Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ LÊ CHÍ: "NGHĨ TỪ CÁNH ĐỒNG'

Nhà thơ Lê Chí
Thứ tư ngày 18 tháng 3 năm 2009 6:38 AM

(Tham luận của nhà thơ Lê Chí đọc tại Hội thảo Văn học ĐBSCL - 2009)
 
Mãi đến hôm nay, tôi thật sự giật mình. Càng nhìn ngắm những cánh đồng miền Tây Nam Bộ quê mình, tôi càng thấy như là sự thách đố, vừa quen vừa lạ, mêmh mông quá. Rộng lớn về diện tích đã đành, nhưng với biết bao vấn đề nóng bỏng trong lòng nó mà hình như mình không có được những hiểu biết đáng kể. Từ lịch sử hình thành nghiệt ngã của thiên nhiên, đến hành trình khốc liệt qua bao cuộc chiến tranh, để có được hôm nay một đồng bằng sông Cửu Long trên đường phát triển.

Có thể nói, lịch sử đồng bằng sông Cửu Long cũng là lịch sử của nền nông nghiệp mà cốt lõi là cây lúa nước. Con người chống chọi với thú dữ, nắng mưa, ra sức khẩn hoang cũng chỉ để trồng cho được cây lúa trên mảnh đất này. Cây lúa có sống được thì con người mới tồn tại. Liên miên bao cuộc chiến tranh, kẻ thù cũng chỉ quyết chiếm bằng được vùng nông nghiệp trù phú vào loại bậc nhứt này. Nhưng chúng đã lần lượt thất bại, bởi con người với cây lúa của vùng đất này là một. Con người bám lúa và lúa bám sâu lòng đất. Để giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác, bí quyết cốt tử chính là sức mạnh người nông dân gắn liền với mảnh đất của họ. Chân lý giản đơn là vậy.
 
Mở màn thời đại cháy khát tự do dân chủ bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tiếp theo là kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và 20 năm chống Mỹ xâm lược. Lúc nào cách mạng cũng gắn bó máu thịt với nông dân. Chính nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng: lực lượng võ trang là con em nông dân, làm ra lương thực để nuôi đội quân trùng điệp ấy không ai khác là triệu gia đình nông dân. Thử hình dung, nếu không có những người tay lấm chân bùn ấy tham gia thì liệu cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ rồi sẽ ra sao? Không có gì lạ, bởi nông dân nước ta chiếm hơn 80% dân số.
 
Bằng tấm lòng yêu nước sâu nặng, cũng chính là yêu thiết tha mảnh đất sinh ra mình. Bất kể làm nghể gì, ở đâu, hầu hết con người của vùng đất này cũng được sưởi ấm từ chiếc nôi rơm rạ quê nhà. Với những người cầm viết, hầu như chúng ta chỉ mới đạt được chút ít khả năng ghi chép, miêu tả về dáng dấp của người nông dân hôm qua cầm súng và người  nông dân hôm nay trồng lúa trồng khoai nuôi cá. Còn bao nhiêu khát vọng, bức xúc trong lòng họ? Thật tình với riêng tôi, nhận thức về điều này cũng còn lơ mơ lắm. Có lẽ đó là món nợ “khó lòng trả nổi” của những người sáng tác văn học với bao lớp nông dân và mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu của họ.           
 
 Nói như thế không phải vì chúng ta quá tự ti, tôi chỉ muốn nhân dịp này tự lòng mình sực tỉnh. Bởi Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, lịch sử chỉ có thể tồn tại và phát triển trên cái nền nông nghiệp luôn tiềm ẩn bao điều bất an, có khi do thiên tai ập xuống, nhưng  lắm khi do chính con người ấu trĩ, bất chấp quy luật gây ra. Từ đó, với người cầm viết, để tiếp cận được những vấn đề lớn đầy gai góc này thật không dễ. Quả là chúng ta còn khá nhiều hạn chế, không dễ ngày một ngày hai khắc phục được. Nông nghiệp – nông dân - nông thôn, tuy ba mà một, tuy một mà ba - xoắn quyện trong một tổng thể của chữ NÔNG nhọc nhằn mà kỳ diệu. Nói mặt này tất sẽ chấn động đến mặt kia. Có khi mặt này lại chính là nguyên nhân sâu xa của mặt khác.
 
Chỉ xin nói sau 1975 đến nay. Hơn 30 năm hòa bình xây dựng, nhưng quả tình nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (và cả nước) có thể nói chỉ mới tạm ổn định với khoảng thời gian không xa lắm. Trong bối cảnh đó, nhận thức của những người sáng tác văn học không sao tránh khỏi chông chênh, hụt hẩng, khó lòng vượt qua bằng bản lĩnh nhận thức của mỗi người. Viết theo hướng nào, phản ánh theo thực tế và hiện thực nào? Có lẽ, tự mỗi nhà văn không dễ trả lời hoặc chưa đủ dũng cảm và tài năng để chứng minh bằng tác phẩm tâm huyết của mình. Do đó, người đọc bắt gặp nơi này nơi khác những tác phẩm phản ánh  hời hợt, đơn điệu, ít tìm tòi là khó tránh khỏi. Đó là cái giá đáng buồn mà các nhà văn phải trả cùng bạn đọc của mình. Với Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, dầu chúng ta có xây thiên đường trong tương lai thì nhứt thiết cũng phải xây trên những cánh đồng đã được xử lý nền móng một cách tốt nhứt, vững chắc nhứt. Nói cách khác, đó là khi những làng xóm được xây dựng thật đàng hoàng, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân phát triển cao, khoảng cách giữa giàu nghèo, giữa thành thị và nông thôn không còn đáng kể - chỉ đến khi ấy chúng ta mới có thể nói được rằng: đã xây dựng thành công đất nước phồn vinh thật sự. Từ bây giờ, để góp bước trên con đường thiên lý đó, sứ mạng của những người cầm viết thật nặng nề, đòi hỏi mỗi người phải tự nâng mình về nhiều mặt, điều mấu chốt là ra sức tìm hiểu người nông dân cùng lịch sử mảnh đất sinh ra họ một cách thấu đáo.
 
Trong hơn ba mươi năm sau ngày hòa bình lập lại, chưa có con số tổng kết cụ thể, nhưng những tác phẩm của các nhà văn và những người cầm bút đồng bằng sông Cửu Long viết về vùng đất này cũng khá lớn. Hàng trăm tiểu thuyết, hàng ngàn truyện ngắn, bút ký và thơ,  phản ánh bước chuyển mình lớn lao của đất nước, trong đó phần không nhỏ là đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bạn đọc đang nóng lòng kỳ vọng các nhà văn miền châu thổ này sớm có được những tác phẩm dài hơi, hoành tráng, gây ấn tượng sâu sắc hơn. Tôi xin được gọi Nông nghiệp - nông dân - nông thôn bằng một cái tên chung là CÁNH ĐỒNG – đây thật sự là cánh đồng vĩ đại, đầy bí ẩn. Từ xưa, với những người nông dân nghèo khó, dốt nát, quanh năm bữa cháo bữa rau, thế mà khi họ quyết đem trái tim nhân nghĩa chọi với bạo tàn thì dầu bằng tầm vông vạt nhọn, bằng võ khí thô sơ, cũng đã làm nên một tháng Tám chói rực chân trời châu Á, một Điện Biên chấn động địa cầu, một Đồng khởi làm kẻ thù khiếp sợ và một Khải hoàn ca Ba mươi tháng Tư giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhứt nước nhà. Vậy thì điều gì làm nên sức công phá dữ dội bên trong cái vẻ thô kệch quê mùa ấy? Hình như chúng ta, lớp con cháu cầm viết hôm nay đang đứng nửa trong nửa ngoài trên cánh đồng huyền thoại ấy cũng chưa thật hiểu người nông dân cùng bối cảnh của họ một cách cặn kẽ. Rồi những năm gần đây, trước những biến động tiêu cực trong qui hoạch bừa bãi đất đai, giải tỏa, đền bù có nhiều bất công, nạn tham nhũng trầm trọng, cùng sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, đẩy những diễn biến tâm lý và tâm trạng của không ít nông dân càng thêm phức tạp, giảm sút lòng tin. Mong sao văn học khu vực và cả nước sớm có những tác phẩm mang được hơi thở trung thực nóng hổi của cuộc sống, với tầm “giải phẫu” sâu sắc nhân vật nông dân một cách phong phú, thấu đáo, không né tránh những vấn đề gay gắt, đầy tính dự báo; bình tỉnh, khách quan phân tích tận cùng các quan hệ căn nguyên của nó, góp phần lý giải một vấn đề then chốt, có thể nói là lớn nhứt của của nền kinh tế - xã hội nước ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
Tác giả giữ bản quyền.
L.C (Cần Thơ)
Nguồn: SCL online