Trang chủ » Truyện

NHỮNG BÀI THƠ DỊCH CỦA VŨ ANH TUẤN TRONG TẬP THƠ “NON THIÊNG BIỂN BIẾC”

Nguyễn Chính Viễn
Thứ năm ngày 25 tháng 8 năm 2011 6:13 AM

Bút danh  :  Anh Tuấn- Tuấn Vũ,  sinh năm 1928, nguyên quán :  Đông Kinh- Huyện Đông Hưng -Tỉnh Thái Bình. Trú quán : 470 Trần Nhân Tông- Tổ 1, Khu 11,  P.Thanh Sơn,  TP. Uông Bí , Tỉnh Quảng Ninh. Hội viên CLB thơ Thanh Sơn- CLB Thơ Yên Tử - Uông Bí. Hội viên Hội VHNT Uông Bí, Hội viên CLB UNESCO Thơ Đường Việt Nam- TP Hạ Long. Đã có những tác phẩm : Xuyên tâm khúc- Những vần thơ kỷ niệm – Mai Hiên II- Tứ Phương II (NXB Thanh Niên) Dấu xưa- Hương Cổ Điển ( NXB Văn Học)  Vần thơ Kỷ niệm (NXB VHTT).
Trong tập thơ “ Non thiêng Biển biếc” (NXB VHTT in năm 2011)) Ông đã dành ra những trang thơ dịch, cùng là Hội viên Hội VHNT cùng sinh hoạt với nhau trong CLB nên được ông tặng tập thơ vừa in xong còn thơm mùi giấy mực xin trân trọng giới thiệu những bài thơ dịch của ông với “Trannhuong.com”

1-ĐĂNG BẢO ĐÀI SƠN
 Thơ Trần Nhân Tông ( 1258-1308)
Địa tịch đài du cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
 Hoa kính bán tinh âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ Lan hoành ngọc địch
Minh Nguyệt mãn hung khâm.
Dịch thơ :

LÊN NÚI BẢO ĐÀI :
Hoang vắng đất cổ xưa
Xuân đến chưa đậm đà
Chập chờn mây cách núi
Râm mát khúc đường hoa
Vạn sự trôi như nước
Trăm năm nỗi lòng ta
Tựa hiên nâng sáo ngọc
Trăng trong tim sáng lòa.

Dịch thơ theo thể lục bát :
Đất đài hoa vắng cổ xưa
Ngày xuân đang đến nét chưa đậm đà
Núi, mây lồng bóng gần xa
Ánh  mây lấp loáng rợp hoa trập trùng
Nước trôi, muôn sự theo dòng
Trăm năm lòng vẫn nhủ lòng nao nao
Tựa hiên sáo ngọc vút cao
Trăng trong chân lý tỏa trào ngực hoa.

2- LƯƠNG CHÂU TỪ
   Tác giả : Vương Hàn
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy lúy sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Dịch thơ 1:

LỜI CA LƯƠNG CHÂU
Đây rượu nho ngon, chén dạ quang
Đàn ca, muốn uống, gấp lên đàng
Sa trường say xỉn, ai cười ngó
Mấy kẻ chiến chinh, lại cố hương
Dịch thơ 2:
Chén ngọc, rượu nho ngon tái tê
Đàn ca, muốn uống, giục ngay đi
Sa trường say xỉn ai cười ngó
Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về.

3 –PHONG KIỀU DẠ BẠC :
                   Trương Kế
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại, Hàn san tự
Dạ bán trung thanh, đáo khách thuyền

Bài dich 1
 ĐÊM BẾN PHONG KIỀU
Trăng tà, quạ réo, trời mù sương
Cây bến, đèn chài, giấc ngủ vương
Thành ngoại, chùa Hàn, vang vọng tới
Nửa đêm thuyền khách vẳng hồi chuông.

Bài dịch 2 :
ĐÊM BẾN CẦU PHONG
Trăng tàn, quạ réo, trời sương
Đèn chài,cây bến, cùng vương giấc buồn
Cô Tô thành ngoại, chùa Hàn
Nửa đêm chuông vọng tới thuyền khách xa.

VÀI LỜI VỀ CÁC TÁC GIẢ THƠ :

I-Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, quyết đoán được sử sách ngợi ca
là vị anh hùng cứu nước. Thời gian Trần Nhân Tông trị vì, nước  Đại Việt đã trải qua những thử thách ghê gớm mà Trần Nhân Tông phải giải quyết : 1- Mối bất hòa trong dòng họ. 2- Trị quốc an dân. 3- Ngoại giao khôn khéo 4- Giỏi công việc võ : Người đã cùng vua cha chủ trì hai hội nghị quan trọng  Hội nghị Bình Than năm Nhâm Ngọ (1282) Hội nghị Diên Hồng năm Ất Dậu (1285) 5- Là một nhà thơ có nhân cách, có tâm hồn lạc quan yêu đời. 6- Vị vua sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm và trở thành Đệ Nhất Tổ...
II-“Lương Châu từ” là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng của
Vương Hàn  (Đời Hán) được sáng tác từ tên gọi của một điệu hát cổ của người Trung Hoa nói về chủ đề trận mạc vùng biên ải . Vương Chí Hoán một tác giả thời Sơ Đường cũng có bài thơ “Lương Châu từ”( hay còn có tên Xuất tái Lương châu từ)nhưng không nổi tiếng bằng. Bài thơ này được dịch ý như sau : Chiếc ly dạ quang tinh xảo được đổ đầy rượu nho ngon tuyệt. Vừa muốn say sưa một phen thì đột nhiên tiếng đàn tỳ bà tưng bừng vang từ trên lưng ngựa xuống như thôi thúc tướng sỹ cạn ly. Dù có say nằm lăn trên sa trường, mong các vị đừng chê cười!. Trong giờ người đi chinh chiến mấy ai sống trở về” . Dịch thơ : “ Rượu ấm, nho tươi cùng chén ngọc/ Chưa uống tỳ bà đã dục vang/ Sa trường nằm say xỉn chớ lạ/ Miệt mài chinh chiến biết ngày nao?/.
Lời bàn của ông Vũ Anh Tuấn về bài thơ “Lương Châu từ”:  Có 3 cách hiểu khác nhau :
1- Cách thư nhất : Đây là lời ca nói  về bữa tiệc uống rượu của chiến
 binh :
  + Rượu nho ngon, lại rót vào chén dạ quang trân trọng quá. Miệng đang
thèm uống, đàn nhạc nổi lên như giục giã : “Uống ngay đi”.
       + Trên Chiến trường có say khướt, say lăn lóc cũng chẳng ai thèm cười nhau.
        Vì những kẻ chinh chiến ra đi mấy ai đã trở về. Đọc xong để lại trong lòng người nỗi sót xa về chiến tranh. Chiến tranh là chết chóc...
      2 - Cách hiểu thứ 2 :  Chủ yếu là  ở câu thứ 2 : Người ngồi trên lưng ngựa gẩy đàn như giục giã . Còn giục giã gì thì không rõ. Có lẽ giục giã ra trận chăng? Hay giục uống đi?
      3 – Cách hiểu thứ 3 : Vẫn là ở câu 2 : Đang thèm uống, tiếng đàn đang rộn rã nhưng không được, phải đi ngay theo tiếng gọi của chiến trường. Hạnh phúc tối thiểu của con người là miếng ăn miếng uống cận kề cửa miệng mà không được hưởng. Chiến tranh là như thế đó. Sót xa lắm! Mấy người đi chiến trận mà đã trở về nhà ?
Dịch bài này đáng lưu ý  2 chữ “mã thượng”
1- “Mã thượng” hiểu nghĩa là trên lưng ngựa. Đàn hát trên lưng ngựa
2- “Mã thượng” nghĩa khác là : Ngay lập tức. Đây là trạng thái trợ động từ
cho động từ “giục”. Mã thượng thôi nên câu này có thể hiểu :- Muốn uống, đàn nổi lên giục uống ngay đi hoặc muốn uống, đàn nổi lên giục ngay lập tức ra chiến trường. Có lẽ giục uống ngay đi hợp với lời thơ hơn.
III- Trương Kế : Tự là Ý Tôn, sống vào khoảng  trước sau năm Chí
Đưc đời Đường Túc Tông, đậu Tiến sĩ và ra làm quan tới chức Kiêm hiệu viên ngoại lang. Trương Kế có để lại một tập thơ, nổi tiếng nhất là bài “Phong Kiều dạ bạc”. Bài thơ được Khang Hữu Vi đời Thanh viết ra, chữ to ba bốn tấc, khắc ở trên bia dựng trong chùa Hàn Sơn. Bài thơ dịch nghĩa : “Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều” : Trăng xế,quạ kêu, sương đầy trời/(khách) nằm ngủ trước cảnh buồn của đèn chài và lùm phong bên sông/Tiếng chuông chùa Hàn Sơn, ngoài thành Cô Tô/ Nửa đêm văng vẳng vọng đến thuyền khách.
Lời bàn của ông Vũ Anh Tuấn về bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” : Bài thơ này đã có nhiều học giả nỏi tiếng của Việt Nam dịch, nhưng ở câu 2 có chữ “đối sầu miên” và câu 4 có chữ “đáo khách thuyền” các bản dịch vẫn chưa được thỏa mãn người đọc.
Câu 2 nghĩa là : Rặng cây phong trên bờ sông trong đêm lặng, mù sương, rủ xuống như có nỗi buồn bất tận. Đối diện dưới sông thuyền chài về đêm im lìm, tĩnh lặng như mang nỗi sầu nhân thế chỉ còn le lói đốm lửa tàn. Cảnh vật đó như cùng đang im lìm trong giấc ngủ buồn.
Câu 4 : Đêm khuya bỗng cất lên tiếng chuông từ chùa Hàn ven núi ngoại thành Cô Tô vang vọng tới thuyền khách mà dịch là “nghe thấy” e chưa thỏa.
Bài thơ tả cảnh mà ngụ tình rất sâu xa.
- Trăng tàn hay là triều đình đang suy tàn.
- Quạ réo hay là tiếng quạ gọi nhau đi mổ thịt xác chết do chiến trận
liên miên chưa kịp chôn cất.
- Trời mù sương hay là dân chúng đang sống cảnh không lối thoát. Chỉ
còn tiếng chuông chùa đêm ngân thánh thót.
Ngày 23-8 – 2011
Nguyễn Chính Viễn