Trang chủ » Tin văn và...

MỘT GIẢI THƯỞNG THƠ KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ sáu ngày 5 tháng 3 năm 2010 5:24 AM
    Đọc bài thơ “Thời đất nước gian lao” của tác giả Nguyễn Việt Chiến mà cảm thấy buồn! Càng buồn hơn khi bài thơ được tặng giải B từ cuộc thi thơ toàn quốc do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (2008-2009). Trong văn chương nghệ thuật, khen chê là chuyện bình thường. Chưa hẳn khen đã là hay và không hẳn chê đã là dở.
   Bài thơ thể tự do, giá trị nghệ thuật không có gì đặc biệt ngoài một số hình tượng lạ. Tuy nhiên hình tượng lạ chưa thể làm nên một bài thơ, huống chi là một bài thơ hay. Thơ về những người lính hy sinh cho Tổ quốc mà nghe ngậm ngùi ai oán làm sao! Những con hươu bị bóng đêm săn đuổi – Chúng đang gác sừng lên vầng trăng cuối tháng – Những người lính bị chiến tranh săn đuổi – Họ nằm mơ gặp lại bầy hươu – Gác sừng lên người bạn vô danh – Trên cánh rừng đã chết! Thấp thoáng những bóng ma người lính như những La Hán mặt buồn người thợ mộc xứ Đoài lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ ba mươi sáu dẻo xương sườn! Bóng ma những người lính trẻ chưa tiêu phí một xu ước mơ, chưa  tiêu hoài một đồng thanh xuân, đêm đêm lặng lẽ trở về, lẫn vào gió và sương đêm, không cần an ủi. Những đứa con mẹ sinh ra trong những ngày dài nghèo đói quắt quay, mẹ thiếu sữa nuôi con thiếu tháng, lần hồi cơm tem gạo phiếu, nuôi lớn những đứa con rồi gửi tới chiến trường để bây giờ là những linh hồn trở về tìm lại giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ!
Biết rằng chuyện thơ mà đem sự lý ra bàn dễ thành vô duyên. Nhưng cái tình gì cũng vậy, nếu không có lý trí tỉnh thức để có được cái tâm ngay chính sẽ là sai lạc.
Thật ra trên đời này, những người lương thiện đều không muốn có chiến tranh vì nó gắn liền với chết chóc, tang thương, khổ đau, tàn bạo. Không ai muốn nhận lấy những tai ương để được vinh quang hão!
Người đau đớn nhất sau chiến tranh không ai khác ngoài mẹ của chúng ta! Chỉ là nhắc lại lời của ai xưa: Chiến tranh không có chiến thắng mà chỉ có những nỗi đau tột cùng của các bà mẹ mất con! Ở góc độ nào, ý đó không sai nhưng chưa hẳn đúng. Đó là thứ chủ nghĩa nhân đạo mơ hồ đầu môi chót lưỡi, giống như một ông nhà văn nào đó nói rằng: Trong suốt cuộc chiến tranh, ông ta chỉ bắn có ba phát súng lục nhưng là bắn… chỉ thiên! Ông ta quên rằng những viên đạn từ tay người lính đối phương không tính chừa ông! Và người lính vệ quốc nào cũng không nhằm thẳng quân thù mà bắn thì làm sao có ngày ông nhà văn nhận được sự trọng thị từ phía bên kia? Ai cũng biết chiến tranh thật tàn nhẫn và man rợ nhưng nó là hiện tượng loài người không tránh được. Lịch sử thế giới, lịch sử nước ta xảy ra bao nhiêu cuộc chiến tranh? Mỗi người cần tỉnh táo và sáng suốt nhận rõ căn nguyên và bản chất của mỗi cuộc chiến tranh! Lưỡi gươm, viên đạn thì mù nhưng kẻ dùng nó có cái đầu lạnh và con mắt sắc nhắm vào một đích! Có cái đích nghĩa nhân. Có cái đích vô nhân. Cuộc chiến tranh nào cũng kết thúc không chỉ là cái thiện mỉm cười mà có khi là cái ác lên ngôi! Có lúc người ta đánh lộn xòng sự thỏa mãn của kẻ đắc thắng với nỗi đau không cùng của người chiến bại!
Đội quân nào khi ra trận mà chẳng ồn ào những lời ca sôi sục? Hãy nhìn lại hình ảnh đội quân viễn chinh Pháp vào mùa thu năm 1946 hùng hổ với những tàu chiến, xe tăng, đại bác kéo từ phía Nam ra, trong bài ca La Marseillaise phấn chấn tự hào: Allons enfants de la Patrie–Le jour de gloire est arrivé–Contre nous de la tyrannie–L’étandard sanglant est levé… (Tổ quốc gọi: Hỡi con của mẹ – Tiến lên đi vinh quang vẫy gọi – Ta chống lại hung tàn – ngăn dòng máu chảy…) rầm rập đổ lên bến cảng Hải Phòng, để gần mười năm sau đó kết thúc ra sao ở thung lũng Điện Biên? Rồi hai mươi năm sau, đội tiền tiêu của nửa triệu quân viễn chinh Mỹ trống rong cờ mở, giầm nát cảng Đà Nẵng dưới những gót giày đinh, để cũng một thời gian như thế, lặp lại cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn mùa xuân 1975?!
Vẫn mãi mãi vang lên lời của chủ tịch Hồ chí Minh: Cuộc chiến tranh ấy nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Khi phải giữ chủ quyền của Tổ quốc, cần hy sinh thì cũng phải kiên quyết hy sinh! Vì thế mới có những chiến sỹ ôm bom ba càng lao vào xe tăng, giơ cao ngọn lửa xông vào kho xăng… quyết giành chiến thắng. Trong cuộc chiến này, nỗi đau của những bà mẹ mất con không thể giống nhau. Một trong những kiến trúc sư chủ chốt của cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất vừa qua đã cay đắng thốt lên: Đấy là cuộc rút quân không kèn, không trống, không có người ra đón, không có tặng hoa, không có anh hùng, không có chiến công của một đội hùng binh chỉ biết một cặp mỹ từ chiến thắng! Vậy thì làm sao một đội quân nhỏ bé với những người lính chưa thể phân biệt nổi đâu là hoa sen và đâu là bùn tối vẫn phải ra đi, mà đã cho đối phương hiểu thêm nghĩa cặp từ chiến bại?! Một sự mất mát được an ủi. Một sự mất mát bị giày vò. Có là xúc phạm tới sự hy sinh cũa những chiến sỹ chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc hay không?
Sức mạnh của một đội quân được gieo mầm từ vườn ươm là tấm lòng người mẹ? Khi tình mẹ yêu con vượt qua sự ích kỷ tầm thường, lòng mẹ sáng lên định rõ chính, tà, mắt mẹ nhận rõ kẻ gian, ngay. Có những bà mẹ cắn răng lau nước mắt tiễn con ra trận trong khi có những bà mẹ phẫn uất tự thiêu đòi trả lại con mình. Mẹ hướng con hành thiện, gần lành tránh ác, không cần hoa, chỉ mong con làm việc nghĩa, tiếp sức cho con và làm dịu đi nỗi con thất vọng! Đó là điều an ủi tinh thần vừa ngọt ngào vừa cay đắng!
Các anh nằm lại còn nguyên mãi tuổi hai mươi, chẳng biết khổ đau, cũng chẳng màng tới vinh quang! Chỉ người còn lại ôm giữ mãi trong lòng những gì không còn lại mới  là người đau đớn nhất một thời dài hậu chiến!
Biết bao thế hệ người mẹ Việt Nam gánh chịu nỗi đau như thế. Biết bao thế hệ những người con trai con gái Việt Nam nghe lời mẹ biết sống tận hiếu, tận trung sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình. 
                         
Mỗi con người ra đời là một sự ngẫu nhiên. Trong thời thế nào người ta cũng phải thể hiện được mình nghĩa là phải làm tròn trách nhiệm cá nhân với gia đình và xã hội. Đành rằng chết rồi thì ai cũng như ai nhưng con người ta có thể sống theo cái triết lý: Lẳng lơ chết cũng ra ma – Chính chuyên chết cũng đưa ra ngoài đồng được chăng? Sướng khổ là ở đấy và trọng khinh cũng là ở đấy! Kẻ sướng chưa chắc đã đáng trọng. Người khổ chưa chắc đã đáng khinh. Trong giáo lý làm người, ông bà ta dạy con cháu phải coi trọng điều liêm sỷ nghĩa là phải giữ mình ngay chính và phải biết nhục. Nô lệ là nhục! Dốt nát là nhục! Nghèo hèn là nhục! Bất lương là nhục! Trốn trách nhiệm làm người là nhục!... Những bà mẹ dạy con rửa nhục. Những người con quyết không chịu nhục. Mẹ và con xứng đáng nhận sự tôn vinh muôn đời, dù chỉ là sự an ủi tinh thần nhưng đó là nền tảng để giữ nước trường tồn. Chỉ kẻ hèn mới hoan hỷ trước giây phút yếu lòng của người lính vệ quốc quân.
Có thật hôm nay chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ – chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi – chỉ còn lại câu thơ thầm lặng về những người đã ra đi? Không! Một cuộc sống yên ổn ngời trên nét mặt, ròn trong tiếng cười, bụng bớt lép, da mặt bớt nhăn, trẻ thơ tròn giấc ngủ trong nôi, người già vững tâm có con cháu làm chỗ dựa, người bé lớn dễ dàng sự học và dám tính chuyện gần xa, mơ về một tương lai không vương cái chết… Biết rằng nỗi đau chỉ có thể dần tan theo mẹ. Biết rằng còn những cảnh khổ do con người gây ra bởi thói ích kỷ bản năng. Biết rằng còn những cảnh đời trớ trêu bất nhẫn, còn những nỗi bất bình… Nhưng đó là do những người đang sống gây nên và cũng không ai ngoài họ phải biết uốn nắn, điều chỉnh, xóa dần đi những điều ngang trái bất công. Sự tôn vinh sẽ là vô nghĩa khi thành quả được gây dựng từ mồ hôi xương máu của tiền nhân bị lớp người thừa hưởng phản bội, nghĩa là quyền được sống ấm no, tự do, dân chủ nhân dân không được hưởng, độc lập chủ quyền của tổ quốc không giữ được. Nhân dân nguyền rủa, lịch sử lên án và lớp hậu sinh sẽ biết phải làm gì!
    Cảm xúc của nhà thơ tùy thuộc vào tâm trạng trong từng thời điểm. Sự hỷ–nộ–ai–lạc có lúc thế này, thế khác mà bộc phát ra cái đúng, cái sai. Bạn đọc dễ chia sẻ khi người thơ không giữ được thăng bằng tình cảm. Đáng buồn là bài thơ lại được nhận giải cao từ cuộc thi thơ văn do một tờ báo lớn của người lính Cụ Hồ chủ xướng! Chẳng lẽ những người thẩm định không nhìn ra sự lệch lạc và bi lụy tới mức bôi nhọ tinh thần vì nước hy sinh của bao nhiêu người mẹ, bao nhiêu đồng đội trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của chúng ta tới mức bạn bè kính nể, kẻ thù khâm phục và đang có những việc làm công khai thiết thực ủng hộ nhân dân ta hàn gắn vết thương chiến tranh hoặc sám hối những tội ác họ đã gây ra? Phải chăng do thơ văn bế tắc hay chỉ là cái ngón thừa của một bàn tay? Đó là điều không thể chấp nhận được!
    Công tác tư tưởng trong QĐNDVN từng rất được coi trọng và đã đóng góp không nhỏ vào những thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua. Đành rằng ở thời điểm nào đó có phần khe khắt, gò ép, một chiều. Tuy nhiên giải phóng tư tưởng, giải phóng ngòi bút không có nghĩa là để người viết tự do xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta, hạ thấp tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của bao nhiêu thế hệ đồng bào, chiến sỹ, hàm ý coi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vừa qua là vô nghĩa! Đáng tiếc là chuyện này không chỉ xảy ra một lần và mức độ đang ngày một trắng trợn, thâm sâu! Các cơ quan quản lý văn hóa tư tưởng, đặc biệt trong tổ chức của các lực lượng vũ trang ta không thể buông lỏng mãi.

 Nguồn: lethieunhon.com