Trang chủ » Tin văn và...

QUẢNG CÁO TẬP THƠ “BẢN TƯỜNG TRÌNH GIẤC MƠ ĐI VẮNG”

Lê Thiếu Nhơn
Thứ sáu ngày 27 tháng 11 năm 2009 6:38 PM
 
Thưa bạn đọc gần gần xa xa!
Được sự trợ giúp của Nhà xuất bản Thanh Niên, tôi vừa làm một việc hết sức lãng mạn giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang chệnh choạng bước qua cơn suy thoái, đó là in một tập thơ mới! Tất nhiên, dự án lãng mạn kỳ khôi ấy, không thể nhận được một đồng lẻ nào từ vốn kích cầu của Chính Phủ. Ngay khi cặm cụi viết thêm vài bài báo để kiếm tiền in thơ, tôi đã nắm chắc chuyến đi buôn thi ca này nếu không lỗ vốn từng phần thì cũng lỗ vốn toàn phần. Thế nhưng, nhìn 1000 cuốn sách rời khỏi nhà in với dáng vẻ tương đối trang nhã, tôi cảm thấy thật bất công, nếu mỗi tập thơ không được xem như một sản phẩm trong nền kinh kế hàng hóa tác động từng ngày lên đời sống chúng ta. Vì vậy, bằng thái độ cầu thị của một nhà sản xuất tử tế, tôi lại quyết định quảng cáo thơ!
Nhiều năm rồi, các nhà sách sang trọng và lộng lẫy án ngữ ở nhiều đường phố trung tâm của những đô thị lớn, đã không còn mặn mà với chuyện phát hành thơ. Người yêu thơ mất dần cơ hội tiếp cận với thơ, khiến ham muốn in thơ bỗng trở thành thứ phẩm hạnh kiêu sa và ngậm ngùi của những người làm thơ. Hầu như tập thơ nào cũng nhọc công tác giả mang đi biếu khắp nơi, nhưng chẳng hiểu vì sao thơ vẫn giống như món quà không nhiều người thích nhận. Tôi có hai người bạn thân từ thuở học trò, sợi dây gắn kết chúng tôi là thành tích chia nhau về chót tất cả cuộc thi chạy tổ chức ở trường. Vậy mà cái đặc tính chân ngắn gối yếu ấy đã không còn đeo bám hai người bạn tôi. Nhân tuổi 30, ba đứa rủ nhau thi chạy tại công viên Lê Văn Tám, nơi có ít thiếu niên 8 tuổi nhưng có nhiều ông bà lão tập dưỡng sinh để mong hưởng thọ trên 80 tuổi. Kết quả, tôi vô cùng kinh ngạc về tốc độ chạy của hai người bạn. Người chạy nhanh nhì giải thích, do anh ta thường xuyên bị vợ rượt đánh! Người chạy nhanh nhất giải thích, do anh ta có thói quen đến quán 81 tụ tập văn nghệ sĩ và liên tục bị túm áo lại để tặng thơ, nên hình thành phản xạ tung cẳng thoát thân! Bởi lẽ đó, thỉnh thoảng cái nô nức một công dân của nước Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới chợt thức dậy trong tôi, thúc giục tôi hân hoan được bán thơ và biết đâu may mắn bán được thơ!
Tập thơ mới của tôi có tên gọi “Bản tường trình giấc mơ đi vắng” dày 80 trang, gồm 32 bài thơ và 4 phụ bản do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ. Sau khi học lóm bà chủ quầy tạp hóa đầu xóm vài phép toán cộng trừ nhân chia một cách chi ly, tôi treo giá mỗi tập thơ 20 ngàn. Cái giá này so với một ký thóc của nông dân thì hơi đắt, nhưng so với một ly cà phê của công chức thì khá rẻ. Dẫu đắt dẫu rẻ thì qua tập thơ, tôi cũng đã chân thành bộc lộ tâm tư của mình về “thế kỷ chúng ta đang sống có giấc mơ dài hơn nước mắt” và nỗi ám ảnh “người tốt bóng mờ bóng nhỏ vừa lầm lũi vừa vô tận trong mưa”.
Thưa bạn đọc xa xa gần gần!
Khi quyết định quảng cáo “Bản tường trình giấc mơ đi vắng”, tôi đã bắt chước những copywrite ngồi nghĩ dăm ba cái slogan chiều chuộng thị hiếu người tiêu dùng như “Đọc là nghiền!” hoặc “Ám ảnh khó phai” hoặc “Thanh lọc tinh thần không lo bị tức”, để độc giả khi mua cảm thấy tập thơ có vẻ hay, và khi đọc cảm thấy tập thơ hình như hay, và khi khép sách lại cảm thấy tập thơ à thì ra cũng hay. Tuy nhiên, tấm lòng của tôi trong “Bản tường trình giấc mơ đi vắng” gói gọn bốn câu: “Ba mươi tuổi không còn nhiều ước vọng nữa. Tôi chỉ muốn viết một lá thư vỏn vẹn mấy dòng. Gửi chàng trai Việt thế kỷ sau giống tôi: Chúc mừng bạn là công dân một cường quốc!”, nên tôi mơ ước bạn đọc sau khi buông tập thơ nhỏ bé của tôi sẽ thao thức một điều gì đó cho riêng mỗi người. Từ thẳm sâu trái tim mình, tôi mơ ước bạn đọc trẻ thay vì loay hoay như tôi giữa ngổn ngang chữ nghĩa, hãy bắt đầu công việc bản thân khao khát như Henry Ford ngày lái thử chiếc ô tô được lắp ráp theo dây chuyền chuyên nghiệp, như Walt Disney ngày phác thảo thế giới hoạt hình thần tiên, như Ray Kroc ngày vừa nhấm nháp hambuger vừa mường tượng chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonal. Ở xứ sở chúng ta, những lời ngọt lạt khen chê đủ làm nhau mỏi mệt rồi. Hãy hướng sự sáng tạo đến một thương hiệu Việt bước ra khỏi biên giới, và đi càng xa càng tốt!
Thưa bạn đọc xa gần, gần xa!
Tôi quảng cáo “Bản tường trình giấc mơ đi vắng” không phải nhằm thu lợi từ tập thơ. Tôi quảng cáo để tự an ủi mình giữa thời buổi cái gì cũng lên giá, chỉ có nhân phẩm đang có nguy cơ xuống giá, và thi ca thì đã rớt giá! Tôi quảng cáo thơ chưa hẳn đã bán được thơ, nhưng tình cờ bạn đọc liếc mắt qua những dòng quảng cáo này cũng giúp tôi có phút giây tự tha thứ cho mình khi hình dung những cánh rừng xanh biếc bỗng có một gốc cổ thụ bị đốn ngã để làm giấy in!
                                  Sài Gòn, 11-2009
                                  LÊ THIẾU NHƠN