Trang chủ » Tin văn và...

NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH

. Theo Dương Diên Hồng
Thứ năm ngày 26 tháng 1 năm 2012 7:26 PM
Quang Trung Nguyễn Huệ (1753 – 1792) đại phá quân Thanh 

Đêm 25 tháng 1 năm 1789 - tức đêm 30 Tết - đạo quân chủ lực của ta do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy). Tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh. Quân Tây Sơn nhanh chóng tiến lên, liên tiếp tiêu diệt các đồn quân Thanh và đuổi theo bắt gọn quân do thám của giặc. Đêm 28 - tức đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu - quân Tây Sơn bí mật vây chặt đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây) rồi uy hiếp buộc địch đầu hàng. Quân ta tiêu diệt một đồn lũy trọng yếu của địch cách Thăng Long 20 ki-lô-mét mà không tốn một mũi tên, hòn đạn.
  
Mờ sáng ngày 30 - tức ngày 5 Tết - quân ta bước vào trận quyết chiến với địch ở đồn Ngọc Hồi. Đây là đồn lũy kiên cố giữ vị trí then chốt trong hệ thống phòng ngự của địch, bảo vệ trực tiếp cửa ngõ phía Nam Thăng Long.
Đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long 14 ki-lô-mét, án ngữ con đường thiên lý trong Nam ra. Quanh đồn có chiến lũy bảo vệ. Phía ngoài lũy có bãi chướng ngại dày đặc gồm chông sắt, cạm bẫy và địa lôi. Lực lượng quân địch ở đây có khoảng ba vạn quân tinh nhuệ đặt dưới quyền chỉ huy của đề đốc Hứa Thế Hanh là phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và là tướng chỉ huy toàn bộ hệ thống phòng ngự phía Nam Thăng Long. Sau khi đồn Hà Hồi bị tiêu diệt, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh tăng viện cho đồn Ngọc Hồi và thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự của mặt trận phía Nam để sẵn sàng ứng phó.
Quang Trung trực tiếp chỉ huy trận công đồn ác liệt này.
Mở đầu trận đánh, đội tượng binh gồm hơn một trăm voi chiến của quân Tây Sơn xông vào tiến công. Đội kỵ binh thiện chiến của quân Thanh ra nghênh chiến bị tan vỡ nhanh chóng. Quân địch dựa vào chiến lũy, hết sức cố thủ. Chúng từ trên chiến lũy, bắn đại bác và cung tên ra dữ dội để cản đường quân ta. Một đội xung kích đã chuẩn bị trước gồm những chiến sĩ cảm tử, dùng những lá chắn lớn (ván gỗ quấn rơm ướt) che mình xông thẳng vào chiến lũy của địch. Quân ta đột nhập vào chiến lũy, giáp chiến với quân thù. Đại quân Tây Sơn ào ạt xung phong vào trận địa với dũng khí áp đảo kẻ thù. Chính quân địch cũng phải thừa nhận rằng: Quân Tây Sơn, hợp lại đông như kiến cỏ, thế lực ồ ạt như triều dâng.
Trước sức công phá như vũ bão và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của quân Tây Sơn, đồn Ngọc Hồi bị san phẳng. Một bộ phận quân địch bị tiêu diệt tại trận. Bọn sống sót sau cơn bão lửa khủng khiếp đó, bỏ chạy về Thăng Long. Nhưng Quang Trung đã bố trí một lực lượng nghi binh chặn đường, buộc chúng phải dấn thân vào cánh Đầm Mực (Thanh Trì, Hà Nội) rộng lớn và lầy lội. Tại đây, đạo quân của đô đốc Bảo đã được lệnh, lợi dụng địa hình bố trí sẵn một trận địa để tiêu diệt bọn quân Thanh. Hàng vạn quân giặc bị vùi xác dưới cánh đầm đó. Bằng trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ quân Thanh và bộ chỉ huy của chúng tại cứ điểm then chốt nhất, đập tan hệ thống phòng ngự của địch và mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng thành Thăng Long.
Cũng vào mờ sáng ngày 30 tháng 1, đạo quân của đô đốc long bất ngờ bao vây, tiêu diệt đồn Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Quân Tây Sơn bí mật bao vây vào lúc trời còn tối, rồi tiến công dữ dội vào đồn giặc. Nhân dân nổi dậy cùng trực tiếp tham gia chiến đấu. Họ dùng rơm rạ bện thành con cúi, tẩm dầu đốt lửa, tạo thành một vòng vây lửa uy hiếp quân địch. Đồn Khương Thượng bị tiêu diệt nhanh chóng. Tướng chỉ huy là đề đốc Sầm Nghi Đống khiếp sợ phải thắt cổ tự tử. Hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp chiến trường.
Tại đại bản doanh, Tôn Sĩ Nghị đang lo lắng theo dõi mặt trận phía Nam để sẵn sàng điều quân đi cứu viện. Bỗng nhiên, hắn được tin cấp báo đồn Khương Thượng bị tiêu diệt. Hắn đang hoảng hốt chưa kịp đối phó thì đạo quân của Đô đốc Long đã tràn vào thành Thăng Long và như một mũi dao nhọn, đang lao thẳng về phía đại bản doanh của hắn. Hắn khiếp sợ đến nỗi không kịp mặc áo giáp và đóng yên ngựa, vội vàng cùng với toán kỵ binh hầu cận vượt cầu phao tháo chạy trước hết. Quân Thanh tan vỡ tranh nhau tìm đường trốn chạy. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh cắt cầu phao để cản đường truy kích của quân Tây Sơn. Do hành động tàn nhẫn của hắn, hàng vạn quân Thanh bị bỏ xác dưới sông Hồng.
Sáng ngày 30 tháng 1, đạo quân của đô đốc Long tiến vào giải phóng thành Thăng Long. Trưa hôm đó, Quang Trung và đạo quân chủ lực tiến vào kinh thành giữa sự hoan hô đón chào của nhân dân. Chiếc áo chiến bào của người anh hùng áo vải hôm đó đã nhuốm đen khói súng của những ngày đêm chiến đấu ác liệt. Lá cờ đỏ đã từng giương cao từ những ngày đầu khởi nghĩa, tung bay theo bước đường thắng lợi của nghĩa quân, nay lại dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng kinh thành.
Ngô Ngọc Du là một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt đó trong một bài thơ:
Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng.
Quân vua một giận oai bốn phương.
Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới,
Như trên trời xuống dám ai đương.
Một trận rồng lửa giặc tan tành,
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh.
Mây tạnh mù tan trời lại sáng.
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta
Trong lúc đó, Tôn Sĩ Nghị và bọn tàn quân đang chạy trốn một cách thảm hại. Khắp nơi, trên con đường chạy trốn, chúng bị chận đánh tơi bời và bị tiêu diệt gần hết. Số sống sót phải luồn rừng, lội suối theo đường tắt trốn về nước. Bại tướng Tôn Sĩ Nghị cũng phải vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân.
Một tên quan chạy theo Tôn Sĩ Nghị đã thú nhận: Tôi với Chế Hiến (tức Tôn Sĩ Nghị) đói cơm, khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi suốt bảy ngày, bảy đêm mới đến trấn Nam Quan.
Đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương, cũng bị đánh bại. Riêng đạo quân Thanh đóng ở Sơn Tây, tuy quân ta không tiến công nhưng cũng hoảng sợ, rút chạy về nước.
(Lịch sử Việt Nam - NXB Khoa học - Xã hội)

DIỄN GIẢI:
Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lãnh đạo kháng chiến với một nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo. Đặc điểm nổi bật của nghệ thuật quân sự đó là:
- Tư tưởng đánh tiêu diệt
- Tinh thần tiến công chủ động liên tục.
- Lối đánh thần tốc, bất ngờ, áp đảo kẻ thù, chắc thắng.
Dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, mãnh liệt là tác phong chiến đấu của quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Quang Trung.
Từ một lãnh tụ nông dân kiệt xuất nhất, Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở thành một anh hùng dân tộc vĩ đại, một thiên tài quân sự, một danh tướng trăm trận trăm thắng.
Diệt chúa Nguyễn, đánh tan quân xâm lược Xiêm rồi tiến ra Bắc diệt chúa Trịnh, lật đổ nhà Lê, đại phá quân xâm lược Mãn Thanh, Quang Trung – Nguyễn Huệ đã liên tiếp ghi vào lịch sử dân tộc những chiến công oanh liệt, xứng danh Đại binh gia của dân tộc Việt Nam.
Chỉ trong vòng 5 ngày đêm (từ ngày 30 tháng 12 đến 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu tức từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1789), dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã vùng lên quét sạch 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước, giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng tổ quốc – Đó là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Thắng lợi rực rỡ của chiến dịch đại phá quân Thanh là kết quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân sĩ, sự tham gia ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân và tài chỉ huy quân sự tuyệt vời của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội, nắm vững thời cơ, triệt để lợi dụng mọi yếu tố bất ngờ để tấn công quyết liệt thần tốc tiêu diệt một lực lượng quân địch đông gấp bội.
Thắng lợi đại phá quân Thanh có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, không những giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc mà còn thêm một lần nữa đập tan cuồng vọng xâm lược của các đế chế quân chủ phương Bắc.
Xuân năm Kỷ Dậu (1789) là xuân rực rỡ chiến công, nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ miền xuôi lên miền núi, từ già đến trẻ hồ hởi, thỏa mãn tận hưởng niềm vui sướng vinh quang của chiến dịch đại phá quân Thanh với chiến thắng oanh liệt oai hùng.

VÀI NÉT TIỂU SỬ NGUYỄN HUỆ

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 ở ấp Tây Sơn (thuộc phủ Quy Nhơn-Bình Định). Tổ tiên Nguyễn Huệ (ba anh em Tây Sơn – Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) vốn quê ở làng Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thuộc Đàng Ngoài. Giữa thế kỷ thứ XVII, quân Nguyễn có lần vượt sông Gianh bắt nhiều nông dân ở Nghệ An cưỡng bức vào khai hoang ở Đàng Trong. Tổ bốn đời của Nguyễn Huệ là một trong những nạn nhân đó, và trải qua mấy đời lao động cần cù, trở thành một gia đình nông dân khá giả ở Tây Sơn. Nguyễn Huệ thuở nhỏ có đi học và có một trình độ văn hóa nhất định.
Mùa xuân năm 1771 Nguyễn Huệ cùng với anh là Nguyễn Nhạc và em Nguyễn Lữ tổ chức và lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Tây Sơn (thuộc phủ Quy Nhơn).
Khi Nguyễn Nhạc xưng vương: Trung ương hoàng đế thì Nguyễn Huệ được phong làm Bắc Bình Vương cai quản miền đất từ Quảng Nam ra đến Nghệ An.
Ngày 21 tháng 12 năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung để thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc đánh đuổi quân Mãn Thanh.
Từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1789, Quang Trung – Nguyễn Huệ tổng chỉ huy toàn quân phá tan hơn 20 vạn quân Thanh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc.
Ngày 16 tháng 9 năm 1792, Quang Trung –Nguyễn Huệ từ trần. Lúc đó ông mới 39 tuổi.
Quang Trung mất sớm là một tổn thất lớn cho phong trào Tây Sơn và dân tộc ta hồi cuối thế kỷ XVIII. Cuộc đời của ông, kể từ khi 18 tuổi tham gia khởi nghĩa cho đến lúc 39 tuổi từ trần là một bài ca tuyệt đẹp của người “anh hùng áo vải” đã chiến đấu kiên cường cho quyền lợi của nhân dân và dân tộc, cho độc lập và thống nhất của tổ quốc. Sự nghiệp của Quang Trung là sự nghiệp cứu dân, cứu nước, đấu tranh xây dựng một đất nước độc lập thống nhất. Lý tưởng cao cả, sự nghiệp vẻ vang cùng với tài năng, phẩm chất, tính cách độc đáo của Quang Trung – Nguyễn Huệ sáng chói trong lịch sử dân tộc.
Quang Trung – Nguyễn Huệ là người thông minh kiên nghị, trung thành rất mực với nhân dân và dân tộc, không bao giờ lùi bước trước kẻ thù, trước khó khăn, nguy hiểm. Ông không những là một nhà quân sự thiên tài đã lập nên những chiến công thần kỳ, chỉ có thắng, không hề bại, mà còn biểu thị tài năng lỗi lạc trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.
Quang Trung – Nguyễn Huệ là người tiêu biểu cho sức sống phi thường của dân tộc, tạo nên tính chất độc đáo của giai đoạn Quang Trung, đó là giai đoạn của “áo vải cờ đào” khi nông dân tự mình đứng ra đảm nhiệm sứ mạng cứu nước và dựng nước.
. Theo Dương Diên Hồng/ Những đại binh gia Việt Nam.- Minh Hải, 2004.