Trang chủ » Tin văn và...

Không thể bỏ qua một giai đoạn đau thương

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện
Chủ nhật ngày 16 tháng 2 năm 2014 6:37 PM


Báo Tuổi trẻ

TT - Cuối những năm 1990, PGS.NGND Lê Mậu Hãn với tư cách chủ biên đã đưa vào bộ Đại cương lịch sử Việt Nam dữ kiện về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn hạ ở bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng lúc 8g sáng 17-2 - Ảnh: Mạnh Thường


Dù mới đề cập khái quát nhưng đây là một trong những tư liệu ít ỏi cho sinh viên biết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc năm 1979.

Sáng 17-2-1979, vừa đến Cao Bằng công tác, lúc đó khoảng 7g30-8g bỗng tôi nghe nhiều tiếng súng vang lên liên tục, gây nên những âm thanh chát chúa, kinh động, tôi liền bật dậy, vác máy ảnh chạy ra. Lúc này, trong khói lửa mịt mù, tôi thấy nhiều xe tăng của Trung Quốc bị bắn, trong đó có một chiếc xe tăng của lính Trung Quốc đang chúi đầu xuống tại con suối gần Bệnh viện Hòa An, Cao Bằng vì bị quân ta bắn hạ, tôi liền chụp ngay. Đây là một hình ảnh thật ấn tượng về sự thất bại của đối phương mà tôi đã chụp được trong thời khắc đó.

MẠNH ThƯỜNG

Trải lòng cùng Tuổi Trẻ nhân 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, PGS Lê Mậu Hãn chia sẻ:

- Năm 1998, khi đưa thông tin về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới vào tài liệu học tập là do tôi viết sử bằng trách nhiệm, lương tâm của một nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử.

Bộ sách Đại cương lịch sử Việt Nam được tái bản liên tục hơn 15 năm qua. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bổ sung từng bước những dữ liệu lịch sử quan trọng cho bộ sách này để mọi người dân Việt Nam cũng như những sinh viên, học viên theo học chuyên ngành lịch sử có được cái nhìn chân thật, đầy đủ về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

* Từ những chứng cứ và tài liệu đã có, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cần được nhìn nhận thế nào từ góc nhìn lịch sử, thưa ông?

- Đây là cuộc chiến đấu ác liệt. Trong báo cáo của Hội đồng Chính phủ về hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của toàn dân và toàn quân ta trước tình hình mới do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó - trình bày tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa VI, tháng 5-1979, đã khẳng định mức độ tàn khốc của nó với những dẫn chứng rất cụ thể.

Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy khi đó Trung Quốc đã dày công chuẩn bị để tấn công vào Việt Nam, còn phía ta thì nhân dân vừa ra khỏi 30 năm chiến tranh quyết liệt, đang gặp khó khăn về mọi mặt.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới chỉ diễn ra chừng một tháng, nhưng những căng thẳng sau đó còn kéo dài cả chục năm trời.

"Cuộc đấu tranh chính nghĩa nào cũng xuất hiện những con người quả cảm, những hành động yêu nước đáng tự hào, học tập. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng vậy. Có những con người, sự việc đã được biết tên nhưng cũng có những anh hùng khuyết danh, những hành động đáng quý âm thầm lẫn vào trong những thế hệ người Việt Nam yêu nước thời đó"

PGS Lê Mậu Hãn
(nguyên chủ nhiệm khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội)

* Lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sau 35 năm vẫn còn nhiều vấn đề chưa được hiểu thấu đáo, rõ ràng. Theo ông, việc này có phải do nguồn tư liệu lịch sử chính thống quá ít ỏi?

- Vấn đề này khá nhạy cảm. Bởi việc đưa vào chính sử cần phải chuẩn xác, nhưng cũng phải làm sao để không khiến cho tình hình thực tế trở nên căng thẳng. Mục tiêu mà nhân dân Việt Nam trước đây và hiện thời hướng tới vẫn là hòa bình.

Việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng giải pháp hòa bình không phải đổ máu vẫn là điều chúng ta mong muốn nhất.

Tuy vậy, không có nghĩa là chúng ta phải quên đi, bỏ qua một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng cũng vô cùng tự hào.

Tôi nghĩ, với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, 35 năm cũng là một khoảng lùi lịch sử đủ để đánh giá, nhìn nhận lại. Giá trị của lịch sử phải là sự chân thực của sự kiện được tôn trọng và ghi nhận.

Với mục đích “dân ta phải biết sử ta”, trách nhiệm của những nhà sử học bây giờ phải đánh giá, thẩm định lại những tư liệu lịch sử của giai đoạn này để bổ sung vào chính sử. Cá nhân tôi cũng có nguyện vọng bổ sung thêm vào phần lịch sử chiến đấu bảo vệ biên giới mà chúng tôi đã từng đưa vào Đại cương lịch sử Việt Nam.

* Theo ông, lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc có nên đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh phổ thông không? Nếu việc này được thực hiện, liệu có những khó khăn gì?

- Tôi cho rằng rất nên đưa lịch sử giai đoạn này vào chương trình giáo dục phổ thông, như lịch sử đấu tranh kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Các thế hệ người Việt Nam cần hiểu bản chất của các cuộc chiến tranh, mục đích đứng lên đấu tranh của quân và dân ta và sự quyết liệt, anh dũng đáng tự hào của những con người Việt Nam trong tư thế bảo vệ chủ quyền, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

* Việc đưa giai đoạn lịch sử này vào giáo trình và sách giáo khoa lịch sử cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa giáo dục thế nào đối với thế hệ trẻ?

Hai chị em cháu bé cùng bà con sơ tán khỏi thị xã Cao Bằng khi quân Trung Quốc tấn công vào đây sáng 17-2-1979 - Ảnh: Mạnh Thường

- Việc mô tả các giai đoạn lịch sử nói chung và lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nói riêng phải tùy vào đối tượng.

Với giới học thuật, nghiên cứu sử học, sinh viên chuyên ngành lịch sử thì cần mô tả đầy đủ sự kiện lịch sử. Nhưng với học sinh phổ thông thì cần chọn lọc. Không nên nặng về mô tả con số, sự thương vong, tổn thất, cũng không cần nặng nề việc nêu bài học thành công, thất bại mà nên đưa vào sách giáo khoa những câu chuyện lịch sử, những nhân vật lịch sử để khơi gợi niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước của thế hệ trẻ.

Việc đề cập tới lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cần để thế hệ trẻ hiểu rằng quân và dân ta thời kỳ đó đã buộc phải đấu tranh để bảo vệ đất nước, điều đó cũng là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập tự do như tinh thần Tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ đã đọc trong ngày Quốc khánh. Việc tái hiện lịch sử một cách chân thực, khách quan chính là cách giáo dục thế hệ trẻ hiệu quả nhất.

* So với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những tấm gương, những nhân vật lịch sử của thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới chưa được biết đến nhiều. Một số nhà nghiên cứu chia sẻ chính bản thân họ cũng chưa có điều kiện để tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin, tài liệu...

- Cuộc đấu tranh chính nghĩa nào cũng xuất hiện những con người quả cảm, những hành động yêu nước đáng tự hào, học tập. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng vậy. Có những con người, sự việc đã được biết tên nhưng cũng có những anh hùng khuyết danh, những hành động đáng quý âm thầm lẫn vào trong những thế hệ người Việt Nam yêu nước thời đó.

Khoa lịch sử của trường tôi đã có những sinh viên đã viết đơn bằng máu để xin được cầm súng nơi biên cương phía Bắc. Khi đó, với tư cách là chủ nhiệm khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp, tôi là người trực tiếp nhận bức huyết thư của sinh viên.

Bức huyết thư xin đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của cựu sinh viên khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1979 đang được lưu giữ tại phòng truyền thống Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Phạm Cường

Một trong hai bức huyết thư đó hiện đang được lưu giữ trong phòng truyền thống nhà trường. Kể lại chuyện này để thấy rằng ở thời nào toàn thể người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, luôn sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc.

Những tấm gương anh dũng hi sinh, những hành động của người Việt Nam yêu nước phải được nhắc đến, tôn vinh đầy đủ, xứng đáng. Nếu điều đó chưa làm, hoặc chưa làm tốt thì trách nhiệm của những người viết sử, nghiên cứu lịch sử cần phải tiếp tục tìm kiếm, thẩm định tư liệu lịch sử để công bố.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện