Trang chủ » Tin văn và...

"HOÀNG SA LÀ BIỂN CỦA MÌNH SAO TÔI PHẢI SỢ"

Công Xuân
Thứ hai ngày 11 tháng 7 năm 2016 1:58 PM


(Dân Việt) Câu nói tự tin và đầy "chất thép" ấy không phải được thốt ra từ miệng ngư dân - những người trực tiếp bám biển; mà từ người phụ nữ vốn cả đời chỉ quen chuyện "bếp núc", chưa một lần theo tàu ra khơi, chỉ biết nguy hiểm ngoài khơi xa qua lời kể của chồng.


Với ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, việc gặp tai nạn, rủi ro trên biển-đặc biệt bị Trung Quốc rượt đuổi, cướp phá tàu, tài sản và thiết bị trái phép khi đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam-nhiều vô kể.

Với thời gian chưa đến 6 năm, nhưng đến gần cả chục lần bị mất phương tiện và bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cướp tài sản rồi đâm chìm là trường hợp của chủ tàu, kiêm thuyền trưởng Võ Văn Lựu (sinh 1966), ở thôn Châu Thuận Biển.

vu tau ca bi dam chim: "hoang sa la bien cua minh, sao toi phai so" hinh anh 1

Bà Năng những văn bản viết gửi trình báo cơ quan chức năng việc bị Trung Quốc cướp tài sản tại Hoàng Sa.

Theo lời bà Nguyễn Thị Năng (sinh 1965), vợ thuyền trưởng Lựu, lần thiệt hại lớn đầu tiên của gia đình bà, đó là vào năm 2010. Vào thời điểm này, thấy nhiều chủ tàu ở địa phương đưa phương tiện sang Malaysia đánh bắt khá hiệu quả, sau khi vợ đồng ý, ông Lựu quyết định đưa phương tiện "xuất ngoại".

Tuy nhiên, vốn không quen với chuyện làm thủ tục giấy tờ để xin phép, vợ chồng bà Năng nhờ người làm giúp.

"Không biết họ làm thế nào, thế nhưng khi đưa phương tiện qua Malaysia đánh bắt chưa được bao lâu, thì bị nhà chức trách nước này bắt vì lý do giấy tờ bất hợp pháp" - bà Năng kể.

Theo đó, không chỉ chiếc tàu trị giá hơn 2 tỷ đồng và toàn bộ ngư cụ, thiết bị bị tịch thu, ông Lựu còn bị cơ quan chức năng nước này bắt giam gần 9 tháng sau mới thả.

Trở về nước với bàn tay trắng, vợ chồng ngư dân Lựu lại vay mượn để đóng lại chiếc tàu nhỏ, có công suất 190 Cv để tiếp tục ra khơi.

Một thời gian sau, nhận thấy với chiếc tàu có công suất nhỏ thế này khó để vươn ra Hoàng Sa đánh bắt dài ngày, đến năm 2013, cùng với số tiền đã tích cóp được, vợ chồng ngư dân Lựu vay mượn thêm để mua chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90479 Ts, có công suất 430 Cv, với trị giá trên 2 tỷ đồng.

Thế nhưng "vận đen" lại đến và cứ bám riết vợ chồng bà Năng. Sau gần 3 năm kể từ lúc mua về và trước khi bị tông chìm tại vùng biển Hoàng Sa vào ngày 9.7 vừa qua, cũng tại vùng biển này, ngoài hàng chục lần bị Trung Quốc rượt đuổi; tàu cá mang số hiệu QNg 90479 Ts của vợ chồng bà Năng đã 2 lần bị phía Trung Quốc cướp tài sản, gây thiệt hại trên 770 triệu đồng.

vu tau ca bi dam chim: "hoang sa la bien cua minh, sao toi phai so" hinh anh 2

Bà Năng đang theo dõi thông tin chồng của mình là ông Lựu tại đài Icom cộng đồng sau khi được cứu vớt.

Thiệt hại là vậy, nhưng khi nghe hỏi vì sao nhiều lần bị tàu Trung Quốc đuổi cướp mà không khuyên chồng đưa tàu đến khai thác ở những vùng biển khác, bà Năng bình thản: "Hoàng Sa là biển của mình và cá tôm ở đây rất nhiều. Vì sao tôi lại phải sợ tàu Trung Quốc và khuyên chồng đưa tàu đi nơi khác đánh bắt?!".

Câu nói tự tin và đầy "chất thép" từ một người phụ nữ, vốn cả đời chỉ quen chuyện "bếp núc", chưa một lần theo tàu ra khơi và chỉ biết nguy hiểm qua lời kể của người chồng như bà Năng, phần nào đã lý giải vì sao dù luôn bị phía Trung Quốc cướp phá tài sản, gây thiệt hại tài sản lên đến tiền trăm tỷ đồng nhưng ngư dân Bình Châu vẫn luôn kiên cường đưa phương tiện ra bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Trước đó, báo Dân Việt đã phản ánh, ngày 9.7, khi đang cùng 4 ngư dân hoạt động khai thác tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá mang số hiệu QNg 90479 Ts, do ngư dân Lựu làm chủ, kiêm thuyền trưởng đã bị tàu Trung Quốc tông chìm. 5 ngư dân trên tàu cá bị nạn, đã được một tàu cá đánh bắt ở gần đó cứu vớt.

Tag: Tàu cá Việt Nam, đâm tàu, chìm tàu ở Hoàng Sa, tàu Trung Quốc, tàu Việt Nam, tàu cá