Trang chủ » Tin văn và...

Về bài báo liên quan đến cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Nhằm “tiến tới” sự minh bạch

Nhóm PV
Thứ sáu ngày 28 tháng 2 năm 2014 4:13 PM
Từ khi đăng những hình ảnh tư gia ông Trần Văn Truyền (trang thư giãn cuối tuần Báo Người cao tuổi số 31 ra ngày 21/2/2014) đến nay, Báo Người cao tuổi chưa hề nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía ông và gia đình, trong khi ông và người thân có nhiều phát ngôn về nguồn gốc của những ngôi nhà, mảnh đất đó trên các tờ báo khác.

Trái lại, Báo Người Cao tuổi nhận được rất nhiều ý kiến và nguồn tin mới liên quan đến nhà cửa của gia đình ông, báo sẽ cử PV tiếp cận và tiếp tục xác minh. Để rộng đường dư luận, Báo Người cao tuổi xin trích đăng ý kiến của ông Trần Văn Truyền và con gái; ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X… đăng tải trên một vài tờ báo và các ý kiến do Phóng viên báo Người cao tuổi thu thập…

Lí giải về khối tài sản của mình khiến dư luận băn khoăn, ông Trần Văn Truyền trao đổi với Tri thức trẻ: Thông tin về căn “biệt thự” thì đúng là tôi có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con tôi mua từ lâu rồi. Đồ đạc trong nhà là do tôi tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì mang đồ đạc đến. Cái giường ngủ của vợ chồng tôi cũng bình thường chứ lấy đâu ra vài tỉ đồng. Theo vị cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, diện tích đất nhà ông chỉ khoảng hơn 1 hecta. Khu đất này ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ. “Tôi về, mới trồng cây, gây dựng thành một cái vườn như ngày nay. Vậy mà có thông tin là đất nhà tôi rộng 30.000m2 thì không hiểu lấy ở đâu ra?”- ông Truyền nói.

Dinh thự của ông Trần Văn Truyền trong khuôn viên 3 héc-ta tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Trả lời Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, trước dư luận về ông như đã loan tin trên phương tiện truyền thông, ông có đề nghị báo chí cải chính, hay nhờ cơ quan pháp luật can thiệp để bảo vệ danh dự cho mình, ông Trần Văn Truyền nói: Tôi là cán bộ diện Trung ương quản lí, nếu cần xác minh làm rõ, các cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc, tôi sẽ cung cấp tất cả thông tin liên quan. Riêng với báo chí, tôi cũng đã trả lời rồi chứ không im hơi lặng tiếng. Còn những ngày qua tôi im lặng là vì không muốn chuyện riêng của mình làm rùm beng, thành vấn đề thời sự khiến mọi người bàn ra tán vào nên thôi không ý kiến gì thêm nữa. Về phía cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin, nếu báo nói có cơ sở thì hãy chỉ ra, còn nếu đã thấy đưa tin không chính xác thì cần nên cải chính để không làm tổn hại uy tín danh dự của người khác.

Cũng qua báo chí, ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre  xác nhận miếng đất rộng 1 hec-ta đó do con trai ông Truyền mua từ lâu. “Hồi đó con ông Truyền mua là đất ao, đầm. Sau đó, ông Truyền về mới cải tạo lại để trồng chuối và cọ dầu”, ông Trọng cho biết. Về ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê, ông Cao Văn Trọng cho biết, căn hộ này ông Truyền đã trả lại tỉnh, hiện nay tỉnh đang cho Trung tâm thẩm định giá miền Nam thuê. Ông Trọng cũng cho hay, từng vào ngôi nhà của ông Truyền ở xã Sơn Đông và thấy đồ đạc trong nhà cũng bình thường và “đâu có chiếc giường quý nào như phản ánh”.

Trao đổi  với Tri thức trẻ về tiền xây ngôi biệt thự trên mảnh đất này, chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Trần Văn Truyền cho biết: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó”.

Cổng chính đi vào dinh thự và “dự án gia đình” của ông Trần Văn Truyền màu sắc như sơn son thếp vàng.

Liên quan đến những thông tin về ông Trần Văn Truyền, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Nếu quan chức Nhà nước giàu chính đáng thì chẳng có vấn đề gì đáng chê trách. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong xã hội Việt Nam đang tồn tại tâm lí thấy quan chức giàu có thì lên án và chưa có ý thức khuyến khích các quan chức đem của cải tích cóp được đầu tư vào phát triển kinh tế. Còn về các căn nhà như báo chí phản ánh, nếu khách quan thì phải xem xét các căn hộ đó là nguồn tiền ở đâu. Nếu đó là của thừa kế, của tích lũy từ thu nhập chính đáng, của được cho, biếu, tặng hợp pháp, minh bạch thì sẽ chẳng có gì chê trách. Bởi quan chức, trước hết là công dân, mà công dân thì có quyền làm giàu. Tuy nhiên, ông Lê Như Tiến coi đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người làm công tác quản lí cán bộ, đặc biệt là công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Chúng ta phải nhanh chóng thực hiện chủ trương hạn chế tiêu tiền mặt mà chủ yếu qua các tài khoản thẻ của Ngân hàng thì mới có thể góp phần vào kiểm soát được thu nhập của các quan chức và cần có hành lang pháp lí chặt chẽ hơn trong vấn đề minh bạch tài sản đối với cán bộ, công chức, nhất là quan chức. Khi nguồn gốc tài sản minh bạch, rõ ràng, chúng ta khuyến khích quan chức mang tài sản tích cóp được đầu tư phát triển kinh tế thay vì giấu giếm, chôn vàng xuống đất, gửi tiền nước ngoài (nếu có) làm của để dành. Việc các quan chức có tài sản thì nên đầu tư cho sản xuất, cho Nhà nước vay thay vì cất giấu đi do sợ bị phán xét là tham nhũng để tránh sự lãng phí lớn cho đất nước.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X cho rằng, bất kì ai, dù đang đương chức hoặc đã về hưu mà thấy phát sinh vấn đề không bình thường so với các quy định của Đảng và nhà nước, nhất thiết phải xem xét. Ông đưa ra dẫn chứng, tại một số nước, nhiều vị lúc còn làm lãnh đạo thì oai vệ lắm nhưng đến khi thôi chức, bị phát hiện có sai phạm, có tham nhũng cũng bị xử lí, bị vào tù như bao người dân khác. Cho nên theo ông, nếu có dấu hiệu, có phản ánh thì cần phải kiểm tra, bất kể là ai. Tướng Thước đánh giá, Báo Người cao tuổi là tờ báo uy tín, có nhiều bài viết đấu tranh chống tiêu cực. Trả lời câu hỏi của PV, nếu sau kiểm tra mà sự thật không đúng như báo đã phản ánh thì như thế nào, Tướng Thước cho rằng, nếu như vậy Báo Người cao tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm vì đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của ông Truyền.

Có lẽ, nếu nói là người dân có cái nhìn khắt khe, nhất là đối với lối sống, tài sản của cán bộ, công chức cũng đúng, mặc dù điều đó hoàn toàn chính đáng. Bởi, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng khẳng định, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì “lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua”; và hơn thế, người dân là người góp tiền trả lương cho cán bộ, công chức thì người dân có quyền nghi ngờ và đòi hỏi sự minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức. Khi quản lí nhà nước đạt đến nền kĩ trị thì có lẽ những điều đó được coi là bình thường. Tổ chức nhà nước dân chủ phương Tây, hệ thống hành chính và hệ thống chính trị là hai thực thể tách rời nhau. Còn ngay cả các nước có nền kĩ trị của Châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore, nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ranh giới giữa hệ thống chính trị và hành chính hầu như không tồn tại. Ở Việt Nam, mọi hoạt động đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được thể chế hoá trong Hiến pháp và Pháp luật. Vẫn còn sự đan xen giữa chính trị và hành chính. Trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lí nhà nước chưa được đề cao, ở nhiều lĩnh vực chưa tách được chức năng quản lí nhà nước và chủ sở hữu; cơ chế công khai, minh bạch đối với cán bộ, đảng viên ở nhiều cơ quan đơn vị còn hình thức… cho nên quan điểm “cứ thấy lãnh đạo giàu” là người dân nghi ngờ cũng không có gì là quá đáng? Đáng lưu ý, pháp luật về kê khai, công khai tài sản của Việt Nam hiện mới chỉ quy định trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản với khối tài sản tăng thêm (tài sản là bất động sản hoặc tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) chứ không quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc với toàn bộ khối tài sản. Ngay cả trường hợp phát hiện kê khai, giải trình không trung thực hoặc không kê khai thì cán bộ liên quan cũng chỉ chịu các hình thức kỉ luật tương ứng với mức cao nhất là bị cách chức. Riêng khối tài sản bất minh (không giải trình được nguồn gốc) thì chưa có quy định nào đề cập đến việc xử lí và cũng chưa có quy định nào phải xem các vụ việc tài sản bất minh ấy là dấu hiệu để điều tra hành vi tham nhũng của những người liên quan.

Chính vì, trong quá trình Báo Người cao tuổi thực hiện viết loạt bài liên quan đến Thanh tra Chính phủ (ông Ngô Văn Khánh, Lê Sỹ Bảy…) độc giả là cựu lãnh đạo tỉnh ban ngành tỉnh Bến Tre, các cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin liên quan cả những đồng chí cựu lãnh đạo trước. Với mong muốn coi gia đình ông Trần Văn Truyền là “cột cờ giữa bó đũa” để cấp dưới và người dân học tập mô hình làm kinh tế, Báo Người cao tuổi đăng hình ảnh và thông tin với lời bình rất khiêm tốn rằng “Thông tin thì nhiều, có thể chưa đầy đủ hoặc có chi tiết chưa chính xác…”.

Sau những hình ảnh và thông tin đăng tải, có nhiều ý kiến bình luận thêm, Báo Người cao tuổi và đông đảo độc giả mong có sự minh định về tài sản của gia đình ông Trần Văn Truyền nhằm dập tắt những đồn đoán về ông cả ở Cơ quan Thanh tra Chính phủ và ở tỉnh Bến Tre. Hơn thế, qua thông tin về biệt thự, nhà vườn của gia đình ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương và ông Trần Văn Truyền, cho thấy “khe hở cần bịt” trong các quy định của luật pháp. Khi đã chặt chẽ, minh bạch, xây dựng hành lang pháp lí và cơ chế kêu gọi quan chức có tài năng tiếp tục cống hiến, có tài sản thì góp vốn đầu tư với doanh nghiệp, Nhà nước vay, tránh sự lãng phí cho đất nước.

PV (Tổng hợp