Trang chủ » Tản văn

CƯ TRÚ

Nghiêm Lương Thành
Thứ bẩy ngày 4 tháng 6 năm 2011 4:54 AM
Tạp bút

 Buổi sơ giao, thường hỏi: Anh ở đâu? Đến độ thân mật hơn, lại hỏi: Quê anh ở đâu? Nếu đó là người đồng hương thì thật tuyệt! - Đồng hương xã quyến luyến hơn đồng hương huyện; đồng hương huyện thân thiết hơn đồng hương tỉnh; đồng hương tỉnh quý hóa hơn đồng hương miền … Nhưng khi đi ra nước ngoài, nếu gặp bất cứ người Việt Nam nào, cái cảm giác mừng rỡ, quý hóa, thân thiết và quyến luyến ấy liền bồng bột bật trào, không thể nào kìm nén. Tâm hồn chẳng vỗ cánh mà chợt thấy đã ở miền trẻ thơ và, nếu đúng lúc ấy, Chúa gọi đến anh ta, hẳn khả năng được lên thiên đường chắc chắn sẽ rất cao.
 Có lẽ đó là những thông tin rất quan trọng; chả trách trong lý lịch của bất cứ ai cũng có những mục buộc phải trả lời: Nơi sinh, Quê quán và Nơi thường trú.
 Quê quán thuộc vùng sâu vùng xa, nếu đang thường trú và làm việc ở thủ đô thì có nghĩa kẻ đó “chưa làm gì cho tổ quốc mà chỉ đòi hưởng thụ”; nhưng nếu quê ở Hà Nội hoặc các thành phố lớn mà đang thường trú và làm việc ở vùng sâu vùng xa thì đó đích thị là người yêu nước. Thực ra, yêu nước là thuộc tính của đại bình dân. Đại bình dân luôn tìm thấy những điều đẹp đẽ, những nét mới mẻ đến say mê trên giang sơn, tuy chưa thể gọi là gấm vóc, nhưng vô cùng thiêng liêng của mình; họ luôn ngấm ngầm bảo thủ rằng “thà làm quỷ nước Nam” chứ không bao giờ chịu nhường cho bất cứ lũ xâm lược nào dù chỉ một tấc đất. Vua Lê Chiêu Thống chí tôn chí kính thì chả dại thế. Yêu nước là loại tình cảm mang bản sắc lương tri, không tùy tiện sinh ra từ ý chí của bất cứ loại thế lực nào; nó được sinh ta từ những mạng sống khát khao tự do và thấu hiểu nỗi ô nhục của kẻ nô lệ. Có thể vì thế, chưa thấy nhà nước chính danh nào trên thế giới phản đối, đàn áp, bắt bớ hoặc làm khó cho người yêu nước.
 Thấy những người quê hương bản quán là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng bình … mà lại cư trú và làm ăn tại Thủ đô thì một số người liền nhận định: Hà Nội là vùng kinh tế mới của họ đấy. Xin hãy rộng lòng một chút, bởi Thiên nhiên vĩ đại cũng có dự phần vào việc này. Thiên nhiên đã phân phối rồi: miền quê nào cũng có kẻ hay người dở. Thiên nhiên đã ban cho tất cả mọi người rồi: Quyền tự do cư trú. Thực ra, dân ở các tỉnh miền trung, truy đến cùng, khởi thủy cũng từ đồng bằng châu thổ sông Nhị Hà mà ra. Liệu có thể nói Miền Nam là vùng kinh tế mới của dân miền Bắc? và châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ … là vùng kinh tế mới của người Việt Nam? Cũng xin đừng quá nghiêm khắc như thế.
 Từ ngàn xưa, thuở chưa có hiến pháp, quyền tự do cư trú của người dân đã được mặc định thừa nhận như một tất yếu lương tri. Như bất cứ kinh kỳ nào trên trái đất, Thăng Long thời nào cũng là đất quần tụ của những anh tài quái kiệt. Anh tài trong mọi lãnh vực. Quái kiệt một cách bách khoa. Dân Làng Cá bên dòng Nhị Hà thuở ấy cùng những qui nhân, xuyên thời gian, đến từ mọi miền đã làm nên một tổng thể Thăng Long như ngày nay chúng ta vẫn thường xúc động ngợi ca với đủ loại phức trạng tình cảm.
 Phàm những chỗ nào cây cối xanh tươi mướt mát, có nhiều chim lành đến tụ hội, nơi ấy tất là đất phát ra nhiều sinh khí. Tục ngữ bảo: Đất lành chim đậu. Vùng Thọ Xuân, Thường Xuân của xứ Thanh là những nơi như vậy. Riêng cái nghĩa của địa danh cũng đã khiến người nghe phải say mê ngưỡng mộ rồi. Đấy cũng chính là cơ sở tâm linh để Lê Lợi chọn đất Lam Sơn làm căn cứ phát động cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Cuộc kháng chiến thắng lợi và, từ bấy, người dân miền trung quật cường xứ Thanh ấy đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam. Từ xửa xưa, thuở chưa có hiến pháp, quyền tự do cư trú của người dân đã được mặc nhiên thừa nhận như một tất yếu lương tri. Như bất cứ kinh kỳ nào trên trái đất, Thăng Long bao giờ cũng là đất quần tụ của những anh tài quái kiệt. Anh tài trong mọi lãnh vực. Quái kiệt một cách bách khoa. Dân Làng Cá bên dòng Nhị Hà thuở ấy cùng những qui nhân đến từ mọi miền đã làm nên một tổng thể Thăng Long như chúng ta vẫn thường xúc động ngợi ca với đủ loại phức trạng tình cảm.
*
 Câu chuyện về con cá gỗ của người Nghệ An có thực không ? Nếu có thực, Nghệ An đích thị là xứ sở của những con người khéo tay và có đầu óc nghệ thuật cùng điệu ví dặm có sức mạnh làm say mê cả những tâm hồn queo quắt nhất. Con cá gỗ ấy đã được sáng tạo ra dưới hình thức cá rán, giống y thư thật, giống đến nỗi người chủ nhà phải đem nước mắm ra đãi vị nho sinh xứ Nghệ. Và chính người chủ của con cá đó cũng tìm được cảm hứng để nuốt trôi ngon lành miếng cơm đạm bạc; họ quyết và rất biết cách ăn để sống. Nghèo thì tất phải kiệm. Kiệm để sống..
 Để sống? Phải, với họ, chắc chắn là để sống! Sống để lao động, để học hành, để đùm bọc nhau; sống mà nuôi chí. Sống để cung cấp cho đất nước nhiều học giả, danh nhân và những nhà cách mạng xả thân vì nước với biết bao đóng góp trí tuệ và xương máu. Nếu chuyện đó có thật, Con Cá Gỗ hẳn đã trở thành một linh vật.
 Lý do gì đã làm nên điều kỳ diệu ở dải đất miền trung ấy?
 Do nghèo khó? – Quả thực, nghèo khó cũng là một động lực hun đúc nên ý chí và sức bật. Nhưng trên đất nước này sự nghèo khó đâu chỉ có riêng mấy tỉnh miền trung đó? Mà nếu thế thì, không còn nghi ngờ gì, tất sẽ phải có khẩu hiệu: Nghèo khó muôn năm ! - Không được! Như thế là đi ngược lại chủ trương xóa đói giảm nghèo, là chơi trò ngoáy mũi lêu lêu với chiến lược tự cường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nhà nước. Nhảm.
 Thế thì nguồn cơn là từ đâu?
 Nghe các cụ già nói, từ thời Hậu Lê, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn là miền đất mới khai phá, gọi là đất trại. Người ở miến đất ấy thi cử đỗ trạng cũng gọi là trạng trại. Đất trại thường là nơi lưu đày các phạm nhân mang trọng tội, là nơi những người dân đồng bằng bắc bộ thiếu đất canh tác đến khai phá lập cư, là nơi ẩn náu của các sĩ phu cùng gia đình, tránh những cuộc truy sát, trả thù đẫm máu sau những biến động về chính trị.
 Phạm nhân thường có hai loại. Loại thứ nhất là tội phạm hình sự thông thường. Loại này có đặc tính nổi bật là táo tợn, táo bạo và không ngại nguy hiểm, không sợ sự biến động. Họ là những người khác thường. Loại thứ hai là tù nhân chính trị hoặc là những người tử tế và có tài, bị vu oan để thanh trừng. Họ là những người ưu tú.
 Những người đi khai phá, ngoài sự táo bạo, dám làm, không ngại khổ, không sợ biến động còn có cả niềm vui và niềm kiêu hãnh của kẻ đi chinh phục. Họ là những người ưu tú.
 Các sĩ phu là bộ phận những người có học vấn cao, được giáo dục kỹ lưỡng (kể cả quá trình tự giáo dục), thạo việc quản trị xã hội, thấm nhuần những tư tưởng và đạo lý Nho Giáo, Phật giáo - hai dòng triết học cao thâm nhất thời bấy giờ. Lớp người này đem vào vùng đất mới những nguồn gien ưu tú trong chính bản thân họ mà làm ăn, sinh sôi, phát triển mãi cho đến tận ngày nay.
*
   Tại sao có những đất nước chẳng có mống ngoại bang ngoại tộc nào tìm cách đến cư trú?
 Dân Trung Quốc có mặt ở hầu hết các nước phồn vinh trên trái đất. Tại sao dân của họ dứt áo, bỏ xứ ra đi nhiều đến thế? - Khi ra đi, họ là những kẻ vượt biên phản quốc. Khi về họ là những người yêu nước hoàn toàn có thể định lượng được. Điều này có vẻ không thể hiểu nổi. Thực tế, họ là khối sức mạnh khó có thể lường hết của người Trung Hoa.
 Họ ra đi vì điều gì?
*
 Có một người châu Âu từng nói: Ở đâu có tự do, nơi ấy là tổ quốc tôi.
 Còn Pê-Tô-Phi thì lãng mạn hơn một chút:
Tự do và ái tình
Vì các người ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Ta hiến cả đời ta
Vì tự do muôn đời
Ta hy sinh tình ái.
 Chẳng thà cứ nói: Không có hạnh phúc nào bằng được sống tự do và sáng tạo trên chính đất nước của mình.
NLT
03/06/2011