Một lá thư lưu truyền trên các mạng tiếng Trung phê phán ông Tập Cận Bình là 'bỏ truyền thống vì dân' của Đảng Cộng sản và yêu cầu ông từ nhiệm.Vụ việc đang có hồi tiếp diễn sau khi một phóng viên từ Bắc Kinh bị 'mất tích' hôm 15/03 trong lúc có nghi vấn anh gặp nạn vì liên quan tới bức thư chỉ trích lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Phóng viên Cổ Gia 'mất tích' khi chuẩn bị lên máy bay từ Bắc Kinh tới Hong Kong.
Nhà báo trẻ làm việc cho trang TenCent ở Bắc Kinh đã nhắn cho bạn mình, Âu Dương Hồng Lượng về lá thư kêu gọi Tập Cận Bình Từ chức.
Sau đó, anh đã mua vé bay sang Hong Kong để giảng bài tại một đại học nhưng bị 'mất tích' từ hôm thứ Ba, theo luật sư của nhà báo ngoài 30 tuổi nói với BBC.
Hiện các trang mạng xã hội Trung Quốc vẫn đang tranh luận về một lá thư ký tên 'Đảng viên trung thành' đòi ông Tập Cận Bình từ chức.
Điều đáng ngạc nhiên là một số trang mạng của nhà nước đã đăng tải lá thư nhưng sau đó nhanh chóng xóa đi.
Tuy vậy, bản gốc hiện vẫn còn trên trang Canyu bằng tiếng Trung ở nước ngoài và được tải lại trên các tài khoản cá nhân ở Trung Quốc.
Nội dung chính của lá thư có tựa đề 'Tín thư yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ nhiệm khỏi chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước' nhắc đến các yêu cầu gần nhất của ông Tập rằng truyền thông Trung Quốc "phải tuyệt đối trung thành với Đảng".
Lá thư, đăng từ ngày 4/3 trên các mạng tiếng Trung, nói ông Tập đã "vứt bỏ truyền thống của Đảng Cộng sản" là vì dân.
Nhắc lại, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu từ năm 2012 tung ra chiến dịch chống tham nhũng 'phản hủ bại, đả lão hổ', lá thư cho rằng ông đã nhanh chóng tập trung quyền lực vào tay mình.
"Tập đồng chí, chúng tôi không thể không nêu ra, bằng phương thức như vậy, toàn bộ quyền lực trong chính trị, kinh tệ, tư tưởng, văn hóa...đã tập trung vào một cá nhân và tạo ra khủng hoảng cùng các vấn đề vô tiền lệ."
Thư nêu ra một loại các vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc hiện nay, từ chính trị, kinh tế, chứng khoán, tư tưởng đến quản lý truyền thông mà tác giả cho là vì cách lãnh đạo của ông Tập.
Lá thư cũng nói về ngoại giao Trung Quốc và phê phán Tập đồng chí đã vứt bỏ chính sách 'Thao quang dưỡng hối' của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.
Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, các vấn đề với Nhật Bản, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á...cũng được nêu ra.
Cuối cùng, lá thư kết luận:
"Đồng chí Tập Cận Bình không còn đủ năng lực lãnh đạo Đảng và Quốc gia đi về tương lai để giữ chức Tổng bí thư và nên từ chức."
Các nhà báo phản ứng?
Thời gian qua, một số người ở Trung Quốc công khai ký tên thật với lời công bố trên mạng xã hội Trung Quốc tỏ thái độ phản đối lệnh đòi báo chí 'tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản' của ông Tập Cận Bình.
Đó là các ông Chu Phương, Nhiệm Chí Cường và Tưởng Hồng.
Theo hãng Reuters, một số người như ông Nhiệm Chí Cường, một nhà đầu tư có tiếng, đã bị báo chí nhà nước 'đấu tố' theo phong cách như thời Cách mạng Văn hóa sau khi viết công khai rằng vì sao Đảng lại bắt truyền thông phục vụ mình mà bỏ qua nhân dân.
Trong một diễn biến không rõ là xảy ra do vô tình hay cố ý, một trang tin chính thống ở Trung Quốc đã 'in nhầm' và gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là 'lãnh đạo cuối cùng' (tội hậu) thay vì 'tối cao'.
Bài trên Tân Hoa Xã sau đó đã phải chỉnh sửa nhưng thời điểm xảy ra khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi.
Sự cố xảy ra đúng lúc chính quyền đang tăng cường kiểm duyệt truyền thông. Lỗi tương tự xảy ra trong quá khứ thường đi kèm sự trừng phạt nặng nề cho những nhà báo liên quan.
Vào tháng 12, bốn nhà báo đã bị ngưng chức sau khi China News Service, cơ quan chịu sự quản lý của đảng cầm quyền, vô ý đưa tin chủ tịch Tập Cận Bình 'từ chức' (ci zhi), thay vì 'phát biểu' (zhi ci), trong chuyến công du ở châu Phi.
Trong năm 2015 có tới 29 nhà báo ở Trung Quốc phải ngồi tù vì đủ loại lý do khác nhau.