Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN CHƯƠNG NHƯ LÀ QUÁ TRÌNH DỤNG ĐIỂN

Chu Thị Thơm
Thứ tư ngày 25 tháng 3 năm 2009 6:40 AM

(Chuyên luận của Ngô Tự Lập, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2008)
Trần Nhã Thụy, khi viết về tập truyện ngắn “Giấc ngủ kỳ lạ của ông Lương Tử Ban” (2005) của Ngô Tự Lập, nhận xét: “Lâu lắm rồi mới đọc được một tập truyện ngắn hay, thật sự có khả năng gây xáo trộn, đánh thức ý thức như “Giấc ngủ kỳ lạ của ông Lương Tử Ban” của Ngô Tự Lập. Lẽ dĩ nhiên Ngô Tự Lập không phải là một “tay mơ” nhưng không như nhiều nhà văn khác chỉ giỏi duy trì sự nổi tiếng mà tác phẩm mỗi lúc một… hụt hơi, Ngô Tự Lập biết tạo ra những “khoảng vắng” và chậm tiến đến những miền sống sinh thực, kỳ lạ, mở ý…” (“Tiếng thời gian như tiếng thở dài” – Sài Gòn giải phóng, 13-09-2005). Tôi rất muốn lặp lại những lời của Trần Nhã Thụy. Nhưng lần này là về mảng lý luận và phê bình của anh.
Trước đây, các tiểu luận (khá đa dạng về đề tài) của Ngô Tự Lập, đặc biệt là hai tập “Những đường bay của mê lộ” và “Minh triết của giới hạn” đã nhận được sự đánh giá rất cao của người đọc và đồng nghiệp. Tiểu luận của anh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của vốn kiến thức sâu rộng, cách cảm thụ tinh tế của một nhà văn và khả năng tư biện hiếm có ở các nhà văn Việt Nam. Nhưng phẩm chất ấy, một lần nữa, được thể hiện rất thành công ở ba tập sách – “Hàn thử biểu tâm hồn” (NXB Hội nhà văn), “Gương mặt kẻ khác” (NXB Phụ nữ) và “Văn chương như là quá trình dụng điển” (NXB Tri Thức) - mà anh vừa xuất bản cuối năm 2008. Mỗi tập có cái hay riêng và ít nhiều đều có thể gọi là sách “lý luận phê bình”, nhưng trong bài viết này, tôi xin chỉ nói về cuốn “Văn chương như là quá trình dụng điển” mà theo tôi là một thành tựu nổi bật của lý luận văn học Việt Nam năm 2008.
Trước hết, đây là một cuốn sách chuyên luận, bàn một cách hệ thống về một vấn đề xuyên suốt chứ không phải là tập hợp những bài tiểu luận ngắn. Theo tôi biết, có lẽ đây là lần đầu tiên có một người Việt Nam viết một cuốn sách lý luận nhằm đưa ra một cách tiếp cận tổng thể có tính triết học của riêng mình đối với quá trình sáng tạo và cảm nhận văn chương. Những cuốn sách được gọi là “lý luận văn học” ở ta trước đây thường chỉ là diễn giải hoặc mô tả các lý thuyết của nước ngoài. Cuốn sách của Ngô Tự Lập đề cập đến những vấn đề thật sự cốt lõi: Văn chương là gì? Truyện khác với thơ ra sao? Đâu là vai trò của người đọc? Có thể nghiên cứu, đánh giá và giảng dạy văn học một cách khách quan hay không? Truyện có thể không có cốt truyện và nhân vật hay không? Vai trò của vần điệu trong thơ là gì?...Cuốn sách của Ngô Tự Lập, vì thế, có thể coi là một cuốn “triết học văn chương”.
Trong lời nói đầu, Ngô Tự Lập tự coi mình thuộc trường phái Bakhtin. Anh bắt đầu bằng một chương dẫn nhập, “Từ những hệ quy chiếu bất bình đẳng đến một cách tiếp cận tổng thể”, trong đó anh đưa ra một bức tranh toàn cảnh có tính lịch sử và phê phán các quan niệm văn chương từ cổ chí kim. Mặc dù vắn tắt, chương dẫn nhập này cho thấy công phu của Ngô Tự Lập. Nó rất đáng tin cậy và có thể là một bài nhập môn rất có ích cho bất kỳ ai không có điều kiện đào sâu vào kho tàng những lý thuyết văn chương đồ sộ và phức tạp của thế giới. Từ những phân tích của mình, Ngô Tự Lập vạch ra những khiếm khuyết của các lý thuyết hiện hành và đề xuất áp dụng lý thuyết ngôn ngữ của Bakhtin, Voloshinov và Medvedev để xây dựng “một cách tiếp cận tổng thể”. Ngô Tự Lập viết: “Áp dụng vào văn chương, lý thuyết ngôn ngữ của Voloshinov và Bakhtin ngụ ý rằng bất kỳ tác phẩm nào cũng là một quá trình tương tác giữa tác giả và độc giả thông qua văn bản trong những bối cảnh cụ thể. Tác phẩm, vì thế, luôn luôn mang tính đối thoại. Ý nghĩa của tác phẩm, và chính bản thân tác phẩm, không nằm trong ý định của tác giả, hay trong văn bản, cũng không nằm trong đầu độc giả, mà là kết quả tương tác giữa tác giả và độc giả và luôn luôn phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử và xã hội. Chính vì lý do này mà một văn bản có thể, và luôn luôn, được hiểu theo những cách khác nhau bởi các độc giả khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, trong những bối cảnh khác nhau”. 
Nhưng đóng góp của Ngô Tự Lập không chỉ đơn thuần là giới thiệu và áp dụng lý thuyết ngôn ngữ của trường phái Bakhtin. Những lý giải và ý tưởng của anh nhiều và độc đáo một cách khác thường trong cuốn sách chỉ vẻ vẹn có 200 trang. Đầu tiên là sự phân biệt vô cùng tinh tế của anh giữa truyện và thơ. Anh cho rằng “sự khác nhau cơ bản giữa truyện và thơ là ở chỗ: ấn tượng thẩm mỹ mà truyện gây nên ở người đọc là ấn tượng về một quá trình, còn ấn tượng thẩm mỹ mà thơ tạo ra ở người đọc là ấn tượng về một trạng thái. Nói cách khác, ấn tượng thẩm mỹ ở truyện mang tính thời gian, còn ở thơ thì phi thời gian”.
“Làm thế nào để một văn bản trở thành thơ hoặc truyện?” – với Ngô Tự Lập, “Câu hỏi này thực chất là: làm thế nào để một văn bản tạo nên ấn tượng thẩm mỹ mang tính thời gian hoặc phi thời gian?” Để khảo sát quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn chương, Ngô Tự Lập mở rộng khái niệm điển tích. Anh định nghĩa “Điển tích là một ký ức chung của một cộng đồng người được ký hiệu hoá và có thể được dẫn chiếu đến bằng cách phát và nhận tín hiệu đó trong một hệ thống nhất định”,  và đưa ra khái niệm “điển tích cuộc sống”: “trong cuộc sống hàng ngày, có vô số những câu chuyện, sự kiện, ý tưởng...mà chỉ là chung cho những thành viên của một cộng đồng người nhất định. Đó là những ký ức chung của họ. Cũng giống như các câu chuyện tiếu lâm của đám tù nhân trong câu chuyện của Mauro, những ký ức chung trong cuộc sống cũng được tín hiệu hóa - bằng con số, tên gọi, cử chỉ, hay bất kỳ một dấu hiệu nào đó - mà để dẫn chiếu đến, người ta chỉ cần nhắc đến trong một hệ thống cho phép nhận ra nó”.
Bằng khái niệm này anh giải thích bản chất của văn chương “như là quá trình dụng điển”. Anh viết về tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao: “Cái cảm xúc mạnh mẽ của người đọc xuất hiện trước những gì xảy ra với Chí Phèo, Bá Kiến ở cuối truyện không phải do cái chết của họ, mà do những gì liên quan đến Chí Phèo và Bá Kiến người đọc đã biết trước đó. Những nhân vật này cũng như cả cái làng Vũ Đại đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người đọc. Họ đã trở thành một điển tích trong tâm trí người đọc.Vậy mà, hãy thử nhớ lại, khi bắt tay vào đọc những dòng đầu, người đọc chẳng biết gì về họ. Chỉ khi đọc tiếp, họ mới dần dần làm quen với cái làng Vũ Đại, như thể họ sống ở đó, chia xẻ với những dân cư của nó ngày càng nhiều ký ức chung. Như vậy, cái điển tích ấy chỉ hình thành trong quá trình tiếp nhận. Ở đây, tác giả tạo dựng ở người đọc, trong quá trình tiếp nhận, một điển tích tức thời, để đến một lúc nào đó có thể sử dụng, thông qua những biến cố khác nhau, thường là ở cuối truyện. Thành công của truyện không phụ thuộc vào biến cố đó, mà phụ thuộc vào mức độ thân thuộc của cái điển tích tức thời ở người đọc”.
Cũng với khái niệm “điển tích cuộc sống”, anh giải thích: “Về bản chất, làm thơ chính là một cách sử dụng điển tích đời sống cá nhân của một hay một lớp độc giả. Mỗi bài thơ là một ký hiệu ít nhiều phức tạp, cho phép dẫn chiếu đến một trạng thái tình cảm có sẵn trong ký ức người đọc. Nói cách khác, thông qua bài thơ, tác giả dẫn chiếu đến một điển tích đời sống tiểm ẩn ở những độc giả tiềm ẩn của mình”. Để phản bác quan điểm coi thơ như là sự lệch chuẩn của ngôn ngữ ngày thường, anh đưa ra một ví dụ vô cùng tinh tế: “…buổi sáng đầu năm chúng ta dậy và bóc tờ lịch đầu tiên. Con số 1 bình thường lúc ấy gợi biết bao nhiêu cảm xúc về thời gian, kỷ niệm, ước mơ, hạnh phúc...Lúc đó chúng ta đọc con số 1 đâu phải để biết ngày tháng. Chúng ta đọc để cảm nhận cuộc đời. Đó là một bài thơ vĩ đại. Tôi tin chắc rằng rất nhiều người trong chúng ta đã từng và sẽ còn xao xuyến đọc bài thơ giản dị ấy - một bài thơ chẳng hề có bất kỳ một thủ pháp bóp méo, lệch chuẩn hay quái đản nào”.
Những chương bàn về cách xây dựng điển tích tức thời (trong truyện) và kích hoạt điển tích tiềm ẩn (trong thơ) cũng đem đến nhiều điều thú vị mà khuôn khổ bài viết này không cho phép tôi bàn kỹ. Có thể người đọc không hoàn toàn đồng ý với Ngô Tự Lập, nhưng chắc chắn cuốn sách của anh có khả năng kích thích sáng tạo, hay ít nhất là buộc người đọc phải suy ngẫm về những điều tưởng chừng hiển nhiên về văn chương, ngôn ngữ và cuộc sống.
Ngoài cái hay về nội dung, cuốn sách của Ngô Tự Lập còn đáng cho chúng ta trân trọng ở thái độ nghiêm túc của tác giả. Tác giả không chỉ chú giải rất kỹ lưỡng mà còn cung cấp cả những đoạn trích bằng nguyên bản giúp người đọc có thể kiểm tra phần dịch thuật. Cùng với một thư mục tham khảo rất có ích, cuối sách còn có phân Index, cũng là cái mới trong cách làm sách ở Việt Nam.
Có thể sẽ có ý kiến tranh cãi về sự thuyết phục của một cuốn sách – công trình nghiên cứu-lý luận này, nhưng tính hệ thống, lô-gích, khoa học và phát hiện trong cuốn sách của Ngô Tự Lập đáng để chúng ta đọc, và đọc lại nhiều lần.

(Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt (20) – 14/02/2009)