Ngày tàn của các quan tham Trung Quốc đã tới?
Theo Thu Thủy
Thứ hai ngày 17 tháng 11 năm 2014 11:21 AM
Theo số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố, tính từ những năm 1990 đến nay, có hơn 180 ngàn quan chức nước này đã ôm theo 800 tỷ NDT (128 tỷ USD) trốn ra nước ngoài (ngoại đào); trong đó rất nhiều kẻ đánh hơi thấy sắp bị sờ gáy vội chuyển tài sản ra ngoài trước để tính chuyện di cư.
Tiền mục thu từ nhà Mã Siêu Quần
Ngoài các “miền đất hứa” truyền thống như Mỹ, Canada, Australia… hiện nay có 3 quốc gia đang được các quan tham Trung Quốc lựa chọn làm chốn dung thân tương lai là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Nam Phi. Để có được tấm hộ chiếu của những quốc gia này, nhiều quan tham Trung Quốc đã chọn cách hối lộ các quan chức cơ quan di trú quốc gia sở tại hoặc vung tiền chi cho những tổ chức, cá nhân môi giới…
Để cứu vãn nền kinh tế đang trong cơn lốc suy thoái, một số quốc gia châu Âu, trong đó tiêu biểu là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chọn cách mở rộng cửa đón những người nước ngoài giàu có nhập cư, thu hút những nhà đầu tư giàu có người Trung Quốc di cư. Một người môi giới di cư cho biết, hiện bình quân mỗi tháng ông ta thu xếp 2 vụ người Trung Quốc nhập cư vào, số lượng tăng khoảng 20% so với năm trước. Một khi đã trở thành công dân hai quốc gia này, họ có thể tự do đi lại khắp 26 nước châu Âu mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Đó mới là điều những nhà giàu và quan tham Trung Quốc mong muốn.
Còn đối với Nam Phi thì điều kiện nhập cư rất dễ: chỉ cần đầu tư khoản tiền 2 triệu Rant (1,6 triệu NDT) là được nhập cư, sau 5 năm là được cấp hộ chiếu Nam Phi, vì vậy hiện bình quân mỗi năm có tới 10 ngàn người Trung Quốc di cư sang Nam Phi. Bên cạnh việc dễ nhập cư, việc đầu tư dễ, sinh lợi nhanh vào các ngành kinh doanh khách sạn, khai thác chế biến kim cương cũng là động lực thu hút mạnh mẽ các nhà giàu Trung Quốc.
Chặn mọi đường thoát của quan tham
Bỏ trốn và tự sát đang là sự lựa chọn cuối cùng của các quan tham khi mà cơn lốc diệt trừ tham nhũng đang thổi khắp Trung Quốc. Báo điện tử “Quân sự Hoàn cầu” đã đăng tải danh sách thống kê tình hình quan chức chạy trốn, mất tích và tự tử ở các tỉnh. Tỉnh Quảng Đông đứng đầu với 790 mất tích, 1.240 trốn ra nước ngoài, 74 tự sát chết. Đứng sau lần lượt là các tỉnh, thành: Hà Nam: 512 (mất tích), 854 (trốn ra ngoài), 145 (tự sát); Phúc Kiến: 414, 586, 72; Liêu Ninh: 318, 403, 112; Giang Tô: 316, 227, 42; Bắc Kinh: 112, 442, 44; Thượng Hải: 187, 354, 51; Thiên Tân: 60, 182, 17; Trùng Khánh: 160, 226, 27.v.v.
Lên nắm quyền lãnh đạo đảng, nhà nước sau Đại hội 18, ông Tập Cận Bình tỏ rõ quyết tâm diệt trừ nạn tham nhũng với những tuyên bố nổi tiếng. Sau những chiến dịch “Diệt Hổ, đập Ruồi, săn Cáo”, giờ đây ông đang sử dụng những biện pháp mới để “bịt chặt mọi đường thoát” của các quan tham.
Mã Siêu Quần
Hết đường ẩn náu ở nước ngoài. Ngày 9/11 vừa qua, Hội nghị cấp bộ trưởng APEC lần thứ 26 bế mạc tại Bắc Kinh đã thông qua “Tuyên ngôn Bắc Kinh chống tham nhũng”, thành lập mạng lưới hợp tác pháp luật chống tham nhũng APEC. Dư luận cho rằng việc thông qua Tuyên ngôn Bắc Kinh đánh dấu cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới, cũng cho thấy “cửa thoát” của các quan tham bắt đầu hẹp dần. Nhằm bít chặt đường thoát của quan tham, từ tháng 7/2014, chính phủ Trung Quốc đã phát động “Chiến dịch săn Cáo hải ngoại”. Đến ngày 29/10, họ đã tóm cổ đưa về nước 180 quan chức phạm tội về kinh tế từ hơn 40 quốc gia và khu vực, chỉ trong 3 tháng, số quan tham lẩn trốn ở nước ngoài bị tóm về đã nhiều hơn tổng số của cả năm 2013. Việc các nước Mỹ, Canada, Australia đều ký vào Tuyên ngôn Bắc Kinh đã truyền đi tín hiệu: Cả khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã chung tay chống tham nhũng, chống hối lộ và đưa ra những biện pháp cụ thể. Nếu Tuyên ngôn Bắc Kinh được thực thi sẽ bịt chặt con đường trốn ra nước ngoài của không ít quan tham.
Về hưu cũng không thoát. Hiện nay một số quan tham nuôi ảo tưởng “hạ cánh an toàn”, nghỉ hưu rồi thì sẽ không bị đụng đến, nhưng thực tế các cao quan đã nghỉ hưu liên tiếp bị bắt đã bịt chặt lối thoát này của các quan tham. Điển hình nhất là Triệu Thiếu Lân, nguyên Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Giang Tô, đã nghỉ hưu 6 năm vẫn bị bắt, điều tra. Một số quan chức cao cấp khác đã nghỉ hưu chịu chung cảnh ngộ là: Dương Bảo Hoa - Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Hồ Nam, Quách Vĩnh Tường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tứ Xuyên, Nghê Phát Khoa - Phó tỉnh trưởng An Huy, Trần Bá Hòe - Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Hồ Bắc. Trước đây nhiều quan tham cho rằng cố chịu đến khi về hưu là bình an vô sự, nay lối thoát này cũng đã bị bịt.
Không còn cơ hội làm “lõa quan”. “Lõa quan” là từ chỉ các quan chức thu xếp cho vợ, con ra nước ngoài cư trú, chỉ một mình ở lại trong nước giữ chức quan. Quách Nghi Phẩm - Phó thị trưởng Lạc Dương mất tích 46 ngày. Sau khi mất liên lạc với Quách, cảnh sát đã kiểm tra gia đình ông ra, mới phát hiện ra Quách là một “lõa quan”, con trai đã ra nước ngoài từ lâu, vợ cũng biệt tăm tích.
Xem xét hồ sơ các quan tham bị ngã ngựa mấy năm qua, có thể thấy rằng: “lõa” và “tham” có liên quan chặt đến nhau. Vì vậy, đầu năm 2014, Ban Tổ chức trung ương đã ra văn bản quy định rõ: không giao cho các “lõa quan” giữ các cương vị quan trọng là thành viên ban lãnh đạo của 5 loại cơ quan: Thường vụ đảng ủy, HĐND, Chính Hiệp, Ủy ban kiểm tra kỷ luật, tòa án, Viện kiểm sát.
Triệu Thiếu Lân
Chặt đứt các mối quan hệ đồng hương, họ hàng, ô dù…Nhiều quan tham để kiếm lối thoát cho mình thường tìm mọi cách tìm kiếm ô dù, gây mối quan hệ đồng hương để khi xảy chuyện có người bảo vệ, che chắn, khỏi bị bắt. Nay xem ra chuyện đó đã không mấy tác dụng. Vụ án Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu là điển hình cho thấy sự sụp đổ của quan niệm này.
Nguyên tắc ngầm “Pháp bất trách chúng” không tồn tại nữa. Không ít quan tham coi “Pháp bất trách chúng” (pháp luật không đụng đến số đông) là phao cứu sinh, bảo toàn bản thân. Họ cho rằng nếu kết thành bè, thành nhóm sẽ có thể gây sức ép để ngăn cản, nêu chiêu bài “giữ ổn định chính trị”. Vì vậy các quan tham thường tập hợp kết bè, tập thể đối kháng, ngăn cản cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng lần này ông Tập Cận Bình đã kiên quyết ra tay, phá vỡ tan quan niệm “không đụng đến số đông” như đã làm ở Sơn Tây, Tứ Xuyên…
Ở Sơn Tây, từ sau Đại hội 18 có 7 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, trong đó có 4 ủy viên thường vụ tỉnh ủy bị điều tra. Chưa hết, sắp tới sẽ có thêm một số “cửa hậu” khác của các quan tham cũng bị bịt bằng cách ban hành chế độ công khai tài sản, đăng ký bất động sản…
Quan bé tham nhũng lớn
Theo “Nhật báo pháp chế” ngày 14/11, Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hà Bắc vừa thông báo việc bắt giữ Mã Siêu Quần - TGĐ Tổng công ty nước sạch Bắc Đới Hà để điều tra về các tội tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng tiền công. Các nhân viên điều tra đã tìm thấy tại nhà Mã 120 triệu tệ tiền mặt, 37 kg vàng, giấy tờ sở hữu 68 căn hộ. Ngoài Mã Siêu Quần, 6 người thân khác trong gia đình như em trai, vợ cũ, vợ mới, con trai, em gái… cũng bị bắt. Điều đáng chú ý là sau khi Mã bị bắt, bà mẹ vội vã cho chuyển hơn 40 hòm tiền, vàng ra khỏi nhà, khi mở ra một số tiền đã bị mốc, mục.
Tân Hoa xã cho biết: Mã đòi một khách sạn hối lộ mấy triệu tệ mới cấp nước, bị đối phương ghi âm lại và tố cáo nên bị bắt. Điều tức cười là sau khi con trai bị bắt, nhà bị khám, tiền vàng bị thu, bà mẹ ông ta đã tổ chức họp báo rêu rao đấy là “tiền riêng của vợ chồng tôi dành dụm cả đời, không liên quan đến Mã Siêu Quần”, rằng đây là do “Mã Tráng - Cục trưởng quản lý đô thị thành phố Tần Hoàng Đảo thù ghét con tôi nên vu oan giá họa”…tuy nhiên, cơ quan kiểm sát đã bác bỏ điều này.
120 triệu tiền mặt thu được trong một vụ tham nhũng chưa phải là lớn nhất. Theo thông báo của Viện KS nhân dân tối cao, kỷ lục loại này hiện nay cũng đang thuộc về một quan chức nhỏ là Ngụy Bằng Viễn - Vụ phó Mỏ Than thuộc Ủy ban cải cách thể chế quốc gia. Khám nhà viên quan nhỏ này, các nhân viên điều tra đã thu được khoản tiền mặt tới 200 triệu tệ (32 triệu USD)
Theo Thu Thủy