Trang chủ » Tin văn và...

HỘI NGHỊ LÍ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC LẦN THỨ 4

Trần Nhương
Thứ hai ngày 27 tháng 6 năm 2016 10:18 AM



TƯỜNG THUẬT TẠI CHỖ


TNc; Bản web đang có mặt tại Tam Đảo đề tường thuật trực tiếp Hội nghị lí luận, phê bình văn học lần thứ 4. Đường truyền kém nên tác nghiệp khó khăn xin được thông cảm.

8 giờ 25-6 khai mạc. Gần 200 nhà văn có mặt và khách mời của Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.Trước giờ khai mạc nhà văn Nguyễn Văn Hạnh tuổi ngoại 80 bị đột quỵ. Hiện đang cấp cứu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khai mạc và thông báo quy chế. Giọng ông kém hào sảng so với trước nhưng vẫn khúc triết
Mở đầu Phan Trọng Thưởng đè dẫn. Nghe lí luận đầy mình và mờ nhạt không có ấn tượng.
Tiếp theo là Nguyễn Văn Dân dịu dàng trái ngược với với diện mạo chuẩn men của ông. Ông cho rằng đội ngũ LLPB rất chuyên nghiệp !
 


Chu Lai đi ra ngoài hút thuốc, ông cẩn thận gửi Văn Giá cái ghế, đông quá nên ghế ngồi thành vấn nạn. Chu Lai vừa đi thì Hữu Việt đã chiếm ghế, không biết có định trả lại Chu Lai không.? 

Trần Thị Trâm tham luận nói vo là chính. Chị phản nói phê bình không chuyên nghiệp. Có cả một hội đồng danh giá của Hội do nhà lí luận Phan Trọng Thưởng làm Chủ tịch tại sao lại không chuyên nghiệp nhỉ ?. Chị Trâm nói như đúng rồi là các nhà phê binh có học tử tế và cần phát huy nội lực,( Không biết các nhà sáng tác có học hành ra hồn không nhỉ ?). Như vậy các nhà lí luận đã mâu thuẫn Nguyễn Văn Dân nói chuyên nghiệp, Trần Thị Trâm nói không chuyên.

Nguyễn Hòa "Cây búa và bàn phím" đang phát biểu, ông cho rằng Hậu hiện đại tương ứng với chủ nghĩa tư bản đa quốc gia Ông nói đừng sa vào chủ nghĩa mà tắc tị.

.Nhà văn Trần Văn Tuấn từ Sài Gòn ra đọc tham luận.

Nhà văn Thùy Dương có một tham luận rất hay, chị cho rằng kinh tế,chính đang có nhiều xáo trộn và bi quan nhưng với văn chưa đến nỗi bi quan. Chị dẫn lời Chua ki tô "Người khỏe mạnh thì không cần thày thuốc". Chị đau đáu với nỗi khổ của nhân dân và mong văn chương có tiếng nói bênh vực họ.

Ông Đào Duy Quát thấy lí luận nghe mãi hóa buồn ngủ. Nhớ Hội nghị lần thứ 3 cũng tại đây, ông Quát phát biểu rồi về thẳng Hà Nội. Sau đó Nguyễn Hòa lên chơi luôn bảo ông Quát chỉ nói cho mọi người nghe còn không nghe mọi người nói. He he
(Tối 26-6-2016 tôi gỡ ảnh của ông Đào Duy Quát vì không cần để thêm nữa)



Đỗ Thị Tấc từ Lai Châu về chào trannhuong.com


Dich giả Thúy Toàn nói về văn học dịch, ông bảo mạnh ai nấy làm không quy hoạch và không chọn lựa. Bài tham luận của ông bị rung chuông đến 2 lần mà ông chưa ngừng. Đúng là bao niềm trăn trở muốn trút ra nên phải dài dòng.

Lúc này các nhà văn kéo ra hành lang uống nước, lần nào cũng thế lúc đầu không có ghế ngồi sau rồi thưa vắng thừa ghế.




Thùy Dương tham luận





Chu Lai lên án Tam Đảo mát giờ nên làm mắt ông ríu lại

Lại Nguyên Ân phát biểu

Buổi sáng rất nhiều tham luận, chủ tọa gồm Chủ tịch Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Phan Trọng Thưởng thay nhau điều khiển. Nhìn chung các tham luận về đổi mới cũng không đổi mới gì. Hì hì

Buổi chiều mở đầu là ý kiến của Lại Nguyên Ân. Ông nói cần đánh giá lại các nhà văn hóa thời thực dân. Do vậy ta cần đánh giá lại công tội của CN thực dân. Lại Nguyên Ân nói to nghe rất hùng tráng. Bọn thực dân có công đào tạo ra lớp trí thức có học. Vậy những người này cần đánh giá khách quan, họ có đóng góp., có lợi cho dân tộc. Ý anh Nguyễn Văn Dân nói về tác phẩm lớn thì cần có cân đong và chờ đợi. Căn cứ  ý thức hệ hệ trọng nếu tác phẩm mà nhà cầm quyền không thích thì khó. Ngay cả Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn nó phải có gì đó nên sống lâu. Các nhà quản lí hãy xem vào TPP thì mô hình các Hội thế nào, có đến 11 triệu công chức dân nuôi sao đây.


Tứ trụ Chủ tịch đoàn và Phạm Khải đang phát biểu

Phan Trọng Thưởng nói lại không phải đánh giá lại CN thực dân mà đánh giá lại các trào lưu văn học..


Nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết hội nghị


.Bây giờ Đông La lên diễn đàn. Đông La nói tôi phê bình tuốt từ ông Nguyên Ngọc, ông Trần Mạnh Hảo, ông Phạm Xuân Nguyên... Nếu tôi nói sai họ kiện tôi. Có lẽ Đông La hơi cực đoan, giọng xứ Quảng lại khó nghe.Nay mai tôi xuất bản tập sách sẽ công bố các bài viết đó. Về Thơ thì tục tĩu, xúc phạm cả lãnh tụ sao gọi là đổi mới. Đông La còn nói có một số người viết mong giải ngân của nước ngoài...Ông nói vậy có nghĩa có người viết bị nước ngoài chi phối ?

Nguyễn Khắc Phê cho rằng nữ quyền là vấn đề lớn, nó rộng lón. Nữ mỗi tháng có một trứng rụng còn nam thì vô biên. Ông nói đến số phận nhiễm độc miền Trung là một di họa không kem da cam. Hiểm họa Tổ quốc từ rừng tới biển, mặt trận không tiếng súng. Tôn thờ dự án, tư bản thân hữu đang chi phối. Tôi mong những trang văn về đàn cá chết oan, về cuộc tháo chạy khỏi môi trường độc hại. Tôi mong các nhà văn trẻ hãy lăn vào cuộc sống để có trang văn có lửa.

Trịnh Công Lộc nói về thơ đổi mới

Chu Lai và Tô Hoàng rất đắm đuối

Trần Ninh Hồ ục ịch lên diễn đàn. Ông nói về thơ đổi mới, lại nhắc mấy tên tuổi cũ đã dài dài. Ông vừa "Vấn đề thứ hai là phân kì"  thì vỗ tay rào rào mời xuống. Khổ thân ông chưa nói hết lời, thơ phú nó lớp lang, nó linh thiêng phải nói ngọn ngành chứ, chưa nói đã mời xuống là sao ?

Mai Nam Thắng một nhà thơ đại tá quân đội phát biểu.

Bây giờ Lê Phương Liên nói về văn học thiếu nhi. Viết về thiếu nhi tức là nhân dân sắp lớn. Các em có góc sân còn có khoảng trời

Văn Chinh lên diễn đàn ông phản đối Đông La nói có nhà văn liên quan đến Việt Tân, tôi ở HNV lâu rồi không hề có chuyện đó, 23 năm tôi không thấy một nhà văn nào phản động, còn người mới kết nạp thì tôi chưa biết. Văn Chinh đá xoáy câu này cũng hiểm. Văn Chinh còn nói nhà văn VN đã nín nhịn lắm rồi.

.Văn Chinh vừa bước xuống thì Đông La chạy lên phang liền: Tôi không nói thế, tôi nói có người viết mong bọn nước ngoài giải ngân. Ôi kinh bỏ mẹ. Hội trường nóng lên !

Phạm Khải lên nói ngắn gọn.

Bùi Việt Sỹ lên rủ rỉ vì nói to cũng mệt. Ông nói dài dòng giọng lại buồn ngủ nên hội trường vỗ tay mời xuống. Ông kiên cường nói tiếp. Ông bình chọn 10 tiểu thuyết ấn tượng như.. Bến không chông, Nỗi buồn chiến tranh, Đi về nơi hoang dã, Hồ Quý Ly,...Lại vỗ tay, Bùi tiên sinh nói "Tôi chưa hết giờ". Lại vỗ tay nữa, Bùi Việt Sỹ vẫn bám trụ diễn đàn

Kiều Vượng vừa vượt qua bệnh trọng lẫm chẫm lên diễn đàn. Mái tóc bềnh bồng và khuôn mặt hồng hào, giọng nói xứ Thanh nghe rất chất

.Nguyễn Văn Lưu nói ma trận xuất bản bây giờ nằm trong tay các đại gia. Sách văn chương giải thưởng không ai mua. Vậy mà sách dậy làm tình sao cho cực khoái, thậm chí còn khóa chân tay người tình để chơi cho đã. Thế đấy bị lũng đoạn hết .Lưu tiên sinh nói lịch sử đã đánh giá CN thực dân có tội gì với nước ta, cần phải xem xét kĩ lưỡng. Nguyễn Văn Lưu đang nói thì mất micro.

Trầm Hương người Sài Gòn lên diễn đàn. Micro rú lên rồi lại ngon lành. Chị nói tôi là một phụ nữ dấn thân vào văn chương. Chị kiến nghị nên có chiến lược dịch văn học, quảng bá bằng vài hội nghị chẳng ăn thua. Nhà nước cần có chiến lược.

Sương Nguyệt Minh nói mong các nhà lí luận phê bình hãy chỉ cho chúng tôi những nhà sáng tác (ông này giả vờ khiêm tốn cho các nhà LLPB tưởng bở).. Tôi cứ viết theo tạng của tôi, cái tôi cảm hứng. Thì vưỡn !

Cuối chiều, nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết hội nghị. Khúc triết và khái quát 80 bản tham luận một cách khéo léo và tròn trịa mọi vấn đề. Ông cho rằng văn học thật sự đổi mới, nhiều khu vực cấm kị giờ văn chương đã khai thác, con người được phản ánh trần trụi vốn như nó có. Ông thông báo, trong năm nay sẽ có một hội nghị Văn chương hòa hợp từ các nhà văn vốn trước đây là hai phía. Nếu được tổ chức sẽ góp phần hóa giải sự chia cắt đằng đẵng...

Tin giờ chót nhà văn Nguyễn Văn Hạnh 86 tuổi nguyên phó ban Văn hóa tư tưởng, đã được cấp cứu tại bệnh viện Vĩnh Yên. BTC đã điện cho gia đình nhà văn từ Sài Gòn bay ra. Hôm nay đã tiêm một mũi chống xuất huyết não giá 20 triệu, Hội Nhà văn sẽ tài trợ tiền thuốc. Cầu mong GS Nguyễn Văn Hạnh qua khỏi. Nghe Tô Hoàng nói lại lúc trên xe anh Nguyễn Văn Hạnh nói đi lần này cũng là lần cuối gặp anh em !