Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chữ nghĩa vẫn chờ thời khắc lên ngôi

Đồng Văn
Thứ tư ngày 25 tháng 3 năm 2009 6:37 AM

@ Nhắc đến Đỗ Minh Tuấn thì ai cũng nghĩ đó là một nhân vật tài hoa. Nếu in chức danh vào danh thiếp, anh sẽ in nhà thơ, nhà phê bình, nhà viết kịch, đạo diễn hay họa sĩ?
Đỗ Minh Tuấn: Khi in danh thiếp hoặc chú thích ảnh in báo tôi thường dùng cụm từ Nhà thơ - Đạo diễn, có lẽ hai chức dạnh đó đã đủ …oai rồi ! Tôi vẫn hay nói, với tôi điện ảnh là nghề, thơ ca là định mệnh, lý luận phê bình là trách nhiệm xã hội, hội họa là trò chơi bất tận của tuổi thơ. Đưa căn cốt và nghề nghiệp lên danh thiếp là đúng nhất.
@ Anh khởi đầu là một nhà thơ, nhưng từ ngày anh đi làm đạo diễn phim thì nhiều người vẫn nghĩ rằng cái tên gọi cuốn sách của anh “Ngày văn học lên ngôi” chỉ còn là một kỷ niệm xa mờ. Anh có nghĩ vậy chăng?
Đỗ Minh Tuấn: Không, tôi vẫn viết và vẫn đọc. Năm 2009 tôi dự định xuất bản hai cuốn tiểu thuyết, một cuốn về sinh viên tên là “Chân trời của một người” dày khoảng 500 trang (đã gửi cho NXB Văn học từ năm 1974 anh Nhật Tuấn được giao giám định rất khen nhưng cho là gai góc quá lúc ấy chưa in được), một cuốn tến là “Thần thánh và bươm bướm” viết về nông thôn thời hội nhập dày khoảng 400 trang viết năm 1997 nhưng bỏ lửng chương cuối nay mới có thời gian hoàn tất. Ngoài ra sẽ cho in một cuốn nghiên cứu “Hồn Việt trong Truyện Kiều”, hai cuốn tiểu luận- phê bình “Người trí thức trong thiên niên kỷ mới”, “Quyền lực của biểu tượng” và mấy tập kịch bản sân khấu. Những tên sách này có thể thay đổi, nhưng chắc chắn nó sẽ được in ra vì thực ra một số cuốn đã dàn trang từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa chữa morat xong vì …muốn bổ sung thêm. Văn học vẫn mãi mãi là ngôi đền thiêng trong tôi, nó có thể ngồi chờ vì chưa thể....tập tễnh lên ngôi, nhưng nó chưa bao giờ bỏ cuộc. Chữ nghĩa vẫn đang chờ thời khắc lên ngôi.
@ Năm 1992, anh in liên tục 4 tập thơ và từng thổ lộ ước mơ đoạt giải Nobel. Vì sao bây giờ không thấy thơ anh xuất hiện nữa?
Đỗ Minh Tuấn: Có lẽ vì tôi đã qua giai đoạn lên đồng - những năm 80 của thế kỷ trước, một ngày tôi có thể viết mười mấy bài thơ - bây giờ tôi tỉnh táo hơn, cầu toàn hơn, khó tính hơn nên ít viết thơ chăng? Cũng có thể tôi đang hoài thai một cái gì lớn lao mới mẻ hơn trong một tâm thế mới. Nhưng chắc chắn là thơ vẫn sống trong tôi từng giây từng phút, sẽ một ngày không xa nó tái xuất giang hồ mãnh liệt không kém ngày xưa.
@ Bài thơ “Mẹ tôi, người hay lo” của anh đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ năm 1990 trên báo Văn Nghệ, đến nay đọc lại vẫn là một bài thơ xúc động. “Mẹ thắp đèn lên xem hai chiếc đồng hồ. Sợ con đi muộn lỡ mất chuyến tàu sáng. Tựa cửa mẹ nhìn mênh mông tháng nắng. Sợ con bỏ quên chiếc mũ trên đường đi”. Lẽ nào, đó là một đỉnh cao mà anh không thể vượt qua được?
Đỗ Minh Tuấn: Dù tôi có thể đạt tới một đỉnh cao khác trong tương lai, nhưng “Mẹ tôi người hay lo” vẫn là một bài thơ máu thịt nhất của tôi, gắn liền với số phận mẹ tôi. Tôi viết bài thơ này một mạch, chỉ trong một buổi tối, viết không hề nghĩ đến chuyện in. Đến khi gửi dự thi, anh Võ Thanh An vừa biên tập vừa khóc. Sau này có người nhận xét trong lúc thi ca còn đang say sưa ca ngợi một nhân dân anh hùng trong chiến trận, thì thơ tôi đã biết thương anh hùng và sớm chia sẻ buồn vui với một nhân dân lam lũ đời thường, trong đó có mẹ tôi. Tôi nghĩ rằng tình thương mẹ luôn chứa chan, tiềm ẩn trong mỗi con người. Chính cảm hứng sáng tạo gắn liền với khát vọng đổi mới thi pháp mới đã giúp tôi bừng ngộ ra hình tượng người mẹ thi ca trong chính thời khắc ấy.
@ Dù yêu hay ghét, thì những người đủ năng lực cảm thụ thi ca vẫn phải thừa nhận rằng “Những cánh hoa tiên tri” của anh là một tập thơ hay. Bây giờ anh thử làm một “cánh chim tiên tri” để thử dự đoán chừng nào nền văn học Việt Nam mới có những tác phẩm ngang tầm thế giới?
Đỗ Minh Tuấn: Tôi nghĩ ít nhất khoảng một thập niên nữa, đó là khoảng những đau khổ suy tư và dằn vặt của hôm nay vẫn còn được nung nấu, nhưng chúng ta đã vượt qua thói độc thoại hay thói mượn hồn.
@ Những bộ phim mà anh đã làm như “Hoa của trời”, “Ngọn đèn trong mơ”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Vua bãi rác”…chứa đựng không ít mảnh đời lầm lũi và bất hạnh. Theo anh, làm sao để người nghèo có thể vươn lên cùng cộng đồng hòa nhập và đất nước hội nhập?
Đỗ Minh Tuấn: Người nghèo có thể vươn lên về vật chất kỹ thuật và lối sống để hòa nhập cùng nhân loại. Nhưng cảm thức về thân phận đói nghèo, nhược tiểu và khát vọng vì đại nghĩa của người Việt thì bao giờ cũng cần được điện ảnh và văn chương chia sẻ. Năm 2003, khi tôi chiếu phim “Vua bãi rác” và nói chuyện ở trường Havard có người đã hỏi: “Sao sau hơn ba mươi năm giải phóng mà VN vẫn nghèo vậy?” Tôi trả lời ở New York tôi cũng thấy người bới rác nằm ngủ bên hè phố mà nước Mỹ có nghèo đâu! Phim tôi không nói về cái nghèo, mà nói về thái độ với cái nghèo. Những con người trong “Vua bãi rác” vẫn có niềm tự hào, lòng tự trọng và một cuộc sống chan chứa tình người khi sống trong rác rưởi. Họ còn mơ một giấc mơ của tỷ phú Mỹ đón dâu bằng trực thăng. Chắc hắn người bới rác ở Mỹ không có lòng kiêu hãnh và giấc mơ như thế! Đó là những tài sản văn hóa họ phải mang theo khi hội nhập. Họ có thể chưa hội nhập trong đời thực, song đã hội nhập bằng cả cuộc đời lam lũ bất hạnh và khát vọng đổi đời trong các phim của tôi. Ba trong bốn bộ phim mà anh vừa kể ra đã được cộng đồng thế giới đón nhận rất nồng nhiệt, hàng chục nước đã mua các phim đó phát hành. Viện phim Fukuoka – Nhật Bản mua cả ba phim “Hoa của trời”, “Ngọn đèn trong mơ”, “Vua bãi rác” để lưu trữ. Nghĩa là, muốn hội nhập trước hết phải bước lên từ chỗ đứng và thân phận hiện tại của mình. Văn học nghệ thuật phải đóng vai trò cái vạch xuất phát về thân phận và văn hóa của mọi chặng đường hội nhập.
@. Một đặc điểm dễ thấy ở Đỗ Minh Tuấn là chất hài hước. Chưa cần nói đến hài kịch như “Internet về làng”, ngay cả những bộ phim như “Thằng cuội”, “Dịch cười” hay “Công ty co giãn mênh mông” cũng chứng minh một Đỗ Minh Tuấn đang che miệng khúc khích ngạo nhân gian. Thế nhưng, anh có cho rằng, cái cười chỉ để…cười trong nghệ thuật sẽ rất lãng phí? Anh chuộng kiểu cười như thế nào?
Đỗ Minh Tuấn: Tôi hay khai thác các tình huống cười ra nước mắt. K. Marx nói: Hài kịch là cuộc chia tay vui vẻ với quá khứ! Tôi cũng có ý thức cười ngạo nhân gian và tự trào để phát hiện, phô bày và chia tay vui vẻ với những thói tật mới của con người thời đại. Nhưng tôi cười thiên hạ nhiều khi là để thương đời hơn.
@ Ngày xưa cái luận văn tốt nghiệp đại học của anh là “Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” được giới nghiên cứu đánh giá rất cao. Gần đây, anh lại tiếp tục ngẫm ngợi về Truyện Kiều. Theo anh, câu Kiều nào khiến anh thấm thía nhất cho riêng mình và cho bối cảnh kinh tế thị trường hôm nay?
Đỗ Minh Tuấn: Tôi nghĩ đến một tình cảnh chung của người người Việt, ứng với muôn thuở trong câu : “Oan kia theo mãi với tình/ Một mình mình biết một mình mình hay”. Tôi đã phân tích hai câu này trong một bài in trên Tạp chí Thơ (California). Nó nói về cảnh ngộ một cộng đồng mang nặng chữ tình dẫn đến những giá trị, những tình tự không thể nào được thấu hiểu hay chia sẻ, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập hôm nay.
@. Trước kia có một người gọi anh là “kẻ bị bỏ bùa bởi cái đẹp”. Còn hiện tại anh bị bỏ bùa bởi điều gì?
Đỗ Minh Tuấn: Vẫn bị bỏ bùa bởi cái đẹp thôi. Nhưng ngày xưa cái đẹp nó trinh nguyên mà tôi thì trẻ dại nên nó làm tôi mê mệt đắm đuối hơn, có thể thức vẽ đến bốn năm giờ sáng. Bây giờ cái đẹp nó khôn ngoan hơn mà tôi lại già đi nên nó không thể lôi tôi miên man như trước nữa. Tôi tỉnh táo hơn và điều độ hơn xưa.
@. Tôi nghe đồn đa tài thường gắn với đa tình. Đỗ Minh Tuấn có khổ vì tình không, hay Đỗ Minh Tuấn may mắn về tình duyên?
Đỗ Minh Tuấn: Thi sỹ, trừ Tố Hữu và Chế Lan Viên ra đều khá đa tình. Thời trẻ thơ tôi cũng điên dại vì tình lắm. Nhưng bây giờ trong làng điện ảnh tôi nổi tiếng là…đứng đắn hơn cột đèn, vì cột đèn còn có người tựa vào làm chuyện không đứng đắn, còn tôi thì các cô diễn viên xinh đẹp chẳng thể tựa lưng cũng chẳng ép được gì! Có lẽ vì tôi may mắn có một gia đình hạnh phúc.
 
nguồn:lethieunhon.com