đạp, từ Mù Cả ngược Lai Châu, Phong Thổ, rẽ Tam Đường về Lào Cai, vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn, băng qua thác lũ về tới Hà Nội trên quãng đường hơn 600 km thật là câu chuyện xúc động về tấm gương sống hết mình với nghề nghiệp. Chuyện nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ đội bom vào Đức Thọ giữa vùng chiến tranh ác liệt để viết về anh hùng Nguyễn Thị Thảo, chuyện chuyến đi Pù Nhi gian khổ nhớ đời, 4 ngày cuốc bộ, leo núi để viết về anh hùng Nguyễn Xuân Trạc, chuyện Hoàng Minh Tường lăn lộn xuống cơ sở cùng Tổng biên tập thu thập tài liệu viết về người thầy giáo anh hùng Nguyễn Đức Thìn của trại phong Quỳnh Lập, chuyện những chuyến hành quân ra biên giới những ngày đánh quân bành trướng… mang đậm nét anh hùng của các nhà báo - chiến sĩ.

Lê Khắc Hoan có lối viết rất hấp dẫn. Ông biết khai thác thế mạnh của thể ký văn học., cùng với sự thể hiện sắc sảo, tài hoa, nên các trang viết có sức hút mạnh mẽ. Ngồn ngộn sự kiện, nóng bỏng và sống động, lại mang đậm phong cách bi - hài nên tác phẩm càng có sức hấp dẫn. Đọc Lê Khắc Hoan là đọc một sức lôi cuốn lớn, một lối viết chỉn chu, khoa học, dí dỏm và thông tuệ. Nhiều chuyện “cười ra nước mắt”. Ví như chuyện đoàn nhà báo tập sự làm ăn, ra ngoài thương trường buôn 3 tạ muối, chất chình ình giữa ô tô ngược lên Sơn La. Kết quả là muối ế, không sao tiêu thụ được, phải bán tống bán tháo đi để trở về. Chuyện cả cơ quan báo đi “làm kinh tế”, cuốc đất, nhặt cỏ, vỡ ruộng, trồng khoai, tốn hàng trăm công lao động, cuối cùng chỉ được lưng rổ khoai, đủ để toàn cơ quan chén một bữa thòm thèm. Chuyện cái chết tức tưởi của tờ tạp chí Thế Giới Mới yêu quý do sự buông lòng một cách vô trách nhiệm của các cấp quản lý, thật đau lòng. Chuyện yến tiệc rôm rả của đoàn ký giả khi xuống cơ sở vừa bi vừa hài, được đúc kết thành thơ: “Lúc đến hai gà chào đón khách / Khi đi một chó tiễn đưa đoàn”!

Ngoài những trang viết sống động, đầy ắp những tư liệu quý về nghề báo và đời sống giáo dục của đất nước, Lê Khắc Hoan còn dành nhiều dung lượng để nói sâu về chuyện bếp núc, chuyện nghề nghiệp, từ kinh nghiệm đi xuống cơ sở, cách gặp gỡ tiếp xúc để khai thác, để thu thập tư liệu, đến cảm hứng nghề nghiệp, nghệ thuật biểu hiện, cách chắt lọc, xử lý và thủ pháp điển hình hóa. Cuốn Làm báo – Mực mài nước mắt như một cẩm namg nghề nghiệp hết sức bổ ích cho những người viết báo.

Lê Khắc Hoan một đời dạy học, một đời làm báo đã gặt hái được những thành tựu xuất sắc. Ba cuốn sách Mái trường thân yêu, Trăm năm ly hợp, Làm báo - Mực mài nước mắt của ông có thể coi là kết tinh một đời văn chương, bền bỉ, tài hoa của cây bút lạ lùng này. Mong ông luôn khỏe, tiếp tục có những cống hiến mới với bút lực sung mãn của mình.

(Nguồn: Báo Văn Nghệ số 38 ra ngày 17/9/2016)