Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Y Ban: Hành trình đến tận cùng thế tục (Phần I)

Hoàng Tố Mai
Thứ năm ngày 19 tháng 3 năm 2009 9:05 PM
 hspace=12
Cẩm cù không nổi tiếng bằng một số truyện ngắn khác của Y Ban như Thư gửi mẹ Âu cơ, I am đàn bà, Đàn bà xấu thì không có quà… Không có những vấn đề hot như sex, nạo phá thai, ngoại tình… tóm lại những sự vụ liên quan đến “chị em nhà Eva”. Cẩm cù là một truyện vừa mang dáng dấp tự truyện. Căn cứ vào những tình tiết liên trong truyện có thể khẳng định “tôi”, người kể chuyện ở đây chính là tác giả. Nhưng điều này không thực sự quan trọng vì ngay cả những độc giả chẳng biết Y Ban là ai thì câu chuyện được kể lại này vẫn thật sự ấn tượng.
 
Nhà văn Y Ban
 
Có thể nói Y Ban là một nhà văn kể chuyện rất có duyên. Đọc sách của chị gặp không ít sạn, lỗi mo rát, hành văn không được trau chuốt, thậm chí sơ sài, đểnh đoảng như văn nói nhưng rút cục tác phẩm của chị vẫn cứ cuốn hút. Jorge Luis Borges đã từng có nhận định thú vị về văn nghiệp của Edgar Allen Poe. Ông cho rằng muốn thấy sự lớn lao của Poe cần xem xét toàn bộ văn nghiệp của tác giả này. Còn như đọc từng trang, từng dòng thì thấy khối chỗ tầm thường, làng nhàng. Với Borges thì “ cái quan trọng nhất của văn nghiệp một nhà văn là hình ảnh cuối cùng nhà văn đó để lại”. Có lẽ trường hợp của Y Ban cũng vậy, khen chê gì đi chăng nữa nhưng không thể phủ nhận rằng tất cả những gì chị viết đều để lại ấn tượng mạnh. Giới phê bình không đánh giá cao nghệ thuật viết của Y Ban, chị rất ít khi nhận được những bài viết lăng xê tác phẩm của mình. Thế nhưng sách của Y Ban bán rất chạy. Điều này không khó giải thích, tác phẩm của Y Ban tràn ngập những tình tiết cực kỳ ấn tượng thể hiện một vốn sống vô cùng phong phú và đặc biệt. Quan trọng hơn cả là thế giới quan độc đáo của tác giả, nó thật khác thường, tuyệt đối độc lập, có khuynh hướng triệt hạ tất cả những gì tỏ ra cải lương, rởm, nửa mùa. Gu thẩm mỹ của Y Ban cũng khác lạ. Có lẽ với tác giả này cái Đẹp không chỉ là cái mĩ miều, đôi khi nó là sự khơi gợi, ám ảnh khiến con người ta hưng phấn, lặng đi, sững sờ thậm chí là sốc nữa. Cẩm Cù là một tác phẩm tạo ra những cảm giác như vậy.

 
Nhân vật chính được viết từ ngôi thứ nhất (tôi). Chị ta kể lại thời thơ ấu của mình. Nó được diễn ra trong bối cảnh chiến tranh rồi tiếp đến là thời bao cấp khốn khó. Những gì nhân vật kể không phải là những câu chuyện quá xa lạ với phần lớn chúng ta thế nhưng đưới ngòi bút của Y Ban chúng đã biến thành những sự kiện thực sự đặc biệt.

 
Lời kể chuyện trong Cẩm cù được thể hiện bằng một giọng văn bình thản, chậm rãi, như biết bao tác phẩm tự truyện khác. “Khởi đầu cha mẹ tôi sống trong một căn hộ tập thể, khi sinh tôi ra cha mẹ tôi đã bế tôi về đấy. Đấy là nhà của tôi. Tôi lớn lên bình an trong ngôi nhà của mình đến khi năm tuổi thì chiến tranh nổ ra. Nhà tôi đi sơ tán. Đi sơ tán người ta không thể mang cả nhà đi được. Nhà tôi phải đi ở nhờ”. Giọng kể chậm rãi và bình thản này lại kể về một loạt những sự kiện gây sốc khiến không ít độc giả kém chịu đựng nổi gai ốc và lợm giọng. Nhân vật “tôi” trong truyện không có ý định tái hiện một tuổi thơ êm đềm trong trẻo. Phần lớn câu chuyện là những ám ảnh về sự khốn khó, nhếch nhác và sự thích nghi kỳ lạ của con người với những điều kiện sống tồi tệ trong quá khứ. Ám ảnh lớn nhất của nhân vật chính là những nhà vệ sinh bẩn thỉu, nhếch nhác trải dài theo những tháng năm tuổi thơ nay đây mai đó. Gia đình của cô bé trong truyện không có nhà riêng, cứ đi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác. Chính thế cô bé có cơ hội “trải nghiệm” tới hàng chục cái nhà vệ sinh đủ loại. Nhà vệ sinh thứ nhất được kể đến là “một nhà xí làm trên một ụ đất cao và không hề có một cái gì để che cả. Tôi không hiều rằng ngày mưa mọi người đi kiểu gì, chắc là sẽ nhịn cho đến khi tạnh mưa”. Rồi cô bé phát hiện ra cách nhà mình nửa cây có một trường học và trường học đương nhiên phải có nhà vệ sinh. Thế nhưng dù “được xây rất kiên cố nhưng cả dãy nhà xí năm cái chả cái nào có cửa”. Sau đó gia đình cô bé lại chuyển đến một nơi ở khác. Vừa đến nơi cô đã được đứa con gái chủ nhà bằng tuổi dẫn đi giới thiệu một cái nhà xí có hai hố. “Tôi và con bé con chủ nhà cùng vào, chốt chặt cửa và ngồi đối diện với nhau. Chúng tôi vừa đi vừa làm quen trò chuyện với nhau. Được một lúc tôi phải bịt mũi kêu:
 
Thối lắm, không chịu được.
Mặt con bé kia lạnh tanh:
 
Mày nghĩ đây là giường ngủ nhà mày chắc, đã gọi là chuồng xí thì nó phải thối chứ.
Tôi chẳng hiểu tại sao lại có loại nhà vệ sinh hai hố thế này và người lớn có đi chung như chúng tôi không nhỉ? Đó vĩnh viễn là một câu hỏi bí mật và cái sự bí mật này không hiểu có liên quan gì đến câu vè này không:

 
Yêu em đâu phải bạc vàng
Yêu vì nhà nàng hố xí hai ngăn”

 
Bản thân câu vè này đã rất hóm rồi, khi nó được ghép với tình huống kể trên thì hiệu quả hài hước tăng gấp bội. Cứ như là người ta thiết kế nhà vệ sinh kiểu ấy là để dành cho những đôi uyên ương đi vệ sinh cùng nhau.

 
Càng về cuối những nhà vệ sinh sau này ngôn ngữ miêu tả càng trào lộng hơn. Các tình tiết gia tăng, mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, khi cô bé kể về nơi đi vệ sinh rất hoang dã ở nhà bác minh. Đó là một ngôi nhà rất khang trang, có sập gụ tủ chè đẹp đẽ nhưng lại không có nhà vệ sinh. “Mỗi lần buồn đi xia chúng tôi ra bờ sông mọc đầy cỏ lác, rắn rết vì thế một người đi ít nhất phải có người đứng canh chừng. Mỗi lần giải quyết xong cái bầu tâm sự ấy chị em tôi sung sướng lắm. Một lần sau cái sự vụ ấy về nhà chị em tôi rải chiếu xuống sàn nhà nằm, rồi hát nghêu ngao.
 
Chợt em tôi kêu lớn:
Thối thế, kiểm tra xem ai dẫm phải cứt.
Thế là xăm xoi chân nhau rồi quần, cuối cùng cũng phát hiện ra thủ phạm. Trên cánh tay trắng nõn nà của chị tôi là một mảng phân đã ải”

Cảm thấy tả lẻ tẻ từng cái nhà vệ sinh nhỏ chưa đủ độ, tác giả đã “dùng hẳn một chương để nói về cái nhà vệ sinh công cộng.” Vô số những chuyện bi hài diễn ra ở những chỗ như thế này. Chẳng hạn ở một trường học, cả thầy lẫn trò phải đi chung một cái nhà vệ sinh không cửa. “Thầy đang ngồi vô tư thì học trò cũng đi vào vô tư. Nhìn thấy thầy mà không chào thì vô lễ. Học trò bèn đứng nghiêm chắp hai tay trước ngực: “Em chào thầy ạ. Thầy ngửng lên vô cùng xấu hổ:
 
Cút, ai cần mày chào ở chỗ này.
Trò có lý còn thầy thì vô lý. Có lẽ câu chuyện này thầy nên đưa vào bài luân lý và kết luận: Trò không nên chào thầy ở nhà vệ sinh công cộng.”

 
Sau khi kể lể bao sự cố oái oăm ở nhà vệ sinh công cộng, nhân vật chính cho rằng đó có thể là nơi” rèn tiếng Việt rất hay”. Một anh chàng táo bón bị người bên ngoài gõ cửa giục giã thì gắt lên : “Còn xơi”. Một anh Tây nghe vậy liền hỏi anh chàng vừa gõ cửa: “Cái anh ấy xơi gì trong đó vậy?” Đùa giỡn với tiếng Việt kiểu này ta cũng thấy xuất hiện trong Chuyện ông Móng của Nguyễn Huy Thiệp. Truyện ngắn này kể về một phiên chợ bán phân. Ông chủ chợ tên là Móng (trùng với tên một dụng cụ dùng để vét phân) có vai trò thẩm định chất lượng của từng sọt phân. Chẳng hạn khi bị dìm giá một phụ nữ chạy ra “cầu cứu” ông chủ chợ : “Bác Móng! Phân này của cháu mà chê là chua thì có ức không? Sau khi xem xét ông chủ chợ phán rằng: “Phân tốt đấy, không chua đâu! Chắc hố xí nhà này gần chỗ làm đậu phụ nên có nước đỗ tương lẫn vào. Rồi ông phán thêm: “Phân của mày hôm này không đậm như phân hôm qua! Nát nhẽo, nát nhèo… Thôi thì giảm đi một giá…” Với một phụ nữ khác đang than phiền gánh phân nặng quá thì ông cũng không quên chỉnh huấn: “Cho chết! Ai bảo tham múc nhiều nước vào…Mày phải chắt cho kiệt nước đi thì phân mới ngon!” Kết thúc truyện cũng là một câu đúc kết nghề nghiệp rất hóm của nhân vật chính: “Không vụ lợi, không “xếch-xy” – Ông Móng bảo tôi: Nghề hót phân trên đời là nhất!” .
 

Trở lại với Chương VI của Cẩm cù, cái chương mà tác giả đã dốc sức để lột tả cho ra cái nhà vệ sinh công cộng của khu tập thể của cán bộ bệnh viện, nơi mà gia đình cô bé sinh sống. Năm 1972, khi cha cô nhận lệnh đi B cũng là lúc gia đình cô được phân nhà, vậy là chấm dứt những năm tháng nay đây mai đó. Nhà vệ sinh công cộng của khu tập thể là loại tự hoại. Khi mới xây dựng nó chẳng đến nỗi nào. Trẻ con thường trốn bố mẹ mang truyện vào đấy đọc hàng tiếng đồng hồ. Bởi vậy nhiều bà mẹ tìm con là chạy ra nhà vệ sinh gọi gọi: “Trời ơi mày đi ỉa ở đâu vậy? Ở Hà nội hay ở Hải Phòng”. Thế nhưng những ngày tháng tốt đẹp ấy khá ngắn ngủi. Đầu tiên là mất nước. Nước sinh hoạt còn chẳng có lấy đâu ra nước cho nhà vệ sinh. “Cái kiểu nhà vệ sinh xây tự hoại nên không có nước thì không trôi được phân.
 
Thế là cứ đi chồng đổ đống lên nhau. Tuy vậy nội quy của khu tập thể vẫn phải được duy trì, mỗi ngày một nhà dọn vệ sinh một lần. Cứ rình lúc nào người ta vừa dọn xong mà đi thì sạch. Tuy nhiên cái vấn đề ở đây liên quan đến sinh lý chứ không phải là cỗ máy đơn thuần”. Vấn đề nan giải thứ hai chính là cánh cửa. Chúng dần dần bị tháo trộm đi . Đa phần cư dân trong khu đều là y, bác sĩ nên để đỡ ngượng khi đi vệ sinh “ai cũng xùm xụp cái nón, không gặp ai thì thôi, mà có gặp ai thì cụp nón xuống để che mặt hoặc giả người đến sau cũng cụp nón xuống che để chẳng nhìn thấy gì”. Tệ hơn nữa là trần dột. “Những hôm mưa to thì nước ở trên trời cứ thế mà đổ thẳng xuống đít. Đố ai đi vệ sinh gặp trời mưa về mà không tắm. Có hôm mưa to ròi bắn lên mông”. Cuối cùng là cái nắp bể phốt. Nó bị vỡ toang hoác, đi đứng không cẩn thận ngã xuống bể phân như chơi. Cái bể phân lộ thiên là một nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người lớn tuổi. Bản thân bố cô bé cũng từng kể là nằm mơ “ngã xuống bể phân “ngập đến tận cằm”. Thế rồi cái sự cố kinh hoàng liên quan đến bể phân ấy đã xảy ra nhưng ngoài sức tưởng tượng. Một bà y tá tên là Mơ sau khi đốt xong đám giấy vệ sinh liền hất đám tro vẫn còn cháy âm ỉ xuống bể phốt. “Thế là : Bụp – một tiếng nổ kinh hoàng, phân bắn tóe lên. Kết quả là bà Mơ hứng trọn một quả bom phân từ đầu đến chân”. Tới khi câu chuyện kết thúc, cũng là lúc cô bé năm xưa giờ đã trở thành cô giáo trở về thăm nhà, cái nhà vệ sinh vẫn còn đó. Vài nhà khá giả hơn đã làm nhà vệ sinh riêng, số đông còn lại cuộc sống chẳng thay đổi gì..

Ở những nước nông nghiệp lạc hậu thì phân và nước tiểu là bạn của nhà nông. Ngay như người Eskimo khi chưa bị người da trắng đồng hóa vẫn sử dụng nước tiểu để làm đẹp cho khuôn mặt. Thậm chí họ còn để xô nước tiểu ngay trong nhà để thuộc da và sống chung hòa bình với mùi của nó. Nhưng ở thành phố, khi điều kiện sống đã thay đổi rất nhiều, thứ chất thải đó chẳng cần đến nữa, nhà vệ sinh công cộng đã trở thành biểu tượng cho sự nhếch nhác, bẩn thỉu. Khi phải sống chung với nó người ta không thấy ngấm. Đến khi thoát ra được và nhớ lại thì rùng mình, đó thật sự là tận cùng đáy nhân gian. Tác giả của Cẩm cù đã quyết định chọn nơi tận cùng đáy nhân gian này làm đối tượng miêu tả, thậm chí luôn để nó trở đi trở lại trong tác phẩm của mình. Có lẽ, ở Việt Nam những nhà văn đủ năng lực, bản lĩnh, và… hào hứng viết về “phân” một cách nghiêm túc như vậy chỉ có Nguyễn Huy Thiệp và Y Ban.

(Còn nữa)
 
Hoàng Tố Mai
 
Nguồn: Vietimes