Trang chủ » Tin văn và...

LỄ BẾ MẠC TRẠI SÁNG TÁC VĂN HỌC "BIÊN GIỚI BIỂN ĐẢO" CAO BẰNG

Trần Nhương
Thứ ba ngày 8 tháng 11 năm 2011 6:42 AM
Sáng 7-11-2011 tại Cao Bằng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng đã làm lễ bế mạc Trại sáng tác văn học về Biên giới và biển đảo.
Tới dự lễ bế mạc có ông Hoàng Trung Phong phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Cao Bằng, nhà thơ Trần Hùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Đàm Việt Hà trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cao Bằng và đông đảo đại diện Bộ đội biên phòng, Sở Thông tin truyền thông và các ban ngành trong tỉnh. Phia Hội Nhà văn có nhà văn Nguyễn Trí Huân, phó Chủ tịch thường trực, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch, chị Lê Thị Hải phó Văn phòng Hội. Phìa Hội Văn nghệ Cao Bằng có nhà văn Đoàn Lư, Chủ tịch Hội, họa sĩ Phan Hùng, phó Chủ tịch Hội, nhà thơ Đoàn Ngọc Minh chánh Văn phòng Hội. Đông đảo các văn nghệ sĩ Cao Bằng cùng có mặt.
Nhà văn Tô Nhuận Vĩ, trưởng trại đã có một báo cáo tổng kết vào loại hay nhất từ trước tới nay. Xin giới thiệu toàn văn:
 
 
 Tổng kết trại viết Cao Bằng 
( 25/10 – 07/11/2011) 

Được sự giúp đỡ tận tình,chu đáo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao bằng,của Hội VHNT Cao Bằng, của nhiều ban ngành và đặc biệt của cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng từ Bộ chỉ huy tỉnh cho đến các đồn biên phòng Thị Hoa, Sóc Hà, Tà lùng, Đàm Thủy, của lãnh đạo các địa phương Hạ Lang,Trùng Khánh,Hà Quảng….trại viết đầu tiên về Biên giới,Hải đảo của Hội nhà văn Việt Nam có thể nói rằng,đã thành công hết sức ĐẶC BIỆT.
   Thành công đặc biệt của trại viết này,theo chúng tôi,chính là chuyến đi thực tế đến các đồn biên giới Thị Hoa,Sóc Hà, Tà Lùng, Đàm Thủy,là các cuộc tiếp xúc,chuyện trò với sĩ quan và chiến sĩ đang ngày đêm trực tiếp bảo vệ biên cương của Tổ quốc, cùng họ đến tận cột mốc xa nhất có thể đến được, hỏi đến tận cùng những điều còn canh cánh trong lòng đối với sự mất-được,đươc-mất trên biên giới trong cuộc đấu tranh vô cùng gian nan,phức tạp ,và oái oăm nữa,với các loại đối tượng phải đấu tranh, thực sự biết được sự nóng lạnh của vùng biên giới thiêng liêng.Các thông tin đa chiều, các suy luận,các hiểu biết sách vở không thể thay cho thực tế sinh động,nhất là đối với các thông tin nhạy cảm về biên giới Việt-Trung lâu nay,về người láng giềng quen nói ngược với làm.Ở tất cả các đồn biên giới Thị Hoa,Sóc Hà,Đàm Thủy và cửa khẩu Tà Lùng,chúng tôi đều đặt câu hỏi là “Với Hiệp định biên giới vừa ký với Trung Quốc, công việc bảo vệ biên giới của các đồng chí thuận lợi hơn hay khó khăn hơn?” thì tất cả sĩ quan,chiến sĩ biên phòng đều khẳng định “Thuận lợi hơn nhiều chứ! Có thể chỗ này mất một ít,chỗ kia ta được một ít, nhưng cái lớn nhất là bây giờ rõ ràng đâu ta đâu họ,không dễ mà xâm canh xâm táng,không còn tù mù,điều mà họ lâu nay ưa duy trì!” .Chủ tịch huyện Trùng Khánh Đoàn Quảng Nguyên lại có một suy nghĩ khá độc đáo khi nói về Được-Mất của việc cắm mốc: “Được chứ!Hiệp định Pháp-Thanh ký kết thì người Việt Nam mình đâu có quyền gì,toàn bộ do Tây-Tàu thỏa thuận trên đầu mình.Bây giờ chính người Việt Nam cãi tay đôi với họ,chính tay người Việt Nam đi cắm mốc.Được quá đi chứ!Em đi cắm mốc cả tháng trời đây!”
  Không phải vô cớ mà thiếu tá Nông Văn Hòa đưa chúng tôi đến hết cột mốc này đến cột mốc khác để thuyết minh rõ ràng,chi tiết với cầu mong tha thiết “ Các bác các cô hãy nói với nhân dân rằng Bản Giốc vẫn là của mình,rằng chúng cháu không bao giờ để mất Bản Giốc!”
Thật vui khi tất cả sĩ quan,chiến sĩ biên phòng chúng tôi gặp gỡ đều khỏe mạnh,đều cho biết các chế độ nuôi dưỡng quân,cung cấp trang thiết bị,kể cả thiết bị hiện đại, đều tốt hơn hẳn trước đây và đều sảng khoái,tự tin khi khẳng định họ đã và sẽ hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà nhân dân giao phó.
  Từ biên giới trở về,chúng tôi AN TÂM hơn .
 Chúng tôi trình bày hơi dài “chuyện chính trị” của chuyến đi bởi nếu không có một sự hiểu và biết chính xác tối thiểu về những gì đã và đang diễn ra ở biên giới thì làm sao có thể viết được những trang trung thực và sinh động,ít ra là về những con người đang ngày đêm chịu đựng vất vả,gian khó,hiểm nguy để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú vẫn miết theo đề tài về biển,nhưng với những hiểu và biết chân xác hơn về biên giới đất liền anh Vọng biển,nơi mà người bạn láng giềng đang muốn kéo dài sự tù mù để thực hiện tham vọng.Và cũng chính vì nội dung nhạy cảm này mà những thông tin ngắn,cập nhật của mạng Trannhuong.com đã thực sự thu hút hàng ngàn độc giả trong và ngoài nước và ngày nào Trần Nhương và chúng tôi cũng nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc trong nước và ngoài nước.Tôi đoan chắc rằng,chưa có một trại viết nào của Hội nhà văn mà độc giả quan tâm,chờ đợi thông tin hàng ngày như vậy.Từ đó,khẳng định rằng,chủ trương mở trại viết,tổ chức cho các nhà văn nhà thơ đi thực tế và viết về biên giới,hải đảo là một chủ trương hết sức đúng đắn của Hội nhà văn Việt nam.Đồng thời,việc kết hợp với các địa phương để có những trại viết,những cuộc đi thực tế như thế này lại càng đúng đắn hơn.Mà chuyến đi đâu chỉ thâu lượm được những gì liên quan tới biên giới.Như khẩu hiệu NGHE DÂN NÓI,NÓI DÂN HIỂU,LÀM DÂN TIN ở đồn Đàm Thủy.Đúc kết và làm được như thế quả là xứng đáng Đồn anh hùng,đáng để cho tất cả các tổ chức cách mang,đáng để cho bất cứ ai còn mang danh là người cách mạng phải tâm niệm,tu dưỡng.Chúng ta cũng vậy,nghe dân nói rồi thì nói sao cho dân hiểu và dân tin…
 Dĩ nhiên thực tế biên giới không chỉ có một màu hồng mà còn ngổn ngang bao việc chưa làm được.Như bên kia Bản Giốc du khách của bạn thì tấp nập,còn phía ta thì không một người đến ,ngoại trừ đoàn nhà văn.Như con đường 16 km từ đồn Thị Hoa về huyện lỵ Hạ Lang không khác gì đoạn đường Trường sơn mùa mưa lũ bị bom đánh nát thời chống Mỹ mà xe của đoàn phải bò gần 3 tiếng đồng hồ,khiến nhà thơ Phan thị Thanh Nhàn phải viết bài báo Mời bộ trưởng Đinh La Thăng lên Cao Bằng!  
   Chính với thực tế đó,với những sự trải nghiệm trực tiếp đó,dù thời gian thời gian đi thực tế chiếm phần lớn nửa tháng dự trại,nhưng nhiều nhà thơ, vẫn hoàn thành 18 bài thơ ngay tại trại,như các nhà thơ Nguyễn ngọc Phú với  Tổ quốc 3000 cây số biển,Vọng biển ;Đào Vĩnh với Gặp đồng hương,Uống rượu ở Thị hoa,Công thức giữ gìn ;Phan thị Thanh Nhàn với Thác Bản Giốc,Lời yêu; Trần Quang Quý với Tiếng đá,Đàn môi,Điệu thức Cao bằng,Cởi chiều Trùng khánh,Những hạt cát ở Trường sa,Thức biển                
 ;Đặng Huy Giang với Lên Cao bằng,Biên cương,Hai điều khác;Tô Y Vân với bài thơ dài Cao bằng. Các nhà văn thường chậm rãi hơn,dĩ nhiên,nhưng cũng đã có tác phẩm được hoàn thành hoặc sắp hoàn thành như truyện ngắn Chuyện gia đình của Văn Lừng, Mùa hạt dẻ của Từ Nguyên Tĩnh, 5 Truyện ngắn Mini của Y Ban . Nhiều nhà văn đã ky cóp thực tế sinh động để bồi đắp cho các tiểu thuyết đang được chuẩn bị như Hoàng Quốc Hải(về lịch sử),Hoàng Minh Tường (về vùng mỏ của biên giới ),Đức Hậu (về miền núi),tác giả đa năng Trần Nhương  sẽ sớm hoàn tất bài ký dài ghi lại(chắc chắn là sinh động) cuộc đi thực tế và sáng tác của trại viết này,đồng thời đã hoàn thành nhiều bức tranh sinh động về Cao bằng hôm nay( đã trình làng tại Cao bằng và trên liên mạng).Dĩ nhiên,Trần Nhương cũng đã có chùm thơ trong chuyến đi này.Và Tô Nhuận Vỹ,người ít viết lâu nay nhất trong trại,với tất cả sự xúc động sâu xa khi lần đầu được thấy,được trực tiếp cảm nhận cuộc sống và chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới đang và sẽ hoàn thành ghi chép dài Gập gềnh biên cương.
                                                *
  Dù phaỉ dành nhiều thời gian cho các cuộc đi biên giới,đi thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở Long châu-Trung quốc,đi thăm gia đình nhà văn lão thành Triều Ân và vùng Lam sơn thượng, hang Ngườm Bốc,nơi bác Hồ đã chủ trì hội nghị tổng kết chiến dịch biên giới năm 1950,Trại viết lần này còn có những cuộc giao lưu, gặp gỡ thật cảm động.Đó là cuộc giao lưu thơ-nhạc với học sinh và giáo viên trường chuyên của tỉnh,với lãnh đạo và cán bộ nhân viên các huyện Hà quảng,Hạ lang,Trùng Khánh ,dự Hội thảo Tạp chí NON NƯỚC CAO BẰNG TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN,tham dự cuộc liên hoan nghệ thuật giữa Cao bằng và thành phố Bách sắc-Trung quốc…
  Chỉ với 14 ngày,cường độ làm việc khá căng thẳng,nhất là tuổi trung bình của trại là gần 60,trong đó có 3 nữ và 3 “ông lão” trên 70 tuổi,kể cả lão ông “chân cò tay nhện” như nhà văn Hoàng quốc Hải,nhưng đến nay,16 trại viên (kể cả 2 trại viên bận công việc phải về trước là Lê Minh Khuê và Y Ban) vẫn “nguyên vẹn” không sứt mẻ gì,xin được báo cáo và…bàn giao lại cho BCH Hội nhà văn.
Phải nói rằng,sự quan tâm,giúp đỡ thường xuyên,tận tâm của lãnh đạo tỉnh Cao bằng, của Hội VHNT Cao bằng,đặc biệt là của anh Đoàn Lư Chủ tịch Hội đã nhiều lần trực tiếp lái xe đi hướng dẫn cho đoàn,anh Phan Hùng Phó chủ tịch Hội,chị Đoàn Ngọc Minh chánh văn phòng Hội,là người có mặt hàng ngày bên cạnh chúng tôi,sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh,của Công an Tỉnh,của Công ty du lịch,của khách sạn Phong lan,của Sở Ngoại vụ ...đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng tôi.Cho phép tôi thay mặt anh chị em trại viên thành tâm cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó.
                                                *
Nhà văn Hoàng Minh Tường là “thổ công” của vùng nguyên là Khu tự trị Việt Bắc này,bởi 40 năm trước anh là cán bộ giáo dục ở đây,là Ủy viên BCH Khu đoàn Khu tự trị.Thật khó mà có một lý lịch sáng chói như vậy.Tác giả Thời của Thánh Thần nôn nao khi trở lại vùng đất xưa cũ đầy kỷ niệm và xúc động viết những dòng thơ một thời Thần Thánh của tuổi trẻ anh  bên dòng Bằng giang.
                 Bốn mươi năm trở lại Cao bằng
                 Phố vườn cam còn nhớ tôi không?
                 Có ai biết một lần tôi chết đuối
                 Khi đôi mắt ấy chưa đi lấy chồng
Chúng tôi không có kỷ niệm sâu đậm được như anh Tường nhưng những ngày vừa qua cũng là những ngày khó quên trong đời viết văn của chúng tôi.Những dòng thơ sẽ đọc hôm nay ở đây,những đoạn văn sẽ ra mắt những ngày tới nói rằng cảm xúc của chúng tôi cũng không thua cảm xúc của Hoàng Minh Tường bao nhiêu đâu.
Xin tạm biệt Cao bằng non xanh nước biếc,mảnh đất thiêng của truyền thống văn hóa và lịch sủ dân tộc.Hẹn gặp lại!

Ghi thêm: Trên đường từ Cao Bằng về Hà Nội TN đã bỏ quên máy ảnh nên không có hình ảnh, bỏ quên cả cặp vẽ. Tiếc quá.